Đọc sách để tạo ra những giá trị nghệ thuật mới
Là người viết, nhưng nhà văn cũng là người đọc. Nhân Ngày sách Việt Nam 21-4, tôn vinh sách, chúng ta đồng thời cũng bàn đến sự đọc như một sở thích, một nhu cầu, và tất yếu còn là một hoạt động không thể thiếu trong hành trình sáng tạo của nhà văn.
Nhà văn thì phải đọc
Nếu hiểu sách như một dạng vật chất lưu giữ, truyền bá, thể hiện một thông điệp nào đó qua hệ thống ký hiệu, thì sách đã có từ xa xưa. Những ký hiệu, ký tự trên vách đá, trong hang động, trên xương – da thú, mai rùa, đất nung, cây cối, kim loại, gỗ, giấy và bây giờ là sách điện tử, sách nói… đã là hình thức tồn tại của sách đi cùng lịch sử phát triển của nhân loại. Trong những dạng thức tồn tại khác nhau ấy, từ cổ đại tới giờ, sách là hiện thân của tri thức loài người. Đọc sách là tiếp cận với nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại cả ở quá khứ và hiện tại, lịch đại và đồng đại. Đó là sự giao tiếp xuyên không gian và thời gian. Người đọc có thể sử dụng, thông hiểu, giao tiếp được với hệ thống ký hiệu trong sách, nhằm phục vụ cho cuộc sống của họ. Trong số đó, nhà văn được xem là thành phần ưu tú, bởi họ vừa là người đọc (tinh hoa), vừa là người tạo ra những cuốn sách (văn học). Câu hỏi đặt ra là, nhà văn đọc sách gì? Sách có ích lợi gì cho nhà văn trong đời sống và công việc viết lách – sáng tạo? Cùng với đó, việc đọc có thể làm nảy sinh những ý nghĩ: Đọc sách thế nào? Đọc sách có hoàn toàn tốt không hay tiềm ẩn những nguy cơ gì?
Là nhà văn thì phải đọc sách! Đó là điều không phải bàn cãi. Có thể đọc nhiều hoặc đọc ít, nhưng không có nhà văn nào dám nói rằng mình tuyệt đối không đọc một cuốn sách nào. Nhà văn cũng là người đọc, thế nên, sách được đọc theo sở thích, nhu cầu giải trí, học tập, công việc là tất yếu. Dễ thường, người đọc nào cũng vậy, nhưng nhà văn ngoài phổ đọc như công chúng nói chung, còn đọc để tích lũy tri thức kết hợp với trải nghiệm sống nhằm tái tạo – sáng tạo các giá trị tri thức, nghệ thuật, tiếp tục bổ sung, đóng góp vào kho tàng sách của nhân loại. Chính vì sứ mệnh đó, nhà văn vừa đọc để biết, giải trí, thưởng thức vừa đọc để học tập, nhưng quan trọng hơn là để sáng tạo ra những giá trị khác biệt (muốn khác biệt thì trước hết phải biết những người đi trước đã làm được những gì). Đó là đòi hỏi rất khó, nhưng cũng là điều nhà văn cần nỗ lực để thực hiện.
Nguồn mở cho sáng tạo
Đỗ Phủ từng viết: “Sách đọc vỡ muôn quyển/ Hạ bút như có thần”. Nguyễn Du để viết “Truyện Kiều” đã đọc không chỉ “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân mà còn tham khảo nhiều sách vở tư liệu lịch sử, dã sử của Trung Hoa. Giai thoại về Cao Bá Quát tự cho rằng mình giữ tới hai bồ chữ trong thiên hạ cũng phần nào nói lên công phu, năng lực đọc sách của nhà văn. Giai đoạn giao thời Đông – Tây ở Việt Nam, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nếu Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh… không đọc các tác giả – tác phẩm văn học phương Tây thì sao có thể dịch chuyển nền văn học quốc ngữ vào trường hiện đại. Những dấu vết của Victor Hugo, Hector Malot, A.Dumas trong sáng tác của Hồ Biểu Chánh cho thấy nhà văn Nam Bộ này đã đọc và mô phỏng, sáng tạo từ văn học phương Tây rất sớm. Hoài Thanh từng nói rằng, mỗi nhà văn Việt Nam đều mang nặng trên đầu dăm bảy nhà thơ khác từ phương Tây là cách diễn đạt hình tượng về hướng lựa chọn và đọc sách của các nhà văn giai đoạn đó. Và, trong đời sống văn chương hiện nay, sự bùng nổ của lý thuyết hiện đại – hậu hiện đại, các phương pháp sáng tác tân kỳ nở rộ trên khắp thế giới, nếu nhà văn không đọc e rằng câu chuyện sáng tạo – cách tân sẽ trở nên mờ mịt, nếu không nói là may rủi, tránh được những ảo tưởng “phát hiện ra châu Mỹ” lần nữa.
