LỰA CHỌN CỦA HERCULES: ĐỨC HẠNH VÀ CÁI XẤU TRONG CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ

by admin

Nguồn gốc của Hạnh phúc và toại nguyện là gì? Người Khắc kỷ có ý gì khi nói một người là tốt hay xấu?

Chủ Nghĩa Khắc Kỷ

Chủ Nghĩa Khắc Kỷ

Chuyện kể rằng khi Hercules còn trẻ đã từng ngồi giữa một ngã ba đường hiu quạnh. Chàng ngồi và suy ngẫm về tương lai, không biết nên chọn ngã rẽ nào thì thấy trước mặt xuất hiện hai nữ thần. Một nữ thần rất đẹp và quyến rũ tên là Kakia và tự nhận rằng bạn bè gọi nàng là Hạnh phúc (Eudaimonia). Nàng tiến lên phía trước để giành nói trước, hứa hẹn với Hercules rằng con đường của nàng sẽ “dễ dàng và dễ chịu nhất”, rằng có một lối tắt để đi tới hạnh phúc. Nàng tuyên bố rằng chàng có thể tránh được khó khăn gian khổ và hưởng thụ cuộc sống xa hoa vượt khỏi mọi ước mơ rồ dại nhất của con người, một cuộc sống như ông hoàng, được người khác phục dịch.

 “Lựa chọn của Hercules” – tranh vẽ của họa sĩ Annibale Carracci (1596)

 Sau đó, nữ thần thứ hai tiến tới. Nàng tên là Aretê, một người phụ nữ khiêm nhường, ăn mặc xoàng xĩnh nhưng có một vẻ đẹp tự nhiên. Thật ngạc nhiên, nàng nói con đường của nàng đòi hỏi chàng làm việc và là con đường “dài và khó khăn”. Chàng sẽ phải đối diện với hiểm nguy, sẽ bị thử thách bởi nhiều gian khổ, có lẽ hơn bất kỳ người nào từng sống trên đời, chàng sẽ chịu đựng mất mát và đau khổ trên đường. “Các vị thần chẳng ban cho con người điều gì thật sự tốt đẹp và đáng ngưỡng mộ mà không đòi hỏi nỗ lực và làm việc”, Aretê nói. Tuy nhiên, trên con đường này Hercules sẽ có cơ hội đối diện với mỗi tai ương bằng lòng can đảm và đức tính kỷ luật, chứng tỏ trí tuệ và sự công bằng dấu hiểm nguy vô cùng. Chàng sẽ đạt được hạnh phúc đích thực bằng cách hoàn thiện tiềm năng bên trong mình, và bằng cách thể hiện những hành động đáng ca ngợi và đáng kính của chàng. 

Cuối cùng, Hercules đã chọn con đường của Aretê. Và sự thật là Kakia không hề được bạn bè gọi là Hạnh phúc, thân phận của hai nữ thần chính là: Aretê – Nữ thần Đức hạnh và Kakia – Nữ thần Xấu xa.

 ————

Đức hạnh và cái xấu trong Chủ nghĩa Khắc kỷ

Zeno, người sáng lập chủ nghĩa Khắc kỷ được cho là đã có cảm hứng theo đuổi triết học sau khi đọc câu chuyện của Hercules trong cuốn Memorabilia (tạm dịch: Những sự kiện đáng nhớ), tập hợp các bài giảng của Socrates. Cuốn sách này mở đầu bằng một chương mà trong đó Socrates kể lại câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng của Prodicus, có tên “Lựa chọn của Hercules”. Zeno sau này và các nhà khắc kỷ, cũng giống như các nhà khuyển nho tiền bối đã coi Hercules, người con trai vĩ đại nhất của thần Zeus, là một hình mẫu sáng chói thể hiện đức tính kỷ luật tự giác và đức tính chịu đựng mà một triết gia cần có.

Hercules đã chọn con đường của Aretê “Nữ thần Đức hạnh”, và không bị Kakia “Nữ thần Xấu xa” quyến rũ. Chàng liên tục đối diện với những hành hạ của nữ thần Hera và bị buộc phải thực hiện mười hai kỳ công, bao gồm giết chết quái vật Hydra và cuối cùng vào địa ngục để tay không bắt chó ba đầu Cerberus. Hercules đã chết trong đau đớn tột cùng, bị đầu độc bởi chiếc áo tẩm máu Hydra. Tuy nhiên, thần Zeus vô cùng cảm phục tâm hồn vĩ đại của Hercules và tôn chàng lên địa vị một vị thần bất tử. 

Không biết việc đọc câu chuyện thần thoại đặc biệt này có phải là động lực chính cho việc Zeno chuyển biến sang cuộc đời của một triết gia hay không, nhưng câu chuyện chắc chắn đã ảnh hưởng tới các thế hệ triết gia Khắc kỷ sau này. Họ coi đây là một phép ẩn dụ cho một cuộc sống tốt đẹp: Thà rằng đối diện với gian khổ, vượt qua chúng và từ đó tỏa sáng, còn hơn bám vào một cuộc sống dễ dàng và an nhàn khiến tâm hồn mình co lại và méo mó.

Cái chết của Socrates được xem một biểu tượng cho tinh thần khắc kỷ, tranh vẽ bởi họa sĩ Jacques-Louis David

Các khái niệm về đức hạnh (aretê) và cái xấu (kakia) cũng là trung tâm của toàn bộ công trình triết học Khắc kỷ. Từ aretê thường được dịch là “đức hạnh” hoặc “ưu tú”, đại diện cho tính cách tích cực, phẩm chất tốt và những đức tính làm cho con người trở nên tốt đẹp và đáng kính trọng hơn. Đối lập với nó là kakia mang nghĩa đáng hổ thẹn, sự yếu đuối bên trong hay thậm chí là bệnh hoạn. 

Người Khắc kỷ tin rằng tự nhiên đã ban tặng cho con người một mục tiêu sẵn có, đó là một cuộc sống tốt và hạnh phúc, thứ mà ta có thể có được bằng nỗ lực vươn tới đức hạnh. 

Cleanthes nói rằng toàn thể loài người có xu hướng tự nhiên là hướng về đức hạnh, và thiếu đức hạnh thì con người sẽ không bao giờ trọn vẹn. Và do vậy, đức hạnh chính là cái hoàn thiện bản chất con người, nếu thiếu đức hạnh, trong chúng ta sẽ thiếu vắng giá trị nội tại, cuộc đời chúng ta sẽ trống rỗng và dang dở. 

Đức hạnh, cũng có thể được hiểu là hòa hợp và thống nhất ở bốn cấp độ: Với chính nó, với lý trí, với nhân loại và với tự nhiên. Đối nghịch lại, cái xấu vốn là một tình trạng thiếu nhất quán và không hòa hợp, chán ghét bản thân, chán ghét nhân loại và thế giới ta đang sống.

 ————

Hạnh phúc viên mãn và “sự hứa hẹn của triết học”

Hầu hết các trường phái triết học cổ đại đều thấy rằng cái tốt và cốt yếu trong cuộc sống là eudaimonia – Hạnh phúc hay sự viên mãn, nghĩa là một cuộc đời tốt đẹp nhất, không thiếu thốn gì, thoát khỏi mọi điều tồi tệ. 

Trong thời cổ đại, Hạnh phúc hay Viên mãn được xem là “sự hứa hẹn của triết học”. Zeno nói rằng Hạnh phúc chỉ đạt được khi ta sống hòa hợp với Tự nhiên và theo đức hạnh. Tuy nhiên, “sống là tranh đấu”, và người Khắc kỷ đạt được sự an nhiên tự tại bằng cách sẵn sàng đối diện với bất kỳ sự kiện thăng trầm nào giáng lên mình, sẵn sàng đối diện với vòng quay của “bánh xe số mệnh”.

