Ba cấp độ của Tự Nhận Thức là gì và tại sao hầu hết chúng ta đều vật vờ sống ở Cấp độ Một

by admin

Hiểu bản thân cũng như những cuộc làm tình tuyệt vời: Ai cũng nghĩ mình có rất nhiều, nhưng thực ra chẳng ai biết mình đang làm cái quái gì.

Có một sự thật là đa phần các suy nghĩ và hành vi của chúng ta đều là tự động. Đây cũng không phải một điều xấu. Những thói quen sinh hoạt, những xúc động và phản ứng giúp chúng ta sống sót trong xã hội, ít nhất thì chúng ta sẽ không phải dừng lại và suy ngẫm mỗi lần chùi mông sau khi đi vệ sinh hay khởi động xe.

Vấn đề thực sự ở đây là chúng ta đã tự động hóa quá lâu đến nỗi mà ta quên mất mình đang ở chế độ tự động. Bởi vì chúng ta còn không nhận thức được những thói quen, sinh hoạt hàng ngày, cảm xúc và phản ứng nên chúng ta không kiểm soát chúng nữa; chúng kiểm soát chúng ta. Bất cứ khi nào một người biết tự nhận thức sử dụng tư duy của mình và nói: “Hmm… Cứ mỗi lần con bé em gái mình gọi điện hỏi vay tiền thì sau đó mình sẽ đi uống rượu. Chắc không phải là trùng hợp,”, một người không thể tự nhận thức sẽ chỉ uống và uống.

Dưới đây là ba cấp độ của tự nhận thức. Tại sao lại là ba cấp độ? Đ*o ai mà biết được.

Cấp độ 1 – Bạn đang làm cái quái gì thế?

Có rất nhiều đau khổ mà ta phải đối mặt trong cuộc sống. Trong vòng 30 ngày trước, đã bao nhiêu lần bạn:

  • Gặp rắc rối với một mối quan hệ với một người thân thiết với bạn?
  • Cảm thấy cô đơn, bị cô lập hay không được lắng nghe?
  • Cảm thấy kém năng suất hay không biết mình nên làm gì?
  • Thiếu ngủ, thiếu ăn, thiếu năng lượng hay yếu ớt?
  • Lo lắng về công việc hoặc tài chính?
  • Không chắc chắn về tương lai?
  • Bị đau về mặt vật lý, ốm đau hay suy nhược cơ thể?

Nếu bạn thử cộng tất cả những điều trên vào, có lẽ gần như là 30/30 ngày bạn gặp phải những điều này. Hàng đống những điều đau khổ.

Chúng ta né tránh đau khổ qua những trò tiêu khiển. Chúng ta đưa tâm trí tới một chiều không-thời gian khác, nơi tâm trí có thể an toàn và được tách ra khỏi những đau khổ – cái giá của việc được sống. Chúng ta cắm mặt vào điện thoại, chúng ta ám ảnh bởi quá khứ hay những điều xảy ra trong tương lai, tạo ra những kế hoạch không bao giờ thực hiện được hay đơn giản là cố gắng quên đi. Chúng ta ăn, uống, đắm mình vào thứ tê liệt để làm mờ nhạt đi những vấn đề của Thực tại. Chúng ta dùng sách vở, phim ảnh, trò chơi và âm nhạc để đưa ta tới một thế giưới khác, nơi mà không có khổ đau và mọi thứ đều dễ dàng, tốt đẹp, đúng đắn.

Chẳng có gì sai với mấy trò tiêu khiển. Chúng ta cần chúng, chúng giúp ta giữ được tỉnh táo và hạnh phúc.

Điều then chốt là chúng ta cần nhận thức về những trò tiêu khiển của mình.

Nói cách khác, chúng ta cần phải chắc chắn rằng chúng ta đang lựa chọn những trò giải trí chứ không phải chúng lựa chọn ta. Chúng ta là người chọn tham gia những trò tiêu khiển thay vì không thể rút ra khỏi chúng. Ta cần biết khi nào cần thoát ra. Những trò tiểu khiển cần được lên kế hoạch và điều chỉnh thành những miếng vừa ăn. Ta không thể quá say sưa.

Hầu hết mọi người dành phần lớn thời gian của mình đắm đuối vào những trò giải trí mà thậm chí không nhận ra. Tôi cũng vậy. Vào một bữa ăn tối hôm trước, tôi rút điện thoại ra xem lịch và điều tiếp theo tôi làm là lướt web xem một diễn đàn về trò chơi điện tử trên Reddit. Trong lúc đó, vợ tôi nhìn tôi như kiểu tôi vừa mới bị phẫu thuật não.

