Tôi bỏ học ở Mỹ. Chuyến bay 6 giờ sáng. Trầm cảm. Về đến nhà, câu đầu tiên tôi được nghe: “Chuyện này chẳng có vấn đề gì cả. Con phải suy nghĩ tích cực lên.” Không thể thản nhiên hơn. Sau bao nhiêu đêm tôi một mình khóc cạn nước mắt, vẫn cần tích cực nữa ư?
Tôi đã sống TÍCH CỰC biết bao! Chán nản những môn chuyên ngành Kinh doanh, tôi nai lưng ra tích cực học đến đêm. Hai ngày trước sự kiện, ban tổ chức nhất loạt đòi huỷ vì kết quả bầu cử tổng thống, trưởng ban tổ chức tôi tích cực xin lỗi những email mắng té tát vào mặt. Tôi điên cuồng đi gym bốn ngày một tuần đến kiệt sức. Ai hỏi gì tôi cũng cười như thể mình đang sung sướng đam mê cuộc sống lắm.
Kết quả là gì? Rối loạn ăn uống. Rối loạn giấc ngủ. Rối loạn lo âu. Tôi trơ trọi và bất lực trước mớ bòng bong cảm xúc. Thông điệp từ những ngày đầu tiên tôi học về thế giới như chiếc búa gõ vào đầu tôi từng ngày. “Người tư duy tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình, dù ngày mai trời có sập.”
Bố mẹ tôi bắt đầu làm biết đến những bộ sách làm giàu khi tôi còn đang học lớp bảy. Từ đó trong tủ sách nhà tôi dày đặc những “Dạy con làm giàu” và “10 bài học trên chiếc khăn ăn,” thế nên chẳng có gì lạ khi tôi đọc chủ yếu những loại sách này. Với đầu óc non nớt của mình, tôi thấm nhuần “tư duy làm giàu tích cực” lúc nào không hay.
Khi cảm xúc tiêu cực tới, tôi không biết làm gì ngoài việc chối bỏ nó bằng suy nghĩ tích cực. Tony buổi sáng hay “Đắc nhân tâm” dạy tôi rằng nỗi buồn chỉ đến khi bản thân nghĩ mình không thể vui vẻ. Liều thuốc duy nhất cho những chán ghét và đau khổ là tự mình chỉnh đốn chứ không cần nhờ sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Tất cả chán ghét, buồn bực, giận dữ bị dồn nén vào trong như những con giòi cắn nát tâm hồn tôi đến mục ruỗng.
Rồi tôi bắt đầu viết nhiều hơn để bày tỏ cảm xúc của mình và nhận ra mình đam mê văn học. Tôi đọc nhiều hơn; thay vì “Cha giàu cha nghèo”, tôi đọc “Không diệt, không sinh, không sợ hãi” của Thích Nhất Hạnh; thay vì “Trên đường băng”, tôi đọc “Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng. Tôi nhận ra mình đã bỏ lỡ rất nhiều thứ vì tư duy thuần tích cực. Trước đây, thế giới của tôi chỉ có những buổi hội thảo với đám người thừa năng lượng và những mộng tưởng về sự giàu sang xa xỉ; bây giờ, thế giới của tôi có văn chương và những người bạn sẵn sàng lắng nghe những nhỏ nhen ích kỷ và vẫn thương yêu tôi vô điều kiện.
Văn chương đã chữa lành tổn thương của tôi theo cách mà sách làm giàu không có được. Tôi học nhiều hơn và hiểu sâu hơn về cảm xúc con người, và nhận ra rằng nỗi ưu phiền cũng đáng trân trọng như niềm vui sướng. Hơn thế nữa, tôi ngộ ra mục đích của cuộc đời không chỉ là nhiều của cải và nhiều thời gian; mà là thấu hiểu được chính bản ngã của mình và cống hiến cho công việc mình yêu thích. Tôi trân trọng hơn những chân dung xung quanh mình bởi tôi hiểu không có câu trả lời đúng duy nhất cho mọi số phận.
Cuộc sống đa sắc và phức tạp hơn nhiều việc “làm chủ một kinh doanh của riêng mình và sống hạnh phúc mãi mãi.” Tôi tin rằng người ta cần phải hiểu được giá trị của nỗi dằn vặt và đau xót thì mới có thể trân trọng được hạnh phúc mình đang nắm giữ trong tay. Nói cách khác, khi và chỉ khi ta biết cách xử lý những cảm xúc tiêu cực của bản thân thì ta mới thật sự có được chìa khoá của niềm vui sướng. Như nhà văn Jonathan Safran Foer đã nói: “Bạn không thể bảo vệ bản thân khỏi nỗi buồn mà không tránh né niềm hạnh phúc.”
Trang Sâu
Trạm Đọc