Vật lý của những điều tưởng chừng bất khả

by admin

Thật may mắn thay cho đại chúng bình thường như chúng ta khi Michio Kaku, một nhà vật lý lý thuyết nhưng đồng thời cũng sở hữu vốn ngôn từ phong phú và sự khéo léo hiếm có trong việc vận dụng nó, đã bỏ công giúp chúng ta tiếp cận đến tận cốt lõi của “bất khả”.

Con người là một loài động vật kỳ lạ. Về mặt thể chất, chúng ta hết sức bình thường. Mức độ trung bình, thậm chí kém cỏi, về thể chất của loài người so với mặt bằng chung của thế giới động vật thể hiện rất rõ qua lời chê bai Tarzan nói với anh trung úy d’Arnot rằng sư tử dễ dàng tiêu diệt con người vì con người quá yếu ớt vụng về. Thế nhưng ẩn trong thể chất vô cùng bình thường từ góc nhìn của thế giới tự nhiên đó lại là một năng lực tư duy mà chính chúng ta, những người sở hữu nó, cũng chỉ có thể biết chúng ta chưa rõ đâu mới là biên giới tột cùng của năng lực ấy.

Sự chênh lệch một trời một vực giữa sức mạnh thể chất và sức mạnh tư duy của con người đã dẫn tới sự “lệch pha” giữa những gì con người ý thức được và cảm nhận được về thế giới. Nhận thức của con người thường đi xa hơn nhiều trong hiểu biết về vũ trụ, về tự nhiên so với mức độ thứ nhận thức “trừu tượng” đó được chúng ta cảm nhận qua các giác quan, các thiết bị máy móc mà đôi tay chúng ta có thể trực tiếp hay gián tiếp tạo ra.

Và không ở đâu khoảng cách này thể hiện rõ như trong ngành vật lý, nhất là vật lý lý thuyết. Vật lý lý thuyết là một lĩnh vực khoa học kỳ lạ. Trong khi rất nhiều ngành vật lý khác dựa vào các kết quả thực nghiệm để xây dựng nên hệ thống quy luật, lý thuyết của mình, thì vật lý lý thuyết lại ngược lại. Các nhà vật lý lý thuyết thường đi trước thực nghiệm rất xa bằng thứ “trí tưởng tượng” vừa bay bổng vừa đầy lý trí của họ, để rồi các nhà nghiên cứu thực nghiệm phải chạy theo sau để tìm ra bằng chứng chứng minh sự đúng đắn của các lý thuyết đã như thể từ hư không hiện ra trước đó. Thế nên có lẽ không ai có thể đủ khả năng lý giải về “bất khả” thuyết phục, cặn kẽ mà cũng dễ hiểu như một nhà vật lý lý thuyết.

Thật may mắn thay cho đại chúng bình thường như chúng ta khi Michio Kaku, một nhà vật lý lý thuyết nhưng đồng thời cũng sở hữu vốn ngôn từ phong phú và sự khéo léo hiếm có trong việc vận dụng nó, đã bỏ công giúp chúng ta tiếp cận đến tận cốt lõi của “bất khả”. Sự “bất khả” hiện lên thật mới lạ nhưng cũng thật quen thuộc trong mắt chúng ta qua những dòng chữ của ông. Mới lạ vì có mấy ai trong chúng ta từng biết tới “vật chất âm” hay “năng lượng âm”. Quen thuộc vì trong thâm tâm chúng ta ai chẳng từng ước một điều ta chắc chắn không có cơ hội xảy ra: chỉnh lại một câu nói “lỡ mồm” với cô bạn gái hay mua tấm vé số vừa trúng giải độc đắc ngày hôm ấy v.v. và v.v. Về bản chất, con người là sinh vật vô cùng lý trí, không có điều gì, dù hoang đường đến mấy, khiến người ta nghĩ tới lại không có căn cứ nào đó, kể cả những điều “bất khả”. Chúng ta quen gọi những điều đó là bất khả có lẽ vì căn cứ để ta nghĩ tới chúng đang nằm trong vô thức, nơi mà cảm nhận thông thường của giác quan chưa thể với tới.

Điều thú vị khi đọc Michio Kaku là ông khẳng định với bạn, “Ồ, bạn không điên đâu. Những điều bất khả chẳng có gì là điên rồ. Đó là khoa học.” Mọi bất khả dưới con mắt nhà vật lý là những gì nằm bên kia lằn ranh của những “điều kiện tiên quyết”. Một khi các điều kiện tiên quyết đó đồng loạt được thỏa mãn cũng chính là lúc bất khả thi trở thành khả thi. Và đặt ngược lại vấn đề, từ việc giả sử một điều “bất khả” là thực sự xảy ra, nhà vật lý lý thuyết có thể lần ngược lại xem để có kết quả ấy cần đến những nguyên nhân nào. Điểm mạnh của vật lý lý thuyết là “không ai đánh thuế giấc mơ”, nhà vật lý lý thuyết có thể thoải mái đặt ra vô vàn giả thuyết, đi tới vô vàn kết quả, và mô tả cho các nhà khoa học thực nghiệm biết thứ họ phải tìm kiếm. Ngày nào thực nghiệm tìm ra thứ lý thuyết đã tiên liệu, ngày đó thêm một thứ từng là “bất khả” trở thành “khả thi”.

Trong cuộc hành trình thú vị trong “Vật lý của những điều bất khả” (Physics of the impossible), Michio Kaku cũng dạy chúng ta cách để “mơ mộng một cách tỉnh táo”. Phải đấy, tin tốt lành là mọi điều bất khả chẳng qua là những trạng thái cần đến sự hội thụ của các điều kiện tiên quyết cần được thỏa mãn mà thôi. Tin đỡ tốt lành hơn là với hầu hết, nếu không phải tất cả, mọi điều bất khả, chúng ta đều cần tới rất, rất, rất nhiều điều kiện tiên quyết, mà chúng thì đa phần…. rất, rất khó xảy ra, hay lạc quan nhất thì cũng là xảy ra trong tự nhiên nhưng con người, với khả năng công nghệ hiện tại, vẫn khó lòng thực hiện được một cách chủ động hay có ý nghĩa.

Thế đấy, thử thách càng gian nan thì thành quả càng vinh quang. Tác giả Michio Kaku, với sự chu đáo hết mực của một nhà khoa học, đã phân loại, tách riêng ra cho chúng ta gần như mọi chủ đề “bất khả” quen thuộc nhất theo đặc điểm của chúng, để mỗi độc giả chúng ta tiện tìm hiểu xem chúng bất khả đến mức nào, liệu chúng ta có cơ may được chứng kiến chúng trở thành hiện thực không. Một cuốn sách dễ đọc, cuốn hút, giúp chúng ta hiểu hơn, thấy thú vị hơn về thế giới sinh động quanh mình.

Trạm đọc

You may also like

Leave a Comment