Tương lai của toàn trị: Internet kiểm soát tâm trí con người

by admin

Liệu việc “cải tiến” cơ thể con người bằng công nghệ có thể khiến chúng ta dễ dàng bị thao túng.

Đầu tháng 4 năm 2011, khi các nhà nghiên cứu tại đại học Washington tại St. Louis công bố về trường hợp một người phụ nữ với rất nhiều các điện cực được đặt tạm thời vào vùng ngôn ngữ trong não, cô ấy đã có thể di chuyển con trỏ máy tính trên màn hình chỉ đơn giản bằng việc suy nghĩ mà không cần phát âm một từ nào, dường như Hợp nhất (Singularity) – giấc mơ khoa học viễn tưởng từ lâu này về việc hòa lẫn con người với máy móc để tạo ra những giống loài tốt hơn – đã trở thành hiện thức.

Tại trường đại học Brown vào cùng thời gian đó, các nhà khoa học đã thử thành công một một kiểu giao diện giữa não người-máy tính (BCI) khác, được gọi là BrainGate, cho phép một người phụ nữ bị liệt di chuyển con trỏ, một lần nữa chỉ bằng cách suy nghĩ.

Trong khi đó, tại trường Đại học Nam California, một nhóm các kĩ sư y sinh tuyên bố rằng họ đã sử dụng thành công các ống nano carbon để xây dựng một khớp thần kinh (synapse) có thể hoạt động được – synapse là mối nối mà các tín hiệu được truyền từ tế bào thần kinh này sang cái khác – công trình đánh dấu bước đầu tiên trong cuộc nỗi lực dài hạn nhằm xây dựng một bộ não nhân tạo. Tại cùng trường đó, tiến sĩ Theodore Berger, người tự mình làm một bộ thần kinh giả trong hơn 30 năm, đã từng thử cấy một thiết bị có thể để hoạt động thay thế vùng cá ngựa (hippocampus) bị hỏng ở các con chuột.

Vùng cá ngựa rất quan trọng trong việc hình thành trí nhớ và sáng tạo của con người. Berger đặt triển vọng cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến cả sự mất trí nhớ tự nhiên đi kèm với tuổi già và mất trí nhớ bệnh lý gắn liền với các bệnh như Alzheimer. Tương tự như vậy, các công trình được thực hiện tại trường đại học Brown và Washington cho thấy tiềm năng của việc phục hồi chức năng di chuyển với những người đã bị bại liệt và mang lại tiếng nói cho những người đã bị cướp mất khả năng giao tiếp do bệnh tật hay chấn thương. Nếu đây là Sự hợp nhất, nó trông có vẻ không chỉ tốt đẹp mà còn đem lại rất nhiều lợi ích xã hội.

Michael Chorost là một người đã được hưởng lợi từ giao diện não người-máy tính, mặc dù kiểu BCI được cấy trong đầu ông khi ông bị điếc năm 2001, một thiết bị cấy ốc tai điện tử, không được đưa trực tiếp vào não mà được đặt trong hai tai trong. Kết quả đạt được, sau cả đời nặng tai và bị cô lập hoàn toàn khỏi âm thanh, là vô cùng ấn tượng và thay đổi cả cuộc đời ông. Trong cuốn sách mới, hơi khô khan của ông, mang tên Tâm trí toàn cầu: Sự xuất hiện của việc tích hợp con người, máy móc và Internet, cho thấy rõ ông bây giờ là nhà cổ động mọi người tự cấy vào não những chiếc máy tính riêng của mình. Trong thế giới viễn tưởng của Chorost, con người đều sẽ được kết nối trực tiếp tới Internet thông qua một thiết bị cấy thần kinh, từ đó Internet có thể trở thành một phần liền mạch của chúng ta, tự nhiên và đơn giản như việc sử dụng chính đôi tay của bạn.

Cuộc tranh cãi giữa phục hồi và nâng cấp đã có từ lâu trong ngành y (và cả trong thể thao, giáo dục, và di truyền), mặc dù nó ngày càng dữ dội và phức tạp hơn khi công nghệ phát triển. Thông thường thì phục hồi những người bị đột quỵ, chấn thương tủy sống, thoái hóa thần kinh, mất trí nhớ, hoặc mắc bệnh tâm thần, được coi là một việc tốt, cần thiết và đáng giá. Mặt khác, nâng cấp, như với các loại thuốc nâng cao năng lực và thao túng các dòng tế bào gốc – bị chửi rủa như một mối đe dọa đến tính toàn vẹn và ý nghĩa của chúng ta như một con người, hoặc bị lồng với việc phục hồi cho đến khi sự phân biệt giữa chúng trở nên vô nghĩa. 

