Năm nào thì cũng sẽ có sinh viên mới.
Nhưng năm nay đặc biệt hơn một tí bởi vì nhóc em tôi cũng sắp trở thành sinh viên năm 1.
Bởi thế nên tôi mới nằm gác tay lên trán mà nghĩ xem là mình nên chia sẻ cái gì cho bổ ích nhất.
Cuối cùng sau nhiều ngày trăn trở thì tôi cũng chọn được 1 câu chuyện của mình để truyền tải một vấn đề mà các sinh viên nói chung và sinh viên năm 1 dễ sa đà, sẵn sàng chết dí và đồng ý bán rẻ bản thân với cái giá bèo bọt nhất.
Tuy nhiên, với tôi, một ý kiến cá nhân nào cũng phải có một hoàn cảnh, một vòng tròn mà nó áp dụng thành công chứ không thể nào mà gặp ai cũng đúng. Trừ khi đó là một hệ tư tưởng đi đến chân lý – thứ mà đến giờ cũng còn rất nhiều tranh luận.
Vậy bài viết này áp dụng cho các đối tượng nào?
– Sinh viên muốn thành công.
– sinh viên và sắp sinh viên
– sinh viên xác định được tương lai muốn gì? muốn làm gì với cuộc đời.
– sinh viên yêu quý bản thân
– sinh viên có người mentor
– sắp làm sinh viên và đã có người mentor
– gia đình có khả năng nuôi học đủ 4 năm
Tuy nói vậy, nhưng các bạn đọc muốn tham khảo, đọc cho dui, đọc để xem tôi tấu hài, đọc để phán xét, đọc để thả haha, đọc để thả phẫn nộ, vâng vâng và mây mây … đều có thể tiếp tục đọc mà không lo lắng việc gặp ác mộng đêm nay.
Một quyền hạn mới mà phần lớn những đứa trẻ lần đầu làm sinh viên có thể đạt được đó là: đi làm thêm. Và bất kì kẻ nào cố gắng khuyên nhủ thì đều là kẻ địch.
Tôi cũng thế !
Năm xưa khi tôi bắt đầu năm 1, tôi với mẹ đã có một cuộc tranh cãi nảy lửa vì mẹ khuyên tôi không nên đi làm thêm. Cái lý của tôi ở chỗ tôi muốn tự kiếm tiền mua cái này cái kia cho bản thân, tôi muốn được tự chi trả cho mình, muốn thể hiện mình có tự lập và không làm gánh nặng cho gia đình.
Thời trẻ con hẵng nghe đến chỗ nào mà khiến bản thân thể hiện được chữ “tự” là thích lắm, ví dụ như: tự làm, tự chi trả, tự kiếm tiền…, bởi nó đánh thẳng vào cái tôi bé nhỏ đáng thương của mấy cậu bé/cô bé vừa lên đại học.
Hiển nhiên, rất may là khi ấy tôi tuy cứng đầu nhưng cũng thuộc dạng biết nghe và hiểu. Cho nên 4 năm đại học tôi chẳng đi làm thêm gì cả.
Vậy thì lúc ấy mẹ tôi khuyên cái gì?
Mẹ tôi bảo rằng việc kiếm tiền không thể hiện được gì mà đầu tư thời gian vào việc học, học thật giỏi cho mẹ, còn lại mẹ nuôi được.
Lời mẹ cũng đúng nhưng nó chưa hợp lý ở đâu?
– Kiếm tiền chắc chắn thể hiện được gì đó. Ít nhất là có khả năng lao động.
– Đầu tư thời gian vào việc học nhưng với một đứa không có chỗ dựa, không có mentor thì đầu tư cái gì với mục đích ra sao thì lại càng khiến tôi mờ mịt.
– Sinh viên năm 1 không biết quản lý thời gian và thời gian rảnh của năm 1 lại tương đối nhiều, người ta nói rảnh rỗi sinh nông nổi :>
Vậy sau 5 năm học – tốt nghiệp – đi làm, thì tôi sẽ góp ý gì cho các bạn:
– Lời khuyên 1: Nếu bạn đã xác định được hướng đi của mình hay chỉ đơn giản hơn là có hứng thú ở một ngành nghề nhất định thì đừng bán rẻ thời gian của bản thân để kiếm vài triệu bạc 1 tháng.
Các bạn phải xác định thứ mà các bạn cần “tự” ở thời điểm này là: Tự xây dựng nền tảng.