[Sự khôn ngoan] tự nó không tạo ra loài người, nó được sinh ra từ tự nhiên, chưa hoàn chỉnh. Bởi vậy phải quan sát tự nhiên một cách sát sao và hoàn thiện tác phẩm của tự nhiên như thế đó là một tác phẩm điêu khắc. Vậy tính cách con người được tự nhiên tạo ra còn dang dở thế nào? Chức năng và nhiệm vụ của sự khôn ngoan là gì? Cần phải trau chuốt và hoàn thiện chỗ nào? Nếu không cần hoàn thiện gì ngoài một hoạt động nhất định của trí óc, tức lý trí, thì cái tốt sau cùng phải là sống phù hợp với đức hạnh. Rốt cuộc, đức hạnh là sự hoàn thiện của lý trí. (Cicero, De Finibus, 4.34)

Tư tưởng triết học này đã từng là trào lưu của thế giới cổ đại vào khoảng 2000 năm trước, nhưng đã suy thoái trong một thời gian dài và chỉ mới quay trở lại trong vài thập niên gần đây. Chủ nghĩa Khắc kỷ: tự chủ đến bình an của nhà tâm lý trị liệu Donald Robertson là một công trình nhằm tái hiện lại bức tranh chủ nghĩa Khắc kỷ từ những mảnh rời rạc còn sót lại, hơn 2.300 năm kể từ khi trường phái này xuất hiện. Tác giả chứng minh rằng, những cách thức mà chủ nghĩa Khắc kỷ đã đưa ra có thể là kim chỉ nam giúp chúng ta, hoặc chí ít là đóng góp vào “triết lý sự sống” cho thế giới hiện đại – một nghệ thuật sống Hạnh Phúc gồm cả lý trí và sức khỏe.

Nhà Hiền triết chế ngự các Cảm xúc của mình bằng cách trở nên mạnh mẽ hơn chúng chứ không loại bỏ dấu vết những cảm xúc trong cuộc sống. Do vậy, lý tưởng của người Khắc kỷ không phải là “không có Cảm xúc theo nghĩa thờ ơ, cứng rắn, thiếu nhạy cảm hay “cứng như sắt đá”. Thay vào đó, lý tưởng của họ là trải nghiệm tình cảm tự nhiên với bản thân, với những người thân yêu và những người khác, cũng như đề cao cuộc sống hòa hợp với Tự nhiên. Điều này được cho là sẽ giúp chúng ta mở lòng để trải nghiệm những phản ứng cảm xúc tự nhiên nhất định trước mất mát hay thất vọng.

Tác phẩm “Chủ nghĩa Khắc kỷ: Tự chủ đến bình an” của nhà tâm lý trị liệu Donald Robertson

Giữa đức hạnh và cái xấu, tự chủ và lệ thuộc, bình an và xáo trộn… cuốn sách này tiếp cận chủ nghĩa Khắc kỷ hiện đại dựa trên quan điểm riêng biệt của các triết gia Khắc kỳ cổ đại. Chủ nghĩa Khắc kỷ được đặt trong bối cảnh lịch sử của nó, và được xem xét dựa trên nền tảng của trường phái này, đặc biệt là các học thuyết đạo đức cốt lõi, vốn được người xưa xem là tinh hoa của chủ nghĩa Khắc kỷ. Nói cách khác, bằng việc phác thảo bao quát truyền thống lịch sử, tác giả cố gắng trả lời cho câu hỏi: “Điều gì khiến một người đó đó trở thành người Khắc kỷ?

Cũng giống như Hercules, con người từ thời cổ đại đến nay luôn phải đối mặt với nhiều lựa chọn trong đời. Khi buộc phải đưa ra quyết định, bạn sẽ lựa chọn con đường dễ dàng, nhanh chóng thỏa mãn những nhu cầu tạm thời hay rèn luyện tính kỷ luật cho bản thân để vượt qua những đau khổ, mất mát?

Được thiết kế như một cuốn cẩm nang tự học, tác phẩm của Robertson đưa người đọc đi qua những học thuyết đạo đức cốt lõi nhất, từ đó phát triển các bài tập ứng dụng cả về phát triển cá nhân lẫn liệu pháp tâm lý để đạt được Đức hạnh và Hạnh phúc. Con người luôn có có những cảm xúc và khao khát tự nhiên, nhưng làm sao để không bị chúng chế ngự? Chúng ta sẽ có được câu trả lời sau khi học cách sử dụng lý trí làm kim chỉ nam cho các quyết định của cuộc đời mình.

Thanh Trần


Sưu tầm: tramdoc.vn

You may also like

Leave a Comment