Chorost đứng giữa cuộc tranh biện này. Trong khi chiếc máy tính trong đầu ông được đặt vào để sửa chữa một sự thiếu xót, việc nó ở trong đó dường như là thứ thuyết phục chính ông ta rằng chúng ta cũng nên trở thành một cyborg [bán Robot, nửa người, nửa máy]. Niềm tin của ông là – sẽ quá là rộng lượng để gọi nó là một lập luận – nếu nó tốt cho ông, nó sẽ tốt cho chúng ta. “Hai lần cấy ghép đã làm tôi trở thành một phần máy tính hoàn toàn, một bằng chứng sống của việc kết hợp giữa con người và máy tính,” ông viết. “Vì vậy đối với tôi ý tưởng về việc cấy một thứ gì đó như một chiếc BlackBerry trong đầu của mình không có gì quá kì quoặc. Tôi cũng nghĩ với số đông mọi người cũng nên thế.”

gggggg

Hơn 25 năm về trước, một nhà văn khoa học tên là David Ritchie công bố một cuốn sách mà tôi giữ trên giá sách của mình như một lời nhắc nhở về tương lai mà người ta cho rằng thế giới sau năm 1984 sẽ mang đến. Tên là Bộ não nhị phân, nó ca ngợi “sự tổng hợp giữa con người và trí tuệ nhân tạo” thông qua một thứ ông gọi là một con chip sinh học (biochip). Ông viết “Những khả năng nó mang lại vô cùng kì diệu:”

Bạn có thể lắp bộ nhớ máy tính vào não dễ dàng như việc xỏ giày. Đột nhiên, tâm trí của bạn sẽ chứa đầy thông tin đã được lưu trữ trong máy tính. Bạn có thể liên tục biến mình thành chuyên gia trong bất kì thứ gì từ văn học Tây Ban Nha tới vật lý hạt…Với những chiếc chip sinh học chứa dữ liệu này, tất cả các thông từ các thư viện của trường MIT và Harvard sẽ được nhồi vào trong một tệp chỉ nhỏ như chiếc bánh sandwich. Tất cả các tác phẩm của Shakespeare sẽ được đựng trong một mô đun cỡ nhỏ…Bạn có thể nhìn thấy những thiết bị như thế này trước khi khi thế kỉ 20 kết thúc.

Ông tỏ vẻ nghiêm trọng: “Hãy nhớ rằng chúng ta đang nói về là một công nghệ chỉ quanh quẩn đâu đây, nếu không phải là đã xuất hiện. Các chip sinh học sẽ dẫn tới sự phát triển của tất cả các mô hình kết hợp giữa người-máy…”

26 năm sau, trong thập kỉ thứ hai của thiên niên kỉ mới, chúng ta lại có Chorost nói một thứ y hệt, và với cùng một lý do: bộ não của chúng ta quá giới hạn để có thể thấu hiểu toàn vẹn thế giới. “Một vài đặc điểm của con người như IQ dường như đã gia tăng trong thế kỉ 20,” ông viết, “nhưng tốc độ gia tăng đó chậm hơn nhiều so với công nghệ.” Không có luật Moore cho con người.” (Luật Moore cho rằng số lượng các bán dẫn có thể được đặt trên một mạch tích hợp sẽ tăng gấp đôi mỗi hai năm.)

Bỏ qua sự tương đồng khập khiễng – thông tin là tri thức và các sự thật là trí tuệ – giấc mơ “nửa người nửa máy” của Chorost được bắt nguồn từ một nhận thức sai lầm, ngây thơ và phổ biến về công cụ tìm kiếm Internet, đặc biệt là Google, cách mà hầu hết những người người sử dụng Internet dùng để định hướng trong 14 tỷ trang Web trên mạng.

Đặt một câu hỏi, nhận một câu trả lời – nó là một giao dịch rõ ràng. Nó có vẻ không khác biệt lắm với việc tham khảo một cuốn bách khoa toàn thư, hoặc một danh mục thẻ thư viện, hoặc thậm chí phần mục lục trong một cuốn sách. Tìm kiếm là cách chúng ta đi vào và xuyên qua mớ lộn xộn đó, và việc tìm kiếm thông qua Google, sẽ phụ thuộc vào thuật toán của nó, một tài sản trí tuệ mà công ty gọi là PageRank, bao gồm hơn “500 triệu biến số và 2 tỷ điều kiện”, được đăng kí bản quyền và bảo vệ cẩn thận.

