Người Nepal có một câu nói, đại ý là “nếu anh nuôi bò thì đừng chỉ lấy mỗi sữa rồi bảo phân bò không phải của mình”, ngụ ý việc nào cũng đi kèm lợi ích và hậu quả. Như một sự trùng hợp tình cờ, câu nói trên lại vận chính vào chiến dịch bảo tồn hổ ở quốc gia này; ngoài việc làm phong phú lại hệ sinh thái, những chú meo meo to xác cũng đang gây ra một cơn đau đầu (không dễ chịu, và không thể chữa bằng Panadol) cho chính phủ Nepal.
Khi vuốt hổ mạnh hơn lưỡi hái
Nepal hiện đã vượt lên trong cuộc đua bảo tồn hổ khi trở thành nước đầu tiên đạt, thậm chí là vượt chỉ tiêu về số lượng hổ được đề ra tại Hội nghị Hổ Toàn cầu tại Saint-Petersburg vào năm 2010. Cụ thể, tại đây, 13 quốc gia còn hổ trong tự nhiên đã ký cam kết sẽ tăng gấp đôi số hổ trong lãnh thổ nước mình. Đến nay, chỉ có Nepal làm được điều này; từ 121 cá thể hổ vào năm 2009, đến tháng 7 năm 2022 Nepal đã có 355 cá thể hổ – tăng lên gần gấp 3 lần.
Ông Abishek Harihar, phó giám đốc chương trình bảo tồn hổ thuộc tổ chức bảo tồn mèo hoang dã Panthera, nhận định thành công của Nepal đến từ hai nguyên do, bao gồm sự hỗ trợ toàn tâm toàn ý từ chính phủ và những hình thức răn đe nghiêm khắc đối với những kẻ săn trộm. Từ năm 1970, đã có 5 vườn quốc gia được thành lập ở Nepal – với lực lượng kiểm lâm đông đảo và được vũ trang đầy đủ – với mục đích bảo tồn hổ. Những vườn quốc gia này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn những loài động vật lâm nguy khác, như tê giác, voi và tê tê.
Các máy bẫy ảnh được đặt trong rừng cũng giúp kiểm soát số lượng hổ tốt hơn, đồng thời kiểm soát cả những động thái săn trộm. Được biết, mức phạt cho tội săn trộm tại Nepal là 15 năm tù giam, kèm khoản tiền phạt 10,000$.
Theo Harihar, kể từ đầu thế kỷ 20 – khi có hơn 100,000 cá thể hổ trên Trái Đất, chúng ta đã mất hơn 90% số hổ do sự sụt giảm về môi trường sống và nạn săn trộm. Tuy nhiên, gần đây đã có những dấu hiệu tích cực. Những nỗ lực của Nepal nói riêng và cả thế giới nói chung đã đưa đến nhiều kết quả đáng khích lệ, trong đó đáng kể nhất là việc số cá thể hổ trên thế giới đã tăng 40% kể từ năm 2015, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
Loài hổ có lẽ vẫn đang chật vật bên bờ vực tuyệt chủng, nhưng chúng ta có cơ sở để tin rằng chúng đã bám được vào mép vực và bắt đầu trèo lên, dù chiếc lưỡi hái vẫn đang móc vào cổ chúng chỉ chực chờ kéo xuống.
Những tiếng vỗ tay không giòn
Khi các nhà bảo tồn – và phần nào đó là thiên nhiên – hân hoan với thành tựu bảo tồn của Nepal, đâu đó ngoài kia vẫn có những gương mặt không vui. Họ khó mà cười được khi cuộc sống của bản thân đang bị đe dọa.
Tính từ năm 2009 tới 2022, đã có hơn 100 người thiệt mạng ở Nepal do bị hổ tấn công. Đáng ngại hơn, tình trạng này có xu hướng gia tăng, khi chỉ riêng tại vườn quốc gia Chitwan trong vòng 12 tháng tính từ tháng 7 năm 2021, đã có 16 nạn nhân của hổ. Con số này nhiều hơn tổng số nạn nhân của 5 năm trước trong cùng khu vực (10 nạn nhân). Tại vườn quốc gia Bardiya, một bức tranh bi hài về niềm vui và nước mắt được dựng lên: nơi vinh dự nhận giải thường về bảo tồn TX2 (nhờ thành tích tăng từ 18 cá thể hổ lên 125 trong vòng 13 năm) đã ghi nhận ít nhất 30 người thiệt mạng vì hổ trong vòng 3 năm qua.
