“Cả đời cá bơi trong nước, vậy cá biết gì về nước?” – Albert Einstein
Phôi thai
Khi nói đến sinh sản, có một câu hỏi mà sinh học phân tử không thể trả lời:
– Làm thế nào một tập hợp các phân tử có thể phát triển thành phôi và từ đó hình thành một sinh vật sống có khả năng tự chủ?
Năm 1828, Karl Ernst von Baer – chuyên gia phôi học người Estonia – phát hiện phôi của các loài khác nhau trông giống nhau đến ngạc nhiên. Ông nhận ra điều này trong một lần quên dán nhãn cho hai phôi thai được ngâm trong phoóc-môn và không thể xác định được đó là phôi của bò sát, gia cầm hay động vật có vú. Khi phân tích cẩn thận hơn, von Baer phát hiện trong giai đoạn đầu phát triển phôi, tất cả các động vật có xương đều giống nhau ít nhiều; chỉ đến các giai đoạn sau của thai kỳ, người ta mới có thể nhận ra sự khác biệt giữa các lớp (cá, chim, động vật lưỡng cư, động vật có vú,…), sau đó là đến bộ, họ,…
Nước là môi trường trung gian, trong đó mọi thứ được sinh ra và phát triển. Nước thật sự là nguồn gốc của mọi sự sống, cả về mặt phát triển cá thể (sự phát triển phôi) lẫn phát sinh chủng loại học (quá trình tiến hóa thành nhiều loài từ một loài nhất định). Sự tồn tại của bất kỳ sinh vật sống nào ngày nay cũng đều bắt nguồn từ nước, bao gồm của con người chúng ta.
Trong giai đoạn bào thai, con người là một động vật thủy sinh cộng sinh, ngủ đông trong môi trường nước ấm và mặn tương tự trạng thái cân bằng hydrosaline của đại dương. Trong chín tháng đầu đời, chúng ta sống như những sinh vật biển. Tế bào mầm trong môi trường chất lỏng sau này sẽ trở thành phôi thai và túi ối. Suốt thời gian nằm trong bụng mẹ, thai nhi hoạt động như một con cá, ngâm mình trong nước ối và nhận oxy qua động mạch rốn.
Tổ tiên của tất cả các sinh vật sống ngày nay là loài thủy sinh. Bốn trăm triệu năm trước, trong Kỷ Devon, loài thủy sinh đó bắt đầu phát triển từ cá thành động vật sống trên bờ. Sự tiến hóa của loài này đã tạo ra thế hệ lưỡng cư đầu tiên, sau đó là các loài bò sát, động vật có vú và chim. Về sau, một số sinh vật quyết định thay đổi môi trường sống, chẳng hạn như dơi chọn bầu trời, còn hải cẩu, cá voi và chim cánh cụt quay trở lại biển. Và như đã đề cập trong Chương 4, tổ tiên của loài người có thể cũng từng quay về với nước, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định.
Định luật Haeckel – được đặt tên theo nhà khoa học tự nhiên người Đức Ernst Haeckel (1834 – 1919) – từ lâu đã trở thành một trong những định luật quan trọng của ngành sinh học, theo đó sự phát triển của một cá thể phản ánh sự phát triển của cả loài – nghĩa là sự phát triển phôi thai trong tử cung của một loài phản ánh lịch sử tiến hóa của loài đó, từ vi sinh vật đến cá đến động vật lưỡng cư…
Khi áp dụng vào thực tế, ta có thể thấy tế bào tinh trùng trông khá giống động vật nguyên sinh hình roi. Trong tuần thứ ba của thai kỳ, phôi thai phát triển các khe mang ở hai bên đầu; nếu chúng ta là cá, các khe mang sẽ phát triển thành mang; nhưng chúng ta là người và các khe mang đó là những vết tích rõ ràng từ thời kỳ chúng ta chưa thành người. Khi mắt được hình thành, phôi thai bắt đầu trông giống như một loài lưỡng cư. Các giai đoạn phát triển tiếp theo đại diện cho những thời kỳ tiến hóa cao hơn, cho đến khi chúng ta trở thành con người hoàn toàn.
