Nguyễn Biểu và giai thoại “ăn cỗ đầu người”

by admin

Nguyễn Biểu là tướng nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam, quê ở làng Bình Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Một số tài liệu (?) chép rằng, vào năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, Vua Trùng Quang phải chạy vào Hóa Châu và sai Nguyễn Biểu đi sứ giảng hòa. Đoàn sứ giả do Nguyễn Biểu dẫn đầu mang sản vật và biểu cầu phong định đi sang nhà Minh, nhưng mới đến Nghệ An thì bị Trương Phụ bắt giữ lại. Khi nghe Nguyễn Biểu đề nghị hòa hoãn, tướng giặc đã khước từ, nhưng tỏ vẻ là người trọng nghĩa, Phụ đã thiết tiệc chiêu đãi.

Trương Phụ tiếp sứ thần rất khinh bạc, ngạo mạn, sai quân dọn ra một mâm cỗ chỉ có một cái đầu người luộc chín, ép Nguyễn Biểu ăn, cốt để trả đũa “sự ngang tàng” của Nguyễn Biểu.

Nguyễn Biểu ung dung ngồi vào mâm, nói rằng: “Mấy thuở được ăn thịt người phương Bắc”, nói đoạn, lấy đũa khoét đôi mắt, chấm muối ăn. Vừa ăn, vừa ngâm bài thơ Cỗ đầu người.

“Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi,
Gia hào thêm có cỗ đầu người.
Nem công chả phượng còn thua béo,
Thịt gấu gân lân hẳn kém tươi.
Cá lối Lộc minh so cũng một,
Vật bày thỏ thủ bội hơn mười.
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn,
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời!”

Nể phục trước khí khái của Nguyễn Biểu, Trương Phụ lấy lễ tiếp đãi ông rồi tiễn về. Tuy nhiên, theo bản chép tay Gia phả họ Nguyễn (?), Trương Phụ đã hỏi viên hàng thần Phan Liêu: “Nguyễn Biểu là người thế nào?”Liêu vốn có hiềm khích với Nguyễn Biểu, bèn nói: “Người ấy là hào kiệt của nước Nam, ngài muốn lấy nước Nam mà không có người này thì việc thành sao được”.

Sau đó, Trương Phụ sai người đuổi theo bắt Nguyễn Biểu lại, hòng uy hiếp mua chuộc nhưng khi Nguyễn Biểu bị dẫn đến trước dinh, Trương Phụ bắt ông lạy ông vẫn đứng thẳng không hề run sợ. Nguyễn Biểu nói: “Ta là tôi của Vua phương Nam, ngươi là tôi của Vua đất Bắc; cùng là bề tôi cả sao lại bắt nhau quỳ được?”.

Phụ mắng ông vô lễ, ông bèn vạch âm mưu và tội ác của giặc: “Trong bụng muốn đánh lấy nước người, bên ngoài giả làm quân nhân nghĩa; đã hứa lập con cháu nhà Trần nay lại đặt quận huyện, không những chỉ cướp lấy vàng bạc, châu báu mà còn giết hại nhân dân, thực là giặc tàn ngược” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Tướng giặc đã rất tức giận, sai quân đưa Nguyễn Biểu ra trói dưới cầu Yên Quốc (tức cầu Lam, một nhánh sông Lam chảy giữa hai làn Vệ Chánh và Quang Dụ xưa) cho nước lên dìm chết. Trước khi chết ông đã bị Phụ sai người cắt lưỡi vì vẫn còn lớn tiếng mắng chửi. Tương truyền, ông đã lấy móng tay vạch vào cột cầu 8 chữ: “Thất nguyệt, sơ nhất nhật, Nguyễn Biểu tử” (ngày mồng 1 tháng 7 Nguyễn Biểu chết).

Trương Phụ giết ông nhưng phải ngầm kính phục cho đưa thi hài về Bình Hồ an táng. Vua Trùng Quang được tin ông tử tiết hết sức thương xót sai làm văn Dụ tế, nhà sư chùa Yên Quốc cũng soạn bài tụng, làm lễ cầu siêu cho ông. Chưa hết, nhân dân miền Nghệ – Tĩnh đã lập miếu thờ, suy tôn ông là Nghĩa vương. Các triều đại sau cũng đều truy phong ông làm Phúc thần.

Ngoài ra, còn có ghi chép về việc ông bị Trương Phụ bắt lại như sau.

Trương Phụ cũng phải kính phục, toan tha cho ông về. Hàng tướng là Phan Liêu lúc ấy tâu với Trương Phụ rằng Nguyễn Biểu nói: “Năng sảm nhân đầu, năng sảm Phụ” (Có khả năng nuốt được cỗ đầu người, tất cũng có khả năng nuốt tươi được Trương Phụ). Trương Phụ giận lắm, đưa câu ấy ra bắt ông phải đối lại. Đối được mới cho về, không đối được thì chém. Nguyễn Biểu đối lại rằng: “Hựu tồn ngô thiệt, hựu tồn Trần” (Còn ba tấc lưỡi của ta, nhà Trần vẫn còn). Trương Phụ giận lắm, đổi ý không tha nữa, lại sai cắt lưỡi của ông. Kế đó, Trương Phụ sai trói ông vào chân cầu, để cho nước thủy triều lên cao dìm chết.


Lưu ý: Người đăng bài (là tôi) tổng hợp từ nhiều trang báo mạng khác nhau, nên các chi tiết trong bài có thể không chính xác 100% nhưng Nguyễn Biểu và bài thơ Cỗ đầu người cùng việc ông bị giặc Minh sát hại một cách đầy đau thương là có thật.

Hình ảnh: Đoạn đường Nguyễn Biểu ở quận Ba Đình, Hà Nội.

You may also like

Leave a Comment