Oversharing: Điều mình muốn nói… chưa chắc người ta đã muốn nghe.

by admin

Mỗi khi bàn về chủ đề yêu thích, bạn đã bao giờ không kìm được mà chia sẻ quá nhiệt tình, để rồi nhận lại những khuôn mặt gượng gạo? Đó chính là chuyện xảy ra với tôi, chỉ vì không thể phân biệt được cái gì nên nói ra hay giữ lại. Tôi từng dằn vặt bản thân rất nhiều, nhưng dần dần cũng nguôi ngoai. Bây giờ tôi thử nhìn sự việc theo hướng khác không chỉ xoay quanh bản thân.

Tôi xin giải thích từ tiếng Tây này. Oversharing gồm hai thành tố: “over” là quá mức, quá đà, và “sharing” là chia sẻ, giãi bày – những hoạt động hé lộ về bản thân nói chung. “Chia sẻ quá đà” nghĩa là đưa ra những thông tin lạc đề, riêng tư hoặc cụ thể quá mức, ảnh hưởng đến không khí của cá nhân hay tập thể tại thời điểm nói.

Chẳng hạn như câu hỏi xã giao “Xin chào, bạn khoẻ không?”. Có lẽ bạn rất muốn tuôn một tràng về thiếu ngủ, về lịch trình kín đặc, về bài tiểu luận mà không đứa nào trong nhóm chịu động chân động tay. Nhưng cuối cùng bạn vẫn phải cười tươi “Tôi khoẻ, còn bạn?”. Nếu nói hết những chuyện kia, có khi họ chạy mất dép và lần sau sẽ ngại hỏi thăm, điều mà mình không hề muốn xảy ra. Oversharing bị chôn giấu để nhường chỗ cho sự vui vẻ, hòa đồng.

—–

Như mọi khi, tôi muốn đưa ra góc nhìn toàn diện nhất, giúp các bên hiểu điều gì đang diễn ra trong đầu nhau. Trong mọi cuộc giao tiếp, cần hai yếu tố để hình thành Oversharing: một bên sẵn sàng trút hết nỗi lòng, và một bên không sẵn sàng đón nhận.

Chúng ta chia sẻ quá nhiều vì đã quá lâu chưa được chung tần số. Thấy chủ đề tâm đắc được đem ra bàn luận, ta mừng quýnh như bắt được vàng. Kể ra một tràng xong, ta hụt hẫng vì đối phương tỏ ra ngại ngùng và thiếu hứng thú. Trở về nhà, ta chán ghét bản thân vì tưởng mối quan hệ đã đủ chín để giãi bày nhưng hoá ra chỉ là mộng tưởng một chiều. Ta không hề tự kiêu hay hướng cuộc nói chuyện về bản thân, chỉ muốn giao lưu theo cách mình thoải mái nhất mà không ai ủng hộ.

Bên chia sẻ đã khổ tâm rồi, bên lắng nghe cũng áp lực theo. Một là họ không đủ hứng thú, hai là trải nghiệm quá khác biệt, nhưng vẫn phải im lặng để giữ hoà khí. Cảm xúc bao trùm nhất là sự không yên tâm/thoải mái. Khi ai đó chia sẻ quá đà, mình đâm ra suy nghĩ: Chuyện cá nhân mà nó chia sẻ bừa phứa như thế, liệu rồi nó có phát tán chuyện riêng của mình không? Mình nên cư xử sao để tránh nó tuôn ra một tràng nữa về mình? Không khí sượng trân chính vì mọi người bị đóng băng giữa những suy nghĩ này. Ta chẳng biết nên làm gì với tảng thông tin được “dúi” vào tay.

Oversharing là biểu hiện một người bị câu chuyện của họ làm chủ. Ký ức và cảm xúc cũ chi phối khiến họ thao thao bất tuyệt mà không cho ai đóng góp, dễ gây mất thiện cảm. Giao tiếp đâu có hoạt động như thế; việc nói đúng lúc và nghe đúng lúc mới khiến mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn. Trải qua thời gian dài với nỗ lực từ mọi bên, oversharing mới trở thành “sharing” bình thường, vì câu chuyện đã sẵn sàng để được đón nhận. Cố gắng cưỡng cầu sự thay đổi này thường chỉ làm nó chững lại, thậm chí đi lùi.

—–

Thực sự khi viết bài này, tôi rất đồng cảm với những bạn trẻ gặp khó khăn chia sẻ giống mình. Nỗi buồn của các bạn cũng là nỗi buồn của tôi. Mạng xã hội tạo ra ảo ảnh về sự tức thì, khiến chúng ta cưỡng cầu một thứ không thể cưỡng cầu là tình cảm. Trong tư duy tôi hồi đó, overshare đồng nghĩa với trung thực, mà trung thực thì có gì sai? Tôi cứ chia sẻ một cách thả cửa với kỳ vọng trong thời gian ngắn, người ta cũng phải nói cho mình những chuyện thầm kín tương đương. Giờ tôi đã thấy đòi hỏi đó vô lý như thế nào.

Chừng nào con người còn khao khát sự đồng điệu, sẽ luôn có lúc yếu lòng mà sa vào chia sẻ quá đà. Oversharing là bản năng tự nhiên và hoàn toàn có thể bị chế ngự, nếu hiểu một điều cốt lõi: chúng ta làm chủ câu chuyện của chính mình. Trải nghiệm của bạn quý giá như thế, tại sao phải thường xuyên rao bán như rau quả để được ai công nhận. Hãy tin vào linh cảm, cân đối giữa lượng thông tin bạn nói và nghe, chia nhỏ câu chuyện ra để nói với đối phương từng tí. Cách họ đón nhận sẽ chứng minh họ có xứng đáng nghe tiếp không.

Cà phê nóng phải nhấp từng ngụm một, trái tim ấm cũng nên được tìm hiểu từng tí một.

Sơn Nguyễn suy nghĩ

You may also like

Leave a Comment