Trịnh Tùng (chữ Hán: 鄭松, 1550 – 1623), thụy hiệu Thành Tổ Triết Vương, tước vị lúc sinh thời là Bình An Vương (平安王) là vị chúa Trịnh đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.Ông được sử gia đánh giá là gian hùng khuynh đảo triều chính nhà Hậu Lê. Trong lịch sử Việt Nam ông là người giết nhiều vua nhất bao gồm hai vị vua Lê mà mình phò tá và hai vua Mạc
Sau khi cha là Trịnh Kiểm qua đời, Trịnh Tùng nổi dậy đánh đuổi anh là Trịnh Cối, đoạt lấy binh quyền Nam triều. Năm 1573, ông giết vua Lê Anh Tông và đưa vua nhỏ Lê Thế Tông lên làm vua bù nhìn, bản thân nắm hết quân quốc đại sự. Trịnh Tùng được sử sách ghi nhận là nhà chỉ huy quân sự tài ba, người đã chặn được các cuộc tấn công của quân Mạc từ năm 1577 đến năm 1583. Năm 1592, Trịnh Tùng xuất quân bắc phạt, giành lại Đông Đô từ tay nhà Mạc, hoàn thành sự nghiệp trung hưng triều Lê. Sau đó, năm 1599 ông buộc nhà vua phải phong cho mình tước Bình An Vương (平安王) và lập con làm thế tử, thiết lập phủ chúa tại thành Đông Kinh, chính thức mở ra cơ đồ 200 năm của họ Trịnh. Những năm tiếp theo, Trịnh Tùng lo việc thông hiếu với nước Minh, đối phó với dư đảng họ Mạc ở phía bắc và sự trỗi dậy của họ Nguyễn ở phương nam.
Trịnh Tùng là một quyền thần tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam gần giống với Tào Tháo trong lịch sử Trung Quốc. Cầm quyền trong thời loạn, Trịnh Tùng luôn phải đối phó với nhiều lực lượng và nguy cơ chống đối: tranh chấp quyền hành giữa anh em, vua Lê đòi lấy lại thực quyền, nhà Mạc đối lập, người cậu Nguyễn Hoàng chống đối ngầm trong nam. Vị trí “dưới một người trên vạn người” của ông khiến ông trở thành tiêu điểm cho sự tấn công bằng cả công khai lẫn ngấm ngầm của các lực lượng này.
Trong hoàn cảnh đó, muốn giữ vững ngôi vị, ngoài tài năng cầm quân và cai trị, Trịnh Tùng buộc phải trở thành người cứng rắn, quyết đoán và đôi khi trở nên tàn nhẫn. Tài năng trong thời loạn của ông biến ông thành kẻ gian hùng nắm thiên tử lệnh chư hầu , khuynh đảo triều chính nhà Hậu Lê.
Nguồn : Phòng tranh cu tí
Ảnh : Đại Việt Kỳ Nhân