Tại sao không nên tự tử ?

by admin

Một ví dụ được trích dẫn nhiều nhất khi nói về tiền sử gia đình t* t* là câu chuyện về một gia đình nhà văn lớn của thế kỷ 20 – Ernest Hemingway – với tác phẩm nổi tiếng Ông già và biển cả. Từ bố cho đến anh trai và em gái của ông đều tự kết liễu đời mình. Vào năm 1996, ngay cả cháu gái ông là Margaux Hemingway cũng đã tự tử.

Những nghiên cứu gần đây về tiền sử gia đình t* t* cho thấy khuynh hướng chuyển giao không phải là “ý định tự tử” mà là “hành vi tự tử”. Thực tế, có ý định tự tử là hiện tượng tương đối phổ biến ở những người đang trong giai đoạn khủng hoảng tâm lý.

Theo điều tra năm 2011 của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc về thực trạng bệnh tâm thần và dược lý học, tỷ lệ người Hàn Quốc có ý định tự tử lên đến 15,6%. Nói cách khác, tính đến năm 2016 là vào khoảng 8.043.000 người trên tổng số 51,56 triệu người Hàn Quốc, bằng tổng dân số của Busan (3,56 triệu người), Gwangju (1,5 triệu người), Daegu (2,48 triệu người) và Jeonju (650.000 người) cộng lại. Vì vậy, nói chính xác hơn thì không phải do di truyền mà là do hoàn cảnh. Nhưng hành vi tự tử được nhìn nhận theo một cách khác.

Ba giai đoạn dẫn đến việc tự tử là ý định – kế hoạch – hành vi. Hầu hết mọi người đều ở giai đoạn đầu là “ý định tự tử”, và nếu có thể thoát khỏi khủng hoảng tinh thần hoặc tình hình trở nên khá hơn, họ sẽ ngừng suy nghĩ đó và khôi phục trạng thái tâm lý bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp mắc bệnh trầm cảm, khả năng tiến triển sang giai đoạn thứ hai và thứ ba là rất lớn.

Nếu vậy thì ngay cả khi loại trừ tác động của bệnh trầm cảm đối với hành vi tự tử, có khi nào còn có khuynh hướng chuyển giao giữa những người trong gia đình hay không? Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, sau khoảng năm, sáu năm theo dõi 701 người con của 334 bệnh nhân rối loạn tâm thần (trầm cảm và rối loạn lưỡng cực), kết quả là dù ảnh hưởng của bệnh trầm cảm di truyền trong gia đình đã được kiểm soát, nhưng hành vi tự tử của bố mẹ vẫn làm tăng nguy cơ tự tử ở con cái mắc bệnh trầm cảm lên gấp năm lần.

Nói cách khác, nếu bạn mắc bệnh trầm cảm vì một lý do nào đó và thực hiện hành vi tự tử vào một thời điểm nào đó trong đời, thì khi con của bạn bị bệnh trầm cảm, khả năng chúng tự tử sẽ cao hơn gấp năm lần so với những trường hợp con cái có bố mẹ là bệnh nhân trầm cảm nhưng không thực hiện hành vi tự tử.

Trên thực tế, những ảnh hưởng của việc cha mẹ tự tử đối với con cái của họ được quan sát thấy tương đối thường xuyên trong thực hành lâm sàng khoa thần kinh. Đặc biệt, những người đã trải qua việc tự tử của bố mẹ từ thời thơ ấu hay thời thanh thiếu niên, khi mắc bệnh trầm cảm thường có cảm giác bản thân vô giá trị và có ý định tự tử, trong đó một số người còn thực hiện hành vi tự tử nhiều lần.

Tự tử rốt cuộc không bao giờ là kết thúc. Không chỉ để lại nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa suốt đời đối với những người thân trong gia đình, mà còn có thể vô tình gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lặp đi lặp lại đến những đứa trẻ mà chúng ta yêu thương.

Tôi còn nhớ như in nội dung buổi trò chuyện của mình với một người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi, cô ấy đã mất đi người mẹ bảy mươi tuổi của mình vì bà tự tử.

“Mẹ và gia đình tôi đã có rất nhiều kỷ niệm hạnh phúc. Mẹ tôi rất thích ăn mì kalguksu và đi nhà tắm hơi… Nhưng sau khi mẹ ra đi như vậy, tôi không thể nhớ được bất cứ một kỷ niệm hạnh phúc nào đã có với mẹ. Tôi chỉ nhớ ký ức khủng khiếp về cái ngày mẹ tôi ra đi và chỉ có thể nghĩ về việc mẹ tôi đã khổ sở đến thế nào. Thật sự quá mệt mỏi và đau đớn. Tôi sợ rồi một ngày nào đó mình cũng sẽ chết đi như thế, và các con của tôi cũng sẽ như vậy…”

Tự tử rốt cuộc không chỉ là cái chết của riêng mình ai. Nó gây ra những ảnh hưởng không thể xóa nhòa cho tất cả mọi người trong gia đình. Nếu một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời mà bạn có ý định tự tử, mong bạn hãy nhớ về câu chuyện của người phụ nữ này.

——

Trích “Làm gì có ai thực lòng muốn chết” – Cuốn sách cùng bạn tìm kiếm hy vọng và niềm hạnh phúc trong cuộc sống.

You may also like

Leave a Comment