Chúng ta biết cán cân quyền lực giữa các cường quốc đã nhiều lần thay đổi. Nhưng cụ thể là nó xảy ra khi nào và đã tác động đến tình hình chung của thế giới ra sao?
Sự Trỗi Dậy Và Suy Tàn Của Các Cường Quốc
(1 lượt)
Mua sách giảm giá 30% >>
Trong “Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc”, Paul Kennedy đã cố gắng tìm hiểu và giải thích cách thức mà các Cường quốc trỗi dậy và sụp đổ cùng mối liên quan giữa chúng trong hơn năm thế kỷ, tính từ khi hình thành “những nền quân chủ mới” ở Tây Âu và sự khởi đầu của hệ thống các quốc gia có tầm vóc xuyên đại dương và toàn cầu.
Cuộc tranh giành quyền lực của nhà Habsburg (1519-1659)
Vào thế kỷ 16, những cuộc tranh giành quyền lực nội bộ giúp châu Âu trỗi dậy về mặt kinh tế và quân sự, vượt lên trên các khu vực khác trên toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn chưa xác quyết rằng liệu có nước nào trong số các quốc gia kình địch ở châu Âu có thể tích lũy đủ nguồn lực để vượt qua số còn lại và rồi thống trị họ hay không.
Trong khoảng một thế kỷ rưỡi sau năm 1500, một sự kết hợp trên toàn lục địa bao gồm các vương quốc, công quốc và các tỉnh bang do các thành viên nhà Habsburg người Tây Ban Nha và Áo cai trị nhen nhóm trở thành thế lực có ảnh hưởng vượt trội ở châu Âu. Theo ước tính, có khoảng 1/4 các dân tộc ở châu Âu Sơ kỳ Hiện đại cư ngụ trên lãnh thổ do nhà Habsburg cai trị.
Liên minh gia tộc Habsburg là một khối gắn kết các lãnh thổ phân tán rộng khắp. Vì thế, đây là một trong những ví dụ điển hình nhất cho sự dàn trải về mặt chiến lược trong lịch sử; cái giá phải trả của việc sở hữu quá nhiều lãnh thổ là có vô số kẻ thù, một gánh nặng mà Đế chế Ottoman đương thời cũng phải gánh vác.
Từ khi Charles V lên ngôi Hoàng đế La Mã Thần thánh vào năm 1519 cho đến khi Tây Ban Nha thừa nhận thất bại với Hiệp ước Pyrenees vào năm 1659, cuộc đấu tranh kéo dài và về thất bại tối hậu chấm dứt những tham vọng của nhà Habsburg đã tạo ra những chuyển đổi tiếp theo trong hệ thống Cường quốc.
“Cuộc cách mạng tài chính” và 7 cuộc chiến lớn giữa Anh và Pháp (cuối thế kỷ 17 – đầu thế kỷ 18)
Sự trỗi dậy của các nền quân chủ chế độ cũ ở thế kỷ 18, cùng những tổ chức quân sự lớn và những hạm đội tàu chiến của họ, và hơn nữa là sự thiếu hụt kinh niên tiền kim loại đã hình thành nền tảng cho thứ gọi là “cuộc cách mạng tài chính” vào cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18,5 khi một số quốc gia Tây Âu phát triển một hệ thống ngân hàng và tín dụng tương đối phức tạp để chi trả phí tổn chiến tranh của mình.
Thực tế là trong hầu hết các cuộc xung đột ở thế kỷ 18, gần 3/4 nguồn tài chính bổ sung được huy động để hỗ trợ các khoản chi tiêu thời chiến đều là vay mượn.
Thời gian này cũng là lúc diễn ra bảy cuộc chiến lớn giữa Anh – Pháp (1689-1815), tiêu biểu như Kế vị Tây Ban Nha, Kế vị Áo, Chiến tranh Bảy năm, Chiến tranh Napoleon.
Nhờ nắm lấy xu hướng tài chính mới mẻ này, Anh đã tạo ra những bước tiến quyết định nhất và cuối cùng loại Pháp ra khỏi vị trí cường quốc lớn mạnh nhất.
Công nghiệp hóa lần thứ nhất
Trong giai đoạn này, các yếu tố kinh tế đan xen với chiến lược nhiều hơn bao giờ hết. Ở giai đoạn trung tâm trong cuộc đọ sức giành quyền thống trị giữa Anh và Pháp, sự phụ thuộc lớn và bất thường của Anh vào hoạt động ngoại thương ở thời điểm này đã khiến họ trở nên dễ bị tổn hại bởi việc cấm đoán giao thương do “Hệ thống Lục địa” của Napoleon áp đặt. Thế nhưng một trong những lý do chính yếu giúp nền kinh tế Anh không bị sụp đổ trước những áp lực từ bên ngoài chính là họ đang tiến vào thời kỳ Cách mạng Công nghiệp.