Những con số lớn này mang lại sự an ủi cho chúng ta. Chúng cho thấy một lớp phòng vệ bất bại chống lại những thiên kiến, một sự khách quan khoa học cho phép câu trả lời đúng đến truy vấn được xuất hiện trong một mớ thông tin. Theo một cách nào đấy thì nó là một hệ thống tự tồn, bởi vì nó sử dụng sự phổ biến (số lượng các liên kết) như sự đại diện cho mức độ quan trọng. Vì vậy một đường liên kết nào được được click càng nhiều, thì PageRank của nó càng cao, và nó càng có khả năng xuất hiện trong top các kết quả tìm kiếm. (Đây là lý do tại sao các công ty không nhất thiết phải quan tâm tới các đánh giá tồi về các sản phẩm của họ lắm.) Chorost ví điều này với phương pháp học Hebbian – khái niệm cho rằng các neuron giao tiếp cùng nhau, kết nối cùng nhau, bởi vì một trang Web được xếp hạng cao sẽ thu hút được nhiều lượt xem trang hơn, vì vậy càng củng cố thứ hạng của nó. [Theo cách này] các trang Web liên kết với nhau sẽ “suy nghĩ” cùng nhau. Nếu nhiều người truy cập một trang nhiều lần, PageRank của nó sẽ trở nên cao tới mức nó sẽ được lưu trữ lại trong trí thức dài hạn của con người/thiết bị điện tử.

Kể cả điều này có thể đúng, quá trình cũng sẽ bị thiên vị rất nhiều.

gggggg

Một lần tìm kiếm trên Google – thứ mà Chorost cho rằng chúng ta sẽ làm ngay trong đầu mình nếu được chỉnh sửa bởi công nghệ – “sẽ chăm sóc” mạng Internet. Về bản chất, một thuật toán là một người biên tập, lấy những gì nó cho là quan trọng, thứ lại dựa trên hiểu biết của một ai đó. Điều này đã bao trùm cả một ngành gồm những người tư vấn việc tối đa hóa kết quả tìm kiếm (SEO), những người điều chỉnh lại hệ thống bằng cách đặt lại mã, nội dung, và từ khóa của một trang Web để di chuyển nó lên trong bảng xếp hạng. Người ta cũng biết rằng các công ty đã trả tiền để tự đẩy mình lên thứ hạng cao hơn, một việc mà Google chống lại và đôi khi tiêu diệt chúng. Kể cả thế, các kết quả đã đi lên đầu trong một lần tìm kiếm nhờ một bàn tay vô hình đang dắt chúng đến đó.

Như Eli Pariser mô tả lại trong cuốn sách ớn lạnh của ông Quả bong bóng chọn lọc: Thứ mà Internet đang giấu giếm bạn, từ tháng 12 năm 2009, Google đã nhắm đến việc chỉnh sửa mỗi truy vấn để phù hợp với hồ sơ của người tìm kiếm. (Việc chỉnh sửa này áp dụng cho tất cả người dùng của Google, mặc dù nó chỉ có hiệu lực khi người dùng đã thực hiện một vài lệnh tìm kiếm, nhờ đó các kết quả có thể được điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị của người dùng.)

Nói cách khác quá trình tìm kiếm đã được “cá nhân hóa”, nghĩa là thay vì trở nên phổ quát, nó đã có phong cách riêng và mang tính chuyên chế. “Hầu hết chúng ta cho rằng khi ta google một cụm từ, chúng ta đều nhìn thấy kết quả giống nhau – những kết quả mà thuật toán Page Rank nổi tiếng của Google gợi ý là những kết quả đáng tin cậy nhất được dựa trên các liên kết của trang khác tới trang đó,” Pariser viết. Khi tìm kiếm được cá nhân hóa, “bây giờ bạn sẽ có được kết quả mà thuật toán của Google cho rằng là tốt nhất cho riêng bạn – và một ai đó có thể nhìn thấy một thứ hoàn toàn khác biệt. Nói cách khác, sẽ không còn một Google tiêu chuẩn nữa.” Nó giống như việc chúng ta tìm kiếm cùng một chủ đề trong một cuốn bách khoa và mỗi người sẽ tìm thấy một câu trả lời khác nhau – nhưng tất nhiên chúng ta sẽ không cho rằng các kết quả sẽ khác biệt bởi vì chúng ta đang xin tư vấn thứ được tin rằng là một tham chiếu tiêu chuẩn.

