HÃY GỌI ÔNG LÀ “MINH TINH ĐIỆN ẢNH” KIM LÂN

by admin

Nhà văn Kim Lân sinh năm 1920, cùng tuổi với Tô Hoài, Chế Lan Viên, Võ Quảng, Nguyễn Xuân Xanh.

Kim Lân là mẫu nhà văn của “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Văn chương cốt ở sự tinh chứ không cốt ở sự nhiều. Trên đường văn, ông để lại 27 truyện, trong đó có 14 truyện viết và in trước Cách mạng Tháng Tám, 13 truyện viết và in sau Cách mạng Tháng Tám.

Và ít ai biết, nhà văn Kim Lân cũng từng đặt chân tới địa hạt điện ảnh và ghi được dấu ấn sâu sắc qua nhiều vai diễn của mình. Có thể nói, cũng như viết văn, ông đóng phim rất ít, nhưng vai nào cũng gây được cảm hứng nghệ thuật tốt cho người xem. Sự “ít” mà “tinh” trong sáng tạo đa dạng của Kim Lân khiến ông thành của hiếm.

Ngoại hình và gương mặt khắc khổ cùng diễn xuất chân thực của nhà văn Kim Lân đem đến nhiều xúc động cho khán giả trước số phận nghiệt ngã của người nông dân dưới chế độ thực dân phong kiến. Từ Lý Cựu trong “Chị Dậu” dựa theo tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, ông đã đóng rất đạt vai chức dịch trong làng. Vai diễn của ông cùng vai diễn của nhà văn Nguyễn Tuân ở trường đoạn “việc làng ngày đất thuế” đã gây ấn tượng mạnh đối với người xem. Đến Pụ Pạng trong “Vợ chồng A Phủ” một nhân vật vừa hèn, vừa ma quái, vừa gây ấn tượng trong phim khiến các diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo ở trường ra cũng nể phục, rồi tới lão Hạc trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”, đều thành vai diễn để đời. NSND Phạm Văn Khoa quả tinh đời khi mời Kim Lân vào vai Lão Hạc. Không ai hợp hơn và thay thế được Kim Lân. Nhân vật ốm yếu vẻ gày gò, khắc khổ, thương xót vật nuôi, đó là con người Kim Lân. Cảnh Lão Hạc dỗ con chó vàng để nó chịu bán đi, vỗ về nó ăn bữa cuối, khiến triệu người rơi nước mắt.

Có lẽ, sự sâu lắng, cẩn trọng, tỉ mẩn, luôn cố gắng để đi tới tận cùng những nỗi niềm tâm trạng của từng con người, từng số phận của một Kim Lân trong văn học đã góp phần làm nên một vị thế riêng của một Kim Lân trong điện ảnh.

Theo Báo Đại Đoàn Kết và Thông Tấn Xã Việt Nam

You may also like

Leave a Comment