Nền tảng là một thứ rất quan trọng, chỉ cần nền tảng bạn cứng hơn, dày hơn, sâu hơn người khác thì nó sẽ là bệ phóng vững chắc để các bạn có khả năng kiếm được vài chục triệu 1 tháng và cần thời gian ngắn hơn để làm được điều đó.
Vậy nền tảng ở đây ý chỉ gì? Kinh nghiệm chuyên sâu.
Năm 1, các bạn học rất nhiều môn mà nó chỉ cưỡi ngựa xem hoa cho vui, chẳng mấy áp dụng được vào những năm cuối, và lịch học cũng không nhiều. Thế thì nếu có mentor, có định hướng, các bạn cần tận dụng mentor để học hỏi những kiến thức mà các bạn chắc chắn sẽ cần trong tương lai, rút ngắn đi thời gian phải bỏ ra ở những năm 3 năm 4.
Tôi vẽ ra một bức tranh đơn giản về ngành cntt: Năm 1 thay vì đi làm thêm, bạn dành toàn thời gian học lập trình, năm 2 người ta bắt đầu tiếp cận môn lập trình ở trường, các bạn đã bắt đầu đi chinh chiến ở những cuộc thi ACM, Hackathon,…Năm 3 với thành tích, bề dày thi cử, bạn có vé thực tập ở những công ty, tập đoàn lớn, lương của bạn lúc đấy cũng kha khá, bạn nói bố mẹ không cần gửi tiền hỗ trợ nữa, thậm chí gửi ngược về cho gia đình.
Sự chiến thắng lúc đấy mới gọi là tự – tự thành công.
– Lời khuyên 2: Đừng nghe lời những kẻ thua cuộc trong ngành. Chắc hẳn không ít lần bạn nghe những người nói “học ngành này không kiếm được việc đâu”.. đúng chứ? Nhưng đó là ý kiến của một kẻ thua cuộc trong ngành đấy, bạn nghe ý kiến họ và làm theo thì chắc chắn bạn cũng là một kẻ thua cuộc. Hãy đi tìm người chiến thắng ở ngành đó và nhìn xem họ làm cái gì để thành công, bạn học hỏi, bạn làm theo thì bạn có thể thành công. Tôi nói ở đây là “có thể” bởi chẳng có lời khuyên nào đảm bảo bạn thành công 100% cả. Ở đời ai biết được chữ NG-Ờ.
Trong 4 năm của tôi, ngay cả những người thầy của tôi cũng không tin tưởng chúng tôi sẽ theo ngành được, họ hướng chúng tôi đi sang những nhánh rẽ khác, may thay, 4 đứa chúng tôi nhìn và học theo bước chân của những người anh thành công trong CLB, và giờ tôi đang ngồi ở một tập đoàn dẫn đầu ngành tôi học ở Việt Nam.
Nhớ: Đừng nghe lời con cáo cụt đuôi.
– Lời khuyên 3: Thiên tài là một chuyện, lười biếng và không chú tâm luyện tập, kiên trì hằng ngày là một chuyện hoàn toàn khác.
Nếu nhìn nhận vấn đề logic một tí, bạn có thể nhận ra việc người ta thiên tài là “chuyện của người ta”. Chuyện bạn lười biếng là “chuyện của bạn”.
Ai nói “có cố mấy cũng không đuổi kịp mấy đứa đó” là đang ngụy biện. Tôi nghe mà chỉ muốn gõ đầu chúng nó: “Mắc quần què gì phải đuổi mà nói, đường xe máy thì cứ lo xách xe mà chạy, ráng lấn sang đường bay rồi bảo sao thua thiệt”.
Khi đã xác định được mục tiêu đúng đắn, trong quá trình theo đuổi, sẽ có lúc mệt mỏi.
Lúc còn nhiều niềm tin thì không nói, đối với tôi chuyện mất niềm tin, mất hi vọng là chuyện thường ngày.
Khi đó, mỗi ngày chỉ cần cố gắng học thêm 15% so với kiến thức cũ là quá được. Mỗi ngày chỉ cần xác định là hôm nay tôi giỏi hơn hôm qua là quá ổn.
Miễn đừng ngừng.
Đấy, cuối cùng thì cũng hết. Tôi viết cốt không muốn dạy dỗ ai. Chỉ cầu cho các bạn càng sau này thành tựu càng to lớn hơn và hạnh phúc hơn.
Xin cảm ơn đã đọc đến đây !
From: Thuật sư TaN