Tôi đang thấy mình khá hơn. Điều này chỉ xảy ra 23 lần mỗi ngày. Hay thỉnh thoảng tôi làm gì đó mà để Facebook mở, và sau đó tôi mở một tab khác trên trình duyệt và theo bản năng gõ URL vào Facebook, cái trang mà tôi đã mở sẵn rồi. Tôi thậm chí còn không nhận ra là mình đang làm thế, nhưng đó là bởi vì tâm trí tôi tự động ngắt kết nối.

Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng mình biết mình đang làm gì với thời gian của mình. Nhưng hóa ra chúng ta thường nhầm. Chúng ta nghĩ rằng mình làm việc nhiều hơn những gì xảy ra trong thực tế (các nhà khoa học đã có một nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết mọi người chỉ làm việc 3 tiếng mỗi ngày, thời gian còn lại chỉ là ngồi nghịch linh tinh). Chúng ta nghĩ rằng mình dành nhiều thời gian với bạn bè và người thân nhiều hơn thực tế. Chúng ta nghĩ rằng mình tồn tại nhiều hơn, rằng mình là người lắng nghe tốt hơn, rằng chúng ta tư duy và thông minh hơn thực tế. Nhưng sự thật là chúng ta thường làm mọi thứ rất kém.

Bây giờ, rất nhiều người đã chọn những con đường khó khăn để loại bỏ mọi trò tiêu khiển gây mất tập trung ra khỏi cuộc sống. Điều này là hơi tiêu cực. Nếu quản lí thời gian và tự nhận thức bản thân là một tôn giáo, cách tiếp cận này giống như gắn một quả bom vào ngực rồi lao vào một trung tâm thương mại và nghĩ rằng mình sẽ được một tấm vé một chiều lên thiên đường, trong khi thực tế bạn chỉ hủy hoại bản thân (và có thể làm hại rất nhiều người).

Mục tiêu của ta không phải là đánh bại những thú vui tiêu khiển, mà nó gần như là một sự nhận thức và điểu khiển những thứ như thế. Thay vì ham muốn được chơi điện tử cả ngày, bạn có thể để dành những trò chơi đó vào lúc rảnh rỗi giúp bạn thỏa mãn. Bạn rời xa chiếc điện thoại mình một chút nếu đầu óc bạn biết rằng điều đó là cần thiết nhưng bạn biết rằng mình đang làm thế và có thể cầm lại nó lúc cần thiết.

Mục đích ở đây là loại bỏ sự cám dỗ. Nhưng để loại bỏ cám dỗ, trước tiên bạn phải trở nên nhận thức được nó. Khi nào bạn tham gia vào một hoạt động ngay cả khi bạn không muốn tham gia vào hoạt động đó? Nó có chiếm thời gian khi bạn ở xung quanh gia đình? Bạn bè? Đồng nghiệp?

Những năm trước tôi thường mang một cái iPod và cắm tai nghe suốt ngày khi đi ra đường. Ra khỏi nhà mà không có nó cảm giác như tôi đang trần truồng. Qua nhiều năm, tôi tưởng rằng mình thực sự hiểu âm nhạc hơn rất nhiều người khác, và có một động lực vô hình đặc biệt từ bên trong nói rằng tôi cần những giai điệu siêu ngầu bởi vì những người đầu óc đơn giản kia không thể nào hiểu được.

Nhưng cuối cùng nó rõ ràng đã trở thành một thứ sức mạnh cám dỗ; tôi đã không thể kiểm soát được nó. Tai nghe trở thành thứ để bảo vệ và ngắt kết nối bản thân tôi với những người khác. Nó ngày càng biến thành một thứ đam mê không đáy và khiến tôi trở nên sợ hãi. Ở xung quanh người lạ mà không có tai nghe khiến tôi cảm thấy lo âu.

Đừng phán xét những quan sát này, đơn giản là bạn nên có nó. Đây là cấp độ đầu tiên của tự nhận thức, một cách hiểu đơn giản về cách mà tâm trí bạn đi về đâu và khi nào. Bạn nên biết những con đường mà tâm trí muốn đi trước khi bạn hỏi câu hỏi tại sao nó lại chọn con đường đó, hay con đường đó có giúp ích gì cho bạn hay không.

Cấp độ 2: Bạn đang cảm thấy cái quái gì thế?

