Mỗi ngày đều có rất nhiều vấn đề cần chúng ta giải quyết và đánh giá, vậy nên tâm trí chúng ta thường tạo ra các mô phỏng để giúp tối ưu hóa kết quả. Chẳng hạn, khi bạn lái xe trên cao tốc, sắp tới lối ra nhưng lại đang ở sai làn, bạn sẽ bắt đầu thực hiện mô phỏng trong đầu. Chúng ta sẽ xem xét khoảng cách giữa những chiếc xe, tốc độ tương đối của họ, của chúng ta, còn bao xa tới lối ra, sau đó chúng ta bắt đầu nhẩm tính xem có cần tăng tốc để vượt qua chiếc xe bên cạnh hay là chậm lại để vòng ra sau đó. Việc thử nghiệm một vài tình huống thay vì lập tức lao vào dòng xe cộ và gây ra tai nạn chắc chắn sẽ là lựa chọn tốt hơn. Những mô phỏng hàng ngày như vậy rất hữu dụng.
Tuy nhiên những mô phỏng này thường rất dễ bị thiên kiến chủ quan làm sai lệch vì chúng ta thường nhìn nhận thế giới theo cách chúng ta muốn chứ không phải theo bản chất của nó. Nếu những quan điểm sai lầm này càng bị khóa chặt trong tâm trí, nó sẽ giống như một thứ hóa chất gây nghiện khiến ta khó có thể nhìn nhận ra vấn đề chứ đừng nói đến thay đổi hành vi. Đó là những suy nghĩ “gây nhiễu” tư duy và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những đánh giá của chúng ta sau này.
Chẳng hạn bạn chứng kiến một vụ tai nạn giao thông. Sau đó bạn được hỏi rằng khi đó của kính có vỡ không. Thay vì nhớ về hiện trường ban đầu, não bộ bạn lại liên kết “tai nạn xe hơi” với “cửa kính vỡ”, mặc dù thực tế hiện trường không hề như vậy. Câu hỏi “cửa kính vỡ”, có khả năng làm lời khai của bạn sai lệch. Hoặc khi nghe về ngôi trường A, bạn cho rằng những học sinh trường đó thường có gia thế, phải học rất nhiều và rất tự cao dù không có thông tin nào chính xác.
Những thiên kiến sẽ khiến chúng ta mất đi tính linh hoạt trong suy nghĩ của mình, không còn muốn tiếp nhận thông tin mới và thích ứng với những thay đổi của môi trường nữa. Chúng ta rất có thể trở thành “ngôi sao” trong bộ phim điện ảnh của chính mình, trở thành trung tâm của vũ trụ, việc này thường dẫn đến những hệ quả tiêu cực.
Vậy nên hãy dừng lại việc “Nghiện bản thân” và đánh giá vấn đề nào đó bằng những thiên kiến cá nhân. Bởi khi chúng ta nhìn nhận bản thân dưới cùng một thứ ánh sáng hết lần này đến lần khác thì hình ảnh ấy sẽ trở thành hình ảnh mặc định, một niềm tin mà bạn rất khó để thay đổi. Đánh giá, dự báo là việc chúng ta cần làm khi giải quyết một vấn đề, tuy nhiên phải có một cái nhìn khách quan thay vì áp đặt bởi chính những niềm tin cố hữu của chúng ta.
“Tâm lý học xã hội – Đi tìm chất gây nghiện trong mỗi con người” là tập hợp những nghiên cứu trong điều trị và phòng thí nghiệm của tác giả Judson Brewer – nhà tâm thần học có kinh nghiệm lâm sàng lâu năm trong lĩnh vực nghiên cứu về các chứng nghiện. Cuốn sách sẽ giúp bạn tìm kiếm “những kẻ” đang kiểm soát trí não của mình và thoát ra khỏi những nỗi khốn khổ, lệch lạc.