Hay cũng đồng nghĩa với việc, liệu chúng ta có thực sự cần một môi trường cạnh tranh trong giáo dục hay không?
Nếu có một vấn đề gì đó được coi là đang tồn tại trong nền giáo dục Đại học ở Mỹ, đó sẽ là “lạm phát điểm số” (grade inflation). Cách đây vài năm, một giáo sư còn than phiền rằng mức điểm phổ biến nhất tại Havard là điểm A-. Nhưng cũng rất nhanh sau đó ông phải nghĩ lại – mức điểm phổ biến nhất ở Harvard là điểm A. Điểm A chiếm tới hơn 40% trong số 200 trường Đại học và Cao đẳng tại Mỹ.
Những người cũ nhìn vào sẽ cho rằng đây quả là một sự dễ dãi chiều chuộng. Nhưng thực ra điều làm tôi lo ngại hơn là vấn đề ngược lại: giảm phát điểm số (grade deflation). Giảm phát điểm số xảy ra khi giáo viên áp một khung điểm nhất định: top 10% học sinh sẽ được A, 30% sẽ được B và tương tự. Khung điểm này có thể do bên trên đưa xuống hoặc do giáo viên tự quyết định.
Mục đích của việc làm này là nhằm giảm lạm phát điểm số. Nhưng nó cũng mắc phải hai sai lầm nghiêm trọng. Thứ nhất, nó giới hạn số lượng sinh viên có thể làm tốt lên. Nếu như bạn ép khung điểm là chỉ được có 7 điểm A nhưng lại có 10 sinh viên làm tốt ở mức đó, khi ấy 3 người sẽ phải chịu thiệt. Sinh viên sẽ bị mất động lực học tập.
Nhưng một sai lầm còn tai hại hơn mà khung điểm số gây ra là nó tạo một môi trường ganh đua kém lành mạnh giữa các sinh viên. Tích cực mà nói thì nó thúc đẩy một văn hóa siêu cạnh tranh, nhưng tiêu cực mà nói thì nó chỉ khiến các sinh viên nghĩ rằng thế giới chỉ là trò chơi bù trừ: Thành công của anh đồng nghĩa với thất bại của tôi.
Sau một vài năm gắn bó với công việc dạy học, tôi muốn thay đổi tư tưởng đó trong sinh viên. Tôi muốn thí nghiệm với một phương thức tính điểm có thể thúc đẩy sự hợp tác và tính cộng đồng trong sinh viên – nhưng vẫn có thể đảm bảo tiêu chuẩn và cho phép đánh giá từng cá nhân một.
Là một nhà tâm lý học tổ chức, tôi có thể kết luận rằng quan điểm “trò chơi bù trừ” là một góc nhìn sai lầm.
Bằng chứng A: Ở môi trường làm việc, cấp trên vẫn thưởng cho những người có thể giúp nhóm và tổ chức cùng thành công hơn. Lượng thời gian mà các nhân viên dành ra để giúp đỡ lẫn nhau cũng quan trọng trong việc đánh giá và đề bạt không kém gì năng lực họ thể hiện trong công việc. Điều này là kết quả phân tích tổng quát của 168 nghiên cứu được tiến hành trên hơn 51000 nhân viên.
Bằng chứng B: Qua một thập kỉ theo dõi nghiên cứu, tôi phát hiện ra rằng những người “chỉ biết nhận” – ở các công việc như kĩ sư, dược hay bán hàng – thì có thể thành công hơn trong ngắn hạn, nhưng về lâu về dài, những người “biết cho” lại đạt được kết quả tốt hơn. Những người “chỉ biết nhận” tin vào quy luật bù trừ, và rồi họ đánh mất lòng tin của cấp trên, của đồng nghiệp và khách hàng. Thay vào đó, những người “biết cho” sẽ xây dựng được những mối quan hệ rộng và sâu sắc hơn.
Khi tôi bắt đầu thử nghiệm để thay đổi cái không khí cạnh tranh đang tồn tại trong các lớp học, tôi nhận ra điều này không hề dễ dàng. Một khi nền văn hóa cạnh tranh này đã được thiết lập thì rất khó để có thể xóa bỏ nó – họ đã quen với việc đó rồi.
Bởi vậy, tôi đã tìm cách đưa ra những bài kiểm tra đặc biệt khó – đủ để khiến các sinh viên phải học tập chăm chỉ. Rồi tôi đề xuất luật rằng: Không sinh viên nào sẽ phải chịu thiệt bởi điểm của sinh viên khác. Tôi sẽ không úp phổ điểm thấp xuống mà chỉ có cao lên thôi. Nếu như điểm cao nhất là 83 thì tôi sẽ cộng cho tất cả mọi người còn lại mỗi người 17 điểm. Thế nên ai có làm tốt đến đâu cũng không làm hại đến người khác.
