536 LÀ NĂM TỒI TỆ NHỨT ĐỂ SỐNG — CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA?

by admin

Thế kỷ 6 Công Nguyên tự hào đóng góp nhiều sự kiện, con người đặc biệt vào trong dòng chảy lịch sử. Tuy nhiên, có một con cừu đen trong đàn, và nhiều sử gia đồng ý rằng, không phải 2012, mà năm 536 mới làm một năm đại họa đặc biệt nặng nề tới độ bi kịch trong lịch sử. Đó lại phần tệ nhứt của “Kỷ Tăm tối”.

Nhiều người gọi thời Trung Cổ là “Kỷ Tăm tối” nhìn chung có vẻ hơi làm quá về thời kỳ này, nhưng trên thực tế, các nhà khoa học và sử gia gần đây đã xác định thời điểm tồi tệ nhứt để sống, lại là một năm trong giai đoạn này. Trên khắp thế giới, từ Châu Âu tới Châu Á tới Nam Mỹ, nền văn minh bị đình trệ khi nhân loại đối mặt với những khó khăn do các thiên tai khủng khiếp gây ra.

Dịch bệnh, nạn đói, và thiên tai đều đổ dồn vào năm 536, cũng như những thay đổi chánh trị và biến động văn hóa xã hội. Sống ở Châu Âu thời Trung Cổ thì không dễ dàng gì, và năm 536 lại đặc biệt khó khăn để sống còn.

1/. SƯƠNG MÙ GIĂNG KHẮP CHÂU ÂU VÀ ĐỊA TRUNG HẢI TRONG NHIỀU THÁNG

Sử gia Byzantine Procopius từng là cố vấn quân sự cho Tướng Belisarius, một trong các chỉ huy mà Hoàng đế Byzantine tin tưởng nhứt. Procopius từng đồng hành với Belisarius khi ông mở chiến dịch vào xứ Ba Tư những năm 520 và vào Sicily năm 536. Ông ghi chép lại một “điềm xấu” xảy ra vào năm đó như sau:

“Vì mặt trời tỏa nắng nhưng không có độ sáng, giống như mặt trăng, trong suốt cả năm này, và dường như cực kỳ giống mặt trời nhựt thực. Và kể từ khi điều này xảy ra, nhân loại không bị chiến tranh, dịch bệnh hay bất kỳ điều gì khác dẫn tới cái chết”.

Procopius không phải là người duy nhứt ghi chép lại năm đen tối 536. Michael Người Syria, quan thơ lại Byzantine, chép lại rằng, “Nhựt thực suốt 18 tháng. Chỉ có ánh sáng khoảng 3 tiếng vào buổi sáng, nhưng ánh sáng lại không giống như ban ngày”.

Cac cảo bản khác từ người dân Địa Trung Hải lưu ý rằng có đám mây hay bụi mây che khuất mặt đất trong nguyên năm 536. Khi các chuyên gia khoa học xem xét lại thời đại này, họ phát hiện ra bằng chứng về một vụ phun trào núi lửa lớn có thể phủ tro bụi trên toàn cầu. Sương mù đã được chứng tỏ là một thảm họa cho người dân Châu Âu.

2/. CÙNG VỚI BÓNG TỐI LÀ NẠN ĐÓI

Tac động của bóng đêm phủ khắp gây tác hại nặng lên nền nông nghiệp trong năm 536 (và những năm tiếp theo). Không có mặt trời, hạt giống không đâm chồi, nhiệt độ giảm xuống khoảng 1,6 tới 2,5⁰C, và các nền văn minh khắp thế giới chỉ sản xuất đủ lương thực để tồn tại. Michael Người Syria miêu tả lại khung cảnh, “Trong năm đó, cây không ra hoa kết quả, đất đai cằn cỗi, người người bệnh tật”.

Tình trạng khan hiếm cây trồng kéo dài từ Ireland tới Lục địa Châu Âu, qua Châu Á tới Trung Hoa ngay sau vụ phun trào núi lửa năm 536. Sự kiện này khiến nhiệt độ lạnh hơn kéo dài trong nhiều thập kỷ.

