Bạn có thích e-mail không? Nếu gật đầu, hẳn là bạn đang nói dối.
Giai đoạn một: Say mê
Tôi vừa có e-mail! Tôi không thể tin được! Thật là tuyệt! Đây là tên liên lạc của tôi. Viết cho tôi nhé. Ai bảo là việc viết thư đã chết? Họ mới sai làm sao. Tôi đang viết thư như điên trong lần đầu sau nhiều năm. Tôi về nhà và phớt lờ tất cả những người yêu thương của mình và chạy thẳng đến cái máy tính để liên lạc với những người hoàn toàn xa lạ. Và AOL [1] mới tuyệt làm sao? Thật dễ dàng. Thật thân thiện. Cả một cộng đồng. Ôiii! Tôi có e-mail!
Giai đoạn hai: Xác minh
Ôkê, tôi đang bắt đầu hiểu rồi – e-mail không phải như viết thư, nó còn là thứ khác nữa. Nó vừa được tạo ra, nó vừa được sinh ra, và qua một đêm nó trở thành một hình thái và một bộ quy tắc và một ngôn ngữ của riêng nó. Không phải từ thời báo in. Không phải từ thời truyền hình. Nó là cách mạng. Nó là sự thay đổi của cuộc sống. Nó là tốc ký. Vào thẳng vấn đề. Đến ngay ý chính. Tiết kiệm bao nhiêu thời gian. Chỉ mất năm giây để hoàn thành một thứ trong e-mail trong khi phải mất năm phút trên điện thoại.
Điện thoại đòi hỏi bạn trò chuyện, phải nói những thứ như xin chào và tạm biệt, phải vờ như quan tâm đến người ở đầu kia đường dây. Tệ hơn cả, điện thoại có khi buộc bạn thực hiện những kế hoạch thực tế với người bạn nói chuyện – như gợi ý ăn trưa hoặc ăn tối – ngay cả nếu bạn không có nhu cầu gì gặp họ cả. Không có nguy cơ kiểu đó với e-mail. E-mail là một cách hoàn toàn mới để làm bạn với mọi người: thân mật nhưng không quá thân, vui chuyện nhưng không quá vui, kết nối nhưng không quá sâu; nói tóm lại, bạn bè nhưng không hẳn bạn. Thật là một đột phá. Làm sao chúng ta đã sống mà không có nó chứ? Tôi có nhiều thứ để nói trong chủ đề này, nhưng tôi phải trả lời một tin nhắn từ một người tôi biết tương đối.
Giai đoạn ba: Lẫn lộn
Tôi đã chẳng làm gì để xứng đáng chút nào với thứ này: Viagra!!!! Nguồn trang mạng tốt nhất cho Vioxx. Hãy trải nghiệm một tuần ở Cancún. Để có một bãi cỏ đẹp mơn mởn. Astrid muốn được là một trong số bạn bè của bạn. XXXXXXXVideo. Tăng tám phân cho chiều dài dương vật của bạn. Ủy ban quốc gia Dân chủ cần bạn. Báo động Virus. FW: Cái này sẽ làm bạn cười. FW: Cái này buồn cười. FW: Cái này hài vãi. FW: Nho tươi và nho khô độc cho chó. FW: Lời chia tay cuối cùng của Gabriel García Márquez. FW: Bài phát biểu của Kurt Vonnegut tại lễ tốt nghiệp. FW: Công thức bánh quy sôcôla Neiman Marcus. Một tin nhắn từ Barack Obama. Cho vay thế chấp lãi suất thấp. Nora, Nora, đã đến lúc bạn tỏa sáng. Cần giải quyết đống hóa đơn, Nora? Yvette muốn được là một trong số bạn bè của bạn. Bạn đã bị lỗi khi thiết lập kết nối đầy đủ với AOL.
Giai đoạn bốn: Vỡ mộng
Cứu với! Tôi chết lụt rồi. Tôi có 112 e-mail chưa trả lời. Tôi là một nhà văn – hình dung xem tôi có thể viết được bao nhiêu nếu không phải trả lời tất cả số e-mail này. Mắt tôi mờ. Cổ tay đau. Tôi không thể tập trung được. Mỗi lần tôi bắt đầu viết gì đó, biểu tượng e-mail lại bắt đầu rung rinh nhấp nháy và tôi bắt buộc phải kiểm tra xem có gì hay ho thú vị gửi đến không. Chẳng có gì. Lúc này nó vẫn thế. Đúng vậy – tôi có thể chỉ mất vài giây với e-mail trong khi mất nhiều thời gian hơn trên điện thoại, nhưng hầu hết e-mail của tôi từ những người không có số điện thoại của tôi và không bao giờ chọn cách gọi điện từ đầu. Trong khoảng thời gian ngắn mà tôi viết đoạn văn này, đã có thêm ba e-mail nữa đến. Giờ đây tôi có 115 e-mail chưa trả lời. Tới cao điểm rồi: 116. Bụp bụp bụp bụp bụp.
Giai đoạn năm: Điều đình
Vâng. Không. Không thể. Không đời nào. Có thể. Nghi ngờ. Tiếc nhỉ. Rất tiếc. Cảm ơn. Không, cảm ơn. Đi vắng rồi. Không có thời gian. Thử nhắn lại tôi sau một tháng nhé. Thử nhắn lại tôi vào mùa thu nhé. Thử nhắn lại tôi một năm nữa vậy. [email protected] bây giờ sẽ chuyển sang [email protected]
Giai đoạn sáu: Chết
Hãy gọi tôi.
—
[1] AOL: American Online, một công ty cung cấp dịch vụ Internet của Mỹ, nổi tiếng với nhiều tiện ích trên mạng.
Trích Trời ơi tôi chẳng nhớ gì cả
Nora Ephron
Minh họa: Mark Conlan, Nate Kitch
Thông tin khác:
Nora Ephron (19/5/1941 – 26/6/2012) là một nhà báo, nhà văn và nhà làm phim người Mỹ. Tốt nghiệp ngành khoa học chính trị, Nora Ephron từng là phóng viên của The New York Post, Esquire và cộng tác với một số tạp chí trước khi bước vào lĩnh vực điện ảnh với cả ba vai trò biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất. Bà từng được ba lần đề cử giải Oscar cho hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất và cũng đã giành được nhiều giải thưởng kịch nghệ.
Các tác phẩm điện ảnh nổi bật của bà: Silkwood (1983), When Harry met Sally (1989), Sleepless in Seattle (1993), You’ve got mail (1998), Julie & Julia (2009)…
Trời ơi tôi chẳng nhớ gì cả là cuốn tản văn “duyên dáng, đáng yêu và hài hước” của Nora Ephron, với góc nhìn đậm chất phụ nữ về những thay đổi trong cuộc sống hiện đại ngày nay, cũng như những câu chuyện riêng tư ít người biết tới về bà – một trong những nhà biên kịch nổi tiếng nhất nhì Hollywood.