Câu chuyện của “Cirque du Soleil” là câu chuyện được nhắc tới nhiều trong cuốn sách nổi tiếng: “Chiến lược Đại dương xanh” của tác giả Chan Kim, như một ví dụ sống động cho sự thay đổi tạo nên đột phá trong kinh doanh như thế nào.
Cirque du Soleil (Gánh xiếc mặt trời) là gánh xiếc lớn nhất hành tinh với hơn 4.000 diễn viên đến từ 50 quốc gia trên toàn thế giới, thu hút hơn 90 triệu khán giả ở mọi lứa tuổi. Những buổi biểu diễn của Cirque du Soleil là những tiết mục có sự phối hợp trong việc dàn dựng công phu đến từng chi tiết, có nội dung cốt truyện sâu sắc, với những bản nhạc được sáng tác riêng và những câu chuyện kể lấy cảm hứng từ nền văn hóa của nhân loại.
Từ khoảng vài thập kỷ trở lại đây, xiếc với vai trò là một loại hình giải trí đã dần bị mai một và mất dần vị thế của mình do sự phát triển của những phương tiện giải trí điện tử mới và phim ảnh. Tuy nhiên, đó không phải là dấu chấm hết, mà ngược lại, thế giới vẫn say mê vỗ tay chào đón những màn nhào lộn và xảo thuật sân khấu ấn tượng của Cirque du Soleil. Danh tiếng của họ đã lừng lẫy trên sàn diễn khắp các quốc gia phát triển.
Cirque du Soleil không còn là xiếc đơn thuần, mà đó là sự kết hợp tổng hòa nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại như ba lê, múa đương đại, art visual, sắp đặt, nhạc kịch, hí kịch, live music… trong các show trình diễn mà chỉ có thể miêu tả bằng từ “hoành tráng” và làm mãn nhãn khán giả.
Câu chuyện của “Cirque du Soleil” là câu chuyện được nhắc tới nhiều trong cuốn sách nổi tiếng: “Chiến lược Đại dương xanh” của tác giả Chan Kim, như một ví dụ sống động cho sự thay đổi tạo nên đột phá trong kinh doanh như thế nào.
Thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng
Hiện nay hầu như chúng ta chỉ dùng có hai ba thương hiệu điện thoại di động như Apple hoặc Samsung, Oppo – tất cả hình như đã quên biến mất cái thời Nokia, Sony, Erisson thống trị thị trường điện thoại.
Câu chuyện đó cho thấy một thực tế hiển nhiên là không có công ty nào thành công mãi mãi và không có ngành công nghiệp nào hoàn hảo mãi mãi.
Chúng ta hãy nhìn lại 100 năm trước và tự hỏi mình câu hỏi: “Có bao nhiêu ngành kinh doanh hiện tại chưa được biết đến vào thời điểm đó?”. Câu trả lời là, rất nhiều. Ô tô, ghi âm nhạc, hàng không, hóa dầu, tư vấn tài chính …
Vậy 30 năm trước thì sao? Hàng chục ngành kinh doanh đang mang lại hàng tỉ đô la và thống trị cả thế giới bây giờ lúc đó còn chưa xuất hiện, chẳng hạn như điện thoại di động, công nghệ sinh học, kinh doanh online, chuyển phát nhanh, mạng xã hội, Uber, Airbnb … Chưa có ngành nào trong số này tồn tại ở vài thập kỷ trước.
Vậy chúng ta thử hình dung 15 – 20 năm nữa, liệu sẽ có những ngành nào mới xuất hiện? Nếu quá khứ có thể dùng để dự báo tương lai, thì chắc hẳn câu trả lời sẽ là có rất nhiều ngành kinh doanh mới xuất hiện.
Tiến bộ kỹ thuật đã làm cho năng suất được cải thiện đáng kể và cho phép sản xuất ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới lạ hơn, kết quả là hiện nay chúng ta có cảm giác “bão hòa tiêu dùng”, hoặc cung vượt cầu. Xu hướng toàn cầu hóa làm cho bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, hàng rào thương mại giữa các quốc gia và khu vực được phá bỏ, thông tin sản phẩm và giá cả có thể tìm kiếm dễ dàng – thì không còn chỗ cho độc quyền nữa.
Trong khi đó, nhu cầu không gia tăng với cấp độ nhanh như cung, vì thế thị trường lại càng bị áp lực, những phương pháp kinh doanh truyền thống đang đứng trước thử thách lớn.
Làm thế nào để một công ty có thể vượt lên và thành công trong bối cảnh như vậy? Cuộc chiến thông thường sẽ là thế này: Tìm cách đánh bại đối thủ thông qua những chiến lược tiếp thị, giá cả cạnh tranh … Thế nhưng những chiến lược kiểu này thường đẩy chi phí tăng lên mà doanh thu không tăng tương ứng, khiến cho tổng thể thường là suy giảm sức mạnh.
Sự cạnh tranh nhằm hạ bệ đối thủ bằng mọi thủ đoạn đã quá lỗi thời và không có lợi cho bất cứ nhà kinh doanh nào. Sự cạnh tranh thực sự là cạnh tranh về con người, doanh nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp mang lại giá trị gia tăng lớn nhất cho khách hàng.
Thong dong giữa một “Đại dương xanh”
“Chiến lược Đại dương xanh” đã mở ra một cách thức tiếp cận và xây dựng chiến lược kinh doanh hoàn toàn mới, nó vô hiệu hóa cạnh tranh – thay vào đó tập trung vào việc hình thành những “đại dương xanh”, hay nói đúng hơn là một cách nhìn vào kinh doanh khác biệt. Sáng tạo, tầm nhìn xa, vươn xa ra khỏi các nhu cầu hiện tại và đoán định tương lai, thậm chí góp tay vào hình thành nhu cầu tương lai – là những nội dung chính trong cuốn sách.
Theo tác giả, đổi mới giá trị là nền tảng của chiến lược đại dương xanh. Thay vào việc tập trung đánh bại đối thủ cạnh tranh, bạn nên tập trung vào việc làm cho cạnh tranh trở nên không quan trọng nữa, bằng cách tạo đột phá về giá trị cho cả người mua và công ty của bạn, từ đó mở ra thị trường mới không có cạnh tranh.
Trở lại với “Cirque du Soleil”, chính nhờ sự thay đổi đầy sáng tạo mà gánh xiếc này lưu diễn vòng quanh thế giới gần 300 ngày/ năm với doanh thu lên tới 1 tỉ đô la/năm. Hàng ngàn công ty khác cũng vậy. Thử xem sự thành công của các công ty sử dụng ứng dụng công nghệ gần đây thì sẽ thấy rõ điều này.
Trong thế giới thay đổi nhanh chóng, các nhà kinh doanh tốt nhất nên thường xuyên F5 bản thân mình!
Mei Ann
Trạm Đọc.