Ý nghĩa gốc của sự kiện là bạn mang vật chứa tự trang bị đến và nhận bắp rang miễn phí để khuyến khích không dùng các sản phẩm 1 lần gây h.i môi trường. Nhưng nhờ một phép thần kỳ nào đó, có lẽ là từ cuộc sống no đủ từ bé nên các bạn biến nó thành cái trò vác hộp càng to càng tốt để lấy thật nhiều bắp rang.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu bạn ăn hết số bạn lấy được. Nhưng ai cũng biết 1 xô bắp như thế ít nhất 5 người ăn họa may mới hết, đó là với người thích ăn bắp, còn người dễ bị ngấy thì 3 vốc là chạy làng. Số còn thừa thì làm sao? Đổ thùng rác?
Để sản xuất ra được từng đó tốn bao nhiêu là tài nguyên, xong để làm trò rồi đổ đi? Vậy ý nghĩa bảo vệ môi trường còn đâu nữa? Mình ít đi xem rạp nhưng lần nào cũng thấy các gói bắp bị vứt lại ở tình trạng còn một nửa, thậm chí có lần gặp 1 xô bắp big size còn 2/3 bị vứt lại trên ghế sau khi hết phim.
Xã hội kinh tế thị trường làm con người nhìn vật theo đơn giá, cái gì rẻ thì mua cả đống rồi bỏ thí cũng được, vì nó rẻ. Từ hộp khăn giấy đến ổ bánh mì. Thậm chí thứ đắt giá như chiếc điện thoại cũng bị nhầm lẫn giá trị.
Để sản xuất ra những thứ rẻ tiền như khăn giấy, ổ bánh mì hay thứ “phải thay thường xuyên theo công nghệ” như chiếc smartphone phải tốn rất nhiều tài nguyên và thải ra nhiều thứ hại môi trường.
Mình rất lo ngại việc thay điện thoại mỗi 1 – 2 năm ngày nay. Nó tạo ra một thị trường có giá trị hàng tỷ đô nhưng bù lại cũng thải ra môi trường hàng chục hàng trăm triệu chiếc điện thoại lẽ ra có tuổi thọ đến 5 – 10 năm. Nhưng nếu bán điện thoại xài từng đó năm thì không quay vòng vốn được, kinh tế không bùng nổ. Phải bán cho nhiều, khuyến khích đổi điện thoại cho thường xuyên vào mới tăng doanh số được.
Hậu quả là số điện thoại ra bãi rác tăng lên tương ứng cho dù nó vẫn được tận dụng bán cho các thị trường thấp hơn dưới dạng dùng rồi. Cuối cùng thì những chiếc điện thoại đó làm sao mà tái chế, làm sao mà được tháo dỡ đúng cách để không gây hại môi trường thì không thấy nhắc đến. Gánh nặng tái chế và chi phí tái chế đó không ai muốn gánh cả. Bán được hàng thì thôi.
(Tác giả: Nguyễn Phú Thanh Bình
Via: Tôi là Rác – I am rubbish)