Trong cuốn sách “Hồi ký Trần Huy Liệu”, tác giả Trần Huy Liệu – nhà thơ, nhà báo, nhà hoạt động chính trị, nhà sử học, đã thuật lại chi tiết cách ông học tập tiếng Pháp và cách các chiến sĩ trong tù phổ cập kiến thức từ bên ngoài.
Tháng 8 năm 1929, Trần Huy Liệu bị bắt lần thứ 2 vào Khám Lớn Sài Gòn. Lần này thực dân Pháp đã quyết tâm “bóp nghẹt” những người cách mạng đã lọt vào tay chúng:
“Hồi ấy, chiều thứ bảy mỗi tuần, chúng tôi, những người còn bị giam giữ chưa xử án, được phép nhận những đồ ăn do người nhà gửi vào. Theo lệ thường, bọn gác ngục chú ý không để những tờ báo chữ quốc ngữ hay chữ Pháp mới xuất bản lọt vào, cốt để chúng tôi không biết một tin tức gì ở ngoài. Vì vậy dưới hình thức gói đồ ăn hay đồ vật, người nhà chúng tôi đã chú ý xé cái tên tờ báo đi, vò tờ báo nhàu nát để che mắt bọn gác ngục…Do những sáng kiến sau này, những tờ báo cũ không ai để ý ấy đã được các đồng chí ở ngoài chịu khó cắt những tin quan trọng tại các báo khác dán vào những cột báo trong tập báo này”.
Thời gian sau đó, vào tháng 8 năm 1930, Trần Huy Liệu và một số đồng chí bị thực dân Pháp đem đày ra Côn Lôn, nhằm mục đích “cách ly” khỏi nhân dân, đất liền và khỏi chính chúng:
“Cũng như những nhà tù khác, trong khung cảnh “bốn tường một cửa”, cái cánh cửa sắt luôn luôn đóng kín, khám tù Côn Lôn còn làm cho thêm cái cửa ra vào ấy được “thâm nghiêm” bằng cách ngoài cái cửa bên trong, còn úp thêm một cái cửa bên ngoài nữa. Hàng ngày, trừ ngày chủ nhật, tù nhân chỉ được ra ngoài hai lần để tiện việc quét dọn nhà tù. Mỗi lần ra vào cửa là một lần khám xét…Trong khám tù, hai dãy bệ xi măng dài theo bức tường. Góc khám là một lỗ cầu tiêu không cần che đậy, một chỗ duy nhất thông với thế giới bên ngoài… Hồi ấy, tại Côn Đảo, mỗi tuần vào sáng thứ hai, chiếc tàu A-măng Rút-xô (Harmant Rousseau) từ Sài Gòn ra ghé bến Côn Lôn rồi đi Xanh-ga-po (Singapore), sau đó từ Xanh-ga-po về Sài Gòn lại ghé qua Côn Lôn một lần nữa. Chính chiếc tàu trắng ấy đã thường xuyên chuyển những lương thực, vật liệu cho Côn Đảo và trở nên quen thuộc đối với những người tù Côn Đảo làm việc vận tải… Như trên đã nói, trong mỗi khám tù bịt kín, chỉ có một lỗ cầu tiêu ở góc nhà, nhưng công dụng của nó không phải chỉ để bài tiết những cặn bã hàng ngày xuống chiếc thùng mà nó còn là cơ quan giao thông để tiếp thu hay phát đi những vật phẩm kinh tế, văn hóa…trong đó chủ yếu là thư từ, giấy bút, sách báo… Theo lệ thường, mỗi ngày vào khoảng 5 giờ sáng, tên giám ngục người Pháp, kèm theo một người lính mã tà, mở cửa khám cho những người nhà bếp và sở tải (làm việc quét dọn) ra làm việc. Đó là những người từ trước đã được anh em cử ra phụ trách, trong đó có người lĩnh nhiệm vụ giao thông. Dưới ánh sáng mờ của đèn điện, người chạy đi người chạy lại như “đèn kéo quân”. Tên giám ngục hút thuốc phì phèo đứng rú một chỗ. Thừa lúc lộn xộn ấy, anh phụ trách giao thông tay cầm chổi quét thọc vào cầu tiêu mỗi khám lấy những “bưu phẩm” từ trong chuyển đi theo một tín hiệu đã định là gõ keng keng mấy tiếng vào thùng đựng phân. Sau khi đã đi vòng quanh các khám tù theo “cửa sau” rồi, người phụ trách giao thông giấu bưu phẩm vào trong người, quét theo đường mương đến chỗ gầm cống thông sang banh 1 ở bên cạnh, chờ chuyển cho người giao thông ở bên kia bức tường. Công việc này phải rất cẩn mật, đúng với thời khắc đã định…Hai người phụ trách giao thông hàng ngày, từ phiên bất thường, đều tìm gặp nhau trong công tác như thế; nhưng suốt đời không thấy mặt nhau và cũng không cần biết tên thật của nhau, đề phòng kẻ gian lọt vào hay việc bị vỡ rồi khai báo cho nhau…Những gói bưu kiện từ ngoài vào lọt qua đường cống, lỗ cầu tiêu đem vào các khám tù những tin tức nóng hổi của phong trào cách mạng, những ánh sáng của văn hóa; đổi lại, những gói bưu kiện từ trong các khám tù chính trị vượt qua cửa kín tường cao từ banh 2 chuyển qua banh 1, tỏa ra các công sở ở quần đảo Côn Lôn: nhà thương, trường học, văn phòng giám đốc, bưu cục, kho bạc, vô tuyến điện, trại lính Tây, sở lưới, Đá Trắng, cỏ Ống, chuông bò, Bản Chế, An Hải…, trong đó có những tổ chức của tù chính trị. Những bưu kiện ấy còn có thể qua tay những người chuyên môn vận tải, tìm đến những anh em lao động ở dưới tầu A-măng Rút-xô, về đất liền, lọt vào tay những quần chúng ủng hộ cách mạng hay tổ chức của Đảng…”
Sách: Hồi ký Trần Huy Liệu
Ảnh Trần Huy Liệu: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia