Newbie Đối Mặt Gì Khi Theo Nghề Viết

by admin

Lại là mình đây, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ về những cái khó khi mình bắt đầu quyết định theo nghề viết.

Thân là đứa làm trái ngành nhưng lỡ trao tình gửi ý cho nghiệp content, mình phải tự học viết content từ A đến Z. Tuy chưa có kinh nghiệm thực tế nhiều nhưng những gì mình chia sẻ là những gì mình lĩnh hội được trong quá trình tự học.

Hy vọng những gì mình chia sẻ ngày hôm nay sẽ giúp các bạn phần nào hiểu rõ hơn về những áp lực khi quyết tâm theo nghề viết (đặc biệt là các bạn đang nung nấu ý định học viết)

1. Chưa hiểu rõ lộ trình học

Con đường tự học chưa bao giờ là dễ dàng đối với một newbie cả. Nếu chưa xác định rõ về lộ trình học cụ thể thì sẽ dẫn đến việc tiếp thu kiến thức của bạn sẽ bị rời rạc và từ đó bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian để đúc kết kiến thức cũng như thực hành ra kết quả.

Chính vì vậy, việc đầu tiên mình làm là dành ra một khoảng thời gian để tìm hiểu tổng quan về ngành, trong ngành có gì, phân khúc ra làm sao, …Khi thật sự hiểu về kiến thức tổng quan rồi, ngồi lại xác định hướng đi cho mình sao cho phù hợp với sở thích, ý muốn để có thể giúp mình đi nhanh hơn.

Ví dụ như, sau khi phân biệt được copywriter và content writer – một bên thiên về viết quảng cáo, bên kia viết nội dung bình thường. Nhận thấy bản thân mình không quá sáng tạo, linh hoạt ngôn từ nên mình chọn con đường trở thành một content writer là bước đi đầu tiên, đồng thời nó cũng phù hợp với định hướng riêng của mình hơn, vì mình chỉ muốn viết về những câu chuyện, bài học chia sẻ, cảm nhận cuộc sống hơn là những thứ thiên về quảng cáo, bán sản phẩm. Và từ đó mình tìm hiểu sâu hơn về con đường trở thành content writer là làm công việc gì và học như thế nào.

2. Không biết viết gì

Thích viết, nhưng cứ mỗi lần đặt bút xuống là không biết viết gì cả, chưa kể là bạn phải viết 1 bài/ngày để tạo thói quen viết đều đặn để lên cơ. Có những lúc bạn sẽ ngồi thẫn thờ đầu bù tóc rồi cả ngày chỉ để nghĩ ra cái gì đó để viết, nhưng vẫn không biết viết kiểu gì. Đôi lúc sẽ tự chê trách bản thân thật bất tài, vô dụng lắm đó. Đây là tình trạng chung phổ biến của rất nhiều newbie khi mới bắt đầu tập viết.

Gợi ý cho các bạn cách tập viết mỗi ngày mà mình hay làm nè: thứ nhất là viết về chính mình, đó là cách viết dễ nhất vì không ai phán xét bạn cả, cũng như một cách để mình thấu hiểu hơn về chính vậy. Thứ hai là cứ viết nhảm nhí như kiểu viết nhật ký ấy, 5 -7 dòng cũng được, 1 đoạn cũng hay. Cứ như thế mà cải thiện lên mỗi ngày, không sợ bị choáng ngợp.

3. Mặc cảm về khả năng của bản thân.

Không chỉ riêng mình, mà hầu hết các bạn đang làm ngành này điều có xuất phát điểm là dân trái ngành. Vậy nên việc bắt đầu học hay làm một cái mới mà không phải chuyên môn của chính mình, bạn sẽ không tránh khỏi những lúc tự ti về khả năng của bản thân như là:

  • Mình là một đứa dốt văn, chắc nghề này không dành cho mình đâu.
  • Mình không có khả năng lĩnh hội ngôn ngữ, chậm thu, chậm tiến.
  • Sao mình mãi viết dỡ, ngáo ngơ vậy.

Với những bạn tự học, đây có thể là thách thức chông gai rất lớn vì chẳng có ai bên cạnh động viên, khuyến khích bạn cả. Nhưng nếu bạn thật sự vượt qua những trở ngại đó và tiếp tục tiến về phía trước. Cứ mỗi lúc gặp khó khăn ta lại tìm cách vượt qua. Thật ra chẳng có con đường nào là bằng phẳng cả, chẳng có đích đến nào không bị cản trở bởi chông gai. Vậy nên cứ đi thôi.

4. Thiếu kỷ luật với bản thân

Với hành trình tự học, những bạn mới sẽ khó tránh khỏi vấn đề là thiếu kỷ luật cá nhân. Bạn phải tự xoay sở hết thảy mọi công việc, không ai giám sát, không ai hét vào mặt bạn bảo “làm đi”, hay những lúc làm việc theo cảm xúc, đợi có cảm hứng mới viết được. Tất cả công việc đó điều không có deadline, thích thì làm, không thích thì thôi. Chính vì như vậy bạn sẽ dễ dàng trở nên một con người thiếu kỷ luật với chính đam mê của mình.

Để tạo được thói quen viết lách mỗi ngày đòi hỏi các bạn phải xây dựng một kế hoạch tập viết cụ thể và thực sự quyết tâm với bản kế hoạch mà bạn đã đề ra. Bên cạnh trở ngại về viết, các bạn còn phải học cách đối mặt với những thử thách khác như sắp xếp thời gian, quản lý công việc sao cho không ảnh hưởng tới việc viết của mình.

5. Đam mê chưa đủ lớn

Đam mê thôi là chưa đủ! Để chọn được đúng nghề và phù hợp với mình, chúng ta còn cần rất nhiều yếu tố khác…Nhưng đam mê chính là bước đầu đầu tiên giúp bạn chinh phục con đường đó thành công.

Vậy hãy tự hỏi tại sao bạn thích viết nhé?

Mình nghĩ mỗi cây bút sẽ chất chứa riêng những câu chuyện ở đằng sau đó, có người coi viết lách là một công việc, là một nghề, là một sở thích, là một đam mê. Tùy vào mỗi mục đích, nó sẽ đem lại cho bạn mức độ cố gắng khác nhau, động lực càng lớn thì càng dễ vượt qua những thách thức để chinh phục được đam mê.

Mình vẫn nhớ khoảnh khắc một người chị hỏi mình “Em muốn làm gì sau khi học xong 3 tháng ở Sài Gòn?” Tôi đã trả lời không một chút do dự “Em muốn theo nghề viết” Và trong suốt 3 tháng đó, không lúc nào mình không nhắc tới đam mê đó: từ trong nhật ký đến đời thật. Đó là cách mình thể hiện đam mê của mình và đến tận hôm nay vẫn giữ sự quyết liệt ấy dẫu có khó khăn như thế nào đi chăng nữa.

————-

Vâng, trên đây là những khó khăn mà mình phải đối mặt từ những ngày chập chững bước vào nghề. Những gì mình chia sẻ mình biết chưa phải là tất cả, song nó cũng là những khó khăn rõ ràng nhận thấy nhất mà bạn sẽ phải đối diện nghề viết lách trong tương lai không xa. Vậy nên, hãy chuẩn bị cho mình một tâm lý thật sẵn sàng để chinh phục đam mê nhé!

You may also like

Leave a Comment