LÝ DO NHỮNG ĐỨA TRẺ LẠI GIẾT CHA MẸ CHÚNG? (P1)

by admin

Người cha bị bắn hạ …. người mẹ bị đánh bằng dùi cui cho đến chết ….. Một gia đình bốn người gồm cha mẹ và hai đứa con bị thảm sát …. dưới tay chính đứa con trai ….. cùng con gái của mình …..

Khi chúng ta ngày càng có cái nhìn gần hơn với các sự kiện kinh hoàng hàng ngày trong xã hội thông qua các chương trình thời sự thì không điều gì rùng rợn cho bằng tin con giết cha mẹ ruột hoặc cha mẹ kế. Mặc dù chúng ta cho những sự kiện như vậy là hiếm, nhưng đó lại là những gì diễn ra hàng ngày trên đất Mỹ. Khoảng giữa năm 1977 và 1986, mỗi năm có hơn 300 người làm cha mẹ bị giết bởi chính những đứa con của họ.

Đừng cho rằng bọn trẻ thuộc bất kỳ một khuôn mẫu kinh điển nào – kiểu như những đứa mà chúng ta tin rằng sẽ không bao giờ dám giết người. Đây cũng không phải một ví dụ về những thanh thiếu niên tụ tập trong thành phố lên cơn và làm mọi thứ để có tiền mua ma túy: Một phân tích chuyên sâu trong Biên bản bổ sung Tội giết người của FBI giai đoạn này cho thấy đa số các trường hợp, đứa trẻ can tội giết người là 1 bé trai da trắng.

Vậy những đứa trẻ nào lại có thể ra tay tàn ác như vậy với cha mẹ chúng? Tình huống nào dẫn đến một kết cục đầy bạo lực đến vậy? Nếu nhìn xa hơn thực trạng các xu hướng đáng báo động nhất của xã hội thì có thể thấy một trào lưu ngầm đáng lo ngại, đó là: Chúng là những đứa trẻ bị ngược đãi hoặc bị bỏ rơi, không có nhiều lựa chọn, những đứa thật sự nghĩ mình không còn lối thoát.

❗Thời thiếu niên khốn khổ

Những kẻ sát nhân hầu như lúc nào cũng ở độ tuổi thanh thiếu niên [trong những vụ thảm sát như trên]. Tại sao lại là thanh thiếu niên? Những đứa trẻ trước tuổi vị thành niên – dưới 11 tuổi – thường không hiểu được khái niệm của cái chết và gặp trở ngại trong việc chấp nhận rằng những hành động của chúng lại dẫn đến kết quả không thể thay đổi. Trong khi đó, trẻ vị thành niên lại dễ trở thành sát nhân bởi vì những hỗn loạn thông thường ở tuổi vị thành niên dâng cao và chống lại những sự gò bó mà chúng cảm thấy đã bị người khác áp đặt lên chúng trong một hoàn cảnh không có nhiều lựa chọn.

Không như người trưởng thành giết cha mẹ, những thanh thiếu niên phạm tội giết cha mẹ khi cảm thấy không thể sống nổi trong căn nhà của mình nhưng lại không có cách giải quyết. Không giống người trưởng thành, trẻ em đơn giản không thể bỏ nhà đi. Luật pháp xem việc trẻ em bỏ nhà đi là phạm pháp. Thông thường, trẻ vị thành niên phạm tội giết cha mẹ từng nghĩ đến việc trốn khỏi nhà, nhưng nhiều đứa lại không biết phải nương thân chốn nào. Trong khi đó, những đứa trốn đi lại thường bị bắt về hoặc tự mình quay về: Sống vất vưởng ngoài đường không phải là một giải pháp thực tế cho trẻ vị thành niên khi mà trong túi thì không có tiền, trình độ văn hoá chưa đủ và không có nhiều kỹ năng để mưu sinh.

Thậm chí trong hoàn cảnh tốt nhất thì thời thanh thiếu niên vẫn là thời kỳ đầy sóng gió. Những đứa trẻ muốn vượt qua giai đoạn rất cần sự ủng hộ từ cha mẹ mình, những người cho chúng một mái ấm để lớn lên và giúp chúng đương đầu với những khó khăn. Những đứa phạm tội giết cha mẹ đều có những ông bố bà mẹ không sẵn lòng giúp đỡ chúng. Trên thực tế, chúng lại phải gánh vác trách nhiệm như một người trưởng thành trong gia đình mình. Quả thực, ngoài mặt trông chúng cực kỳ mẫu mực khi phải tự chăm sóc bản thân, lo cho cha mẹ cũng như quán xuyến công việc nhà.

