NỮ VƯƠNG ANH QUA ĐỜI: CHIA BUỒN THÌ NÊN, CÒN KHÓC LÓC THƯƠNG TIẾC THÌ ĐỪNG. BÀ ẤY CHỈ VĨ ĐẠI VỚI RIÊNG NƯỚC ANH, CÒN VỚI VIỆT NAM VÀ HÀNG CHỤC NƯỚC THUỘC ĐỊA ANH THÌ KHÔNG!

by admin

“Bạn cần phải hiểu lịch sử trước khi rơi nước mắt khóc lóc”

Hãy để sự kiện nữ vương anh qua đời giống như sự kiện một vài người nổi tiếng khác qua đời, chẳng có lý do gì để người Việt Nam phải đau đớn hay khóc lóc tang thương cả. Nữ vương Elizabeth II có thể đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên cương vị quân chủ đứng đầu Đế quốc Anh – về sau là Khối thịnh vượng chung Anh, bà ấy có thể vĩ đại đối với nước Anh nhưng đối với Việt Nam hay bất cứ quốc gia thuộc địa nào khác thì không.

Ngai vàng của Quốc vương đế quốc Anh – nay là Khối thịnh vượng chung Anh được “kê” bằng xương máu của hàng chục triệu nô lệ, người dân thuộc địa trên khắp thế giới – trong đó có cả người Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, đế quốc Anh lúc bấy giờ cho rằng, thắng lợi của cách mạng ba nước Đông Dương sau Chiến tranh thế giới thứ hai là mối đe dọa trực tiếp đối với nền thống trị của thực dân Anh ở các nước thuộc địa, nhất là ở Malaysia, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka… Nhân dân các nước này có thể noi theo Việt Nam đứng lên đấu tranh lật đổ chính quyền thực dân Anh. Điều này làm cho chính quyền Anh lo ngại, do đó, ngày 24-8-1945, Anh đã ký với Pháp hiệp ước công nhận “chủ quyền” của Pháp ở Đông Dương. Thực chất là thỏa thuận Anh ủng hộ và tạo điều kiện cho Pháp quay trở lại thuộc địa cũ ở Đông Dương.

Ngày 14-9-1945, các đơn vị đầu tiên của Sư đoàn 20 liên quân Anh-Ấn, được lệnh rời Myanmar tới miền Nam Việt Nam. Khi tới Sài Gòn, toàn bộ lực lượng của sư đoàn được triển khai tại các vị trí then chốt ở ngoại ô Chợ Lớn, sân bay Tân Sơn Nhất và các địa điểm trọng yếu xung quanh tổng hành dinh đạo quân Phương Nam của Nhật. Song tại Sài Gòn, Gracey đã không thực hiện nhiệm vụ được giao là tước vũ khí của quân Nhật mà ra lệnh cho quân Anh cùng quân Pháp tiến hành đàn áp phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam, tổ chức các vụ gây hấn, bắt bớ, giam cầm và giết hại hàng trăm người dân vô tội. Ngày 21-9-1945, Gracey ban bố tình trạng thiết quân luật tại Sài Gòn, cấm nhân dân miền Nam Việt Nam mang vũ khí và biểu tình, cấm tất cả các loại báo ở Nam Bộ (trừ các báo của Pháp); lấy vũ khí từ các kho vũ khí của Nhật trang bị cho 14.000 tù binh và kiều dân Pháp, cho phép lực lượng này chiếm đóng các đồn cảnh sát ở Sài Gòn, kho bạc, sở mật thám, bưu điện…; đồng thời cung cấp vũ khí trang bị cho trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 của Pháp (The 5th RIC) và khoảng 5.000 quân Nhật để cùng quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn.

Đêm 22, rạng sáng 23-9-1945, quân Pháp nổ súng tiến công đánh chiếm trụ sở Ủy ban Hành chính Nam Bộ và Quốc gia Tự vệ cuộc, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Lúc đầu, Gracey lệnh cho lữ đoàn liên quân Anh-Ấn “án binh bất động”, làm ngơ cho quân Pháp đánh chiếm trụ sở của chính quyền cách mạng, kiều dân Pháp đánh đập bất cứ người dân Việt Nam nào họ gặp trên đường; số nạn nhân người Việt Nam bị người Pháp đánh đập lên tới vài nghìn người.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Anh là một trong các quốc gia tham gia trực tiếp vào đàm phán hiệp định Geneve chia cắt Việt Nam. Lúc này Pháp thì đang kiệt quệ ở Đông Dương, nước Anh tham gia đàm phán Hiệp định với mục đích vớt vát vai trò đang mai một do thiệt hại từ Thế chiến II và đối phó với phong trào đòi độc lập của các thuộc địa sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam. Anh chủ trương ủng hộ Pháp thương lượng trên thế mạnh. Đồng thời Anh cũng đề nghị các nước thân Anh tham gia Hội nghị bao gồm Myanmar, đồng thời loại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khỏi Hội nghị. Tuy nhiên đề xuất của Anh bị Liên Xô bác bỏ do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là bên tham chiến trực tiếp với Pháp.

Lịch sử có thể đã đi qua, chúng ta gác lại quá khứ nhưng không quên nó. Chẳng có lý do gì chúng ta cần phải quá thương tiếc hay vĩ đại hoá sự qua đời của một nữ vương mà trong suốt 60-70 năm trị vì của mình thậm chí còn chưa từng đặt chân đến Việt Nam một lần.

Bà ấy sống trong một thời kỳ lịch sử biến động và phải phục vụ lợi ích của quốc gia bà ấy, nhưng chúng ta cũng có quyền đọc lịch sử và thể hiện cảm xúc một cách đúng mực, đó cũng chính là cách chúng ta tôn trọng những đồng bào đã thiệt mạng dưới mũi súng của quân đội đế quốc Anh.

You may also like

Leave a Comment