Nguyên tắc này cũng đúng khi áp dụng mô hình vi mô và vĩ mô như đã đề cập trong các chương đầu của quyển sách này, theo đó bộ phận đại diện cho toàn bộ và ngược lại. Trong giai đoạn phôi thai trông giống cá nhất, tim của chúng ta lúc đó chỉ mới có hai ngăn, giống như tim cá. Khi chúng ta bắt đầu trông giống kỳ nhông, tim phát triển thêm ngăn thứ ba, như tim kỳ nhông. Đến cuối cùng, chúng ta có quả tim bốn ngăn của một động vật có vú.
Ngày nay định luật Haeckel không còn được công nhận nữa, vì vài năm sau đó, người ta phát hiện con người cáo già ấy đã cố tình vẽ không đúng thực tế để củng cố luận điểm của mình. Nhưng theo tôi, quan điểm khiến ông vẽ sai lại không hoàn toàn sai.
Phôi thai của một loài không phản ánh hình dạng và cấu tạo cụ thể của các loài động vật phát sinh trước nó. Một phôi thai người không thể tái hiện một trạng thái của cá trưởng thành, nhưng có thể có chung một số đặc điểm với phôi thai của cá. Đây là một quan điểm khá hợp lý, và có lẽ cũng tương đối quan trọng.
Sự phát triển cá thể quả thật có thể tóm tắt sự phát sinh chủng loại, nhưng không giống như những gì Haeckel đã đề xuất. Nhà sinh vật học Lyall Watson đã đề xuất một cách lý giải chính xác hơn, đó là sự phát triển của một cá thể giúp ta dự đoán sự phát triển của cả loài. Điều này có nghĩa là phôi và cách thức phát triển của phôi ẩn chứa nguồn gốc, ý nghĩa và động lực tiến hóa của loài. Thông qua tiến trình phát triển phôi thai, chúng ta thấy được tổ tiên của chính mình trong quá khứ – dấu ấn của các loài tổ tiên không chỉ được lưu trữ trong bộ gien mà còn trong chính hình dạng phôi thai.
Sinh trong nước
Vì những đặc tính của chúng ta đều được rèn nên từ nước, nên hiển nhiên phương pháp sinh con có lợi cho sức khỏe và phù hợp nhất là thông qua một lớp “đệm” nước trung gian, nhằm tạo sự chuyển đổi tự nhiên nhất có thể từ
môi trường nước ối sang không khí. Suốt những năm qua, nhiều nhà nghiên cứu, nữ hộ sinh và bác sĩ sản khoa đã khẳng định sinh trong nước là cách tốt nhất để chào đón một đứa trẻ đến với thế giới này. Dù là một khái niệm tương đối mới mẻ trong văn hóa phương Tây, sinh trong nước là phương pháp sinh sản đã được thực hiện từ lâu bởi nhiều quốc gia khác. Trước khi các nhà truyền giáo đặt chân đến New Zealand, phụ nữ của một số bộ lạc Maori vẫn thường sinh con trong nước.
Trong quá trình chuyển dạ, bản năng nguyên thủy của người mẹ được kích hoạt, buộc họ phải tập trung hoàn toàn vào hoạt động sinh nở và đạt trạng thái ý thức vượt xa lý trí thông thường. Để “khích lệ” trạng thái này, trước khi chuyển dạ, phụ nữ của nhiều dân tộc trong lịch sử đã tách mình ra khỏi cộng đồng và dành thời gian nghỉ ngơi ở những nơi biệt lập – thường là những nơi gần nước – giống như một pháp sư đi vào sa mạc để đàm đạo cùng các linh hồn. Ngày nay, các phương pháp sử dụng hình ảnh và thuật thôi miên có thể giúp người mẹ đạt được trạng thái tương tự, giúp họ sinh nở ít đau đớn hơn và bình thản hơn.
Nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra sinh trong nước làm giảm các biến chứng khi sinh, giảm thời gian chuyển dạ và quan trọng nhất là giảm thương tổn cho trẻ sơ sinh. “Đệm” nước làm giảm tác dụng của lực hấp dẫn, giúp người mẹ bớt căng thẳng khi các cơn co thắt diễn ra. Đối với cả người mẹ và đứa trẻ, trạng thái gần như không trọng lượng được tạo ra bởi nước có thể làm giảm đáng kể lượng oxy và năng lượng tiêu hao, đồng thời kích thích tất cả các chức năng sinh học của cơ thể.
Frederick Leboyer là một bác sĩ sản khoa người Pháp, đồng thời là bác sĩ đương đại đầu tiên có cách tiếp cận khoa học đối với phương pháp mà ông gọi là “sinh không bạo lực” (birth without violence). Leboyer ủng hộ ý tưởng cho rằng tiếp xúc đầu tiên của trẻ sơ sinh với thế giới bên ngoài nên là tiếp xúc với nước ấm tương tự môi trường trong tử cung, nhờ đó tạo sự chuyển tiếp ít tổn thương cho đứa trẻ. Theo Leboyer, một ca sinh “không bạo lực” không chỉ mang lại lợi ích sinh lý tức thời mà còn giúp ích cho tâm lý của đứa trẻ về sau – có khả năng đương đầu với khó khăn bằng sự lạc quan và quả quyết – đồng thời góp phần giúp đứa trẻ nhận thức được thế giới là một nơi ôn hòa và không hoàn toàn xa lạ.
Số lượng chuyên gia và bác sĩ sản khoa áp dụng cũng như nghiên cứu ảnh hưởng của phương pháp sinh trong nước đối với mẹ và con tăng lên hàng năm. Vào những năm 1980 tại bệnh viện Pithiviers của Pháp, chuyên gia phụ khoa Michel Odent đã giới thiệu một số phương pháp hỗ trợ cho việc sinh trong bồn để chống lại tình trạng lạm dụng thuốc ở các phòng sinh truyền thống. Trên thực tế, ở hầu hết các quốc gia phương Tây, số ca sinh mổ và sử dụng thuốc gây mê trong quá trình chuyển dạ đều tăng nhanh đến mức đáng báo động.
Odent nhận thấy trong quá trình chuyển dạ, nhiều phụ nữ thường muốn được tắm, vậy nên ông đã mang những chiếc bồn bơm hơi đến và mời các bà mẹ tương lai sử dụng chúng khi chuyển dạ. Ông cũng quyết định biến phòng chăm sóc trẻ sơ sinh thành một không gian giống phòng ở nhà nhất có thể; ông để các bà mẹ tự do đi lại trong phòng và làm bất cứ gì họ muốn, dù có ồn cũng không sao. Đi ngược lại với phương pháp hiện có, Odent khuyến khích các bà mẹ cho con của họ bú trong vòng một giờ sau khi sinh và để họ ngủ cùng con.
Bằng cách giới thiệu phương pháp sinh trong nước, Odent đã thành công trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh xuống thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước Pháp tại thời điểm đó (chín phần ngàn), đồng thời giảm số ca sinh mổ xuống bốn lần (sáu phần trăm). Về sau Odent chuyển đến Luân Đôn và thành lập Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Primal (Primal Health Research Centre) để nghiên cứu lâm sàng về khoảng thời gian từ lúc người mẹ thụ thai đến năm đầu tiên trong cuộc đời của đứa trẻ.
Ngày nay, chỉ tính riêng ở Anh đã có hơn bảy mươi bệnh viện được trang bị bồn tắm phục vụ cho phương pháp sinh trong nước. Vào năm 1992, một ủy ban y tế của chính phủ Anh đã khuyến nghị tất cả các bệnh viện cung cấp tùy chọn sinh trong nước cho bệnh nhân. Kể từ đó, hàng ngàn phụ nữ đã chọn sinh con theo phương pháp nhẹ nhàng và tự nhiên này.
– Trích lược từ cuốn sách Bí ẩn của nước do First News.