‘Siêu dự báo’: Cuốn sách đáng đọc nhất về kỹ năng ra quyết định sau ‘Tư duy nhanh và chậm’

by admin

Ai trong chúng ta cũng từng là nhà dự báo. Bạn đừng vội xua tay cho rằng, mình chưa bao giờ là người như vậy. Để tôi giải thích cho bạn thấy, hẳn bạn từng đứng trước các quyết định thay đổi công việc, chỗ ở, kết hôn, bắt đầu các ý tưởng kinh doanh mới… và bạn đã chọn ra con đường mình sẽ đi dựa trên những kỳ vọng trong tương lai. Những kỳ vọng đó chính là dự báo.

Siêu dự báo - Những phương pháp dự đoán trên tầm chuyên giaSiêu dự báo - Những phương pháp dự đoán trên tầm chuyên gia

Siêu dự báo – Những phương pháp dự đoán trên tầm chuyên gia

Tuy nhiên, đứng trước những sự kiện như “các quốc gia nào sẽ ra khỏi châu Âu trong năm tới”, “Liệu Ấn Độ hoặc Brazil có trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong hai năm tới hay không?”, “Nếu một công ty viễn thông ngoài Trung Quốc giành được hợp đồng cung cấp dịch vụ Internet tại Khu vực Mậu dịch Tự do Thượng Hải trong hai năm tới thì liệu người dân Trung Quốc có truy cập được vào Twitter hoặc Facebook không?”…, bạn lại cần đến ý kiến của các nhà siêu dự báo

Thật may, dự báo không phải là năng lực bẩm sinh mà là một kỹ năng có thể trau dồi. Cuốn sách “Siêu dự báo – Những phương pháp dự đoán trên tầm chuyên gia” (Philip E. Tetlock và Dan Gardner) sẽ chỉ cho bạn vì sao các nhà siêu dự báo lại giỏi đến vậy và chúng ta có thể học hỏi gì từ những việc họ làm.

 

Để trở thành các nhà siêu dự báo, bạn không cần phải là thiên tài hay có IQ từ 135 trở lên

 

Hai tác giả của cuốn sách, Philip E. Tetlock và Dan Gardner đã so sánh trí tuệ và sự hiểu biết của các nhà siêu dự báo không chỉ với các nhà dự báo khác mà với người Mỹ nói chung. Họ phát hiện ra rằng, trong các bài kiểm tra trí thông minh và vốn hiểu biết, các nhà siêu dự báo đạt điểm cao hơn 80% dân số. Mặc dù, điểm số của họ cao hơn mức trung bình khá nhiều nhưng điểm của họ không phải là quá cao và hầu hết không rơi vào nhóm thiên tài. Như vậy, có thể thấy, khả năng siêu dự báo không đòi hỏi đến mức bạn phải là tiến sĩ ở Đại học Harvard. 

Rất nhiều người thông minh và hiểu biết không đưa ra được dự báo chính xác nào. Điều này chứng tỏ, năng lực xử lý thông tin không có nhiều ý nghĩa quan trọng, quan trọng là cách bạn sử dụng năng lực đó như thế nào.

Và sau cùng, cũng tương tự như trí thông minh, tính cách không tác động nhiều đến khả năng dự báo mà chính là hành vi. Một người giải đố giỏi có thể có những nguyên liệu thô ban đầu cho việc dự báo, nhưng nếu anh ta không có niềm yêu thích với những khái niệm nghi vấn thì anh ta sẽ thường xuyên bị lép vế so với một người kém thông minh hơn nhưng có năng lực tư duy phản biện tốt.

Và dưới đây là một số tuyệt chiêu được các nhà siêu dự báo áp dụng:

 

Học theo cách làm của Fermi: Gặp câu hỏi lớn, hãy chia thành các câu hỏi nhỏ

 

Nếu bất chợp được hỏi: “Có bao nhiêu người làm nghề lên dây đàn piano ở Chicago”, bạn có thể ậm ừ trả lời rằng: “Chà có thể là…” – ngừng lại một lúc – rồi đưa ra một con số nào đó. Làm sao bạn có thể đưa ra con số đó, bạn có thể nhún vai và không thốt lên được thông tin nào

Hoặc bạn nghĩ đến việc tìm kiếm trên Google nhưng dù bạn có tìm kiếm cỡ nào đi chăng nữa, câu trả lời cũng sẽ không thể xuất hiện ngay ra trước mắt bạn. Vì thế, cách làm sau đây của Fermi sẽ giúp bạn tìm ra lời đáp cho câu hỏi “bất thình lình” này.