Sách văn học là ưu tiên hàng đầu của nhà văn. Đó là nguồn tri thức, kinh nghiệm, mỹ cảm nuôi dưỡng và kích thích sự sáng tạo của nhà văn. Cùng với sách văn học, dòng sách triết học, mỹ học, lịch sử, khoa học xã hội nhân văn… có lẽ là những lựa chọn phổ biến của nhiều tác giả. Để tạo ra cái mới có giá trị tư tưởng – nghệ thuật, nhiều nhà văn đã xem sách triết học, mỹ học như một thứ công cụ khai minh nhằm đào sâu hơn vào kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sách vở của mình. Sách lịch sử, sách về các loại hình nghệ thuật, khoa học xã hội nhân văn khác cũng là nguồn mở cho những kinh nghiệm sáng tạo khi nó kết nối nhà văn vào các không gian, thời gian, trải nghiệm khác, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho quá trình chiếm lĩnh thực tại, tư duy và biểu đạt thẩm mỹ – nghệ thuật. Trong thực tế, việc đọc của nhà văn là hết sức đa dạng. Chúng ta không ngạc nhiên gì khi nhà văn tìm đọc cả các sách khoa học tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế hay pháp luật, chính trị, quân sự, tôn giáo… Tác phẩm nghệ thuật của nhà văn là sự kết tinh ở mức độ cao nhất kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đọc của họ.
Đọc và sống song hành
Đọc sách bổ túc vào kinh nghiệm sống của nhà văn. Không phải ai cũng có thể sống trải, trực tiếp kinh qua các sự kiện đời sống để thu nạp tri thức. Vì vậy, việc đọc là một kênh nhằm bù vào, lấp đầy các thiếu khuyết ấy. Đơn cử, các nhà văn viết về lịch sử, nếu không đọc các tư liệu chính sử, dã sử, các tác phẩm khác viết về lịch sử thì họ sẽ hoàn toàn trống rỗng về tri thức của đề tài này. Như thế thì không thể viết về lịch sử được. Chúng ta tin rằng, những bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ như “Tám triều vua Lý”, “Bão táp triều Trần” của nhà văn Hoàng Quốc Hải đã thể hiện một công phu nghiên cứu tư liệu của tác giả. Tất cả những tư liệu lịch sử đó, hẳn nhiên ông đã phải tìm kiếm, nghiền ngẫm từ những bộ sách lịch sử đã tồn tại trong thư tịch Việt Nam. Một diễn biến khác, các tác phẩm văn học sinh thái – môi trường, nếu không có những nghiên cứu trực tiếp từ tự nhiên kết hợp với việc đọc các công trình nghiên cứu sinh thái học, e rằng việc sáng tác của nhà văn sẽ gặp rất nhiều trở ngại, nếu không muốn nói là rơi vào tình trạng “mơ hồ sinh thái” mà giới nghiên cứu – phê bình sinh thái đã chỉ ra.
Đọc sách và đọc nhiều sách là phẩm chất và năng lực rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, không cứ đọc – đọc nhiều là thành nhà văn. Sách chỉ là kho tàng tri thức và kinh nghiệm. Nó là cái đã có, cũng có thể là chất liệu cho những kiến tạo mới, nhưng nó không đảm bảo cho một ai đó trở thành nhà văn. Có những trường hợp đọc nhiều nhưng không “tiêu hóa” được sách vở, hay nói cách khác sách vở không giúp ích gì cho việc viết lách, sáng tạo của họ. Trái ngược với việc không “tiêu hóa” được sách, việc đọc và lệ thuộc vào sách cũng tiềm ẩn nguy cơ với nhà văn. Tình trạng một nhà văn bị ảnh hưởng bởi một nhà văn khác đến mức mô phỏng, bắt chước hay đạo văn có thể nảy sinh từ tình huống đọc này. Trong đời sống xã hội, đã có những cảnh báo từ việc đọc và quá lệ thuộc vào sách, thiếu các kinh nghiệm sống thực tế. Một trong những điển hình đó là việc các thiếu nữ tân thời (đầu thế kỷ XX) tự vẫn vì tình có một phần lý do từ các tiểu thuyết diễm tình xuất bản thời bấy giờ.
Nhà văn đọc sách và viết sách, đó là con đường để lưu – truyền các giá trị trong tiến trình lịch sử – tư tưởng – nghệ thuật của nhân loại. Sách là thế giới, là tri thức, là sức mạnh, nhưng không phải là tất cả. Đọc sách, sống sâu, nghĩ kỹ cùng với tài năng có lẽ là những thành tố chính, tạo nên lý do để hy vọng về sự xuất hiện của một nhà văn. Có ý kiến cho rằng, có những loại sách “chắt ra” từ sách, và có loại sách chắt ra từ đời. Tuy nhiên, nói sách chắt ra từ đời không có nghĩa là tác giả không hề đọc sách, cũng như, sách chắt ra từ sách thì không phải tác giả hoàn toàn không có kinh nghiệm sống đời. Điểm tích cực khi chúng ta nhìn về quan điểm này chính là việc phải không ngừng đọc và suy ngẫm, kết hợp với vốn sống phong phú để tạo nên những giá trị mới cho nghệ thuật. Đó là con đường sáng của một nhà văn.
Nguồn HNM