Sâu sắc và thú vị, người đọc có thể hiểu thêm về mảnh đất nghìn năm văn hiến qua những câu chuyện chất chứa tình đời, tình người.
Chuyện người Hà Nội tập 1 phát hành năm 2021, nhận được sự đón nhận của độc giả yêu thủ đô.
Với mong muốn lan tỏa tình yêu thành phố này đến nhiều bạn đọc hơn nữa, mới đây, Tri Thức Trẻ Books tái bản Chuyện người Hà Nội tập 1, đồng thời tiếp tục ra mắt Chuyện người Hà Nội tập 2.
Hai tập sách ra đời như một cái duyên bất ngờ gắn với thủ đô của một nhóm có tên “Hà Nội Tri Thức” với số lượng thành viên lên tới hàng chục nghìn người.
Với cảm xúc cá nhân, nhiều cây bút trong nhóm này đã thuật lại khung cảnh đời sống sinh hoạt xưa của con người với những nét văn hóa rất riêng chỉ có ở thủ đô. Từng trang sách như bức tranh, từng câu chữ như nét bút họa lại một thành phố cổ kính, tráng lệ.
Trải lòng về Hà Nội
Trong cuốn sách, các tác giả đều trải lòng mình với mảnh đất này. Đó là những câu chuyện đa dạng, hấp dẫn, đi dọc theo dòng thời gian. Có khi là chuyện về đội bóng đá đầu tiên của Hà thành, tiếng rao đêm với những thức quà vặt tuổi thơ khiến đứa trẻ nào lòng cũng đầy háo hức. Cũng có khi là tuổi thơ nghịch ngợm “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, rồi đến giai đoạn trưởng thành lại vấn vương hương hoa sữa bên hồ.
Ký ức về thủ đô còn được gợi nhắc qua gánh hàng rong với những cô, bà bán hàng mặc áo tứ thân, đeo khăn mỏ quạ. Chỉ thế thôi cũng góp phần làm nên bức tranh sinh hoạt xưa đầy sống động. Nỗi nhớ ấy có khi rất thực, lúc lại mơ hồ nhưng đầy thao thức, dù đó là người Việt trong nước hay xa xứ.
Lời giới thiệu sách viết: “Người đọc có thể hiểu Hà Nội qua những biến thiên thời cuộc chỉ từ một tà áo dài đầy nữ tính của người phụ nữ Hà thành xưa và nay. Hiểu Hà Nội từ phong tục, tập quán đám cưới của người Hà Nội thời bao cấp khó khăn. Hay từ câu chuyện ở những khu nhà tập thể xây theo kiểu lắp ghép”.
35 bài viết thuộc thể loại tản văn đi sâu khai thác những góc nhìn khác nhau về mảnh đất nghìn năm văn hiến. Có thể kể đến như: Một kiểu hàng rong (Nguyễn Lệ Chân), Áo dài và người Hà Nội (Phạm Kim Dung), Thấy mùa tan chảy trên từng ngón tay (Hà Thanh Vân), “Mía nướng” – Quà vặt nơi thị thành (Phạm Hồng Thế), Bức phù điêu mẹ đọc con nghe (Trần Hậu Yên Thế) hay Phố Hàng Ngang ngày ấy (Mai Thế Trạch)…
Đúng như tiêu đề sách, Chuyện người Hà Nội xoay quanh chủ đề con người đầy bản lĩnh, khí phách nhưng cũng rất đỗi giản dị và đời sống sinh hoạt, văn hóa của thủ đô giữa những dâu bể thăng trầm.
Ngõ ngách của nền văn hóa Hà thành
“Khi những cơn gió đông se sẽ về, se sẽ lạnh pha chút se sẽ hanh hao của mùa thu cũ, khiến những hồi ức về Hà Nội thêm nao lòng” là những câu văn mở đầu cho tập 2 Chuyện người Hà Nội.
Đối với những cây bút sinh ra, lớn lên tại thủ đô, đã là chuyện của con tim, đâu phải chỉ tình yêu đôi lứa, mà chuyện về một xứ sở, mảnh đất nếu một khi đã trót nặng lòng thì cũng thật khó dứt.
Ở tập 2 này, nhóm tác giả dẫn bạn đọc đi sâu hơn vào ngõ ngách văn hóa và đời sống sinh hoạt của Hà thành xưa cũ. Bấy giờ, nhịp sống chậm rãi, tao nhã của người dân mang đặc điểm của một đô thị nhưng vẫn đan cài vào đó là sự ảnh hưởng của văn hóa Pháp và thời kỳ bắt đầu đổi mới.
Không chỉ thế, tập sách còn gồm những bài viết đầy ắp thông tin mang tính chất khảo cứu, truy tìm nguồn gốc, lịch sử của chiếc xích lô, xe kéo, bãi chiếu bóng hay cây cầu Thăng Long.
Bên cạnh đó, tập 2 này còn mang đến vốn hiểu biết về con đường thâm nhập của âm nhạc cổ điển phương Tây vào Hà Nội đầu thế kỷ 20, sau đó là những bản nhạc giao hưởng đầu tiên do các nhạc sĩ Việt Nam (Hoàng Vân, Trần Ngọc Xương, Hoàng Việt…) sáng tác.
Các gương mặt nhà văn, nhà thơ ở thời này cùng tác phẩm của họ cũng góp phần tạo nên bức tranh văn học nghệ thuật Hà Nội sinh động, đa màu sắc.
Giữa mọi thăng trầm của đời sống, thiên nhiên và con người nơi đây vẫn mang một nét đẹp rất riêng dù không tránh khỏi sự phôi pha bởi thời gian và quy luật thực tiễn.
Tình yêu và sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế trước vẻ đẹp thủ đô khiến nhà văn Uông Triều cảm nhận được giữa những gam màu làm nên bức tranh Hà Nội, nổi lên nhất vẫn là sắc vàng.
Trong bài viết Những sắc vàng Hà Nội mở đầu tập 2, cây bút này miêu tả những tòa nhà điển hình nhất của Hà Nội đều có màu vàng: Nhà hát Lớn sang trọng trên phố Tràng Tiền, Đại học Dược trầm mặc trên phố Lê Thánh Tông hay những biệt thự trên phố Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lý Thường Kiệt.
Theo anh, mỗi thành phố có một màu sắc riêng. Nó phản ánh sở thích, thói quen và tập tục của dân cư nơi ấy. Riêng thủ đô có sự đồng điệu, hài hòa và giao thoa muôn mặt. Nơi đây tập hợp ẩm thực từ trăm miền, kết đọng văn hóa muôn nơi, là mảnh đất lành mà người tứ xứ tụ về.
“Kể cả màu sắc đỏ, vàng, trắng, xanh cũng hòa quyện trong một bối cảnh rất đa dạng và phong phú. Và tất nhiên màu vàng có một vị thế, một nét đặc trưng riêng trong thành phố hơn nghìn năm tuổi này. Tôi yêu những sắc vàng của Hà Nội!”, nhà văn Uông Triều viết.
Hai tập sách một phần ghi lại nỗi niềm của những người mang trong mình tình yêu tha thiết dành cho thủ đô, mặt khác là nơi lưu giữ nét đẹp của Hà Nội xưa trong lịch sử và ký ức.
Theo Zing News
Tags: