LỆ CHI VIÊN THẦN NỮ – THÁNH NỮ NGUYỄN THỊ LỘ

by admin

Đến hiện nay, tất cả những gì chúng ta có thể biết được về vụ án Lệ Chi Viên theo ghi nhận từ chính sử là:

Sau mâu thuẫn chuyện áo mũ lễ nhạc với Lương Đăng không lâu, Nguyễn Trãi về quê ở ẩn ở Côn Sơn. Sau đó khoảng 2 năm thì được mời về triều làm việc, cùng thời gian đó thì Nguyễn Thị Lộ vợ Nguyễn Trãi cũng được vào cung với chức danh “Lễ nghi học sĩ”. Sau khi vào cung, Nguyễn Thị Lộ được sủng ái và có những tác động nhất định tới việc triều chính qua ảnh hưởng với vua Lê Thái Tông: bắt giam các hạng đàn bà ngỗ nghịch và từng gièm pha để giáng chức Lê Lễ (Người mà Lê Thái Tổ trước khi chết đã khóc rằng: “Ta mà không còn thì ai biết ngươi là ai, chỉ sợ ngày sau bị (chúng nó) giáng truất mà thôi”).

Sau đó khi vua Lê Thái Tông đi tuần du miền Đông, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất. Theo LTHCLC của Phan Huy Chú thì viết vua bị Nguyễn Thị Lộ đầu độc, toàn thư thì không viết thật rõ ràng. Chỉ biết rằng bởi vì việc này mà Nguyễn Trãi sau đó bị khép án bị tru di tam tộc vì dính líu đến tội giết vua.

Nói chung, từ các sử liệu chính thức chúng ta chỉ biết được sự việc đến thế, không thể biết được cụ thể nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông là gì mà chỉ có thể phỏng đoán: do bệnh đột xuất, bị Nguyễn Thị Lộ đầu độc, hay có âm mưu ám sát đầu độc nào khác không.

Nhưng rõ ràng như vậy là không đủ để thỏa mãn và bảo vệ hình tượng của Nguyễn Trãi trong lòng các nhà văn học và sử gia Việt Nam. Cùng với sự nâng cao vị thế của Nguyễn Trãi thì Nguyễn Thị Lộ cũng phải được nâng tầm lên, và vì vậy đã có rất nhiều tác phẩm văn học, kịch, phim điện ảnh và cả một số các sử gia cùng nhau “sử dụng bút pháp hư cấu, xây dựng các tình tiết sống động để làm sáng tỏ thêm tâm hồn và nhân cách của Nguyễn Thị Lộ”.

Và đương nhiên, đã xác định nhân vật chính diện thánh thiện thì cũng phải có các nhân vật phản diện độc ác để nâng tầm nhân vật chính. Và nhân vật phản diện ở đây thường là Lê Thái Tông, hoặc thái hậu Nguyễn Thị Anh dù không có sử liệu nào có thể chứng minh việc đó.

Chúng ta có thể điểm danh một vài tác phẩm tiêu biểu như là:

Năm 1929, Nguyễn Ức Trai luận – Nam Phong, Hán Văn Q.25,40 tr.1-4 khẳng định Lệ Chi Viên là án oan, Thái Tông là một đứa trẻ hôi sữa, “hoang đản vô đạo”, hãm hại công thần, chuyên dụng hoạn quan. Các đại thần lợi dụng tình hình tuần du để ám sát đổ tội lên đầu Nguyễn Trãi.

Năm 1934, Vi Huyền Đắc viết kịch lịch sử 5 màn Lệ Chi Viên, Ngô Văn Triện in cuốn Nguyễn Trãi (1944), Nguyễn Hữu Tiến ra sản phẩm truyện thơ Kiếm phong hận non sông (1949), Lê Đình Kế có tiểu thuyết lịch sử Mẹ hiền con thánh (1953), Nguyễn Triệu Luật ra tiểu thuyết Rắn báo oán (1955, Sài Gòn)

Năm 1960, sử gia Phạm Văn Sơn đưa ra lý giải cho vụ án: Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị LỘ đã xin vua Thái Tông, bà Ngô Thị Ngọc Dao về lánh nạn ở chùa Hoa Văn và sinh Hoàng tử Lê Tư Thành đi trốn, dẫn đến mất lòng nhiều người trong triều. (Việc này không có sử liệu nào ghi nhận).

Năm 1961, Lê Thước và Trương Chính trong bài Thử xét lại án Nguyễn Trãi (Tập văn sử địa, 24, 1-1957, tr63-73) cho rằng Lê Thái Tông chết do Nguyễn Thị Anh đầu độc.

Năm 1962, Trần Huy Liệu: Nguyễn Trãi – Nhân vật vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam (NXB Sử học, Hà Nội) lên án Nguyễn Thị Anh, kêu gọi minh oan cho Nguyễn Trãi và chiêu tuyết cho cả Nguyễn Thị Lộ.

Năm 1980, Bùi Văn Nguyên nhấn mạnh: “Muốn minh oan cho Nguyễn Trãi là phải minh oan cho Nguyễn Thị Lộ vì cuộc đời Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ vốn khăng khít với nhau, vừa là vợ chồng, vừa là bạn đồng tâm, đồng chí. Cuộc đời Nguyễn Trãi trong sáng bao nhiêu thì cuộc đời Thị Lộ trong sáng bấy nhiêu” – Nguyễn Trãi, Nxb Văn Hóa

Năm 1985, Nguyễn Cẩm Thúy trong “Truyện đêm vườn vải” vẽ nên hình ảnh Thái Tông cường bạo, cưỡng bức Thị Lộ nhưng Thị Lộ kiên quyết đấu tranh để giữ gìn trinh bạch, chung thủy với chồng. Thái Tông vì thế đau khổ vì tình, chết luôn.

Năm 1989, Minh Giang trong “Bi kịch Lệ Chi Viên” Nxb Thanh Niên, trong thảm án các công thần khai quốc Lam Sơn đã dành 1 chương để viết về hình ảnh trong sáng của Nguyễn Thị Lộ và quá trình giết vua đổ tội của Nguyễn Thị Anh và đám gian thần. Sau đó Nguyễn Đức Hiền trong “Sao Khuê lấp lánh” Nxb Kim Đồng-1992, Hoàng Công Khanh trong “Vằng vặc Sao Khuê”, Yveline Feray trong Vạn xuân tiếp nối cách viết của những sử gia và tiểu thuyết gia đi trước.

Năm 2002, Hội Khoa học lịch sử và UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 560 năm ngày mất của Nguyễn Trãi, hội tụ nhiều sử gia đương thời để “rửa tiếp cho sạch” vụ Lệ Chi Viên. Năm 2003, Phan Huy Lê ra bài: “NGuyễn Thị Lộ – Một nữ sĩ tài hoa, một nỗi oan bi thảm” – Tạp chí Xưa và Nay, 145/8-2003.

Đến hiện nay, có ít nhất 3 đền thờ đã được dựng để thờ Lệ Chi Viên thần nữ và Nguyễn Trãi.

You may also like

Leave a Comment