Đã bao giờ bạn cảm thấy mình bực phát điên và khi có ai hỏi bạn sao thế thì bạn bắt đầu, “TAO CÓ ĐIÊN ĐÂU! TAO CÓ ĐIÊN Đ*O ĐÂU! TAO ĐANG THẤY RẤT BÌNH THƯỜNG! RẤT RẤT BÌNH THƯỜNG! MÀY MỚI ĐIÊN ẤY”

Những gì mọi người thường thấy là họ càng tự tách mình khỏi những thú vui, họ càng bị buộc phải thực sự đối phó với rất nhiều cảm xúc mà họ đã tránh được trong một thời gian dài. Đây là lý do tại sao thiền định trong một thời gian dài đã khai sáng cho rất nhiều người; thiền về cơ bản là thực hành huấn luyện cho tâm trí của bạn để trở nên ít bị phân tâm và tập trung hơn vào trải nghiệm trực tiếp. Kết quả là một số người bị choáng ngợp bởi tất cả những cảm xúc mà họ đã phong ấn từ rất lâu.

Trị liệu tâm lý cũng có tác dụng tương tự, nhưng thay vì làm dịu tâm trí và nhìn chằm chằm vào bức tường hàng giờ liền, bạn đang ngồi trên một chiếc ghế salon và một người thân thiện đang dần hướng dẫn bạn về cảm giác của bạn, hơn và hơn, cho đến khi tâm trí của bạn cuối cùng gục ngã và bạn khóc như một đứa trẻ.

Mức độ tự nhận thức thứ hai là nơi bạn thực sự bắt đầu tìm ra “bạn là ai”. Tôi ghét sử dụng cụm từ đó vì nó không thực sự có ý nghĩa gì cả, nhưng đây là cấp độ khi mọi người nói rằng họ đang tìm kiếm bản thân”- họ đang khám phá cách họ thực sự cảm thấy về những gì đang xảy ra trong cuộc sống, và thường họ đã giấu những cảm xúc này từ chính họ trong nhiều năm.

Hầu hết mọi người sống hờ hững trôi nổi trên bề mặt của Cấp độ 1. Họ làm những gì được bảo. Họ theo hướng người khác chỉ. Họ đánh lạc hướng bản thân bằng những thứ giống nhau hết lần này đến lần khác. Họ chẳng bao giờ được cho phép thể hiện cảm xúc bản thân và phản ứng lại với những gì đang xảy ra xung quanh.

Khi họ được thoát ra khỏi những hoàn cảnh, họ bắt đầu nhận ra các thứ, “Ôi chết thật, mình thật nhạy cảm và buồn quá nhiều, mẹ kiếp, mình chẳng bao giờ cho mình được có cảm xúc bởi vì nó làm mình trông thật yếu đuối và thảm hại, nhưng chính nỗi buồn mới là một phần khiến mình khác biệt.”

Cấp độ 2 là một nơi không hề dễ chịu. Mọi người thường dành hàng năm trời làm tâm lý trị liệu để điều chỉnh cấp độ 2. Sẽ cần rất nhiều thời gian để cảm thấy thoải mái với tất cả các cảm xúc mà bạn có. Quay lại quá khứ và nhớ về những cảm xúc này, cho phép chúng được tồn tại là một điều cần rất nhiều tập trung và rất nhiều cố gắng.

Nhưng cũng rất nhiều người dừng lại ở Cấp độ 2. Họ nghĩ rằng Cấp độ 2 là sâu nhất mà họ có thể xuống và lạc lối trong khi chìm đắm trong biển cảm xúc của mình cho tới mãi mãi. Tôi nghĩ điều này xảy ra vì một vài lí do.

Đầu tiên, cảm xúc là một thứ rất mạnh mẽ, đặc biệt là với những người đã đè ép cảm xúc của mình trong gần hết phần đời của mình. Bỗng nhiên được khai mở sẽ là một cảm giác thay đổi của đời vô cùng sâu sắc.

Và kết quả là rất nhiều người bắt đầu xào xạo ra những câu chuyện kiểu như đây là cấp độ tối cao của việc tự nhận thức. Và họ thậm chí còn đi xa tới mức coi nó là “thức tỉnh ở mức độ tinh thần”. Họ bắt đầu gọi nó bằng những thuật ngữ nghe rất ngầy như “cái chết của bản ngã” hay “ý thức siêu việt” hay “ý thức cao hơn”.

Nhưng đây là một cái bẫy. Cảm xúc, nếu như bạn khám phá ra, thường a) bất tận, và b) chưa chắc là đã có bất kì ý nghĩa gì cả. Ý tôi là, có lúc thì nó thực sự có ý nghĩa, nhưng đôi khi nó cũng hoàn toàn ngẫu nhiên.

