Ngày 4 tháng 8 năm 1578, 3 vị vua thiệt mạng trong một trận đánh trên đồng bằng duyên hải phía Tây Bắc Morocco, làm thay đổi định mệnh của 2 quốc gia thuộc Địa Trung Hải.

by admin

Morocco bị chia cắt về mặt chánh trị vào đầu những năm 1500, quốc gia này giống như là một khu vực địa lý hơn là một chánh thể thống nhứt. Người Bồ Đào Nha kiểm soát mọi cảng dọc theo Đại Tây Dương ở Morocco, trong khi các thị tộc Hồi giáo kiểm soát hoạt động thương mại của các đoàn lữ hành xuyên qua Sahara. Tình trạng này thay đổi vào năm 1508 khi người Bồ Đào Nha mở rộng đế chế thương mại của họ sang ngành lữ hành trong lục địa. Việc này đe dọa tới quyền tự chủ và sự thạnh vượng của các thị tộc nội địa, và họ bắt đầu hồi đáp. Các thị tộc ở Dãy Atlas phía Nam bắt đầu thống nhứt lại dưới sự lãnh đạo của Mohammed Cheikh, trưởng tộc Beni Saad. Lực lượng thống nhứt này gọi chung là người Saad. Họ ngay lập tức tiến hành gây chiến với những người đồng đạo Hồi lẫn người Bồ Đào Nha để dành quyền kiểm soát Morocco. Cho tới năm 1549, người Saad, lúc này dưới quyền lãnh đạo của Mohammed ash-Sheikh, mở rộng quyền kiểm soát đối với vùng đất này. Ông tuyên bố thành lập Vương quốc Hồi giáo Morocco, tự mình ngồi ngai Sultan.

Vương quốc Hồi giáo mới thành lập này không tồn tại được lâu khi một cuộc khủng hoảng xảy ra làm rung chuyển cả vương quốc. Đệ nhị Sultan của Morocco, Abdallah al-Ghalib Billah, bẻ gãy truyền thống bằng cách chọn con trai mình làm người thừa kế, trái ngược với anh cả. Để ngăn chặn tranh dành quyền kế vị, Abdallah nỗ lực tiêu diệt những người anh em của mình. Để trốn ám sát, những người anh em này chạy đến vùng đất do người Ottoman kiểm soát ở phía Đông. Năm 1575, người anh cả, Abd al-Malik, trở về nhà sau khi lưu vong. Trải qua nhiều năm phục vụ trong quân đội Ottoman, Abd al-Malik đã trở thành một người lính dày dạn kinh nghiệm và có khả năng chỉ huy. Với một đội quân hùng hậu, ông nhanh chóng đoạt lại ngai vàng từ Sultan Abu Abdallah Mohammed II, và tự mình lên ngai.

Abu Abdallah ngay lập tức phát động chiến tranh du kích chống lại bác mình nhưng thất bại, phải đi cầu viện các thị tộc khác. Không từ bỏ hy vọng, Abu cầu viện luôn người Bồ. Vua Bồ Đào Nha là Sebastian I háo hức nắm lấy ngay cơ hội. Năm 1577, khi mới vừa tròn 23 tuổi, Vua Sebastian đang tìm kiếm vinh quang riêng cho mình, nhưng mặt khác ông vẫn cần trợ giúp. Sau khi mượn một hạm đội và 5000 lính từ chú mình là Vua Phillip II của Tây Ban Nha, vị vua trẻ lên đường. Bầy chấp lời đề nghị giúp đỡ cháu mình, Phillip vẫn đang cố môi giới một thỏa thuận giữa Bồ Đào Nha và Morocco. Ông đề nghị Sebastian nên tìm cơ hội liên minh với Morocco để đổi lấy một số lãnh thổ, vị vua trẻ trả lời rằng ông muốn chiếm thành nhỏ Larache bằng vũ lực hơn là chiếm thành lớn Fez bằng thương lượng. Vua Phillip, người đứng thứ 2 cho ngai vàng Bồ Đào Nha vì Sebastian không có người thừa kế, khi nghe thấy tham vọng quân sự của cháu mình, đã nói rằng:

“Tốt thôi, nếu hắn thành công, ta sẽ có một đứa cháu kiệt xuất, còn nếu thất bại, ta sẽ có được một vương quốc tuyệt vời”.

