Cuộc Cách mạng Quốc gia Indonesia (Revolusi Nasional Indonesia) hay còn gọi là Chiến tranh giành độc lập Indonesia, là cuộc đấu tranh về quân sự và ngoại giao của nước Cộng hòa Indonesia non trẻ nhằm giành độc lập khỏi Đế quốc Hà Lan sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Cách mạng được cho là bắt đầu từ Tuyên ngôn độc lập Indonesia ngày 17 tháng 8 năm 1945 và kéo dài cho đến khi Hà Lan công nhận độc lập của Indonesia vào tháng 12 năm 1949.
Hà Lan vốn không phải một đế quốc thực dân hùng mạnh như Anh và Pháp, chính quốc Hà Lan lại bị tàn phá trong WW2 nên họ khá vất vả để có thể khôi phục sự thống trị tại thuộc địa Đông Ấn xa xôi (vào lúc cao điểm có đến 180.000 quân Hà Lan, trong đó riêng lực lượng trên đảo Java đã là 100.000 quân). Tuy nhiên, về căn bản trên chiến trường quân Hà Lan chiếm ưu thế, họ thắng hầu hết các trận đánh, kiểm soát các đô thị đông dân, các đồn điền sinh lợi tại Sumatra, các cơ sở dầu và than, và kiểm soát toàn bộ các cảng nước sâu tại Java. Tuy nhiên ưu thế trên chiến trường không mang lại ưu thế về chính trị và ngoại giao cho Hà Lan. Phản ứng quốc tế đối với các hành động của Hà Lan là tiêu cực. Úc và Ấn Độ đặc biệt tích cực trong việc ủng hộ sự nghiệp của Cộng hòa Indonesia tại Liên Hợp Quốc, cũng như Liên Xô, và quan trọng nhất là Hoa Kỳ (Hoa Kỳ gây áp lực lên Hà Lan nếu muốn nhận viện trợ từ kế hoạch Marshall). Các tàu của Hà Lan tiếp tục bị công nhân Úc tẩy chay bốc xếp từ tháng 9 năm 1945. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trực tiếp can dự vào xung đột, thiết lập một ủy ban nhằm đảm bảo tiếp tục đàm phán, khiến vị thế ngoại giao của Hà Lan đặc biệt khó khăn. Hà Lan không hùng mạnh như Mỹ hay Liên Xô mà có thể bỏ qua các áp lực đó, cộng thêm gánh nặng chiến tranh đè lên xã hội ở chính quốc nên buộc phải đàm phán với phe kháng chiến từ cuối năm 1947 và dẫn đến trao trả độc lập cho Indonesia. Hà Lan chấp thuận công nhận chủ quyền của Indonesia trong một liên bang mới gọi là “Hợp chúng quốc Indonesia” (RUSI). Thể chế này sẽ bao gồm toàn bộ các lãnh thổ nguyên thuộc Đông Ấn Hà Lan song ngoại trừ Tân Guinea thuộc Hà Lan; chủ quyền tại lãnh thổ này theo thỏa thuận sẽ do Hà Lan nắm giữ cho đến các cuộc đàm phán tiếp theo với Indonesia. Indonesia chấp thuận chịu trách nhiệm về số nợ của Đông Ấn Hà Lan, tổng cộng lên tới 4,3 tỷ guilder, một phần trong số đó liên quan đến nỗ lực của Hà Lan nhằm tiêu diệt cách mạng. Chủ quyền cuối cùng được chuyển giao vào ngày 27 tháng 12 năm 1949, và quốc gia mới ngay lập tức được Hoa Kỳ công nhận.