Trước hết, bạn hãy bẻ nhỏ câu hỏi trên thành nhiều kiểu câu hỏi khác như:

  1. Số lượng đàn piano ở Chicago là bao nhiêu?
  2. Đàn piano cần được lên dây bao nhiêu lần trong năm?
  3. Lên dây đàn mất bao lâu?
  4. Một người thợ lên dây đàn trung bình làm việc bao nhiêu giờ một năm?

Với ba dữ liệu đầu tiên, bạn có thể tính ra tổng khối lượng công việc lên dây đàn ở Chicago. Sau đó, bạn chia con số tổng cho kết quả của câu hỏi cuối cùng thì bạn sẽ có được kết quả tương đối đúng về số người thợ lên dây đàn ở Chicago

Vậy chúng ta hãy thử sức trả lời lần lượt những câu hỏi này nhé:

  1. Có thể bạn không biết Chicago có bao nhiêu đàn piano. Vậy bạn có thể tiếp tục chia nhỏ câu hỏi này ra. Chẳng hạn như: “có bao nhiêu người sống ở Chicago?”, “Tỷ lệ người sở hữu đàn piano là bao nhiêu?”, “Những nơi nào cũng dùng đàn piano?”

Chicago là thành phố lớn thứ ba ở nước Mỹ, sau New York và Los Angles. Los Angles có khoảng 4 triệu dân và dân số tại thành phố Chicago chưa đến 3,5 triệu người. Vì thế, bạn có thể lấy điểm ở giữa và đoán Chicago có 2,5 triệu dân.

Tiếp theo, do giá của một cây đàn piano quá đắt và những người đủ năng lực tài chính để mua được đôi khi lại không thực sự muốn mua. Do vậy, bạn có thể chọn tỷ lệ là 1 trên 100.

Ngoài ra, bạn có thể phỏng đoán rằng, một số địa điểm có rất nhiều đàn, chẳng hạn như các trường dạy nhạc và từ đó, bạn tăng gấp đôi số người sở hữu đàn lên thành 2 trên 100.

  1. Bạn có thể phỏng đoán rằng, đàn piano cần lên dây một lần/năm.
  2. Lên dây đàn mất khoảng hai tiếng đồng hồ.
  3. Đối với câu hỏi, trung bình một người thợ lên dây đàn sẽ làm việc bao nhiêu giờ/năm, bạn có thể chia nhỏ câu hỏi này.

Như bạn đã biết, giờ lao động tiêu chuẩn ở Mỹ là 40 giờ/tuần và không có lý do gì để số giờ này phải tăng lên hay giảm xuống. Do vậy, bạn lấy 40 giờ/tuần nhân với 50 tuần (số tuần làm việc trong một năm) để được kết quả là 2.000 giờ làm việc/năm.

Nhưng người thợ cần sử dụng một phần thời gian đó để đi đến những nơi cần sửa đàn nên số giờ họ thực sự làm việc thường giảm xuống khoảng 20%. Vậy bạn có thể đưa ra kết luận rằng, thợ lên dây đàn làm việc 1.600 giờ/năm.

Bây giờ là lúc bạn đưa ra phép tính cuối cùng: Nếu mỗi năm có 50.000 chiếc đàn piano cần được lên dây thì cần 100.000 giờ để lên dây. Ta chia số đó cho số giờ làm việc hàng năm của một thợ lên dây và bạn có kết quả là 62,5 người thợ ở Chicago. Từ đó, bạn đưa ra ước đoán là Chicago có 63 thợ lên dây đàn piano.

Rất nhiều nhà khoa học cũng sử dụng phép ước đoán kiểu Fermi như “một phần tư duy thông thường” hàng ngày của họ. Và điều này đã tạo ra lợi thế cho các nhà siêu dự báo.

