Phần này sẽ nói về những nhân tố ngoại cảnh tác động gây nên sự sụp đổ của 108 anh em Lương Sơn Bạc
- 4 tên gian thần Cao- Sái- Dương- Đồng
4 tên gian thần có vai trò trực tiếp quan trọng trong việc phá hoại tổ chức Lương Sơn Bạc là Cao Cầu ( Thái Úy), Sái Kinh ( Thái Sư), Đồng Quán ( Chánh Sứ Khu Mật Viện ) và Dương Tiễn ( Tổng Quản)
Trong số đó 2 người có thâm thù đại hận nhất với anh em Lương Sơn Bạc là Cao Cầu ( em trai Cao Liêm bị Lương Sơn sát hại), Sái Kinh ( con gái vợ Lương Trung Thư bị chết trong đám loạn quân, khi anh em Lương Sơn công đánh Đại Danh Phủ). Vì thế trong phần Thủy Hử, chúng ta thường thấy rõ rệt nhất là vai trò của Cao Cầu ( cử Hô Duyên Chước và Lăng Chấn đánh Lương Sơn), Sái Kinh ( cử Quan Thắng đánh Lương Sơn), đến phần Hậu Thủy Hử mới xuất hiện thêm Đồng Quán và Dương Tiễn. Đồng Quán vì bị Lư Tuấn Nghĩa bộ tướng năm xưa của mình đả bại nên cũng cay cú, còn Dương Tiễn là chỉ là theo đóm ăn tàn.
Mở đầu Thủy Hử, Thi Nại Am không viết về anh em Lương Sơn ngay mà lại mở đầu bằng câu chuyện của Cao Cầu, tại sao vậy, bởi vì xuất thân của Cao Cầu giống đa phần anh em Lương Sơn Bạc khi đó, xuất thân hạ dân ti tiện, nhưng điểm khác ở chỗ y biết cách thăng tiến nhờ vào tài lẻ và khôn vặt còn anh em Lương Sơn thì không. Mục đích của Thi Nại Am, một phần đá xoáy vào xã hội loạn li đầy rẫy những kẻ tiểu nhân lúc đó, mặt khác ám chỉ sự giả dối mị dân của những kẻ cầm đầu như Tống Giang và Ngô Dụng khi vẽ ra cái trò Thất Tinh Tụ Hội đi cướp Sinh Thần Cương, rồi 36 Thiên Cang Tinh, 72 Địa Sát Tinh, 108 vì tinh tú sum họp tại bến nước Lương Sơn là ý trời J))
Thủ đoạn mà 4 tên gian thần này phá hoại anh em Lương Sơn này có lẽ mọi người đa phần đọc truyện cũng đã thấy, chúng dùng con bài chiêu an để lợi dụng 108 anh em Lương Sơn đi dẹp đám Điền Hổ, Vương Khánh và Phương Lạp, theo kiểu dĩ độc trị độc, hết lần này đến lần khác xua quân đánh Lương Sơn nhưng thất bại hao binh tổn tướng, Cao Cầu, Sái Kinh có biết điều này hay không, tại sao vẫn muốn đánh, đánh đây là để phá hoại là chính, bởi vì Cao Cầu nhận ra cái xó nước Lương Sơn không phải là chỗ có thể ổn định lâu dài, Cao Cầu có tính toán đến việc sử dụng hỏa pháo để công kích Lương Sơn, cử Lăng Chấn đi trợ chiến cho Hô Duyên Chước, nhưng Lương Sơn lại nhanh tay hơn, phục kích bắt sống Lăng Chấn. Sau khi anh em Lương Sơn chết dần chết mòn dưới tay Phương Lạp, và đám tướng quân bên phe Phương Lạp cũng chết dưới tay Lương Sơn, thì chúng mới trực tiếp ra tay triệt hạ những người còn lại như Tống Giang bị ban rượu độc, Lư Tuấn Nghĩa bị pha rượu chứa thủy ngân ngã xuống sông chết đuối.
Bản thân giữa 4 tên gian thần này, cũng có những điểm bất đồng, mâu thuẫn với nhau, từ việc chia bè kéo phái trong triều, thể hiện qua câu chuyện của Lương Trung Thư muốn lôi kéo Lư Tuấn Nghĩa về phe Sái Kinh- cha vợ mình, đối đầu với cánh của Cao Cầu, Sái Kinh muốn sử dụng Lư Tuấn Nghĩa làm bộ hạ đánh thuê giống như Xú Quận Mã Tuyên Tán vậy, tiến cử Lư Tuấn Nghĩa đi đánh thuê và nếu thắng trận thì mình được thơm lây.
