6 CÁCH GIÚP MÌNH ‘CAI NGHIỆN’ VIDEO NGẮN.

by admin

Bỏ được video ngắn là một thành tựu lớn trong cuộc đời mình. Thậm chí cách đây vài tháng thôi, việc đó gần như bất khả thi với mình.

Và yeah, cuối cùng mình cũng làm được cái việc khó nhằn đó. Ở bài này, mình muốn ôn lại cho bản thân những cách ‘cai’ video ngắn siêu cồng kềnh mà mình đã áp dụng.

——-

*Lý do đủ lớn sẽ cho bạn một động lực khổng lồ.

Vì vậy, hãy nói về việc VÌ SAO MÌNH LẠI CHỌN BỎ VIDEO NGẮN?

  1. Vì mình thực sự không chịu được cảm giác ân hận, hối lỗi mỗi lần làm việc này. Cảm giác dù biết nó xấu nhưng không ngăn nổi sức hút của cái điện thoại. Khó chịu và bứt rứt vô cùng.
  2. Nhìn bản thân tuột dốc không phanh. Nhìn mọi người giỏi lên từng ngày. Nhìn bản thân chẳng cố gắng gì cả. Nhìn những suy nghĩ tiêu cực, đen tối chạy ào ạt trong đầu. Mình thực sự sợ cảm giác đó.
  3. Các vấn đề vè sức khỏe phát sinh. Mình là một người ốm, nhưng vì nằm một chỗ nhiều nên bụng to hơn ngực, nhìn như bà bầu vậy. Trông rất ghê. Mỗi lần gặp ai là phải hóp bụng vô, hoặc khom người xuống để trông gọn hơn.
  4. Cảm xúc của mình bị bất ổn. Mình cực kỳ nhạy cảm, dễ khóc, ít cười. Luôn tiêu cực, đen tối, luôn tự so sánh bản thân với người khác, luôn làm đủ thứ trong suy nghĩ. Vật lộn với đống suy nghĩ đó khiến mình chẳng còn năng lượng làm gì cả.

——-

*Không thể như vậy mãi được, mình phải tìm cách thôi.

Thế là mình thử rất nhiều cách, có cái thành công, có cái thất bại sấp mặt, có cái mình tự chế.

Dưới đây là 6 cách mình cho là có hiệu quả (không ít thì nhiều) đối với mình. Các bạn đọc để tham khảo.

  1. Giấu điện thoại

Đây là cách đơn giản nhất, nhưng chỉ áp dụng với những trường hợp nghiện nhẹ (hoặc nhà to và rộng). Mình không có 2 tiêu chí đó nên cách này không hiệu quả với mình.

  1. Tăng lượng công việc lên

Rảnh rỗi thì sinh nông nổi thôi.

Vậy thì giảm thời gian rảnh xuống bằng cách làm nhiều việc khác có ích hơn. Cách này có vẻ hơi khó đối với một số người, vì nó cần một sự quyết tâm rất lớn.

Càng về sau, mình càng cân nhắc về các việc cần làm hơn, để tránh tình trạng kiệt sức. Có cái này nhưng mất cái kia cũng như không.

  1. Đặt báo thức hẹn giờ.

Mình rất tâm đắc cách này, vì nó hiệu quả với mình trong mọi việc, nhưng ngoại trừ những việc liên quan tới giải trí.

Chả hiểu sao: lúc mình xem tiktok, rõ ràng mình đã cài báo thức 5 phút rồi, nhưng sau đó toàn phá lệ, toàn tắt báo thức và ‘5 phút nữa thôi’. Chán bản thân.

Nên cách này dành cho ai kỷ luật tốt bản thân (hoặc có một chiếc đồng hồ báo thức xịn xò).

  1. Biến video ngắn thành thứ có ý nghĩa hơn.

Tức là sau một video, chúng ta dừng lại và ngẫm nghĩ về nội dung vừa xem.

Việc này thực sự khó với một đứa thiếu kiên nhẫn như mình.

Từ một việc rất đơn giản là xem video ngắn thôi, mình buộc phải làm việc khó hơn chục lần là ngẫm nghĩ về nó. Bất khả thi. Nên cách này chưa phù hợp với mình, nó chỉ phù hợp khi mình xem phim hoặc đọc sách.

  1. Giải pháp nặng đô: xóa app

Đây là giải pháp mà mình siêu thích, siêu tâm đắc. Nó vừa độc, vừa đơn giản mà lại hiệu quả vô cùng cao.

Tức nhiên mình có thể tải lại mà dùng, nhưng như thế thì phiền phức lắm, lại phải đăng nhập đủ thứ. Sao mình không đi làm việc khác có ích nhưng dễ dàng hơn?

Không phải ai cũng đủ can đảm để làm việc này. Họ luôn nghĩ, chắc sẽ có giải pháp nào đó hay hơn cái này nhiều, nếu xóa đi mình sẽ bỏ lỡ nhiều thứ lắm. Có thể là như vậy thật, nhưng nó không đúng với mình. Nên trong trường hợp của mình, xóa ứng dụng chứa video ngắn là cách tốt nhất.

Có thể vào một ngày đẹp trời nào đó, mình sẽ dùng chúng lại nếu chúng có ích cho mình.

  1. Nhờ người khác đặt mật khẩu giúp

Một giải pháp cũng nặng đô không kém.

Không phải app nào cũng xóa được. Ví dụ như chrome, hay youtube,… lúc này mình mới nhờ thằng em mình bấm đại một cái mật khẩu tào lao nào đó, ghi nó ra giấy, sau đó xác minh và xé tờ giấy đó đi.

Nếu xóa có thể tải lại và dùng được, còn dùng cách này thì rất khó mà khôi phục. Trừ khi đứa đặt mật khẩu cho bạn có trí nhớ siêu phàm, hoặc bạn là dân IT chẳng hạn.

Nên hãy cân nhắc thật kỹ khi dùng cách này.

——

Trên đây là 6 cách mình đã áp dụng để bỏ thói quen xem video ngắn. Đây hoàn toàn là kinh nghiệm cá nhân nên các bạn đọc dưới hình thức tham khảo.

Như mình đã nói ở bài trước: bản thân video ngắn không có hại, cách chúng ta dùng chúng mới có hại. Nếu bạn thấy video ngắn có ích cho bạn, không việc gì bạn phải bỏ chúng. Nhưng nếu bạn dùng video ngắn để ‘giết thời gian’ hoặc cho mục đích giải trí quá mức thì bạn cần cân nhắc.

Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết.

You may also like

Leave a Comment