?Ai lại giết cha mẹ mình?

Có 3 loại trẻ dễ phạm tội giết cha mẹ. Thứ nhất là những đứa bị ngược đãi nặng nề, bị dồn đến đường cùng. Loại thứ hai là những đứa bị bệnh về thần kinh thuộc loại nặng. Và loại thứ ba là những đứa ưa thích các tin tức giật gân – những đứa trẻ thuộc dạng phản xã hội thuộc mức nguy hiểm.

Trẻ bị ngược đãi nghiêm trọng là loại tội phạm thường gặp nhất. Theo Paul Mones – một luật sư tại Los Angeles chuyên biện hộ cho thanh thiếu niên phạm tội giết cha mẹ, hơn 90% trẻ bị cha mẹ ngược đãi. Chân dung tỉ mỉ của những thanh thiếu niên này thường cho thấy chúng giết người vì không thể chịu đựng được hoàn cảnh trong nhà mình. Những đứa trẻ này bị hành hạ về mặt tâm lý bởi hoặc cha hoặc mẹ hoặc cả hai, chúng thường chịu đựng ngược đãi thể xác, tình dục và tổn thương bằng lời nói, cũng như chứng kiến cảnh những người trong gia đình mình bị ngược đãi.

Thông thường, chúng không có tiền sử bệnh tâm thần nặng hay có hành vi phạm tội nghiêm trọng. Chúng không rành về phạm tội. Đối với chúng, việc tàn sát tượng trưng cho hành động của sự tuyệt vọng – cách duy nhất để thoát khỏi tình cảnh gia đình mà chúng không thể chịu đựng thêm nữa.

Rất hiếm trường hợp một đứa trẻ bị bệnh tâm thần nặng lại giết người. Những đứa trẻ này đều không có sự liên hệ với thực tại. Những trường hợp này thường có đầy đủ tài liệu về ghi chép các đợt điều trị trước đây bị thất bại. Nhiều trường hợp chưa từng được xét xử vì phạm nhân không đủ khả năng để tham dự phiên tòa.

Có một số ít trường hợp, những đứa trẻ dường như giết người mà không hề ăn năn hối hận, mặc dù cha mẹ chúng lại tử tế và ân cần. Trẻ phản xã hội thuộc dạng nguy hiểm này thường rất thích đọc các tiêu đề báo. Những tội phạm chưa thành niên này có đặc trưng là mắc chứng rối loạn hành vi – các hành vi bất bình thường một cách nghiêm trọng diễn ra liên tục hơn 6 tháng. Những đứa trẻ này ra tay sát hại cha mẹ mình chỉ đơn thuần vì một mục đích vật chất hết sức ích kỷ – ví dụ như, không bao giờ cần phải hỏi trước khi mượn xe của bố mẹ nữa.

❗Chân dung của nỗi đau

Tôi đã tiến hành phỏng vấn đánh giá khoảng 75 thanh thiếu niên bị buộc tội mưu sát hoặc mưu sát bất thành. Bảy vụ dính đến trường hợp con cái giết cha mẹ, trong đó 6 đứa là con trai, toàn bộ đều da trắng. Những trẻ này nằm trong độ tuổi từ 12 đến 17. Trong đó có 2 trường hợp giết cả cha lẫn mẹ. Tổng cộng, chúng giết 6 người cha, 3 người mẹ và 1 em trai. Trong tất cả trường hợp, hung khí đều là một khẩu súng có sẵn trong nhà. Sáu trong số bảy trường hợp là những đứa trẻ bị ngược đãi nặng, trường hợp thứ 7 được chẩn đoán bị rối loạn nhân cách hoang tưởng. Mặc dù 7 là một con số chưa đủ lớn để có thể rút ra kết luận, nhưng nó có giá trị để phân tích đặc điểm của một đứa trẻ phạm tội giết cha mẹ. Kết quả như sau:

?KHÔNG HUNG BẠO: Phân tích cho thấy 6 đứa trẻ vị thành niên có tiểu sử bị ngược đãi nặng đã sống một cách tương đối thụ động cho đến khi phạm tội giết người. Năm đứa nghĩ rằng bản thân mình mạnh mẽ và có thể kiểm soát mọi việc. Bạn bè chúng đều là những đứa trẻ dễ thương, còn chúng thì chưa từng dính líu hành vi phạm tội trước khi nổ súng giết người.