Tính mạng không phải thiệt hại duy nhất con người phải gánh chịu. Các cộng đồng dân cư sinh sống cạnh các vườn quốc gia và khu bảo tồn đã phải đối mặt với nhiều hao hụt về số lượng vật nuôi; đồng thời, những trở ngại tâm lý của người dân khi sống cạnh một đoàn thú ăn thịt ngày một gia tăng, dẫn đến nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Tệ hơn, hổ không phải loài duy nhất đã nhúng chàm – danh sách những tên sát thủ bốn chân được chính phủ bảo kê còn ghi nhận cả voi, báo và tê giác.
Tháng 6 năm 2022, một phụ nữ 41 tuổi bị hổ tấn công tại Bardiya. Sự kiện này đã trở thành giọt nước tràn ly, khiến người dân chặn đường và biểu tình nhằm yêu cầu sự bảo vệ tốt hơn trước động vật hoang dã. Để giải tán đám đông, cảnh sát đã ném lựu đạn cay và xả súng vào đoàn người; hậu quả là nhiều người bị thương và một cô gái 18 tuổi thiệt mạng.
Giải thích cho sự gia tăng những vụ hổ tấn công, nhóm của nhà sinh vật học Lamichhane đã nhận ra rằng những con hổ tấn công người thường là những con bị thương tổn về mặt thể chất, hoặc những con không có lãnh thổ. Với trường hợp thứ nhất, bất lợi về thể chất khiến hổ không thể săn những con mồi bình thường; chúng chuyển sang người là những con mồi dễ kiếm và dễ xơi hơn. Việc gia tăng mật đổ các cá thể hổ trong một khu vực bảo tồn cũng khiến một vài con hổ phải dạt ra ngoài để tìm kiếm lãnh thổ, nơi chúng dễ chạm mặt con người.
Dù tình trạng động vật tấn công ngày một nghiêm trọng, chính phủ Nepal có vẻ như không đưa ra được biện pháp xử lý thỏa đáng nào. Trước đây, quốc gia này chủ trương bắt nhốt những con hổ tấn công người; tuy nhiên, biện pháp này sớm tỏ ra thiếu tính bền vững. Cụ thể, mỗi con hổ nuôi nhốt tốn của Nepal 50,000$ mỗi năm chi phí thức ăn và nước uống, chưa kể chi phí về lồng cũng là một khoản đáng kể. Thậm chí, gần đây do thiếu hụt ngân sách, Nepal đã không có động thái gì nhằm xử lý những con hổ tấn công người nữa.
Học giả người Nepal Kumar Paudel và giáo sư Chris Sandbrook tại Đại học Cambridge lo ngại rằng nếu không giải quyết được mâu thuẫn giữa người dân địa phương và động vật hoang dã, Nepal sẽ tự tay đập bỏ đi những kỳ tích trong công cuộc bảo tồn của họ. Ai cũng hiểu rằng để một chiến dịch bảo tồn động vật thành công, cần sự chung tay của cả chính quyền và người dân. Nếu người Nepal cảm thấy cuộc sống của mình không được đảm bảo, họ sẽ không hợp tác bảo tồn động vật với chính quyền nữa.
Tệ hơn, một số người có thể sẽ thực hiện những hành động trả thù đối với động vật hoang dã. Trên thực tế, những cuộc săn giết nhằm mục đích trả thù đã bắt đầu trở thành mối đe dọa với loài báo tuyết trên lãnh thổ Nepal.
Nguồn: Lược dịch từ “Tigers have nearly tripled in Nepal, but at what cost?” (National Geographic) và “The silent victims of Nepal’s tiger conservation success” (Aljazeera)