Ví dụ như bây giờ hãy nhìn vào chú cún con này.

Bạn có thể cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy nó. Nhưng liệu nó có ý nghĩa gì không? Dĩ nhiên là đ*o rồi, nó chỉ là một con chó thôi. Nhưng rất nhiều người cố gắng gán cho bất kì cảm xúc nào trong họ những điều sâu xa. Đó là một sai lầm đơn giản nhưng chí mạng. Họ cho rằng bởi vì vài cảm xúc là vô cùng quan trọng và cần thiết, thế nên tất cả mọi cảm xúc đều vô cùng quan trọng và cần thiết. Điều đơn giản đó không phải là lí do. Rất nhiều cảm xúc là vô nghĩa – và thậm chí chỉ là thú vui tiêu khiển.

Bạn nghe kĩ rồi đấy. Cảm xúc cũng có thể đem ra để đánh lạc hướng. Khỏi cái gì? Khỏi những cảm xúc khác.

Đó là một cái bẫy tinh tế từ những cảm xúc. Và thực tế là khi phân tích một cảm xúc bạn sẽ có một cảm xúc khác. Và thế là bạn có thể tự kết liễu trong vòng lặp tự hỏi, và đến một lúc nào đó bạn sẽ trở thành một kẻ ám thị chính mình.

Có một câu chuyện ngụ ngôn cũ từ Ấn Độ thế kỷ 16, nơi một người đàn ông trẻ leo lên một ngọn núi lớn để nói chuyện với nhà hiền triết ở trên đỉnh. Người ta cho là hiền nhân này biết gần như mọi thứ. Và chàng trai trẻ này rất háo hức để hiểu những bí mật của thế giới.

Khi đến đỉnh núi, hiền nhân chào đón chàng trai trẻ và mời anh ta hỏi anh ta bất cứ điều gì. Cậu thanh niên sau đó hỏi, “hiền nhân vĩ đại, chúng ta đứng trên thế giới, nhưng thế giới đang đứng trên cái gì?”

Vị hiền triết lập tức trả lời, “Thế giới đứng trên lưng của một số con voi khổng lồ.”

Cậu thanh niên suy nghĩ một lúc, và sau đó hỏi, “Vâng nhưng những con voi đứng trên cái gì?”.

Vị hiền triết trả lời một lần nữa, không do dự, “Những con voi đứng trên lưng một con rùa lớn.”

Chàng trai, vẫn không hài lòng, hỏi, “Có, nhưng con rùa lớn đứng trên cái gì?”

Hiền nhân trả lời, “Nó đứng trên một con rùa thậm chí còn lớn hơn nữa.”

Chàng trai trẻ thấy tuyệt vọng và bắt đầu hỏi: “Nhưng mà…”

“Thôi, thôi” nhà hiền triết ngắt lời, “đủ rồi – từ dưới trở đi toàn là rùa suốt lượt”.

Trong cuốn “Nghệ thuật tinh tế của việc đ*o quan tâm”, Mark Manson (tôi trong bài viết này) so sánh việc tự nhận thức như bóc một củ hành, dù bạn có nghĩ gì hay cảm thấy thế nào, sẽ vẫn có một lớp khác bên dưới, và càng xuống sâu, bạn càng bóc nhiều lớp, thì cơ hội bạn rơi nước mắt càng nhiều.

Việc tự vấn bản thân có thể dẫn tới xoắn ốc vô tận này. Và trong nhiều trường hợp, đi xuống các cấp độ sâu hơn không làm sáng tỏ bất cứ điều gì, nhưng lại có thể gây ra nhiều lo âu, căng thẳng và phán xét bản thân.

Ví dụ, đây là tôi xoắn ốc liên tục qua các lớp câu hỏi khi viết về phần này:

Lớp thứ nhất: Tôi biết rằng mình đang viết câu này ngay bây giờ – tôi thấy mệt, đầu óc hơi u mê nhưng lo lắng về tiến độ của bài này trước khi lên giường đi ngủ.

Lớp thứ hai: Tôi biết về nỗi lo âu của chính mình và đây là xu hướng xấu xuất hiện trong thói quen làm việc của tôi. Tại sao mình lại thức đến 1:30 sáng để làm việc? Có lẽ mình sẽ viết hay hơn nếu đi ngủ một tí.