3/. DỊCH BỆNH CÀN QUÉT ĐẾ CHẾ BYZANTINE

Bụi mây mù không phải là vấn đề duy nhứt khiến cho năm 536 mang cái danh năm đại họa. Procopius đề cập tới một căn bệnh dịch theo sau bóng đêm năm 536, và Michael Người Syria đã viết về cảnh đổ nát quét qua Đế chế Byzantine, “Một trận dịch không đoán trước được theo sau bắt nguồn từ thành Constantinople, vào ngày đầu tiên giết chết 5000 người, ngày thứ 2 là 1 vạn, ngày thứ ba là 1 vạn 5 ngàn, và ngày thứ 4 là 1 vạn 8 ngàn người — các số liệu được báo cáo lên Hoàng đế. Họ đếm được tới 30 vạn người …rồi sau đó không đếm nổi nữa”.

Không ai né được dịch bệnh, khi “nó tấn công tầng lớp bình dân, sau đó là tới giới thương gia và giới quý tộc, Hoàng Thành cũng không tránh khỏi bị dịch tấn công”. Triệu chứng bệnh là “bắt đầu bằng một vết [bớt] trong lòng bàn tay, và phát triển cho tới khi người bệnh không thể bước được một bước. Chân sưng tấy, sau đó nổi mụn nước và chảy mủ”.

Dịch bệnh trong thành Constantinople khiến “thành phố bắt đầu bốc mùi hôi thối [từ những người chưa được chôn cất] và vì vậy [họ] bị ném xuống biển, nhưng các thi thể vẫn tiếp tục nổi lên”. Hoàng đế Justinian ra lệnh đưa thi thể ra khỏi thành, nhưng “thường là chính những người mang [bị đổ bệnh] trên đường phố”.

Tuy nhiên, mọi thứ dường như càng tệ hơn ở phần còn lại của đế chế, “Dịch bệnh lan sang Ai Cập nơi một thành phố đã bị xóa sổ: chỉ còn 7 người đàn ông và 1 cậu bé còn sống ở đó. Khi họ đi lang thang quanh thành phố, đột nhiên 7 người đàn ông ngã ngay tại chỗ. Sau đó, cậu bé nhìn thấy thiên sứ của Thiên Chúa trong lốt một ông già. Thấy đứa trẻ khóc, thiên sứ đuổi nó ra khỏi thành và nói: ‘Hãy đi ngay và đừng khóc, vì hình phạt này là sự trả giá cho tà đạo và tội lỗi’”.

Dịch bệnh Justinian, vào đầu những năm 530 và giữa thế kỷ 8, đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người trong Đế chế Byzantine.

4/. TUYẾT MÙA HÈ Ở TRUNG HOA VÀ LƯỠNG HÀ

Khoảng năm 536, khí hậu ở Trung Hoa trải qua một số thay đổi kỳ lạ. Bộ “Nam Sử” của Lý Diên Thọ chép lại rằng có một chất giống như tro màu vàng từ trên trời rơi xuống. Thành phần chính xác vẫn chưa rõ, nhưng các cảo bản mô tả nó là chất bẩn hoặc bụi có thể “nắm trong tay”. Chất này xuất hiện 3 lần vào cuối những năm 530.

Vào năm sau còn có tuyết mùa hè. Bộ “Nam Sử” còn chép rằng băng giá vào giữa mùa hè kèm theo tuyết vào tháng 8, khiến mùa màng ở Khâm Châu và các tỉnh khác bị hủy hoại. Kết quả là nạn đói trên diện rộng kéo dài khoảng 2 năm gây thiệt hại tới khoảng 70-80% dân số.

Các cảo bản còn bổ sung thêm tuyết mùa hè ở Lưỡng Hà, và khi mùa đông tới “là một thời kỳ khắc nghiệt, tới nỗi do lượng tuyết lớn đã khiến các loại gia cầm chết hàng loạt”.

5/. NGƯỜI SCANDINAVIA RỜI BỎ HÀNG LOẠT THÀNH THỊ

Trong thế kỷ 6, nhiều ngôi làng ở miền Đông và miền Trung Thụy Điển bị bỏ hoang. Lý do vẫn chưa rõ ràng, nhưng “bụi mây” năm 536 và nạn đói sau đó chắc chắn đã ảnh hưởng tới hành vi của người Scandinavia.

Trước bằng chứng về vụ phun trào năm 536, các nhà lý luận tin rằng một thiên thạch rơi xuống có thể gây ra sự tàn phá như vậy. Bằng chứng cho thấy các ngôi làng bị bỏ hoang là do cháy nhà hàng loạt, cho thấy việc di dời không nằm ngoài nghi vấn.

