Saffron hay nhụy hoa nghệ tây có tên khoa học là Crocus sativus L, là thực vật một lá mầm thuộc họ Diên vĩ (Iridaceae), có nguồn gốc từ Nam châu Âu và vùng Tây Nam Á, mọc hoang dại ở nơi có khí hậu nhiệt đới khô như Iran, Ấn Độ, Hy Lạp, Morocco, Tây Ban Nha, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ai Cập,… Saffron được sử dụng trong chế biến thực phẩm và Đông y có chứa nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe.
Tiềm năng của Saffron trong nghiên cứu chữa một số bệnh như:
• Xơ vữa động mạch
• Tiểu đường
• Trầm cảm
• Rối loạn chức năng sinh lý
• Parkinson và Alzheimer
• Ung thư
Tuy nhiên, chưa có thử nghiệm lâm sàng nào đánh giá hiệu quả điều trị của saffron trong ung thư. Các nghiên cứu thực hiện trên chuột cho thấy chiết xuất saffron khi được bôi ngoài da hoặc qua đường uống/ tiêm tĩnh mạch đã cho thấy có tác dụng chống ung thư và khả năng cải thiện cấu trúc của da trên ung thư biểu mô da.
Một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất nước saffron và crocetin, ức chế quá trình phát triển của ung thư dạ dày trên chuột 31. Thêm vào đó, saffron có thể gây chết tế bào theo chương trình (apoptosis) ở ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy và ung thư bàng quang.
Hiệu quả phòng chống ung thư của saffron có thể liên quan đến cơ chế ức chế sự sinh tổng hợp RNA và DNA của các hợp chất có trong saffron. Những cơ chế chống ung thư khác như: hợp chất carotenoid có khả năng chống oxy hóa, crocetin làm giảm quá trình peroxy hóa lipid (phản ứng oxy hóa để phân hủy lipid) ở ung thư phổi trên chuột.
Tóm lại, chưa có kết luận chắc chắn về hiệu quả điều trị ung thư của saffron ở người. Điều trị và sử dụng saffron như thuốc phải dựa trên chỉ định của bác sĩ. Không nên xem saffron là một loại thần dược chữa được bách bệnh.
Nguồn trích từ sách Ung thư – Tin đồn & Sự thật.
Ảnh cre Google.