Sự thay đổi cán cân giữa các Cường quốc do mẫu hình thay đổi công nghiệp và công nghệ không đồng đều tạo nên lại có khả năng tác động đến kết quả của các cuộc chiến tranh giữa thế kỷ 19 nhiều hơn so với mặt tài chính và tín dụng. Chẳng hạn, không có nguồn tiền sẵn có nào có thể cứu được Áo sau những thất bại trên chiến trường năm 1859 và 1866, hoặc một nước Pháp rất giàu có sau khi quân đội của họ bị đánh tan trong cuộc chiến năm 1870. Đúng là khả năng tài chính vượt trội đã hỗ trợ miền Bắc chiến thắng trong cuộc Nội chiến với miền Nam ở Mỹ; hay Anh và Pháp có đủ khả năng chi trả cho Chiến tranh Crimea hơn là một nước Nga sắp phá sản.
Cách mạng Công nghiệp giúp giải phóng lực lượng sản xuất, sự ổn định của châu Âu, công cuộc hiện đại hóa công nghệ quân sự và hải quân theo thời gian và sự xuất hiện và các cuộc chiến tranh chỉ mang tính cục bộ và ngắn hạn, tất cả lại có lợi cho một số Cường Quốc hơn những nước khác. Thực vậy, Anh là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ các xu hướng kinh tế và địa chính trị chung của thời kỳ sau năm 1815, đến mức nước này trở thành một kiểu cường quốc khác hẳn các cường quốc còn lại. Tất cả các quốc gia khác đều bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng về sức mạnh tương đối. Tuy nhiên đến những năm 1860, sự lan rộng hơn nữa của công nghiệp hóa đã bắt đầu thay đổi cán cân lực lượng thế giới một lần nữa.
Chiến tranh Crimea và sự xói mòn quyền lực của Nga (1854-1856)
Cho đến năm 1814, Nga vẫn là một nước hùng mạnh khiến cả châu Âu phải khiế.p s.ợ mỗi khi quân đội Nga tiến về phía tây. Tuy nhiên ở cấp độ kinh tế và công nghệ, Nga lại mất nền tảng một cách đáng báo động, chí ít khi so với các cường quốc khác. Và chiến dịch Crimea đã xác nhận một cách gây sốc về sự lạc hậu của Nga.
Chiến tranh Crimea (1854–1856) là cuộc chiến giữa liên minh Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Sardegna chống lại Nga. Quyền lực tương đối của Nga suy giảm nhiều nhất trong những thập niên hòa bình và công nghiệp hóa quốc tế sau năm 1815, dù không có đầy đủ chứng cứ cho đến khi xảy ra cuộc Chiến tranh Crimea.
Cuộc Chiến tranh Crimea đã đánh dấu sự rung chuyển hệ thống một cách nghiêm trọng, không chỉ làm suy yếu nền ngoại giao Hòa hợp cường quốc kiểu cũ mà còn khiến những cường quốc “cạnh sườn” cảm thấy ít muốn can thiệp vào trung tâm hơn.
Sự mất cân bằng quyền lực (1914-1918)
Trước tiên, thiệt hại về dân số và gián đoạn kinh tế do bốn năm rưỡi chiến tranh “tổng lực” gây ra là vô cùng lớn. Với những mất mát cá nhân và sự tàn phá khủng khiếp diễn ra cả trên “mặt trận trực diện” và mặt trận sân nhà, Thế chiến I được coi là đòn đánh tự kết liễu nền văn minh châu Âu và ảnh hưởng trên thế giới.
Các cấu trúc cơ bản của hệ thống quốc tế sau năm 1919 khác biệt đáng kể và mỏng manh hơn nhiều so với những cấu trúc tác động đến ngoại giao nửa thế kỷ trước đó.
Kết quả của Thế chiến I cho thấy diễn biến tổng thể của cuộc xung đột gồm sự bế tắc ban đầu giữa hai bên, sự thiếu hiệu quả của sự gia nhập của Ý, sự kiệt quệ chậm chạp của Nga, sự can thiệp quyết liệt của Mỹ trong việc theo kịp sức ép của phe Đồng minh và sự sụp đổ cuối cùng của các cường quốc Trung tâm… có tương quan chặt chẽ với sản xuất kinh tế và công nghiệp cũng như huy động hiệu quả lực lượng sẵn có cho mỗi liên minh trong các giai đoạn khác nhau của cuộc chiến. Có thể thấy trong cuộc chiến này, điểm mấu chốt chính là sự vượt trội rõ rệt về lực lượng sản xuất – điều mà Đức đã cay đắng nhận ra sau cuộc chiến.