Mâu thuẫn giữa Cao Cầu và Sái Kinh một phần là mâu thuẫn giữa hàn môn và thế tộc đã có từ bao đời. Trong khi Sái Kinh là con nhà quý tộc, có học thức tiến thân bằng khoa cử, thì Cao Cầu chỉ là tên tiện dân tiến thân bằng chân tạp dịch giỏi nịnh hót. Mặt khác, Cao Cầu mâu thuẫn với Sái Kinh trong vấn đề xử lý Lương Sơn, Cao Cầu muốn sử dụng chiến lược chiến tranh phá hoại, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh để làm suy yếu nhân lực vật lực của Lương Sơn, thì Sái Kinh lại muốn thương thuyết, đàm phán. Đồng Quán lúc này vì ngại chuyện chinh chiến nên ngả theo Sái Kinh, còn Dương Tiễn thì về phe Cao Cầu, kịch liệt phản đối chuyện chiêu an.
Hai phe này choảng nhau thể hiện rõ nhất qua câu chuyện 2 lần chiêu an bất thành. Lần thứ nhất, thái úy Trần Tông Thiện lĩnh trách nhiệm chiêu an nhưng bị Cao Cầu gài tên tay chân thân tín là Lý ngu hầu đi theo phá đám, lần thứ hai tên thư lại Vương Cẩn bày kế cho Cao Cầu sửa tờ chiếu chiêu an mà người của Sái Kinh đã viết từ trước, viết tờ chiếu Trừ Tống Giang ra thì sẽ tha tội cho 107 anh em còn lại, và ngay lập tức thì Ngô Dụng và Hoa Vinh đứng lên đập thẳng vào mặt tên sứ giả. Đây là kế rất độc, bởi qua đó mà quan sát thái độ, thì Cao Cầu đã nhận định được tình hình của anh em Lương Sơn lúc này, ai là tâm phúc với Tống Giang, ai là kẻ vô thưởng vô phạt dễ bị dao động, còn ai thì lại muốn chống lại Tống Giang. Và từ đó Cao Cầu đã thay đổi sách lược, muốn diệt được anh em Lương Sơn phải phá từ bên trong trên cái vỏ chiêu an bên ngoài. Cao Cầu đã thuyết phục và thỏa hiệp được với Sái Kinh, Đồng Quán, và lần này thì Sái Kinh đồng ý gạt bỏ không tính toán vụ Cao Cầu phá hoại 2 lần chiêu an, làm cho mình bị mất mặt trước hoàng đế, thống nhất diệt Lương Sơn là lợi ích chung của cả 2 phe.
Sự việc Tống Giang mời Cao Cầu ở lại trong sơn trại mấy ngày thết đãi rượu thịt rồi sau đó thả cho Cao Cầu về là một sai lầm chết người, không những là thả hổ về rừng, mà còn tạo điều kiện cho Cao Cầu bí mật quan sát động tĩnh trong Lương Sơn, và cài nội gián phá hoại. Đối với Cao Cầu mà nói đây là một cơ hội trời cho, và y đã tận dụng rất tốt những ngày này.
- Ai Là Nội Gián Phá Hoại Lương Sơn Bạc ?
Để thực thi sách lược phá hoại từ bên trong của mình, thì Cao Cầu không thể không cần đến nội gián, truyện không đề cập cụ thể, nhưng qua những thông tin mà Thi Nại Am để lại, thì chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra chân tướng của kẻ này bằng phương pháp loại trừ.
Để là nội gián phải thỏa mãn 4 điều kiện sau:
(1): Phải có huyết hải thâm thù với Tống Giang để dễ lợi dụng
(2) : Phải sống sót đến cuối cùng, bình an vô sự sau những lần viễn chinh trở về
(3): Phải nắm được những công việc then chốt trong nội bộ Lương Sơn
(4): Phải có uy tín nhất định với đám sĩ tốt để huy động đám này làm loạn quấy phá trong trường hợp cần thiết
Chúng ta đều biết, 108 anh em Lương Sơn Bạc được chia ra làm 36 vì sao Thiên Cang, đầy là những đầu lĩnh có võ nghệ xuất sắc, nắm giữ các công việc quan trọng, và 72 vì sao Địa Sát, những đầu lĩnh này làm phó tướng cho các vì sao Thiên Cang, lo các công việc hậu cần.
Nội gián phải nắm giữ các công việc then chốt, cơ mật trong Lương Sơn, và có uy tín với binh lính thì kẻ này phải nằm trong số 36 vì sao Thiên Cang.
