Bên cạnh việc hướng đến hình thành thói quen đọc sách cho thế hệ trẻ, thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng, các cuộc thi, sân chơi về đọc sách được nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức gần đây còn góp phần khơi dậy khả năng sáng tạo, rèn luyện kỹ năng viết, vẽ, diễn thuyết, tự tin thể hiện quan điểm của người đọc. Đây là những nhân tố hữu ích trong đời sống, cần được trau dồi, phát huy.
Sân chơi bổ ích cho người đọc
Cuộc thi giới thiệu sách “Viết & Vlog” cho các em nhỏ từ 6 đến 15 tuổi do Nhà Xuất bản Kim Đồng vừa phát động đang được sự quan tâm của bạn đọc. Bà Giáng Ngọc (Phòng Truyền thông, Nhà Xuất bản Kim Đồng) cho biết, cuộc thi nhằm tạo không gian rèn luyện, học tập bên ngoài nhà trường, truyền cảm hứng để các em nhỏ nói lên suy nghĩ, ý tưởng, ước mơ của mình sau khi đọc một cuốn sách yêu thích bằng cách viết hoặc thực hiện video clip, qua đó không chỉ giúp các em thích đọc sách, mà còn rèn luyện các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống như: Viết, vẽ, diễn thuyết… Chỉ trong một tuần (từ ngày 1 đến 7-7), Ban Tổ chức đã nhận được hơn 200 bài dự thi, trong đó nhiều bài viết với văn phong hấp dẫn, thuyết phục.
“Đại sứ văn hóa đọc” là cuộc thi lớn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hằng năm trên quy mô toàn quốc. Thí sinh dự thi bằng bài viết, video clip chia sẻ về cuốn sách mình yêu thích, hoặc sáng tác một câu chuyện, bài thơ khích lệ mọi người đọc sách, hoặc viết tiếp lời cho câu chuyện, cuốn sách đã đọc, đồng thời chia sẻ ý tưởng khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn. Cuộc thi năm 2021 khởi động từ tháng 2, đến nay đã có 58 tỉnh, thành phố, gần 30 trường đại học, học viện và một số bộ, ngành hưởng ứng với hàng trăm nghìn bài dự thi. Riêng thành phố Hà Nội, tính đến ngày 2-7, đã có 11.534 bài viết và 118 video clip của học sinh tham dự. Theo Ban Tổ chức, mỗi năm, các bài thi lại được đầu tư công phu hơn về cả nội dung và hình thức, với những đề xuất phát triển văn hóa đọc sáng tạo, khả thi. Nhiều thí sinh thể hiện bài thi bằng các ngôn ngữ khác nhau, có tranh vẽ, trang trí sinh động, cầu kỳ.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến năm 2021, với chủ đề “Cuốn sách tôi yêu”. Thí sinh tham dự bằng hình thức xây dựng video clip giới thiệu cuốn sách yêu thích, đăng tải trên kênh YouTube “Sách và trí tuệ Việt” của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), qua đó lan tỏa sách hay đến cộng đồng, kích thích khả năng diễn thuyết của người tham gia.
Ở một hình thức khác, hơn một năm qua, kênh “Cùng bạn đọc sách” trên YouTube do Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà sáng lập, trở thành sân chơi sôi nổi để bạn đọc chia sẻ cuốn sách hay, kinh nghiệm đọc sách, đồng thời rèn luyện, nâng cao kỹ năng thể hiện sách nói, kể chuyện sách. Hiện kênh này có hơn 900 video clip, thu hút hơn 5.000 người đăng ký, hơn 750.000 lượt xem. Không chỉ vậy, nhằm duy trì thói quen đọc sách cho các em nhỏ trong thời gian nghỉ hè, hạn chế ra ngoài để phòng, chống dịch Covid-19, Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” (Hà Nội) tổ chức khóa sinh hoạt hè trực tuyến với chủ đề “Mùa hè – Mùa lớn”, gồm nhiều hoạt động trực tuyến rèn luyện việc ghi chép trong quá trình đọc sách, nghĩ và viết trực tuyến (online) hay làm quen với việc sáng tác, dịch thuật…
Phát triển kỹ năng, sự sáng tạo
Đã tham gia và đoạt giải cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020, sinh viên Nghiêm Vũ Thu Loan (Trường Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng, các sân chơi cho người đọc sách là cơ hội để mỗi người phát huy, thể hiện khả năng viết hay thuyết trình. Đây cũng là nơi thử sức, rèn luyện kỹ năng “mềm” của bản thân. Em Nguyễn Gia Thùy, học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Tham gia các sân chơi, như: Đại sứ văn hóa đọc, Cuốn sách tôi yêu… em đọc nhiều sách hơn, tìm hiểu sâu ý nghĩa của mỗi cuốn sách. Điều này giúp em tăng vốn từ, biết cách diễn đạt suy nghĩ, góp phần học tốt môn tiếng Việt”.
Làm giám khảo nhiều cuộc thi sáng tác văn học, viết về cuốn sách yêu thích dành cho các em nhỏ, nhà văn Lê Minh Khuê đánh giá, các bạn trẻ tiến bộ dần qua mỗi sân chơi, được hoàn thiện các kỹ năng trình bày và phát huy sáng kiến, sáng tạo. Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh – người sáng lập Câu lạc bộ đọc sách cùng con, phải tổ chức những sự kiện, cuộc thi xung quanh việc đọc sách thật sáng tạo, hấp dẫn từ tên gọi đến hình thức, nội dung thì mới thu hút được giới trẻ.
Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thư viện Phạm Quốc Hùng cho biết, các sân chơi, cuộc thi viết, vẽ, thuyết trình về sách đã góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách của thanh, thiếu niên, nhi đồng, từ đó thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức các hoạt động, sân chơi bổ ích, hấp dẫn với hình thức thông thường và trực tuyến, để thêm nhiều đối tượng tham gia truyền cảm hứng, tình yêu sách đến mọi người.
Theo Hà Nội Mới