Một trong những hậu quả nguy hiểm của việc cá nhân hóa này là bằng việc chỉnh sửa thông tin bạn nhận được với nhận thức của thuật toán được xây dựng bởi 57 biến số về bạn là ai, Google sẽ hướng bạn tới những tài nguyên mà có khả năng củng cố thế giới quan, ý thức hệ, và giả định của chính bạn cao nhất. Ví dụ, Pariser cho rằng một kết quả tìm kiếm về bằng chứng của việc thay đổi khí hậu sẽ đưa ra những kết quả khác nhau cho một nhà hoạt động môi trường so với một giám đốc công ty dầu mỏ, cũng như với một người mà thuật toán nghĩ là thuộc đảng Dân Chủ so với một người thuộc đảng Cộng Hòa. (Người đó sẽ không cần tuyên bố mình thuộc phe nào – thuật toán sẽ tự tìm ra nó.)

Theo cách này, Internet – thứ không phải báo chí nhưng thường hoạt động như báo chí bằng cách truyền tải tin tức và thông tin, sẽ bắt đầu tách chúng ta ra khỏi những ý kiến bất đồng và những quan điểm tranh cãi, trong khi vẫn trông có vẻ trung lập, khách quan, không bị định kiến bởi thiên hướng chính trị như trong các tờ báo The Weekly Standard hay The Nation.

Tại sao vấn đề này lại quan trọng đã được chỉ ra trong một nghiên cứu trong số mùa xuân của tập san Sociological Quarterly, cùng thể hiện mối lo lắng với Pariser rằng khi ý thức hệ định hướng việc lan tỏa thông tin thì kiến thức sẽ bị tác động. Nghiên cứu này, điều tra các quan điểm về việc nóng lên toàn cầu giữa những người đảng Cộng Hòa và Dân chủ trong các năm từ 2001 tới 2010, cho thấy trong 9 năm, khi sự đồng thuận khoa học về biến đổi khí hậu hợp nhất và trở nên gần như phổ quát, phần trăm những người theo đảng Cộng Hòa nói rằng hành tinh này đang bắt đầu nóng lên đã giảm sâu, từ 49% tới 29%. Đối với người theo đảng Dân Chủ, phần trăm này lại tăng lên, từ 60% tới 70%.

Hậu quả là, như nghiên cứu này chỉ ra, chúng sẽ cản trở bất kì cuộc tranh luận thực sự nào về các chính sách công. Đây chính là điểm mà Pariser đưa ra và mối lo của ông là: thông qua việc tiếp nhận những ý tưởng phù hợp với thế giới quan của mình, chúng ta vô tình tự nhồi sọ bản thân với tư tưởng của chính mình. “Dân chủ đòi hỏi các công dân nhìn mọi thứ từ quan điểm của người khác, nhưng thay vì thế chúng ta ngày càng bị bao vây bởi chính bong bóng của chúng ta,” ông viết. “Dân chủ đòi hỏi sự tin cậy vào những sự thật được chia sẻ chung; thay vào đó chúng ta lại được cung cấp những thế giới quan song song nhưng tách biệt.”

Không khó để nhìn thấy điều này sẽ dẫn tới đâu – bất kì thứ gì với một chương trình nghị sự (một nhóm vận động hành lang, một đảng chính trị, một công ty, một chính phủ) có thể dễ dàng tràn ngập chiếc buồng cách ly (Echo Chamber) với những thông tin có lợi cho mục đích của chúng. (Thực tế điều này đã xảy ra trong nhận thức về biến đổi khí hậu, với những người thuộc đảng Cộng Hòa.) Ai mà biết được? Chắc chắc không phải Michael Chrost, người mà sự trung thành mù quáng với Google – điều mà ông tin là phần quan trọng của “vùng não trước mới ra đời, vùng hippocampus, và cửa hàng lưu trữ trí nhớ quy nạp (declarative memory) dài hạn”.

