Khi bắt buộc phải học thuộc một thứ gì đó như là từ mới, bài văn, sự kiện lịch sử… không biết các bạn có giống như mình không, thường xuyên rơi vào tình trạng quên trước quên sau, rõ là đã học thuộc rồi nhưng đến mai lấy giấy ra để ghi lại thì lại như chưa bao giờ từng học. Đây là phương pháp mình hay áp dụng cho việc học từ mới.
Mình đã căn cứ vào Đường quên lãng Ebbinghaus để học.
Đường quên lãng Ebbinghaus là là một phương pháp khai thác tất cả các lý do, cách ghi nhớ và rèn cho con người cách nhớ lâu đi sâu vào bộ não. Được giới thiệu bởi Hermann Ebbinghaus – một nhà tâm lý học người Đức. Những khó khăn về vấn đề trí nhớ không phải riêng mỗi bạn mà hầu hết của rất nhiều người. Chính vì thế mà, chúng ta cần có một phương pháp rèn luyện trí nhớ chuyên sâu ngay chính tại nhà của mình.
Lý do mà chúng ta hay quên và nhanh quên.
Chắc có lẽ ai trong chúng ta cũng đã biết đến bộ nhớ ngắn hạn và dài hạn. Hầu hết con người chúng ta đều thuộc vào nhóm bộ nhớ ngắn hạn. Nghĩa là vào thời điểm hiện tại, khi đã tiếp thu một vấn đề nào đó. Sau một thời gian ngắn, bộ não của ta sẽ tự động sàng lọc và loại bỏ bớt các thông tin không cần thiết. Việc tự động bỏ bớt thông tin như vậy sẽ giúp cho não không bị quá tải. Chính vì vậy, nếu thông tin không được sử dụng lại thì bạn sẽ hoàn toàn quên sạch chúng.
Theo đường cong quên lãng Ebb thì kiến thức chúng ta nạp vào sau 20 phút chúng ta sẽ chỉ còn nhớ được 58%, sau 1 giờ chúng ta chỉ nhớ được 44%, sau 1 ngày nhớ được 33%, và sau 6 ngày chỉ còn nhớ được 25% mà thôi.
Cách ghi nhớ nhanh chóng mà chúng ta có thể áp dụng đó là:
• Lặp lại lần 1 ngay sau khi học: Ngay sau khi bạn thu nạp kiến thức mới vào trong đầu, đã học thuộc hiểu được rồi thì vẫn phải học “nhắc lại” ngay sau đó
• Lặp lại lần 2 sau khi học 15-20 phút: Đây là khoảng thới gian chúng ta vẫn còn nhớ những gì vừa học, nhưng vẫn chưa nhớ được chính xác tất cả, mà vẫn còn một số chỗ bị vấp vì thế cần phải ôn tập lại ngay vào lúc này.
• Lặp lại lần 3 sau 6-8 tiếng: Tương tự như lần lặp lại 15-20p, lần này thời gian cách ra lâu hơn, bạn nên tranh thủ học nhắc lại kiến thức trong ngày trước khi đi ngủ, như thế sẽ dễ cho kiến thức được “in” vào trong đầu.
• Lặp lại lần 4 sau 24 tiếng: Khi thức dậy ôn lại là cách tốt nhất để bạn có thể nhắc lại kiến thức ở trong đầu, mỗi lần nhắc lại kiến thức bạn không được mở sách, vở ra mà phải chép từ trong đầu mình ra, chỗ nào còn chưa nhớ thì nhớ ghi gọn vào một tờ giấy để tập trung ôn lại. Khoảng thời gian nêu trên bạn không cần phải nhất nhất chính xác đến từng phút, có thể dựa vào tình trạng trí nhớ bình thường của mình để sắp xếp dựa theo khung thời gian ở trên.
Cách nhớ lâu:
Sau khi đã nhớ nhanh được kiến thức vào trong đầu thì việc làm thế nào để không dễ quên biến nó thành kiến thức của chính mình là một chuyện chắc hẳn ai muốn, để nhớ được lâu thì bạn phải thường xuyên nhắc lại kiến thức, để não bộ tự ám thị rằng đây là kiến thức quan trọng bắt buộc phải ghi nhớ trong đầu:
Mình thường chia ra thời gian để nhắc lại kiến thức mình đã học bằng những khoảng thời gian sau:
• Lặp lại lần 5 sau ba ngày: Ba ngày sau mình sẽ ôn lại kiến thức mình đã học trước đó ( các bạn khi học nhớ đánh dấu ngày học các kiến thức, ví dụ dùng giấy A4 làm thành một tập giấy học từ mới, trên góc giấy có đánh dấu ngày nào học những từ nào) khi viết nhớ phải cố gắng nghĩ thật kỹ để không bỏ sót từ trong đầu, viết sai cũng được nhớ mang máng cũng được, nhất định phải viết ra, sau đó đối chiếu lại với buổi học đầu tiên, từ nào sai, chưa nhớ tiếp tục học tiếp.
Tương tự như thế mình sẽ lặp lại thêm ba lần nữa vào các khoảng thời gian:
• Lặp lại lần 6 sau 1 tuần học
• Lặp lại lần 7 sau 2-3 tuần
• Lặp lại lần 8 sau 2-3 tháng
Đây là cách mình thường áp dụng để có thể nhớ được kiến thức mình đã học, các bạn có thể tham khảo xem như thế nào nhé, chúc các bạn sẽ đạt được hiệu quả cao.
Nguồn: Study with me