Lớp thứ ba: Tôi biết về sự tự phán xét của mình. Có lẽ mình quá khắt khe với bản thân chăng? Làm việc đến tận 1:30 sáng có gì sai? Mình đã làm điều này vô số lần rồi.

Lớp thứ tư: Bây giờ tôi nhận thức được rằng tôi nhận thức được cảm giác và cảm xúc của tôi về cảm giác và cảm giác về cảm giác về cảm xúc.

Lớp thứ 5: Tôi cũng biết rằng nhận thức của tôi ở Lớp thứ tư gần như không thể hiểu nổi.

Lớp thứ 6: Tôi lo lắng về khả năng hiểu các cấp độ nhận thức của tôi.

Lớp thứ 7: Tôi cảm thấy rằng có lẽ mình đang chỉ quan trọng hóa vấn đề, blah, blah, blah…
[…]

Lớp thứ 193: Cái thứ cứt này xuống dưới toàn là rùa hả?

Rất nhiều người bị kẹt trong một cái bẫy luôn tìm kiếm một cấp độ sâu hơn. Điều này cảm giác như rất quan trọng nhưng sự thật thì vượt ra khỏi đó rất nhiều, nó chỉ là một vòng xoáy vô tận dẫn đến hủy diệt thôi. Ở dưới toàn là rùa suốt lượt. Và hành động tìm tới chỗ sâu hơn đôi khi lại tạo ra những cảm xúc lo âu tuyệt vọng thay vì thanh thản.

Khi nhìn vào các lớp về chủ ý và động cơ, tốt nhất là chỉ nên đi xuống vài lớp dưới trước khi lặp đi lặp. Bạn có thể lo lắng về mối quan hệ với mẹ bạn. Hãy nói rằng sự lo lắng xuất phát từ một thực tế là mẹ bạn là một người siêu-phán-xét và bạn rơi vào một vòng lặp vô thức trong khi cố gắng chứng minh với mẹ rằng bạn không phải một đứa vô dụng. Và hành động cố gắng chứng tỏ giá trị của mình đó là biểu hiện rằng bạn đang khao khát được yêu thương. Việc hiểu ra điều này khiến bạn càng lo lắng lơn – một thứ lo lắng được điểu khiển bởi khát khao làm hài lòng mẹ, được củng cố thêm bởi khao khát được yêu thương – và bây giờ bạn lại đi vào vòng xoắn ốc. Và đó là lúc nên vạch ra một đường thẳng, nói rằng ở bên dưới toàn là rùa và sống tiếp. Bạn chỉ muốn được mẹ yêu thương, thế thôi.

Bí mật về thế giới chỉ là một con rùa.

Và thế là tôi ngừng suy nghĩ về phần này và đi ngủ.

Cấp độ 3 – Bạn có biết điểm mù của mình là cái quái gì không?

Bạn càng biết nhiều về cảm xúc và khát vọng của mình, bạn càng khám phá ra một điều kinh khủng: bạn thối như một đống cứt.

Chúng ta nhận ra rằng một tỷ lệ lớn những suy tư, quan điểm và hành động của hcúng ta dựa trên những gì mà ta cảm thấy lúc đó. Nếu tôi đang xem một bộ phim với vợ và tôi thấy cáu kỉnh khó chịu với biên tập viên của tôi vào buổi trưa, tôi sẽ quyết định rằng bộ phim này chán òm. Và vợ tôi càng cố thuyết phục tôi rằng phim này rất hay thì tôi càng muốn tranh luận với nàng về nó – bởi vì nó bỗng nhiên trở thành một cách để biện minh cho cơn giận của mình.

(Nhân tiện nói luôn, nếu bạn có bao giờ thắc mắc tại sao mình lại hay gây sự với những người mình yêu thương nhất, thì một phần là vì: ta có thể dùng họ như một cái bao cát cảm xúc để dội vào tất cả những thứ mà ta đang cảm thấy, ngay cả khi họ có xứng đáng với những cảm xúc đó hay không – mà thường là không).

Chúng ta thường nghĩ rằng mình là một người có tư duy độc lập và lý trí dựa trên các bằng chứng và sự thật, nhưng thực tế là não chúng ta dành hầu hết thời gian chỉ để tìm cách biện minh cho những gì trái tim đã lên tiếng và đưa ra quyết định. Và sẽ chẳng có cách nào để sửa chữa việc này trừ phi bạn nhận ra những gì trái tim đang lên tiếng.