Cuộc khủng hoảng kinh tế (1931-1942) và Thế chiến II (1939-1945)
Sự hồi sinh của mối đe dọa từ Đức vào năm 1933 đã đặt thêm căng thẳng vào quan hệ hợp tác ngoại giao Anh-Pháp-Mỹ vào thời điểm Hội nghị Kinh tế Thế giới tan rã và ba nền dân chủ này đang xây dựng tiền tệ và khối thương mại của riêng họ. Do đó, Thế chiến II bùng nổ khiến Anh và Pháp một lần nữa chống lại Đức như năm 1914. Cuộc chiến nhanh chóng kéo thêm nhiều đồng minh và mở rộng ra quy mô toàn cầu.
Sự kết thúc của Thế chiến II đã đánh dấu sự khởi đầu của một trật tự mới trong các vấn đề thế giới. Thế giới lưỡng cực được dự báo nhiều lần từ thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 cuối cùng đã hiện diện; trật tự quốc tế giờ đây chuyển “từ hệ thống này sang hệ thống khác”. Dường như chỉ còn Mỹ và Liên Xô là hai nước quan trọng; trong đó, “siêu quyền lực” của Mỹ vượt trội hẳn. Đơn giản bởi vì đa số phần còn lại của thế giới hoặc đã kiệt quệ vì chiến tranh hoặc vẫn trong giai đoạn thuộc địa “kém phát triển”.
Chiến tranh lạnh và sự hình thành thế giới thứ ba
Trong hai thập niên sau đó, phần lớn chính trường quốc tế quan tâm đến việc điều chỉnh để thích ứng với sự cạnh tranh Xô-Mỹ và phần còn lại thì từ chối. Chiến tranh Lạnh ban đầu tập trung vào việc vẽ lại ranh giới châu Âu.
Những đặc điểm chính của Chiến tranh Lạnh sau năm 1945 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến diễn tiến các mối quan hệ quốc tế cho đến ngày nay như việc gia tăng “sự phân rẽ” giữa hai khối ở châu Âu (một loạt các sự kiện diễn ra sau đó càng làm gia tăng thêm sự chia rẽ giữa hai khối), sự leo thang một phía dần dần từ chính châu Âu sang phần còn lại của thế giới, sự hỗn loạn và bất ổn chính trị tồn tại khắp phương Đông, và đặc biệt là cuộc chạy đua vũ trang ngày càng gia tăng giữa hai khối cùng với việc thành lập các liên minh quân sự hỗ trợ.
Trong khi đó, một xu hướng chính trong nền chính trị quyền lực ở thế kỷ 20, sự trỗi dậy của các siêu cường bắt đầu tương tác với một xu hướng khác mới hơn, đó là sự phân hóa chính trị trên toàn cầu. Chính sự kiêu ngạo và tham vọng của chủ nghĩa đế quốc phương Tây mang theo mầm mống của sự hủy diệt của chính nó. Sự tan rã của các đế chế này ở Viễn Đông sau năm 1941, việc kết hợp huy động các nền kinh tế và tuyển dụng nhân lực của các vùng lãnh thổ phụ thuộc khác khi chiến tranh phát triển và ảnh hưởng ý thức hệ của Hiến chương Đại Tây Dương và sự suy tàn của châu Âu đã kết hợp lại để giải phóng các lực lượng thay đổi trong cái được gọi là Thế giới Thứ ba vào thập niên 1950 – khác biệt với cả hai khối do Mỹ và Nga thống trị.
Trên đường đến thế kỷ 21 – Sự trỗi dậy của phương Đông
Vào tháng 7 năm 1971, Richard Nixon nhắc lại ý kiến của mình là hiện đã tồn tại năm cụm cường quốc kinh tế thế giới gồm Tây Âu, Nhật Bản, Trung Hoa, Liên Xô và Mỹ. “Đây là năm thế lực sẽ quyết định tương lai kinh tế bởi vì sức mạnh kinh tế sẽ là chìa khóa cho các loại quyền lực khác, tương lai của thế giới sẽ đi theo những cách khác trong một phần ba cuối thế kỷ này”.
Cuộc khảo sát kéo dài 500 năm về sự trỗi dậy và sụp đổ của các cường quốc trong hệ thống quốc tế của Paul Kennedy dừng lại ở ngưỡng cửa thế kỷ 21. Thách thức đặt ra cho các cơ quan quản trị khi thế giới hướng tới thế kỷ 21 là một nhiệm vụ ba trong một: vừa cung cấp an ninh quân sự phục vụ lợi ích quốc gia, vừa đáp ứng các nhu cầu kinh tế xã hội của toàn công dân, và vừa đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến cuộc chạy đua kinh tế và quân sự căng thẳng giữa các nước lớn như Nga, Tây Âu, Mỹ và Trung…
Trong cuộc chạy đua đến thế kỷ 21 và trong thế kỷ 21, những thay đổi lớn nào đã ảnh hưởng đến tình hình thế giới? Vị thế của các cường quốc sẽ thay đổi như thế nào và xu thế nào sẽ lên ngôi trong thế kỷ này?
– Bài viết từ Omega Plus Books –