Nó sẽ mở đường cho sự xuất hiện Tâm trí toàn cầu – một sáng tạo rất phù hợp với chính sự ngây thơ chính trị tuyệt vời của ông. Một chính phủ “sử dụng Tâm trí toàn cầu để kiểm soát sẽ phải toàn trị hơn bất kì chính phủ từng tồn tại ngày này (có thể ngoại trừ Bắc Hàn),” ông viết. “Động năng kéo-đẩy của tiến hóa thường nhổ rễ các xã hội toàn trị bởi vì về mặt dài hạn chúng không hiệu quả và lãng phí.” So sánh điều này với những lời của người sáng tạo ra World Wide Web, ngài Timothy Berners-Lee, viết cách đây không lâu trong tập san Scientific American:

Web đang bị đe dọa…Một số những cư dân thành công nhất của nó đã bắt đầu phá vỡ những nguyên tắc của Web… Các chính phủ – dù là độc tài hay dân chủ – đang theo dõi những thói quen online của mọi người, vi phạm những quyền con người quan trọng.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất trên Internet từ khi nó ra đời vào năm 1993 với trình duyệt đầu tiên, Mosaic, được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu của Berners-Lee, đó là cuộc tìm kiếm lợi nhuận từ nó. Trong những ngày đầu khai trương, Web là một tập hợp những trang cá nhân lạ lẫm, kì cục, một kiểu tranh tường kĩ thuật số phớt lờ những người canh cổng bảo thủ, không phụ thuộc các công ty truyền thông đại chúng hoặc tiền của các công ty, và không bị thúc đẩy bởi lợi ích thương mại. Nhà khoa học máy tính và nhạc sĩ Jaron Lanier đã từng ở đó vào thời điểm sơ khai, và trong bản tuyên bố đanh thép, tỏa sáng của mình, Bạn không phải là một thiết bị, hồi tưởng lại nó như sau:

Sự vươn lên của Web là ví dụ hiếm có khi chúng ta biết thêm về những thông tin mới, tích cực về tiềm năng của con người. Ai mà đoán trước được (ít nhất là ban đầu) hàng triệu người sẽ đặt nhiều nỗ lực đến thế vào một dự án mà không có sự hiện diện của quảng cáo, động lực thương mại, sự đe dọa trừng phạt, những lãnh đạo uy tín, chính trị bản sắc, sự lợi dụng nỗi sợ chết, hay bất kì những động lực kinh điển nào khác của loài người. Mọi người đã cùng hợp tác làm một thứ gì đó, đơn thuần bởi vì nó là một ý tưởng tốt, và nó rất đẹp.

Nhưng sau đó thương mại nhảy vào, và gần như ngẫu nhiên, khi Larry Page và Sergey Brin, cặp đôi đã sáng lập Google, miễn cưỡng ghép các quảng cáo nhỏ vào công cụ tìm kiếm bậc thầy của họ như một cách để nuôi sống nó. Ban đầu, họ không có ý định tạo ra một nền tảng quảng cáo lớn nhất toàn cầu trong lịch sử thế giới hay dịch chuyển chiến lược marketing từ việc đẩy các sản phẩm tới người dùng sang việc đẩy những người tiêu dùng tới các sản phẩm và nhãn hiệu cụ thể. Nhưng đó là điều đã xảy ra. Viết từ “máy xay” trong một email, và một chuỗi các quảng cáo sẽ hiện lên khi bạn đang đọc kết quả trận bóng chày. Sử dụng Google dịch để đọc bản tóm tắt của một bài nghiên cứu trên tập san và một quảng cáo về phần mềm dịch tiếng Tây Ban Nha sẽ xuất hiện khi bạn sử dụng một từ điển tiếng Anh trực tuyến. (Tất cả những hành động này dẫn đến một câu hỏi hoàn toàn nghiêm túc nếu Tâm trí toàn cầu của Chorost đâm hoa kết trái: Liệu những suy nghĩ của chúng ta cũng sẽ có những nhà tài trợ nốt?)

gggggg

Các quảng cáo mục tiêu trông có vẻ rất vô hại. Nhưng để kéo bạn vào một cuộc giao dịch, các công ty tin rằng họ cần biết không chỉ những mối quan tâm hiện thời của bạn, mà còn thứ bạn đã thích trước đây, bạn bao nhiêu tuổi, giới tính của bạn, nơi bạn sống, trình độ giáo dục của bạn và vân vân.