? BỊ NGƯỢC ĐÃI: Trong 6 trường hợp này đều xảy ra tình trạng trẻ bị ngược đãi rõ rệt, cụ thể là ngược đãi về mặt tâm lý và gây tổn thương bằng lời nói; trong đó có 5 trường hợp bị hành hạ tâm lý nặng nề. Bé gái duy nhất, ngoài việc bị ngược đãi thân thể, lời nói và tâm lý bởi người cha, còn bị ngược đãi tình dục và bị chính cha mình cưỡng hiếp. Cả 6 trường hợp đều không được cha mẹ chăm lo về thể chất và tình cảm. Trong đó có 2 trường hợp gần như không nhận được sự chăm sóc nào do cha mẹ chúng là những kẻ nát rượu. Không ai trong số 6 trường hợp được cha mẹ bảo vệ khỏi những tổn hại. Có ít nhất 1 trường hợp không được chăm lo sức khỏe. Trái với những gì mọi người nghĩ, độ tuổi thanh thiếu niên nếm đủ mùi vị bị hành hạ và bị bỏ mặc ở mức độ cao hơn so với trẻ em, theo Nghiên cứu kỳ 2 về Hành hạ và bỏ mặc trẻ em của NIS (NIS-2).

?CÓ CHA MẸ LẠM DỤNG CHẤT GÂY NGHIỆN: Trong cả 6 trường hợp đều có tình trạng nghiện rượu nặng diễn ra trong gia đình. Bằng chứng đó là cả 5 người cha bị giết đều là kẻ nát rượu. Ba trường hợp sử dụng ma túy, một trường hợp hút cần sa và trường hợp còn lại dùng thuốc ngủ. Một trong số những người mẹ bị giết cũng là người nghiện rượu. Phần lớn những người cha người mẹ còn sống đều nghiện thuốc. Chỉ duy nhất 1 trường hợp được biết đến là không lạm dụng thuốc mặc dù chồng bà ấy là kẻ nghiện rượu. Hai trong số những người mẹ còn sống bị nghiện Valium thời gian dài như một cách để chịu đựng người chồng vũ phu của mình.

? BỊ CÔ LẬP: Những gia đình này có khuynh hướng bị cô lập do những vấn đề xảy ra trong nhà. Sáu trẻ vị thành niên trên có ít cơ hội giải tỏa hơn những đứa trẻ khác do chúng phải gánh trách nhiệm của những người làm cha mẹ như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc em. Thậm chí còn có một trẻ chưa đủ tuổi lái xe cũng phải chở em mình đi học mỗi ngày. Những đứa trẻ này bị cô lập không đơn thuần chỉ vì gánh nặng việc nhà, mà còn do cảm giác tủi hổ. Chúng ý thức được rằng gia đình mình không phải nhà Brady Bunch [tên 1 bộ phim truyền hình của Mỹ về một gia đình hỗn hợp nhưng chung sống với nhau rất vui vẻ và hòa thuận – ND] và cha mẹ chúng cũng không mấy hoà nhã với những đứa bạn mà chúng dẫn về.

Suốt nhiều năm, chúng cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô, người thân hay thậm chí là những người lớn tuổi hơn trong gia đình không có hành vi ngược đãi chúng, nhưng hoặc là chúng bị phớt lờ hoặc là những nỗ lực của chúng trở nên vô ích. Dần dần, chúng tập trung vào mục tiêu thoát khỏi căn nhà bằng cách trốn đi hoặc tự sát. Theo thời gian, chúng cảm thấy quẫn bách khi sống trong một môi trường cứ liên tục dập tắt bất kỳ một sự ủng hộ nào. Cuối cùng, căng thẳng đến tột độ, chúng mất khả năng đương đầu dẫn đến mất kiểm soát hoặc lên kế hoạch giết người nhằm đối phó với những mối đe dọa công khai hoặc tiềm ẩn.

? CHỈ GIẾT NGƯỜI KHI CẢM THẤY KHÔNG ĐƯỢC AI GIÚP ĐỠ: Ngay trước thời điểm ra tay giết người, cuộc sống đối với chúng ngày càng trở nên khó có thể chịu đựng. Trong 4 trường hợp giết cha, người mẹ đều không sống ở nhà tại thời điểm xảy ra án mạng. Trường hợp thứ nhất: mẹ kế hành động giống hệt những gì mẹ ruột thằng bé làm vài năm trước: đó là bỏ nhà đi – chỉ một tháng trước khi thằng bé trở thành sát nhân giết cha. Trường hợp thứ 2: bà mẹ thường xuyên bị bệnh và đã nhập viện vài tuần trước vụ thảm sát. Trong 2 trường hợp còn lại: người mẹ ly dị chồng vì bị hành hạ thể xác và tâm lý, sau đó đứa con sống với cha cách đó hàng ngàn dặm. Trường hợp khác thì đứa con trai đã giết cha mình sau 1 năm sống đơn độc không có mẹ, đứa con gái trong trường hợp còn lại ra tay chỉ 16 tháng sau khi mẹ mình bỏ đi.

