Người trí thức thật sự đứng ở đâu trong xã hội?

by admin

 Cuốn tản văn lan man từ đời sang đạo, từ thơ sang triết, từ khoa học tới ái tình … của Cao Huy Thuần.

 

“Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày”

 

Đó là cuốn tản văn lan man từ đời sang đạo, từ thơ sang triết, từ khoa học tới ái tình … của Cao Huy Thuần.
Tôi tò mò khi thấy ông chọn hai câu Kiều này làm xương cốt cho cuốn sách của mình. Hai câu này là hai câu cuối trong đoạn thơ mười tám câu, miêu tả cảm xúc lần đầu tiên Kiều đàn cho Kim Trọng.

Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắc tiếng vàng chen nhau
Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng!
Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng Lưu Thủy hai rằng Hành Vân
Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia

Khúc Phượng cầu hoàng của Tư Mã Tương Như đã làm Trác Văn Quân cảm động mà bỏ nhà đi theo. Khúc Quảng Lăng tán của Kê Khang, danh sĩ đời Tấn khi nhớ về nước Ngụy, trong lúc bị bức thiết thê thảm. Khúc Chiêu Quân buồn thương man mác khi giã từ đất Hán sang Hồ. Khúc Hán Sở chiến trường sắc vàng chen nhau bi hùng chiến trận…
Chỉ mấy câu thơ thôi mà đã thấy đủ sắc điệu thăng trầm của thế gian, từ bi tráng tới yêu thương, từ âm hưởng hùng ca tới dịu dàng ấm áp của tình người … Và người ngồi nghe, chàng Kim Trọng, người “trí thức” xưa ấy, đã trải qua những cung bậc “khi tựa gối, khi cúi đầu” – trong sự đồng cảm sâu sắc.
Phải chăng, đó cũng là tâm trạng của tác giả – một nhà trí thức, nhà nghệ sĩ?

Người trí thức ở giữa đất và trời

“Rất khó định nghĩa thế nào là người trí thức, nhưng bất cứ người trí thức nào cũng có lúc phải đặt câu hỏi cho chính mình: giữa những nguyên tắc trong veo mà mình nuôi dưỡng trong đầu với thực tế trái ngược mà mình phải đương đầu trước mặt – có thể nào dung hòa được không trong hành động?”
Giáo sư Cao Huy Thuần đã mở đầu cuốn sách của ông bằng câu hỏi như vậy. Câu hỏi về cách “dấn thân”. Ông đưa ra câu chuyện về hai nhân vật trí thức nổi tiếng: Malraux và Camus. Malraux, anh hùng của cả một thế hệ trẻ Pháp, nhân vật chói sáng như một ngôi sao lịch sử, người trí thức chọn đứng với “hai chân dính đất”, khi ông im lặng như một sự đồng lõa với những tội ác, vì cho rằng “nó cần thiết”.

Còn Camus, một nhà văn lừng lẫy khác, thì lựa chọn một cách đứng khác: đâu đó giữa đất và trời. Ông từ chối danh hiệu dấn thân theo nghĩa của thời đại, bởi người trí thức nói chung có một dấn thân cao hơn: “Trong thế giới của bản án tử hình như thế giới chúng ta đang sống, người nghệ sĩ là người làm chứng cho cái gì trong con người từ chối không chịu chết”.

Tôi thích quan điểm của Cao Huy Thuần: “Trí thức là người mà chức năng là suy nghĩ chứ không phải hành động như người làm chính trị. Trong hai trường hợp điển hình mà tôi nêu trên đây, đừng hỏi ai đúng ai sai, nếu cách họ sống và cách họ chết đánh thức suy nghĩ của mọi người. Ai đánh thức, không cho xã hội ngủ, người ấy là trí thức, bất kể họ là ai. Bởi vì trí thức không có vai trò nào khác. Họ là và chỉ là lương tâm của thời đại”.

Cuốn sách “Khi tựa gối, khi cúi đầu” thể hiện con người trí thức Cao Huy Thuần. Đây là tập hợp của nhiều bài viết mà tôi tạm gọi là “tản văn”, là cách nhìn của ông vào nhiều vấn đề của văn chương, lịch sử, tôn giáo, đời sống, khoa học … và đặc biệt rất nhiều câu hỏi triết học khiến ta suy tư.

Tưởng chừng như dễ mà cuốn sách không dễ đọc chút nào.

 

“Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không”

 

Tôi thích những dòng ông viết về Thiền, về Đạo. Ông cũng viết rất thú vị về văn chương, lịch sử. Nhưng viết về Thiền như Cao Huy Thuần thật không dễ, dẫu ông khiêm tốn đặt toàn bộ phần này vào chương “Khi cúi đầu”, có lẽ là một cách thể hiện sự khiêm nhường ấy.

Cái trống rỗng là toàn năng vì nó ôm hết vạn vật, vạn vật cử động được là nhờ khoảng trống. Bà đọc thơ Thiền chắc đã thấy cái rỗng không trong đó: chính cái chỗ không nói, không lời, mới đầy ắp ý tình, xúc cảm. Tranh Thiền cũng vậy: đâu phải bà ngắm con chim, đỉnh núi, bà mênh mang trong khoảng không của tưởng tượng thênh thang

Có lẽ đó là cách ta nên dùng để đọc văn của Cao Huy Thuần. Để cho tâm trạng mình thoải mái tự nhiên, nhảy nhót cùng ông từ văn chương Tây phương sang Thiền Đạo Đông phương, từ thơ ca tình tứ sang luận đề lịch sử triết học …

Sách của ông thích hợp đọc trong những ngày thanh nhàn thư thái, một ấm trà thơm, một khung cửa đẹp, chim hót bên ngoài và một nhành lan cắm trong bình gốm. Thế là có thể bắt đầu thả cho trí tưởng tượng du hành cùng tác giả. 

Chả thế mà ông thích thú trích dẫn ra câu nói của Anatole France, nhà văn Pháp ông yêu thích: “Kiến thức chỉ là đồ bỏ, tưởng tượng mới là tất cả”.

Mei Ann.

You may also like

Leave a Comment