Kỹ năng cứng (kỹ năng marketing, kỹ năng code, kỹ năng thiết kế, v.v…) giúp bạn được tuyển vào làm nhưng kỹ năng mềm (giao tiếp, quản lý thời gian, thuyết phục, xây dựng mối quan hệ, v.v…) là thứ quyết định bạn có được giữ lại / thăng tiến hay không.
Kỹ năng mềm không chỉ là thứ khiến công việc của bạn phát triển mà còn là quyết định cả tới cuộc sống tổng thể của bạn nói chung.
Trong thời đại khi mà các nhân sự trẻ ngày càng nhanh nhạy và tiện lợi trong việc học các kỹ năng cứng mới nhờ công nghệ thì kỹ năng mềm vẫn là thứ nhiều bạn còn yếu kém, thậm chí coi nhẹ, không được ưu tiên.
Giữa 2 nhân sự trẻ nếu phải quyết định chọn, đa số mọi người sếp sẽ chọn nhân sự có kỹ năng mềm tốt hơn để giữ lại hoặc nâng đỡ. Kiến thức chuyên môn có thể học nhanh, nhưng thái độ và kỹ năng mềm thì cần phải qua rèn luyện và thật sự trẻ thì khó rèn cái đó hơn.
Vậy những kỹ năng mềm nào quan trọng cho công việc của các bạn trẻ? Theo ý kiến chủ quan cá nhân đến từ nhiều năm đi làm và đã mắc phải sai lầm ở hầu hết các hạn mục bên dưới cho đến giờ, mình gói gọn lại vài nhóm chính:
- Kỹ năng giao tiếp, trình bày, đàm phán
- Lắng nghe: nghe một cách chú tâm, hiểu đúng và đủ thứ người khác nói, không cắt ngang người nói, không thiên vị / võ đoán
- Nói và trình bày: một cách tự tin, tích cực, rõ ràng, dễ hiểu, đầy đủ ý, tông giọng hợp lý
- Ngôn ngữ cơ thể: diễn đạt đúng thứ bạn muốn, phù hợp hoàn cảnh và bổ trợ cho ý muốn bạn đang trình bày
- Thuyết phục: xác định thứ người khác quan tâm, tạo ra sự đồng cảm từ họ, hiểu giá trị của bản thân, đề xuất giá trị cho cả 2 bên
- Xây dựng mối quan hệ
- Giúp đỡ người khác (vô điều kiện): pay it forward, không trông đợi việc đáp lại
- Tìm kiếm điểm chung để làm nền tảng của mối quan hệ
- Nghĩ đến giá trị cộng thêm mang đến cho đối phương trước khi hỏi về quyền lợi
- Có sự hứng thú thật sự với người mình đang giao tiếp chứ không phải chỉ vì công việc
- nhìn nhận sự việc từ góc nhìn của người đó và chấp nhận cảm xúc cũng như hiểu lý do của các hành xử của họ
- Không đánh giá và luôn tìm cách hỗ trợ những thứ người đó làm
- Rộng rãi về thời gian và sự quan tâm đến người bạn muốn xây dựng mối quan hệ
- Thái độ với những người xung quanh
- Hạn chế bàn tán, chuyện phiếm: hạn chế là người nói, hạn chế là người nghe, hạn chế tham gia những hội thoại đó
- Không phàn nàn về những thứ thuộc trách nhiệm mình cần làm và phải làm dù có thể có phát sinh không mong muốn đến từ người khác
- Phê phán một cách có chọn lọc: chỉ những thứ mình cho rằng có thể giúp người khác hoặc mọi thứ tốt hơn
- Luôn khen và nhìn nhận điểm mạnh, điểm tốt, năng lực của người khác
- Tinh thần hợp tác và làm việc
- Không nhận tất cả mọi công trạng: bất cứ thành công nào cũng không đến từ chỉ một người
- Không chối bỏ trách nhiệm: bất cứ thất bại nào bản thân cũng phải có một phần trách nhiệm
- Chúc mừng thành tựu của những người khác trong team một cách chân thành
- Khen ngợi những người làm chung một cách thường xuyên và hào phóng
- Góp ý thì cần lựa chọn thời điểm, khéo léo và khi không có hiện diện của nhiều người
- Giải quyết các xung đột & kiểm soát cảm xúc (khi xung đột)
- Tránh tranh cãi và quy chụp cũng như đổ lỗi. Tập trung vào giải pháp nhiều hơn là chuyện lỗi của ai
- Xin lỗi và nhảy vào giải quyết vấn đề một cách quyết liệt khi là lỗi của bản thân
- Chấp nhận lời xin lỗi và giúp người mắc lỗi giải quyết vấn đề
- Tránh phản ứng bốc đồng hay nông nổi. Khi bực tức, hạn chế tranh cãi, nên lui lại và tự vấn hay chỉ đơn giản là bớt giận
- Hiểu tại sao mình có cảm giác khó chịu và hiểu kết quả / hậu quả hành động của mình nếu làm. Sau khi hiểu hết thì thực thi theo quyết định mình cho là tốt nhất
- Quản lý thời gian cá nhân
- Học cách tạo thứ tự ưu tiên các thứ cần làm
- Sử dụng một công cụ miễn phí nào đó để hỗ trợ việc ưu tiên này (Trello, Monday, Notion, Coda)
- Học cách “đẩy” việc cho người khác. Buông bỏ những thứ mình tốt để giao nó cho người khác làm (thì họ mới tốt hơn được)
- Học cách nói không với một số những thứ mà nó không phù hợp để mình làm (mình không phải người tốt nhất) hoặc khi thấy bản thân đã quá đầy và cần tập trung vào những thứ quan trọng hơn
Theo mọi người thì còn có gì quan trọng nữa? Đối với nhân sự trẻ gen Z?
Nguồn: Anh Bùi Quang Tinh Tú