Truyện cổ Bắc Âu là Fimbulwinter kể về một mùa đông kéo dài 3 năm xảy ra trước ngày tận thế Ragnorök. Có thể câu chuyện về mùa đông kéo dài gắn liền với bóng tối kéo dài hiện diện trong thế kỷ này.

6/. BIÊN NIÊN SỬ GIA AI LEN CHÉP LẠI TÌNH TRẠNG THIẾU BÁNH MÌ TRÊN DIỆN RỘNG

Các nhà sư ở Ai Len trong thế kỷ 6 lưu ý tới những vụ mất mùa xung quanh họ, đã thúc đẩy các nhà sư không chỉ sao chép các bản cảo hiện có mà còn lưu giữ các bản ghi chép về thế giới xung quanh. Biên niên sử Ulster chép lại “tình trạng thiếu bánh mì” từ năm 536 tới năm 539.

Ulster, ở phía Bắc Ireland và Inisfallen, nằm ở phía Nam, đều gần Iceland, nơi một số chuyên gia cho rằng núi lửa năm 536 đã kích hoạt sương mù.

7/. NGƯỜI TA SỢ BẦU TRỜI ĐEN

Đây là thời kỳ mà hiểu biết về khí tượng học còn hạn chế và không có phương tiện trao đổi thông tin, chẳng hạn như một vụ phun trào, cho thế giới nói chung. Do đó, lớp sương mù khiến nhiều người phải đi tìm hiểu nguồn gốc của nó. Sử gia La Mã Cassiodorus nhấn mạnh đám mây bụi gây khó chịu dường như đeo bám ông và mọi người trong hơn một năm. Ông viết một lá thư cho người cộng sự của mình kể về những thay đổi mà ông đã chứng kiến ​​vào giữa thế kỷ thứ 6:

“Năm nay rất kỳ lạ. Chúng ta đã có một mùa đông không có bão tuyết, một mùa xuân không ôn hòa và một mùa hè không nóng nực. Khi nào thì chúng ta mới có thể thu hoạch, vì bắp chín ở Boreas đều bị đóng băng? 2 ảnh hưởng này, sương giá kéo dài và hạn hán trái mùa, hẳn là bất lợi cho vạn vật sinh trưởng. Các mùa dường như đều lộn xộn, và trái cây không thể ra trái bởi vì đất đai khô cằn …. Bầu không khí nằm giữa tuyết rơi khắc nghiệt và ánh Mặt Trời hiếm hoi”.

8/. NÚI LỬA PHUN TRÀO LIÊN TỤC

Các vụ phun trào núi lửa ở Iceland vào năm 540 và 547 đã góp phần vào bóng tối chung của thời đại. 3 vụ phun trào cùng nhau dẫn tới cái mà các học giả gọi là Tiểu Kỷ Băng hà Hậu Cổ Đại. Tiểu Kỷ Băng hà này đã làm nguội hành tinh trong ít nhứt một thập kỷ, nếu không muốn nói là lâu hơn. Kết quả là mất mùa và đói kém, dẫn tới các quần thể ngày càng thu hẹp, con người dễ mang bệnh tật.

Dựa trên tro núi lửa được phát hiện ở cả lõi băng phía Bắc và phía Nam, một số học giả cho rằng một ngọn núi lửa phun trào ở El Salvador vào năm 535 hoặc 536 đã khởi đầu cho Tiểu Kỷ Băng hà. Gần San Salvador, núi lửa Ilopango — hiện nay là một hồ nước miệng núi lửa — cũng phun trào vào giữa thế kỷ 6. Vụ phun trào trùng với kỷ “Gián đoạn” trong nền văn minh Đế chế Maya, thời kỳ này dân số và các hoạt động xây dựng đều giảm sút. Những người khác tin rằng núi lửa phun trào ở Bắc Mỹ trong những năm 530 mang theo đám mây khổng lồ treo lơ lửng trên bầu trời Bắc và Tây Âu.

Ngay cả khi núi lửa Ilopango, núi lửa Bắc Mỹ hoặc bất kỳ sự kiện núi lửa phun trào nào khác không đủ lớn để phủ tro bụi ở Tây bán cầu, thì những sự kiện này đã góp phần tạo nên bóng tối bao trùm giữa thế kỷ 6.