 

Trước tiên phải xem xét sự việc từ bên ngoài

 

Có thể bạn sẽ hỏi vì sao phải nhìn sự việc từ bên ngoài. Ta có thể xem xét thẳng vào vấn đề và rút ra kết luận, sau đó mới hướng ra ngoài kia mà. Chẳng lẽ làm như vậy không hiệu quả sao? Rất tiếc, bạn sẽ không thể giải quyết chuẩn xác câu hỏi nếu làm như vậy. Nguyên nhân bắt nguồn từ một hiện tượng tâm lý căn bản có tên là “hiệu ứng mỏ neo”

Khi ước đoán, chúng ta thường bắt đầu bằng một con số và sau đó điều chỉnh. Con số ban đầu được gọi là mỏ neo. Con số này rất quan trọng vì chúng ta có xu hướng điều chỉnh thấp xuống. Điều đó đồng nghĩa với việc một chiếc mỏ neo tệ sẽ dẫn đến một ước đoán tệ hại.

Vì vậy, nếu một nhà dự báo vội vàng lao vào nghiên cứu vấn đề từ góc nhìn bên trong thì sẽ có nguy cơ bị đánh lạc hướng bởi một con số chẳng có chút ý nghĩa nào. Tuy vậy, nếu nhà dự báo đó bắt đầu từ góc nhìn bên ngoài thì những phân tích của cô sẽ là chiếc mỏ neo tốt và đó rõ ràng là một lợi thế.

Trước hết, ta hãy xét một ví dụ về khả năng gia đình Renzetti nuôi một con thú cưng ra sao nhé!

Gia đình Renzetti sống trong một ngôi nhà nhỏ ở số 84 Chestnut Avenue. Frank Renzetti, 44 tuổi, làm kế toán cho một công ty chuyên vận chuyển. Mary Renzetti, 35 tuổi, làm việc bán thời gian tại một trung tâm chăm sóc sức khoẻ ban ngày. Họ có một đứa con 5 tuổi, tên là Tommy. Mẹ của Frank là một quả phụ.

Khi sử dụng góc nhìn từ bên ngoài để dự đoán xem gia đình Rezetti có nuôi thú cưng hay không, các nhà thống kê đã tìm ngay trên Google và biết được rằng, 62% hộ gia đình Mỹ có vật nuôi. Như vậy, cơ hội gia đình Renzetti nuôi thú cưng là 62%. Sau đó, họ mới sử dụng các yếu tố bên trong gia đình Renzetti để điều chỉnh lên hoặc xuống với con số 62% ban đầu.

 

Vụ án mạng Yesser Arafat bí ẩn 

 

Bây giờ, chúng ta hãy xem các nhà siêu dự báo áp dụng tư duy chia nhỏ câu hỏi và nhìn sự việc từ bên ngoài trong vụ án mạng Yasser Arafat ra sao nhé

Ngày 11/11/2004, vị lãnh tụ 75 tuổi của Tổ chức Giải phóng Palestine trở bệnh nặng và đã qua đời. Nguyên nhân sự ra đi của ông vẫn chưa được làm rõ. Người người nghi ngờ rằng, ông rời khỏi cõi đời này là vì bị ai đó hạ độc.

Tám năm sau, vào tháng 7-2012, các nhà vật lý ở Viện Vật lý Phóng xạ thuộc Đại học Lausanne tại Thuỵ Sĩ tuyên bố, họ phát hiện nồng độ chất polonium-210 cao bất thường trong một số tư trang của ông Arafat. Xin nói thêm, polonium-210 là nguyên tố phóng xạ có thể cướp đi mạng sống của con người nếu ăn phải.

Trước thông tin này, vào tháng tám năm đó, vợ ông Arafat đã chấp thuận để hai tổ chức riêng biệt, một đến từ Thuỵ Sĩ và một đến từ Pháp, khai quật và khám nghiệm tử thi chồng mình. Câu hỏi đặt ra là: “Liệu các cơ quan điều tra của Pháp và Thuỵ Sĩ có tìm thấy nồng độ polonium tăng cao trong cơ thể ông Yesser Arafat hay không?” Để trả lời được thắc mắc này, nhà siêu dự báo Bill (55 tuổi, đã nghỉ hưu, từng giải đáp được gần 300 câu hỏi) đã chia nhỏ thắc mắc này thành nhiều câu hỏi.

Để câu trả lời là có, các nhà khoa học phải phát hiện polonium tồn tại trong thi thể một người đàn ông đã qua đời nhiều năm. Liệu họ có làm được không? Một người trong nhóm nghiên cứu của Bill đã tìm được báo cáo của nhóm điều tra Thuỵ Sĩ về việc khám nghiệm các đồ vật của ông Arafat và Bill hài lòng rằng, ông có thể khẳng định được trên thi thể của ông Arafat có chứa chất polonium hay không?