? “PHONG TỎA” VỤ ÁM SÁT, KHÔNG HỀ THÍCH THÚ: Năm trong sáu trường hợp hẳn nhiên cho thấy rằng những đứa trẻ đều trong tình trạng “cô lập nhận thức” tại thời điểm gây án; có một sự thay đổi trong tiềm thức khiến những ký ức về vụ giết người không kết nối vào nhận thức của chúng [hãy tưởng tượng, nếu như nhận thức và ký ức của chúng ta như một cuốn phim nhựa, mỗi sự kiện nằm trong một khung hình, thì khung hình sự kiện “giết cha mẹ” đối với những đứa trẻ này bị cắt ra khỏi cuộn phim, tức cuộn phim không còn liên tục. Tuy nhiên khung hình đó không hẳn sẽ bị xoá, chỉ là nó không còn kết nối với khung hình của một sự kiện trước đó hay sau đó – ND] . Những đứa trẻ này không phủ nhận mình đã gây án hoặc chúng sẵn sàng chịu trách nhiệm, tuy nhiên trí nhớ chúng lại tồn tại một khoảng trống gọi là “điểm đen” cùng với cảm giác mọi thứ không thật hay như đang mơ ngay trong lúc ra tay giết người hay ngay sau đó. Có trường hợp, đứa trẻ còn không nhớ về vụ án mạng. Trường hợp khác, hung thủ chỉ quên mỗi khoảnh khắc bóp cò súng. Thằng bé hồi tưởng lại chuỗi sự kiện như sau: nỗi sợ hãi khi bị người cha đe dọa, hành hạ, nhớ lại những lần ông ta đánh đập mẹ nó, sau đó là cảnh tượng nó đứng bên thi thể đẫm máu của ông ấy. Thằng bé không nhớ chút gì về phát súng giết chết cha mình mặc dù nó biết rằng hẳn mình là người đã làm việc đó. [như đã nói, khung hình “giết cha mẹ” bị cắt ra khỏi cuộn phim, và như vậy, có khả năng rất cao là cuộn phim được nối, tức khung hình trước khi xảy ra án mạng nối vào khung hình sau án mạng, như trong trường hợp của cậu bé vừa mô tả trên đây – ND]

? KHÔNG CÓ LỰA CHỌN KHÁC: Những đứa trẻ xuống tay giết cha mẹ nhằm đáp lại cảm giác của sự bất lực và bế tắc. Trong 2 trường hợp bị ngược đãi nghiêm trọng, cả hai đứa trẻ đều phản ứng lại mối đe dọa khi nhận thấy rằng mình sắp chết hoặc bị thương nặng. Trong 3 trường hợp còn lại, những đứa trẻ cảm thấy nỗi kinh hoàng và khiếp sợ dù là không có cái chết hoặc khả năng bị thương nào sắp xảy ra. Điều đáng nói trong các trường hợp này là các nạn nhân đều chết ở tư thế không phòng bị: 2 người bị bắn khi đang nằm ngủ, còn người thứ 3 bị giết khi đang xem TV lưng quay về phía con trai.

? ÂN HẬN VỀ NHỮNG GÌ ĐÃ LÀM: Trong khi những tội phạm vị thành niên khác thích khoe chiến tích của mình thì những đứa trẻ này lại cảm thấy khó chịu về hành động giết người của mình. Chúng biết hành động của mình là sai, nhưng cuộc đấu tranh tư tưởng của chúng nghiêng về phần tác dụng – chúng ghê tởm cái hành động mà chúng cảm thấy bị thôi thúc phải làm, tuy nhiên chúng cũng thấy được giải phóng khi kẻ bị giết không còn có thể tổn thương đến chúng hay những người thân với chúng nữa. Dường như chúng đấu tranh tư tưởng do ý thức biến mình thành người bị hại. Chúng không xem bản thân mình là sát nhân hay tội phạm.

(Còn tiếp)

Nguồn: Long Chúc

You may also like

Leave a Comment