Với một đội quân hơn 2 vạn người bao gồm lính Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và thậm chí là Đức, Vua Sebastian khởi hành lên đường tới Bắc Phi vào mùa hè năm 1578. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho cuộc xâm lược của Sebastian rất tồi tệ, quân đội của ông thiếu gắn kết và thiếu kiên nhẫn. Ngoài việc không có chuẩn bị gì nhiều, hầu như không có bất kỳ kế hoạch nào khác ngoài việc chiếm thành phố cảng Larache. Mặt khác, đối thủ của ông, Sultan Abd al-Malik, đang bận rộn cải tổ quân đội và tập hợp một đội quân lớn. Vào tháng 7, người Bồ cập bờ ở Arzila, ngay phía Bắc Larache, và chờ đợi đội quân còn lại xuất hiện. Sau khi phải hứng chịu một đợt tấn công và phải rút lui, vị vua trẻ người Bồ Đào Nha quyết định tiến quân vào đất liền và bắt đầu một trận đánh quyết định. Bất chấp những lời cảnh báo từ các tướng lãnh và có thể bị vượt trội về mặt quân số, nhà vua vẫn nhứt quyết hành động.

Sau một cuộc hành quân dài xuyên qua cái nóng cuối tháng 7, quân đội của Vua Sebastian bắt đầu thấm mệt, vì người Morocco áp dụng chiến thuật tiêu thổ trước cuộc tiến công của người Châu Âu. Khi Sebastian giáp mặt với đối thủ của mình vào đầu tháng 8, ông may mắn phát hiện thấy 2 con sông mà khi kết hợp lại, tạo thành một vành đai phía Nam chắn giữa mình và Sultan. Chỉ với một số ít chỗ có thể băng qua, các con sông đã ngăn cản người Morocco trong việc đối mặt với người Bồ. Trong một hành động liều lĩnh, vị vua trẻ băng qua con sông đầu tiên để tới được một vùng đồng bằng phía Nam nơi hợp lưu của 2 nhánh sông là Makhazen và Loukkos. Trên thực tế, vượt qua các con sông quá nguy hiểm, pháo binh của Sebastian mắc kẹt ở bờ đối diện của sông Makhazen cho tới tận ngày hôm sau. Khi dựng trại, ông vẫn còn cách nơi hợp lưu với Loukkos vài dặm, ở đó ông chứng kiến được toàn bộ 5 vạn quân Morocco hùng mạnh đang đợi.

Vị Sultan, tuy đang lâm bệnh nặng nhưng vẫn đọc một bài phát biểu trước quân đội của mình vào chiều ngày 3 tháng 8, rằng:

“Hãy chống lại kẻ thù bằng lòng dũng cảm, vì ta chiến đấu cho những gì cao quý nhứt. Chiến đấu để bảo vệ gia đình, bảo vệ quyền tự do, bảo toàn mạng sống, có được danh dự, và dù sống hay chết, đều dẫn tới Thiên đàng!”