Tôi đã viết một ít về những thiếu sót trong đầu óc lý trí của chúng ta. Nhưng hãy tóm tắt ngắn một chút:

  • Trí nhớ của chúng ta thường không đáng tin và thường sai lầm, đặc biệt là khi phải nhớ những gì chúng ta cảm thấy ở một nơi nào đó hoặc một lúc nào đó. Khả năng dự đoán suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta trong tương lai thậm chí còn tệ hơn.
  • Chúng ta luôn đánh giá bản thân mình quá cao. Trên thực tế, như một quy luật cơ bản, chúng ta càng tệ về cái gì, chúng ta càng nghĩ rằng mình giỏi thứ đó, và những thứ mà chúng ta nghĩ rằng mình tệ, thì hóa ra mình lại rất giỏi.
  • Những bằng chứng mâu thuẫn thường có thể khiến chúng ta chắc chắn hơn về quan điểm của mình thay vì làm ta đặt câu hỏi về nó.
  • Sự chú ý của chúng ta tự nhiên chỉ tập trung vào những thứ đã gắn liền với niềm tin trước đây. Đây là lý do tại sao hai người có thể quan sát chính xác cùng một sự kiện và có hai luồng ký ức hoàn toàn mâu thuẫn với nó (nghĩ về hai người hâm mộ hai đội bóng đối đầu nhau và họ luôn cố gắng tìm cách thuyết phục mình rằng quả bóng nằm trong hay ngoài vạch.)
  • Rất nhiều người trong chúng ta, khi có cơ hội, sẽ nói dối một chút để đạt được kết quả tốt hơn. Đôi khi chúng ta còn nói dối chính bản thân mình.
  • Chúng ta mù tịt trong việc ước tính các con số, đưa ra các quyết định đánh đổi giữa lợi ích-chi phí, hay lý giải như phần lớn dân số. Thật là vừa buồn cười và vừa đáng buồn khi chúng ta tệ trong việc này.

Tôi có thể tiếp tục nhưng sẽ dừng lại ở đây. Về cơ bản là bạn tồi tệ, tôi cũng thế, mọi người cũng thế. Cả loài người đều như thế. Và lúc nào cũng thế.

Điều quan trọng là chúng ta tự nhận thức về điều đó. Nếu chúng ta biết về điểm yếu của mình thì nó sẽ không còn là điểm yếu nữa. Nếu không chúng ta sẽ trở thành nô lệ của những cơ chế sai lầm trong tâm trí.

Hầu hết những điều này dẫn tới vài điều:

Ôm khư khư những quan điểm yếu ớt. Nhận ra rằng trừ phi bạn là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, thì các trực giác và giả định của bạn thường sai bét. Hành động đơn giản để giải quyết là trước khi nói điều gì đó, hãy tự nhủ rằng “Mình có thể sai mà”, và lý trí của bạn sẽ rộng mở hơn và tò mò hơn. Nó tạo ra khả năng học hỏi và kết nối gần hơn tới thực tại.
Bớt nghĩ rằng mình quan trọng. Hầu hết các suy nghĩ và hành vi của bạn chỉ đơn giản là phản ứng với những cảm xúc khác nhau. Và cảm xúc của chúng ta thường sai hoặc vô nghĩa. Bạn nên bớt nghĩ rằng những thứ của mình là quan trọng đi.

Học từ những thói quen vớ vẩn của bạn. Khi tôi nổi giận, tôi trở nên hung hăng và hay cãi cọ. Khi buồn tôi bỏ hết mọi việc để chơi điện tử cả ngày. Khi cảm thấy tội lỗi, tôi dùng mọi từ ngữ để gán lương tâm mình lên mọi người. Còn bạn thì sao? Đầu óc bạn để đâu khi bạn thấy buồn? Khi bạn thấy tội lỗi? Phẫn nộ? Lo âu? Hãy tìm cách phát hiện các cơ chế đối phó bởi vì bạn đang cố đánh lạc hướng mình khỏi cảm xúc. Tôi nhận ra rằng trước đây khi khỏe và hạnh phúc, tôi thích chơi điện tử chỉ vài tiếng mỗi tuần. Nhưng khi tôi bắt đầu bập vào một game nào đó, tôi sẽ dành cả ngày cả đêm, bỏ cả việc để chơi, nhưng là chỉ bởi vì tôi đang né tránh vấn đề của mình. Điều này đã trở thành một dấu hiệu lớn cho tôi ngồi xuống và tìm hiểu những gì đang xảy ra với bản thân mình.

