Nhiều cặp đôi Ấn Độ chọn Thái Lan làm điểm tổ chức hôn lễ, góp phần tạo nên doanh thu không nhỏ từ du lịch đám cưới cho xứ Chùa Vàng.
Du khách Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan đến du lịch của Thái Lan. Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), có khoảng 4.000 khách Ấn Độ đến Thái Lan mỗi ngày từ 1.7 năm nay, sau khi hai nước mở cửa hoàn toàn biên giới để chào đón du khách sau hạn chế vì dịch COVID-19.
“Khách du lịch Ấn Độ là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đang nhận được nhu cầu du lịch mạnh mẽ từ họ và họ cũng rất vui khi chi tiêu tại Thái Lan” – Phó Thống đốc TAT Tanes Petsuwan chia sẻ.
Do đó, ông cho biết TAT đã tổ chức các buổi roadshow ở một số thành phố của Ấn Độ, đặc biệt là để thúc đẩy “năng lực của Thái Lan trong việc tổ chức các sự kiện lớn như đám cưới”.
Trong nhiều thập kỷ qua, Thái Lan đã tiếp nhận dần dần văn hóa Ấn Độ, trong đó có Phật giáo và Ấn Độ giáo. Hiệp hội Đám cưới Thái-Ấn (TIWA) kỳ vọng điều này cùng với vẻ đẹp, lòng hiếu khách và ẩm thực của Thái Lan sẽ giúp xứ Chùa Vàng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các đôi uyên ương trẻ tuổi.
Chủ tịch TIWA Ram Sachdev nói với Nikkei Asia: “Đám cưới là sự kiện quan trọng trong cuộc đời của mỗi người Ấn Độ. Đó là sự hợp nhất của niềm tin, khát vọng, văn hóa và truyền thống lâu đời”.
Theo TAT, mỗi năm, có khoảng 150 cặp đôi Ấn Độ đến Thái Lan để kết hôn, địa điểm chủ yếu dọc theo một bãi biển ở Phuket, Hua Hin, Cha-am hoặc Pattaya.
Vào năm 2022, chính quyền dự kiến Thái Lan sẽ tổ chức khoảng 400 tiệc cưới Ấn Độ và đón tổng cộng 500.000 khách du lịch Ấn.
Đám cưới của người Ấn Độ có thể diễn ra trong một tuần, nhưng TAT cho biết Thái Lan có thể mong đợi nhiều khoản chi tiêu hơn nữa khi những vị khách. Bởi lẽ, họ không chỉ tổ chức những tiệc cưới xa hoa mà các khách mời còn ở lại lâu hơn để đi du lịch vòng quanh Thái Lan.
Nhìn chung, TAT kỳ vọng các tiệc cưới ở Ấn Độ sẽ tạo ra doanh thu du lịch lên tới 22,5 tỷ baht (627,8 triệu USD). Con số này có thể phần nào bù đắp những thiếu hụt cho ngành du lịch Thái Lan khi khách Trung Quốc chưa thể trở lại thị trường trong năm nay.
Để thu hút nhiều đám cưới hơn, TAT đã đưa các nhà tổ chức hôn lễ, sự kiện, các công ty lữ hành chủ chốt của Ấn Độ và Thái Lan đến những buổi roadshow ở một số thành phố của Ấn Độ từ đầu năm nay. Tuy nhiên, Chủ tịch TIWA, Ram vẫn cho rằng cách tiếp cận của TAT quá hẹp.
Ông nói: “Các cặp vợ chồng giàu có của Ấn Độ tổ chức đám cưới ở mọi nơi trên thế giới, vì vậy chúng ta không nên chỉ quảng bá những sự kiện này ở các thành phố của Ấn Độ”.
Ram cũng cho biết Thái Lan nên đảm bảo việc tiếp thị cho các gia đình rất giàu có. Ví dụ, một cặp vợ chồng Ấn Độ đến từ Hồng Kông năm ngoái đã chi 12,5 triệu đô la cho lễ kỷ niệm 4 ngày ở Thái Lan. Do đó, ông cho rằng Thái Lan nên tập trung vào chất lượng khách hàng chứ không chỉ tập trung vào số lượng.
Ratchitar Thanakulphandilok – một chuyên gia tổ chức đám cưới ở Thái Lan trong hai thập kỷ nay, chia sẻ rằng nghi lễ đám cưới của người Ấn Độ rất thiêng liêng, và phải được thực hiện một cách chính xác.
“Chúng tôi cần hợp tác chặt chẽ với các nhà tổ chức đám cưới Ấn Độ, những người thường đưa linh mục của riêng họ đến để tiến hành nghi lễ Hindu”, cô nói. Ban tổ chức Thái Lan sau đó xử lý phần trang trí, hoa, ẩm thực.
“Các gia đình Ấn Độ chi trả cho đám cưới ở Thái Lan thường thuê máy bay phản lực để chở từ 200 đến 300 người tham gia và khách mời. Ngoài ra, họ thường đặt trước toàn bộ khách sạn năm sao cho các nghi lễ, đám cưới và tiệc tùng từ ba đến bảy ngày”, Ratchitar – người có kinh nghiệm tổ chức khoảng 20 đám cưới ở Ấn Độ mỗi năm trước đại dịch, cho biết.
Ratchitar nói thêm: “Tôi nghĩ danh tiếng của Thái Lan rất mạnh về lòng hiếu khách, các tác phẩm hoa, đồ trang trí và đồ ăn khéo léo. Những cặp uyên ương trẻ Ấn Độ luôn bị ấn tượng khi tổ chức lễ cưới ở đây. Sẽ rất tốt nếu thúc đẩy điều này hơn nữa để tạo thêm doanh thu du lịch, giúp ích cho toàn bộ nền kinh tế Thái Lan”.
(c) Du lịch/ Báo Lao động