- Tiếp đến kẻ này phải sống sót sau cùng để hoàn thành nhiệm vụ, chúng ta sẽ loại trừ những đầu lĩnh đã chết trận thì sẽ có 11 người bao gồm: Lư Tuấn Nghĩa, Chu Đồng, Hô Duyên Chước, Quan Thắng, Hoa Vinh, Lý Quỳ, Sài Tiến, Ngô Dụng, Đới Tung, Nguyễn Tiểu Thất và Lý Ứng. Chúng ta sẽ loại trừ được 4 người trong số này là Lư Tuấn Nghĩa ( có thù với Đồng Quán đương nhiên là không dùng được), Hoa Vinh, Lý Quỳ, Ngô Dụng là tâm phúc của Tống Giang sau này đều tuẫn nạn theo Tống Giang, đương nhiên là không có chuyện phản bội Tống Giang
- Kẻ này phải có huyết thù với Tống Giang, ta loại trừ được thêm 5 người nữa là :
- Đới Tung ( chủ động đi theo Tống Giang sau vụ phản bội Sái Đức Chương – con út của Sái Kinh đưa thư giả về bị Hoàng Văn Bính phát hiện, và đương nhiên Cao Cầu cũng không muốn dùng một kẻ có tướng phản trắc để làm việc này).
- Quan Thắng- Hô Duyên Chước là đại tướng bại trận dưới tay Tống Giang nhưng chưa đến mức gọi là huyết hải thâm thù, họ chỉ là những tướng lĩnh thất thế, mượn Lương Sơn là nơi ở tạm mà thôi.
- Sài Tiến và Nguyễn Tiểu Thất về sau đều bị truy tước quan bằng đuổi về quê một cách nhục nhã, Nguyễn Tiểu Thất bị tên Vương Lẫm vu cáo là có ý đồ xấu khi khoác hoàng bào của Phương Lạp, còn Sài Tiến thì thấy chột dạ sợ bị vu cáo như Nguyễn Tiểu Thất nên đã nộp lại ấn quan về quê an nhàn rồi mất, đó là chưa kể Sài Tiến mang ơn Tống Giang cứu mình ở Cao Đường Châu trong tình trạng bị Cao Liêm tra tấn cho sống dở chết dở bị ném xuống giếng như một con chó. Sài Tiến cũng có thù với Cao Cầu về vụ đánh chết Ân Thiên Tích- em vợ Cao Liêm nữa, nên 2 người này cũng không phải nội gián
Như vậy chỉ còn lại 2 người là Chu Đồng và Lý Ứng, 2 người này vô tình lại có huyết hải thâm thù với Tống Giang, Chu Đồng hận Tống Giang vì Tống Giang sai Lý Quỳ ném đứa bé con tri phủ Vận Thành xuống vực nhưng lại không thể giết Tống Giang được, cho nên Chu Đồng muốn lấy mạng tên tay sai là Lý Quỳ. Lý Ứng ghét Tống Giang ngay từ ban đầu, khi ông ta liên kết với hai nhà Chúc Gia Trang và Hổ Gia Trang để đánh Tống Giang, về sau Tống Giang cũng dùng chiêu bài bắt vợ con ông lên núi để ép ông gia nhập Lương Sơn, đồng thời cho người thiêu cháy cả gia trang cơ nghiệp của ông. Lý Ứng có cay không ?
Tiếp đến thì vai trò của Chu Đồng và Lý Ứng, thì Chu Đồng là tướng tiền tuyến, có thể vong mạng bất cứ lúc nào, còn Lý Ứng thì công việc chỉ là lo việc tài chính, lương thảo, có thể an nhàn ở đằng sau. Thêm vào đó, năm xưa chính Chu Đồng và Lôi Hoành đã cứu Tống Giang, Chu Đồng vì thả Lôi Hoành mà bị đánh đòn thích kim ấn lên mặt và đi đày, người như Chu Đồng thà người bất nhân với ta, chứ ta không thể bất nghĩa với người.
Kết cục của 2 người này cũng phản ánh phần nào vai trò của họ, Chu Đồng đầu quan cho Lưu Quang Thế sau này đi đánh Kim, nói chung tiếp tục thân phận lính đánh thuê.
Còn Lý Ứng thì trở về quê cũ, làm ăn phát đạt, vui sướng rượu chè cùng với người hầu năm xưa cũng gia nhập Lương Sơn là Đỗ Hưng, 2 chủ tớ suốt ngày mỹ tửu mà chẳng có vẻ đoái hoài gì đến anh em xưa cũ. Chi tiết này đã thể hiện rõ tính cách có phần “ bất nghĩa “ mê chim bỏ bạn của 2 người này. Đó là chưa kể Lý Ứng còn lại một điền chủ- thương nhân, nên ông ta càng dễ bị thỏa hiệp hơn nếu phe đối lập chia sẻ cho ông ta lợi ích kinh tế. Cụ thể nếu Lý Ứng chấp nhận làm nội gián thì Cao Cầu sẽ đồng ý bỏ qua mọi tội trạng, đồng thời giúp Lý Ứng có cuộc sống giàu sang an nhàn hưởng vinh hoa phú quý sau này, nhưng không phải là làm quan để tránh bị tầm nã về thân phận nội gián
Như vậy tôi cho rằng, tên nội gián phá hoại Lương Sơn ở đây chính là Phác Thiên Điêu Lý Ứng!!!
( Còn Tiếp)