Silent treatment: Một người cứ nói, một người cứ im, và cả hai lìa xa nhau.

by admin

Một đôi uyên ương đang tay cầm tay nồng thắm, bỗng dưng một câu nói bật ra khiến gương mặt người kia sa sầm lại. Họ bỏ về và bặt vô âm tín suốt nhiều ngày sau đó, bất chấp những tin nhắn phân trần, giải thích, gần như là cầu xin từ đối phương. Mối quan hệ bị bao trùm bởi sự im lặng nặng nề và có khả năng chấm dứt chính vì sự im lặng ấy.

Người xưa bảo ban rằng “Im lặng là vàng”; biết kiệm lời đúng lúc giúp chúng ta tránh mâu thuẫn không đáng có. Nhưng nếu như giữ trong lòng lại làm khoảng cách sâu đậm hơn? Nếu sự im lặng bị lợi dụng trong mối quan hệ để làm tổn thương lẫn nhau thì sao?

—–

“Im lặng độc hại” (tiếng Anh là Silent Treatment) là việc một người kiên quyết từ chối giao tiếp khi mâu thuẫn xảy ra, nhằm gây căng thẳng cho đối phương. Tiếng ta hay tiếng Tây đều không thiếu từ để gọi nó. “Dỗi”, “”, “phũ”, “bo xì”, “tẩy chay”, “cold shoulder”, “stonewalling”… tuy sắc thái nghĩa khác nhau nhưng đều chỉ sự bất hợp tác. Nó có thể là cơn giận dỗi bản năng hoặc một hành động bắt nạt tinh thần có tổ chức.

Silent treatment có thể bị châm ngòi bởi những sự việc nhỏ nhất, chẳng hạn như bất đồng quan điểm hay một hành động vô tình vi phạm ranh giới của đối phương. Nó sẽ kéo dài đến khi người mắc lỗi không thể chịu đựng nữa và làm một trong ba điều sau:

  • Trở nên hoàn toàn nhượng bộ
  • Nói lời xin lỗi, thường là nhiều lần
  • Phải thay đổi hẳn những nét tính cách về mình khi ở cạnh người đang tức giận

Khi đó silent treatment mới chịu kết thúc. Người phũ sẽ tỏ ra hoàn toàn thản nhiên, hoặc xởi lởi quá mức để cố gắng khôi phục bầu không khí vui vẻ. Người bị phũ thấy thế cũng phải chôn chặt nỗi buồn và hưởng ứng theo, nhưng cách giải quyết đó chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Trong thâm tâm cả hai bên đều biết vị thế của mình trong mối quan hệ này không còn bình đẳng nữa. Một người cảm thấy bị gò bó hơn, người kia sẽ nhận ra mình có thể vũ khí hóa sự im lặng.

Điều gây khó chịu nhất của im lặng độc hại chính là sự lén lút. Chính vì không có thái độ nào rõ ràng được thể hiện nên nếu bị hỏi, đối phương dễ dàng chối bay chối biến. Bạn hãy nhìn cuộc đối thoại này làm ví dụ:

A: Bạn cố tình phớt lờ tôi phải không?

B: Không, đâu có! Tôi đang bận công việc nên không để ý điện thoại thôi. Bạn đừng nghĩ thế nha.” (mặc dù cái chấm xanh đã hiện ra không dưới chục lần)

Và cứ như thế người bị phũ tiếp tục hoài nghi cảm xúc của mình, còn kẻ kia thì thở phào nhẹ nhõm…

—–

Im lặng độc hại đồng nghĩa với ích kỉ và vô tâm – rất khó để nghĩ khác đi. Nhưng đối với một số người, sự im lặng như lối thoát duy nhất để chạy trốn khỏi cảm xúc của mình. Họ không biết phải diễn đạt chúng thế nào vì chưa bao giờ có cơ hội nói ra.

Theo những gì tôi cảm nhận, nguyên nhân chủ yếu là tuổi thơ không lành mạnh. Thời Gen X đổ lại, việc xin lỗi con trẻ vẫn chưa phổ biến đối với phụ huynh Đông Nam Á nên sau mỗi trận đòn roi, chỉ có im lặng ngự trị. Đứa trẻ phải tự lau nước mắt, tiếp tục sinh hoạt hàng ngày của mình và quên đi vết sẹo mới trong lòng. Đến bữa cơm ngay sau trận đòn, bố mẹ cố gắng bù đắp bằng cách gắp cho nó những món ngon nhưng không thể cho được cái nó thực sự cần là cuộc nói chuyện thẳng thắn về tình cảm.

Một thời điểm khi đã trưởng thành, ta khám phá ra silent treatment và bám chặt lấy nó như thuốc giảm đau. Ta quá sợ đối mặt với cảm xúc tiêu cực nên nhất quyết im lặng để truyền thông điệp ngầm: “Tôi chán chẳng buồn nói nữa, bạn hiểu sao thì tùy.” Người tiếp nhận silent treatment làm sao biết những điều đó. Họ chỉ thấy câu gì mình nói ra cũng khiến đối phương mặt nặng mày nhẹ, mà càng nói càng tệ hơn. Đến một lúc họ cảm thấy chỉ sự hiện diện của mình cũng làm đối phương khó chịu, và hai trái tim rời xa vì bất đồng ngôn ngữ.

—–

Trừ khi nhân loại có khả năng thần giao cách cảm để luôn biết cư xử cho vừa lòng nhau, không thì silent treatment sẽ luôn là một phần của cuộc sống, xuất hiện ở bất kì mối quan hệ nào từ gia đình, bạn bè đến tình yêu. Nhưng không nhất thiết phải đi đến một kết cục buồn, chỉ cần mình kiên tâm đối mặt với nó.

Có ba chữ L mà tôi tin áp dụng được cho cả hai bên: Lắng ngheLý lẽ và Lập trường. Lắng nghe với thái độ khách quan và tôn trọng trải nghiệm của nhau, mà lắng nghe thực sự chứ không phải nghe chỉ để chen lời hay nghe cộng với bấm điện thoại. Lý lẽ để giải tỏa những hiểu lầm và Lập trường để xác lập ranh giới, tránh bên nào tiếp tục chì chiết bên còn lại. Nếu quá nóng giận hãy thống nhất im lặng một thời gian để hạ hỏa, nhưng trên tinh thần sẽ trở lại để tìm ra giải pháp.

Trong trường hợp này hai người nói đúng lúc, lặng im đúng thời điểm, và hai trái tim cùng chung một ngôn ngữ.

Sơn Nguyễn suy nghĩ

You may also like

Leave a Comment