Việc làm này có giúp xóa bỏ không khí cạnh tranh. Nhưng rồi tôi tính đến một mục tiêu cao hơn, là làm sao cho sinh viên sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau.
Cuối cùng, cách tôi làm là để phần khó nhất trong bài kiểm tra là câu hỏi trắc nghiệm nhiều đáp án. Tôi bảo sinh viên là chọn ra một câu em thấy phân vân nhất, sau đó có thể viết tên một bạn cùng lớp mà em nghĩ rằng có thể biết đáp án cho câu này. Nếu bạn đó trả lời đúng thì cả hai đều được điểm.
Cách làm này thúc đẩy một tư tưởng rằng thành công của người này cũng có thể đem lại lợi ích cho người khác. Và dù đó chỉ là một câu hỏi chiếm 2 điểm trên tổng điểm 120 thì nó cũng đã tạo ra sự khác biệt lớn. Các sinh viên bắt đầu học cùng nhau thành các nhóm, trao đổi kiến thức. Cuối cùng thì mức điểm trung bình tăng lên 2% so với năm ngoái, mà không phải vì phần điểm tăng thêm.
Chúng ta đều biết rằng cách học tốt nhất là dạy kiến thức dó cho người khác. Đó là lí do mà các anh chị sinh trước thường có phần đạt điểm số và trí thông minh tốt hơn em, vì anh chị sẽ học được mỗi khi chỉ cho các em học. Hai nhà tâm lý học Robert Zajonc và Patricia Mullally đã ghi nhận rằng “trong quá trình dạy học thì giáo viên còn thu lại nhiều hơn là học sinh”.
Một môi trường mà ở đó các sinh viên giúp đỡ lẫn nhau còn giúp họ hưởng lợi từ cái gọi là “trí tuệ hợp tác” (transactive memory), tức là biết ai làm gì giỏi nhất. Ví dụ trong một gia đình thì bạn có thể không cần biết cách chữa điều hòa nếu như vợ của bạn đã biết. Trong một nhóm thì bạn không cần biết cách làm PowerPoint đẹp nếu như một người khác trong nhóm đã là chuyên gia về mảng đó. “Trí tuệ hợp tác” giúp cho bạn dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ hơn – nếu bạn đã biết về khả năng mỗi người thì bạn sẽ biết phải tìm đến ai.
Cho tới năm 2014 thì trước kì thi cuối kỳ, một sinh viên đã gửi email tới cả lớp nói rằng cô cùng bạn mình đã đặt phòng học vào chiều thứ 7, ai muốn có thể cùng đến. Tối hôm đó một sinh viên khác lại gợi ý lớp có thể chia thành các nhóm để phân công đọc rồi viết tóm tắt. Một sinh viên thứ ba lại nói rằng cậu đã viết sẵn một chỉ dẫn học tập tổng quan rồi và cậu chia sẻ nó với cả lớp. Rất nhiều sinh viên khác cũng đóng góp ý kiến, có người còn tự đặt ra bộ câu hỏi thực hành. Cuối năm đó mức điểm chung đã tăng lên khoảng 2.4%.
Một sinh viên của tôi đã viết cho tôi rằng, lớp học của tôi đã thay đổi cách mọi người làm việc với nhau. Cũng theo em, có một nguyên nhân quan trọng khác để xóa bỏ chế độ chấm điểm theo khung. Một trong những lí do đằng sau tình trạng áp lực, trầm cảm và khủng hoảng của sinh viên là bởi họ thiếu sự hỗ trợ từ những người xung quanh và cảm thấy lạc lõng. Khi những sinh viên ấy được tạo động lực để tìm kiếm sự giúp đỡ, điểm của họ cải thiện rõ rệt.
Các trường học ngày nay đang phải đối mặt với vấn nạn tự tử và tỉ lệ trầm cảm ngày càng tăng. Tôi cho rằng, cách thiết kế các lớp học mà trong đó sinh viên được thúc đẩy để hỗ trợ lẫn nhau có thể giúp cải thiện tình trạng này. Chẳng phải là tốt hơn khi sinh viên thấy rằng luôn có ai đó ở sau mình, chứ không phải ai đó đang chực chờ để đâm mình từ sau lưng?
Trạm Đọc (Read Station)
Theo New York Times