Bill tiếp tục đặt thêm câu hỏi là liệu thi thể ông Arafat cần nhiễm bao nhiêu polonium để có thể rút ra kết luận dương tính. Rõ ràng, “Israel đã đầu độc ông Arafat là một khả năng”, nhưng Bill cũng nhận ra còn nhiều khả năng khác như “ông Arafat có rất nhiều kẻ thù và một trong số đó đã ra tay với ông Arafat”, “một số phần tử Palestine đã cố tình đầu độc ông Arafat sau khi ông qua đời để mọi người nghi ngờ rằng, thủ phạm gây ra cái chết của ông Arafat là Israel”.

Càng có nhiều phương án thì xác suất thi thể ông Arafat bị nhiễm polonium càng tăng lên. Hơn nữa, chỉ cần một trong hai nhóm chuyên gia thu được kết quả dương tính thì câu trả lời sẽ là “Có”.

Bước tiếp theo, bạn có thể áp dụng chiêu thức xem xét sự việc từ góc nhìn bên ngoài. Đương nhiên, khai thác góc nhìn bên ngoài để trả lời cho câu hỏi liên quan đến việc đầu độc ông Arafat thật khó. Trong trường hợp này, liệu khả năng cuộc điều tra sẽ đưa ra các bằng chứng của một vụ đầu độc là bao nhiêu? Chắc chắn xác suất phải lớn hơn 0. Ta giả định rằng, xác suất là 20% nhưng không thể là 100% vì nếu mọi chuyện rõ ràng và chắc chắn như vậy thì người ta đã tìm thấy bằng chứng trước khi chôn cất ông. Vậy xác suất có thể là 80%. Đó là một khoảng cách quá lớn. Vậy ta có thể lấy điểm trung bình ở giữa là 50%. Góc nhìn bên ngoài đã giúp ta có được một điểm khởi ban đầu.

 

Địa hạt của thiên nga đen

 

Với những người con xa lạ với khái niệm “thiên nga đen”, bạn hãy hình dung mình là một người châu Âu sống ở bốn thế kỷ trước. Bạn đã nhìn thấy rất nhiều thiên nga trong đời nhưng chúng đều có lông màu trắng. Trong tâm trí bạn, khi ai nhắc đến thiên nga, bạn đều hình dung thấy một chú thiên nga màu trắng vì kinh nghiệm từ trước đến nay đã dạy cho bạn như vậy

Rồi đến một ngày, bạn nhìn thấy một con thiên nga màu đen và cảm thấy vô cùng kinh ngạc. “Thiên nga đen” vì thế là hình ảnh ẩn dụ để miêu tả một sự kiện vượt quá kinh nghiệm của bạn và bạn chỉ hình dung ra nó cho đến khi bạn nhìn thấy nó.

Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, làm gần 3.000 người thiệt mạng, được xem là một “thiên nga đen” điển hình vì trước đó, chưa nhóm khủng bố nào sử dụng máy bay như một quả bom bay. Sự kiện này đã làm thay đổi lịch sử thế giới. Ba ngày sau khi những kể tấn công khủng bố lao thẳng máy bay vào Trung tâm thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc, chính quyền Mỹ đã yêu cầu Taliban giao nộp Osama bin Laden và những tên khủng bố al-Qaeda khác. Về phía Taliban, nhóm này tuyên bố, họ sẽ giao Osama bin Laden khi Mỹ đưa ra bằng chứng cho thấy  al-Qaeda có tội. Và vì thế Mỹ đã sa lầy vào cuộc chiến ở Afghanistan và mất gần 10 năm trời để săn đuổi Osama bin Laden.

Chúng ta có thể không có bằng chứng nào cho thấy, các nhà siêu dự báo có thể nhìn thấy trước những sự kiện giống như sự kiện 11/9/2001 nhưng chúng ta lại có nhiều bằng chứng cho thấy, họ có thể dự đoán nhiều vấn đề như: Liệu Mỹ có tấn công Taliban nếu nhóm này không giao nộp Osama bin Laden? Liệu Taliban có phục tùng hay không? Khi dự báo được những sự kiện như vậy, điều đó cũng ngang với việc chúng ta sớm phát hiện được các nguyên nhân khiến một sự kiện trở thành thiên nga đen. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, chúng ta hoàn toàn có thể dự báo thiên nga đen đến một mức độ nào đó.

Minh Phương

You may also like

Leave a Comment