KẺ SÁT NHÂN ‘HOA HỒNG QUỶ’ VÀ CUỐN TỰ TRUYỆN BÁN CHẠY NHẤT NHẬT BẢN

by admin

Không chỉ sát hại các nạn nhân một cách dã man, hung thủ còn gửi thư thách thức cảnh sát. Sau khi được trả tự do, hắn ta cho ra đời cuốn tự truyện lọt top bán chạy nhất Nhật Bản.

Netflix từng gây sốt khi làm lại bộ phim kinh dị nổi tiếng Ju-On: Origins và thêm vào đó những tình tiết lấy cảm hứng từ những vụ án có thật tại Nhật Bản. Một trong số đó là vụ “Hoa hồng của quỷ” ở Kobe vào năm 1997.

Kẻ sát nhân Shinichiro Azuma được nhắc đến với những cái tên như Seito Sakakibara (Tông đồ của Quỷ hoa hồng), kẻ sát nhân trường tiểu học Kobe, Onibara hay Boy A. Những biệt danh này gắn liền với Shinichiro hàng chục năm vì danh tính thật của hắn được giữ kín tới tận năm 2015.

⛔Thời thơ ấu đầy áp lực

Sinh ra trong gia đình khá nền nếp, mẹ của Seito luôn bắt hắn phải tập trung học tập và đạt thành tích cao. Dưới áp lực này, Seito ngày càng hướng nội và thể hiện khuynh hướng bạo lực.

Từ khi còn học tiểu học, Seito đã thường xuyên mang theo vũ khí đi học. Trong cuốn nhật ký của mình, Seito viết: “Mỗi khi cầm dao hoặc kéo như súng thì mình mới cảm thấy bớt bực mình”.

Năm 12 tuổi, Seito bắt đầu hành hạ động vật, xếp những con ếch thành hàng và đạp xe đè qua chúng, thậm chí tra tấn mèo và cắt đầu chim bồ câu.

⛔Vụ án gây rúng động

Vào tháng 5/1997, chiếc đầu của Jun Hase – một học sinh tại trường tiểu học Tainohata – được tìm thấy ngay tại cổng trường, chỉ vài giờ trước khi bắt đầu buổi học. Thi thể của cậu bé không còn nguyên vẹn vì bị đâm nhiều nhát dẫn đến biến dạng.

Hung thủ còn để lại một bức thư viết bằng mực đỏ, nhét vào trong miệng của Jun Hase, như một lời tự giới thiệu bản thân và thách thức cảnh sát: “Đây là phần khởi đầu của trò chơi… Cảnh sát hãy đến bắt tôi đi nào… Tôi khao khát nhìn thấy thêm nhiều người chết, giết người quả thật rất vui”.

Phía dưới là chữ ký của kẻ sát nhân và một biểu tượng hình chữ thập. Điều này khiến cảnh sát liên tưởng đến tên giết người hàng loạt có biệt danh “Sát nhân cung hoàng đạo” ở Mỹ vào cuối những năm 1960.

Ngày 6/6/1997, Seito gửi thêm một bức thư đến tòa soạn báo Kobe Shimbun, ngỏ ý sẽ còn có thêm nhiều nạn nhân hơn nữa. Truyền thông Nhật lúc đó liên tục đưa tin nhưng lại gọi nhầm Seito thành “Onibara” – “Quỷ hoa hồng”. Vì điều này, hắn lại gửi thêm lời đe dọa sẽ giết 3 người mỗi tuần nếu còn bị nhầm tên.

Đến ngày 28/6/1997, cảnh sát đã bắt được nghi phạm của vụ án kinh hoàng này. Đáng chú ý, hung thủ lúc này chỉ mới 14 tuổi. Sau khi thẩm vấn, hắn thừa nhận chính là Seito Sakakibara, và nạn nhân không chỉ có mỗi cậu bé Jun Hase.

Trước đó, hắn từng sát hại Ayaka Yamashita, 10 tuổi. Seito đã thú nhận trong cuốn nhật ký của mình rằng: “Hôm nay tôi đã thực hiện những thí nghiệm đáng nhớ về việc con người mong manh đến thế nào… Con bé quay lại nhìn tôi đúng lúc chiếc búa giáng xuống. Tôi nghĩ mình đã đập nó vài lần nhưng mà vui quá nên không nhớ nổi nữa”.

Tiếp đến ngày 23/6, Seito viết thêm: “Sáng nay mẹ (xem tin tức) bảo tôi con bé thật tội nghiệp, có lẽ nó đã chết rồi. Không ai có thể bắt được tôi cả. Cảm ơn trời, xin hãy tiếp tục bảo vệ tôi”. Ngoài 2 nạn nhân trên, hắn còn tấn công 3 bé gái khác.

⛔Bản án gây phẫn nộ

Việc sát hại 2 người một cách dã man và những hành động tàn bạo trong quá khứ cho thấy Seito Sakakibara có vấn đề về tâm thần. Vì quá bất mãn với tuổi thơ, Seito đã chọn những người yếu thế hơn mình để ra tay, gồm cậu bé Jun Hase chậm phát triển và cô bé Ayaka Yamashita nhỏ nhắn. Hắn cũng thể hiện sự bất mãn của mình đối với nền giáo dục nước nhà trong bức thư gửi tới cảnh sát

Vì bị bắt khi chưa đủ tuổi vị thành niên, kẻ sát nhân được pháp luật bảo vệ danh tính và gọi bằng “Boy A” (Cậu bé A), cũng không bị kết án như người lớn. Những gì Seito phải chịu chỉ là đi tới trường giáo dưỡng dành cho tội phạm vị thành niên ở Fuchu, Tokyo.

Bản án quá nhẹ nhàng này dấy lên sự phẫn nộ của gia đình các nạn nhân và công chúng Nhật Bản. Vụ án của Seito góp phần khiến luật pháp Nhật phải sửa đổi, hạ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống 14.

Ngày 11/3/2004, Bộ Tư pháp Nhật Bản tuyên bố Seito đã được trả tự do và được phép quay trở về cộng đồng. Seito tiếp tục bị quản thúc và theo dõi tới ngày 31/12/2004. Gia đình các nạn nhân sẽ được bảo vệ và thông báo về nơi ở mới của kẻ sát nhân. Sau khi kết thúc thời gian bị giám sát, Seito đã chuyển nhà và gần như biến mất.

Tới năm 2015, một cuốn tự truyện có tựa đề Zekka (Khúc ca tuyệt vọng) được phát hành và tác giả chính là Seito Sakakibara. Trong đó, hắn mô tả chi tiết các vụ giết người và bày tỏ sự ăn năn của bản thân. Có nguồn tin cho biết Seito còn định gửi sách kèm thư xin lỗi đến thành viên trong gia đình các nạn nhân.

Mặc dù bị công chúng phản đối gay gắt, cuốn sách vẫn tiêu thụ được tới 10.000 bản và lọt top cũng tựa sách bán chạy nhất Nhật Bản. Vài tháng sau, Seito lập một website đăng tải các hình ảnh một người đàn ông khỏa thân và ngầm ám chỉ người mẫu đó chính là mình.

Quá bức xúc trước các hành động trơ trẽn của kẻ sát nhân máu lạnh, tờ báo Shukan Post đã đăng tải danh tính thật sự của Seito Sakakibara là Shinichiro Azuma và nơi ở của hắn. Cuộc sống hiện tại của Seito không còn được bất kỳ ai nhắc đến, nhưng có lẽ bản án lương tâm sẽ đi theo hắn cả cuộc đời.

Nguồn: Zingnews

You may also like

Leave a Comment