9/. NĂM 536 CHÁNH THỨC KHÉP LẠI VẬN MỆNH CỦA ĐẾ CHẾ LA MÃ

Tới thế kỷ 6, Đế chế La Mã đã chuyển dời tới thủ phủ phía Đông là Constantinople. Dưới sự cai trị của Hoàng đế Justinian, Đế chế Byzantine nỗ lực dành lại ánh hào quang từ Đế chế La Mã cũ. Justinian điều các tướng lãnh tới phía Tây, trong đó có Belisarius, để chiến đấu với người Goth, người Carthage, người Vandal, trong suốt những năm 530. Justinian thất bại trong việc duy trì lợi ích mà Belisarius đạt được do bất ổn và nổi dậy liên tục bên trong đế chế.

Với sự bùng nổ của bệnh dịch vào năm 541, Đế chế Byzantine thiệt hại từ ​​35% đến 55% dân số. Điều này không chỉ làm suy yếu nền kinh tế, mà còn dẫn tới biến động xã hội, thất bại quân sự và suy giảm chức năng hành chánh. Đế chế Byzantine không bao giờ hồi phục hoàn toàn sau những vụ mất mùa, dịch bệnh và xung đột do các sự kiện năm 536 gây ra.

Ở phía Tây, đế chế từ lâu đã bị chia cắt thành các vương quốc riêng lẻ do các vị vua người German khác nhau kiểm soát. Người Anglo, người Saxon, người Frank, người Ostrogoth, người Visigoth, người Vandal, và các sắc tộc khác tiếp tục chiến đấu tranh dành lãnh thổ, dành quyền lãnh đạo tập trung và lợi ích kinh tế. Khi vụ phun trào núi lửa năm 536 xảy ra, đó chính là thời điểm vận mệnh Đế chế La Mã cũ chánh thức khép lại.

10/. NỀN VĂN MINH MOCHE Ở PERU CHỊU ĐỰNG NẶNG NHỨT TRONG NĂM 536

Nền văn minh Moche từng thống trị duyên hải phía Tây Nam Mỹ, đóng góp lớn vào di sản văn hóa và kinh tế trong khu vực. Người Moche là những ngư dân ham học hỏi và thông thạo việc tưới tiêu để trồng nhiều loại cây khác nhau, bao gồm cả đậu và bắp.

Nền nông nghiệp phát triển đã hỗ trợ các khu định cư như tên gọi Moche của nền văn minh này, nhưng một chu kỳ El Niño vào giữa thế kỷ 6 khiến nước ấm tới mức quần thể cá biển không thể duy trì được nữa. Lũ lụt và mưa lớn đã phá hủy mạng lưới thủy lợi, khiến người dân không thể trồng đủ lương thực. Nạn đói và khí hậu hỗn loạn kết hợp với sự lãnh đạo kém hiệu quả và nền văn minh của người Moche không bao giờ có thể quay lại như trước kia được nữa.

Ban đầu, các sử gia tin rằng El Niño, đôi khi được gọi là “Siêu cấp El Niño”, có thể được khởi động bởi một vụ phun trào núi lửa, rất có thể là núi lửa Krakatoa ở Nam Dương.

*VĨ THANH

Khi các học giả tìm kiếm câu trả lời về kinh tế, tiền đúc và việc sử dụng kim loại trong thế kỷ 7, họ phát hiện nhiều tư liệu khảo cổ dẫn tới một kết luận u ám: Năm 536 không chỉ là năm tồi tệ nhứt để tồn tại, mà nó chỉ là khởi đầu của một số sự kiện thực sự khủng khiếp nữa. Tuy nhiên, họ cũng đã phát hiện ra thời điểm mọi thứ bắt đầu cải thiện đối với nhân loại.

Theo các mẫu vật phát hiện trong lõi băng, chì xuất hiện trong bầu khí quyển vào khoảng năm 640. Điều này cho thấy rằng nhân loại đã bắt đầu sản xuất bạc để làm vật liệu trao đổi tiền tệ. Đối với các chuyên gia, sự ra đời của bạc có nghĩa là mọi người muốn có nhiều tiền đúc hơn, cho thấy triển vọng kinh tế được cải thiện. Và bài sau sẽ nói về việc thế giới phục hồi thế nào sau năm đại họa 536./.

Jason Ho

You may also like

Leave a Comment