Nhận ra các vấn đề do chính mình tạo ra. Vấn đề lớn nhất của tôi có lẽ là không thể nói về sự phẫn nộ hay nỗi buồn của tôi. Tôi thường chọn cách thoát ra khỏi chúng bằng trò chơi điện tử hay trở nên cáu kỉnh thụ động bằng cách nhắm vào những người khác. Cả hai kiểu đều chẳng giúp gì cho tôi. Và tôi đã học được cách nhận thức mình khi bắt đầu làm thế, tôi có thể nói rằng “Này Mark, mày làm mấy cái này trong khi mày buồn và lúc nào mày cũng tiếc vì không nói chuyện với ai đó.” Và sau đó tôi đi trò chuyện với người nào đó.

Hãy thực tế. Không phải là loại bỏ những phản ứng tâm lý sai lầm của bạn. Đó là việc hiểu để có thể điều chỉnh chúng. Cũng như thế, chúng ta có một số kĩ năng và hành động giỏi hơn những người khác, tất cả chúng ta đều có vài cảm xúc tốt hơn người khác. Một vài người kém với cảm xúc hạnh phúc nhưng giỏi kiểm soát cơn giận. Một vài người thì hay nổi giận nhưng lại có cảm xúc hạnh phúc tích cực. Một số người chẳng bao giờ thấy chán nản nhưng phải chịu cảm giác tội lỗi không thể kiểu soát. Có những cảm xúc nào là mạnh và yếu với bạn? Những cảm xúc nào mà bạn phản ứng kém? Những thiên vị và phán xét của bạn từ đâu mà ra? Bạn có thể thử thách hay đánh giá chúng như thế nào?

Và nếu bạn cảm thấy quá rắc rối, một trong những cách để nhận ra những điểm mù trong nhận thức của bạn là nhận phản hồi từ người khác. Người ngoài nhìn vào thì lúc nào cũng tốt hơn so với bản thân, đặc biệt là với bạn bè và gia đình ở gần chúng ta. Hãy hỏi họ một cách đơn giản và an toàn (ý tôi là không phải dọa thiến người khác bằng một cái thìa vì họ chỉ ra sự cao ngạo của bạn) có thể đạt được rất nhiều thứ trong việc tự nhận thức bản thân.

Dĩ nhiên là nói thì lúc nào cũng dễ hơn làm.

Kết quả của tự nhận thức sẽ là tự chấp nhận mình

Sẽ có rất nhiều người đọc hết đống này và nghĩ về nó và nhận ra những cảm xúc nhảm shit của họ và nhận ra những định kiến trong tư duy của họ và nhận ra tất cả những thứ ích kỉ và nhận ra những cái bẫy tư duy và làm rất nhiều thứ và học cách tự khám phá bản thân và mở lòng với những cảm xúc và thứ lớn nhất họ nhận được sẽ là “Mình là một đứa khốn nạn.”

Họ sẽ thấy được khuyết điểm bên trong và nhận ra những cơ chế thiên vị và phi lý trí của họ và họ sẽ biết cách kiểm soát những thứ đánh lạc hướng và cảm xúc yếu của mình.

Và họ sẽ ghét chúng. Mọi thứ. Và họ sẽ ghét chính bản thân mình.

Lẽ rõ ràng là việc đi đi lại lại và gọi mình là một thằng chó cho mỗi lần suy nghĩ hay cảm thấy gì đó không chính xác là điều mà tôi khuyên các bạn. Thực tế nếu bạn cứ làm vậy sẽ làm bạn cảm thấy mình thực sự là một đứa tồi tệ. Phán xét bản thân bởi vì không kiểm soát được cảm xúc hay có những ý nghĩ ích kỉ cũng là một cái bẫy bởi vì khi phán xét bản thân, chúng ta có cảm giác như mình đang tự nhận thức được mình. Bạn thầm nghĩ “Ồ mình đúng là một thằng khốn nạn trong buổi họp đó bởi vì Cái Tôi của mình bị đe dọa. Mình khốn thật.” Và có những tiếng vỗ tay trong đầu bạn bởi vì bạn cảm thấy mình như một vị thánh vì đã nhận ra mình đầy khuyết điểm thế nào.

Nhưng không. Điều đó không phải thứ mà tôi muốn nói. Tự nhận thức chẳng có tác dụng gì nếu kết quả nó đem lại không phải là biết chấp nhận bản thân. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng: tự nhận thức bản thân không khiến người ta hạnh phúc hơn , có lúc nó còn khiến người ta ngày càng khốn khổ. Bởi vì sự tự nhận thức đi kèm với phán xét bản thân, và sau đó bạn sẽ biết rằng kiểu gì thì bạn cũng xứng đáng bị phán xét.