Quân đội của Sultan dàn trận theo hình lưỡi liềm, đối diện với trại của người Bồ. Sau khi triệu tập hội đồng chiến tranh, vị vua trẻ quyết định mở đợt tấn công vào ngày hôm sau. Vào ngày 4 tháng 8, người Bồ, cùng với một số đồng minh người Morocco dưới sự chỉ huy của vị Sultan bị lật đổ, tiến theo đội hình giống như hình vuông. Người Bồ mở đợt tấn công trực diện vào trung quân Morocco, với bộ binh được trang bị thương dài đã đạt được thành công. Còn kỵ binh Bồ Đào Nha sớm tấn công vào cánh phải của quân Morocco, cố làm dãn đội hình. Cuộc tấn công này rất tàn khốc, khiến kỵ binh Morocco ở bên sườn đó phải rút lui. Người Bồ chuyển sang sử dụng bộ binh Hồi giáo bị trục xuất, cày nát phòng tuyến đối phương. Sau thành công ban đầu, kỵ binh Bồ Đào Nha tập hợp lại chống đỡ đợt phản công từ lực lượng dự bị của phe Morocco. Ở bên cánh đối diện, một đợt tấn công khác của kỵ binh Bồ Đào Nha đạt được thành công cho tới khi một cuộc phản công có tổ chức khác của lực lượng dự bị mới đẩy lùi được họ.

Khi người Bồ mở đợt tấn công vào cánh phải của mình, vị Sultan ốm yếu lên ngựa để tập hợp kỵ binh đang rút lui lại. Tuy nhiên, ông bị bệnh quá nặng và dưới cái nóng mùa hè, ông gục xuống và chết. Đã đoán trước khả năng ra đi của Sultan, người Morocco có chuẩn bị sẵn người kế nhiệm, sẵn sàng nắm quyền chỉ huy, cho nên hậu quả là không đáng kể. Ở phía bên kia, Vua Sebastian anh dũng xông vào trận đánh. Di chuyển tới những chỗ khủng hoảng khi cần thiết, vị vua trẻ luôn tất bật với việc tập hợp lại quân đội. Bất chấp thất bại về mặt chiến thuật, Vua Sebastian đã chiến đấu kiên cường bên cạnh người của mình.

Vị Sultan bị phế truất là Abu Abdallah đã bỏ chạy khỏi chiến trường sau khi bị đánh trả. Khi cố gắng vượt sông, ông ngã ngựa và do không biết bơi, nên ông chết đuối dưới dòng nước xiết. Do đó trên sân khấu chỉ còn lại một vị vua vẫn đang chiến đấu với người của mình. Vào cuối trận đánh, 2 cánh của Bồ Đào Nha đều bị tổn thương tới mức một con đường rút lui có nguy cơ bị cắt đứt. Bị bao vây hoàn toàn, khi được một quý tộc hỏi rằng còn đường thoát nào không, Vua Sebastian đã trả lời rằng:

“Thiên đàng, nếu ta xứng đáng với nó sau những hành động của mình!”

Với những lời cuối này, Vua Sebastian xông vào hàng ngũ của người Morocco, rồi từ đó không ai thấy ông nữa.

Cuối trận đánh, chỉ còn khoảng 100 lính Bồ có thể chạy thoát được. Do không có người thừa kế, ngai vàng Bồ Đào Nha được truyền cho một người khác, người này cũng qua đời 2 năm sau đó mà cũng không có người thừa kế. Do đó, vào năm 1580, Vua Phillip thừa kế ngai vàng Bồ Đào Nha. Bất chấp việc mất đi Sultan, Morocco nổi lên như một vương quốc được cả Châu Âu tôn trọng. Người dân Morocco đã tạo dựng nên một bản sắc dân tộc trong những thế kỷ tới khi họ thường xuyên chiến đấu chống lại hết kẻ xâm lược này tới kẻ xâm lược khác. Các biên niên sử gia Châu Âu đặt tên cho trận này là Trận Tam Vương, chứng kiến ​​sự xuất hiện chánh thức trên “sân khấu thế giới” của Morocco, cùng với đó là ​​sự sụp đổ của Bồ Đào Nha với tư cách là một cường quốc. Số phận của cả 2 quốc gia đều thay đổi dưới cái nắng gay gắt của tháng 8, một cái thì vươn lên rực rỡ, một cái thì thất bại sụp đổ./.

Jason Ho

You may also like

Leave a Comment