Có bao giờ bạn thắc mắc rằng vì sao mình trở nên nóng tính, bực bội vào những ngày trời nóng bức, vui vẻ và cởi mở hơn vào những ngày nắng ấm áp, tâm trạng hơn vào mùa mưa, vào mùa đông thì trở nên lười biếng, làm việc không hiệu quả?
Bất kể vào mùa nào trong năm, chúng ta đều đang chịu tác động của thời tiết lên tình trạng sức khỏe tinh thần của mình ở nhiều mức độ khác nhau.
/ Bệnh lý Sad
Trầm cảm theo mùa (seasonal affective disorder – SAD) hay rối loạn cảm xúc theo mùa là một rối loạn khí sắc thường xảy ra vào mùa đông hoặc thu do sự mất cân bằng nồng độ melatonin và serotonin – hai yếu tố kiểm soát cảm xúc và chu kỳ giấc ngủ của con người. SAD được cho là có liên quan đến nhịp sinh học của cơ thể, đặc biệt là thói quen thức và ngủ, hai việc gần như được kiểm soát hoàn toàn bởi ánh sáng và bóng tối.
/ Nhiệt độ tăng quá cao làm chúng ta mất bình tĩnh
Trời nóng dễ khiến bạn thiếu nước, mất ngủ và say nắng, từ đó dẫn đến cảm giác bực bội, cáu bẳn.Nếu nhiệt độ lên quá cao, sự bực bội, mệt mỏi còn tác động đến nhận thức, cảm xúc cũng như cách bạn đối xử với người khác. Một công trình nghiên cứu năm 2012 cũng chỉ ra phụ nữ bị mất 1,5% lượng nước thông thường trong cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi, khó tập trung, căng thẳng và lo âu hơn. Nắng nóng cũng có thể làm chúng ta trở nên khó tính, dễ mất bình tĩnh và trở nên giận dữ hơn.
/Tâm trạng tan chậm vào những ngày mưa
Sống ở Hà Nội hoặc Sài Gòn, có lẽ những cơn mưa ập đến vội vã khiến nhiều người cảm thấy bất tiện vì nguy cơ tắc đường, ngập úng sau mưa. Nhưng cũng có rất nhiều người chọn những ngày mưa để trở nên sống chậm lại một chút, để suy ngẫm về cuộc sống quanh mình. Tiếng mưa thuộc loại tiếng ồn trắng (white noise) – một dạng âm thanh giúp con người thư giãn, giảm bớt nhu cầu lấy thông tin từ các giác quan, nhờ đó chúng ta trở nên bình tĩnh hơn. Tâm hồn của bạn sẽ chợt thư thái, nhẹ nhõm và thanh sạch hơn khi cảm nhận hương thơm của đất, của cỏ cây, của thiên nhiên và cuộc sống sau khi được gột rửa bởi một cơn mưa. Điều này làm nảy nở trong bạn cảm giác tích cực về một không gian sống tươi mới, những cảm xúc tệ hại cũng vì thế mà trở nên lắng dịu hơn nhiều.
Tuy nhiên, ở những khu vực không có lượng mưa cao, những cơn mưa lớn, dai dẳng cũng khiến con người trở nên bực bội hay uể oải hơn.
/ Chúng ta hạnh phúc hơn vào những ngày nắng ấm áp
Không phải ngẫu nhiên mà trong nghệ thuật, những người hạnh phúc đều được mô tả trong bối cảnh đầy nắng. Chúng luôn gợi lên sự tích cực và năng lượng tràn ngập. Một nghiên cứu của ĐH Michigan cũng cho thấy, những người ở ngoài trời ít nhất nửa giờ trong thời tiết dễ chịu sẽ có tâm trạng thoải mái hơn. Ngoài ra, ánh mặt trời làm cho chúng ta bớt căng thẳng, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Vào những ngày thời tiết dễ chịu, ánh mặt trời làm cho chúng ta hạnh phúc và ít căng thẳng hơn về những bộn bề của cuộc sống, có thể giúp bạn cởi mở hơn với những ý tưởng lãng mạn.
/ Mùa đông làm chúng ta lười hơn
Theo thống kê, có khoảng 20% dân số tại Anh và Mỹ mắc phải hội chứng trầm cảm mùa đông, gây ra mệt mỏi, thèm ăn, thiếu năng lượng. Trong nhiều trường hợp, nó thậm chí còn gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, khiến một số người phải nghỉ việc hoặc mất một khoảng thời gian khá dài để hồi phục.
Nếu bạn không mắc “winter SAD”, bạn cũng dễ thấy rằng mùa đông làm chúng ta trở nên lười biếng hơn. Thời tiết lạnh lẽo, bầu trời xám xịt, ảm đạm và thiếu ánh nắng làm bạn trở nên chây ì, ủ dột. Sự thay đổi nhiệt độ khiến con người bị lệch nhịp sinh học, có xu hướng ngủ sớm hơn và dậy muộn hơn. Melatonin tiết ra nhiều hơn vào mùa đông vì trời rất mau tối, do đó khiến con người ngủ nhiều hơn, hay lâm vào trạng thái mệt mỏi, không muốn vận động. Nỗi niềm của bạn thường trở nên thi vị và lãng mạn hơn nhưng lại theo màu sắc man mác, không mấy tích cực.
Dù thời tiết tác động lên chúng ta qua nhiều yếu tố: bệnh lý, môi trường, khí hậu,…nhưng chúng ta vẫn có thể kiểm soát tốt cảm xúc bằng cách lập kế hoạch cho công việc và dự định theo những thay đổi của thời tiết; học các kỹ năng điều phối cảm xúc; chăm sóc bản thân để thấy tích cực trong bất kỳ hoàn cảnh thời tiết nào
Nguồn: Tổng hợp via Trạm đọc