Những sự bùng nổ cảm xúc và những thành kiến ​​nhận thức, chúng tồn tại trong mọi người, mọi lúc. Bạn không phải là người xấu vì chúng cũng giống như những người khác không nhất thiết phải là người xấu vì họ cũng có chúng. Họ chỉ là con người. Và bạn chỉ là con người.

Plato nói rằng mọi sự xấu ra đều từ việc ngu ngốc mà ra. Nếu bạn nghĩ về những người xấu xa nhất, tồi tệ nhất trong lịch sử, họ tồi tệ không phải bởi vì họ có khiếm khuyết mà bởi vì họ không nhận ra điều đó.

Tôi có thấy một câu chuyện gần đây về một người theo thuyết âm mưu nào đó tin rằng tất cả các vụ xả súng trường học đều là dàn dựng. Tay này đã thực sự đi tới vùng xảy ra vụ bắn giết đó và đối mặt với cha mẹ nạn nhân và gọi họ là lũ dối trá.

Tôi không thể tưởng tượng được một giới hạn nào cho sự “xấu xa”, “cặn bã của loài người” hơn thằng cha này.

Sự xấu xa của anh ta không phải là kết quả của một lựa chọn có lý trí hay là phi lý trí. Anh ta không nhận thức được sự vô lý trong chính suy nghĩ của mình. Anh ta còn chưa ở Cấp độ 1. Cấp độ 2 sẽ dọa anh ta chết khiếp bởi vì thừa nhận sự thật rằng xả súng hàng loạt – những thứ khủng khiếp và vô nghĩa – có thể xảy ra ngay bên cạnh anh ta và dọa anh ta chết khiếp đến nỗi tâm trí anh ta không thể chịu nổi. Và chắc chắn là anh ta chẳng ở Cấp độ 3 nơi mà anh ta có thể nhận ra rằng thuyết âm mưu của anh ta được tạo ra bởi những niềm tin phi lý và những giả định không thể xảy ra để bảo vệ anh ta khỏi những cảm xúc ở Cấp độ 2.

Khi bạn nhìn ở góc độ này, bạn sẽ thấy tội nghiệp cho chàng trai. Bạn sẽ thấy anh ta phải chịu đựng về mặt tâm lý và sự chịu đựng đó đã khiến anh ta làm những điều khủng khiếp,, khủng khiếp với những người là nạn nhân của anh ta.

Chào mừng đến với sự thấu cảm.

Thấu cảm có thể xảy ra khi chúng ta chấp nhận chính mình. Chỉ bằng cách chấp nhận những khiếm khuyết của những cảm xúc và tâm trí của chính chúng ta mà chúng ta có thể nhìn vào những khuyết điểm của cảm xúc và tâm trí của người khác, và thay vì phán xét họ hay ghét họ, ta nên thấy đồng cảm. “Ồ, anh ấy cũng đang rất khổ sở. Tôi cũng đã từng tin vào mấy thứ nhảm nhí đó. Tôi tự hỏi anh ta đang chạy trốn khỏi cái gì ”

Điều này không phải để nói rằng đồng cảm và lòng trắc ẩn sẽ giải quyết mọi xấu xa trên thế giới. Sẽ không thể như thế. Nhưng ít nhất là mọi chuyện sẽ không tệ hơn.

Và quy tắc chuẩn mực từ xưa lại trở về, hãy yêu người như yêu chính bản thân ta. Tự nhận thức mở ra một cơ hội để hiểu và yêu thương bản thân. Ừ tôi là một thằng khốn thiên vị. Ừ đôi khi tôi không kiểm soát được cảm xúc mình trong một vài trường hợp. Có lúc tôi cũng cảm thấy tội lỗi. Nhưng không sao cả. Bởi vì tôi đã tự đề cập tới những sai sót đó, tôi có thể tha thứ cho sai lầm đó ở những người khác. Và bằng cách này tình yêu thật sự mới có thể đến.

Khi ta từ chối chấp nhận bản thân mình như chính nó, chúng ta sẽ mãi tìm về những thứ tiêu khiển và đánh lạc hướng chúng ta. Và chúng ta cũng không thể chấp nhận bản chất của người khác, nên ta sẽ tìm cách thao túng họ, thay đổi họ hay thuyết phục họ trở thành mà người họ không phải như thế. Mối quan hệ của chúng ta trở thành một giao dịch có điều kiện, trở nên độc hại và cuối cùng đổ vỡ.

Nguồn: Mark Manson
M.Đ

You may also like

Leave a Comment