Có khoảng 500 công ty có thể theo dõi mọi động tĩnh của bạn trên Internet, khai thác các dữ liệu thô trên Web và bán chúng cho các nhà quảng cáo. (“Hãy ngừng gọi mình là người sử dụng,” Lanier cảnh báo. “Bạn đang bị sử dụng.”) Bạn thừa cân, mắc bệnh tiểu đường, lỡ 1 hoặc 2 lần trả nợ xe, đọc các tiểu thuyết lịch sử, ủng hộ người Cộng Hòa, sử dụng một máy khoan điện thoại không dây, mua sắm tại Costco, và dành nhiều thời gian trên máy bay, không chỉ được những người khác, ngoài bạn biết đến mà nó còn có giá trị kinh tế rất lớn đối với họ. Cũng tương tự như với thông tin về nơi bạn đang ở và nơi bạn đã qua, khi chúng ta gần đây biết được chuyện Apple và Goolge đã theo dõi người sử dụng điện thoại di đông và máy tỉnh bảng và lưu trữ thông tin đó lại.

Kể cả các thiết bị đọc sách như Kindle của Amazon cũng chú ý tới việc người dùng đang làm gì: đánh dấu một đoạn văn trong một cuốn sách Kindle và đoạn đó sẽ được gửi lại Amazon. Rõ ràng, khả năng đột nhập quyền riêng tư và các lạm dụng tự do dân sự khác ở đây là rất lớn.

Trong lĩnh vực thương mại, các nhà quảng cáo cũng đang tìm kiếm không chỉ các sự thật và mẩu thông tin, để xác định ngoài những gì bạn đã mua, mà còn kiểu chào hàng nào sẽ làm bạn mua hàng. Một khi bạn đã tập hợp được “hồ sơ thuyết phục” của mình, họ sẽ tinh chỉnh lại những quảng cáo mục tiêu này sâu hơn nữa. Và nếu các công ty marketing có thể làm điều này, tại sao các ứng cử viên chính trị, các chính phủ, và các công ty muốn xoay chuyển ý kiến công luận lại không thể làm được? “Không nghi ngờ gì, có những lúc, những nơi, những kiểu lập luận khác nhau sẽ làm chúng ta dễ tin hơn những gì chúng ta được bảo.” Pariser quan sát.

Một thứ mà chúng ta – những công dân mạng – đã chấp nhận mà không động não- đó là thương mại là một khía cạnh rất tuyệt của sự chuyển dịch Web sang các mạng xã hội. Ví dụ các trang phổ biến như Foursquare, Loopt, và các trang Groupon biến việc mua sắm và làm thương hiệu trở thành một nét cơ bản của tương tác xã hội. Những người trên Foursquare tranh đua để trở thành “thị trưởng’ của hiệu bánh mỳ và cửa hàng thời trang bằng cách ghé thăm chúng nhiều hơn bất kì ai. Họ tự hào trương các “huy hiệu” mà họ đã kiếm được bằng cách đỡ đầu cho một số cửa hàng, như thể họ là những chiếc cúp tuyên dương sự xuất sắc. Người dùng Facebook nào đã click vào nút like cho một sản phẩm có thể kích hoạt sự xuất hiện của một quảng cáo cho một sản phẩm trên trang nhà của bạn họ. Các công ty như Twitalyzer và Klout phân tích dữ liệu trên Twitter, Facebook, và LinkedIn để xác định ai có ảnh hưởng nhất trên mạng – những người có thể là các ngôi sao hoặc người bình thường với lượt theo dõi đáng kể – và bán thông tin này cho các doanh nghiệp muốn nhờ những người ảnh hưởng đó giới thiệu sản phẩm hoặc “truyền bá thương hiệu của họ”.

Theo trang Nhật báo phố Wall, điều này đã “khơi mào một cuộc cạnh tranh giữa những kẻ nghiện mạng xã hội, ham muốn những món lời và quyền khoe khoang, đang làm việc rất vất vả để cố thay đổi hệ thống và nâng cao điểm số của họ.” Như Lanier chỉ ra, “Hi vọng duy nhất cho trang mạng xã hội từ góc nhìn của doanh nghiệp là có một công thức ma thuật mà một số cách thức vi phạm quyền riêng tư và phẩm giá con người trở thành chấp nhận được.” Phép màu đó đó dường như đã xuất hiện.

gggggg

Nghịch lý của việc cá nhân hóa và sự phô trương được thúc đẩy trên Internet qua Twitter, Facebook, và thậm chí cả Chatroulette đó là nó đồng thời giảm giá trị của con người và sự cá tính. Đọc những bình luận đi theo các bài viết blog, các bài báo, ta sẽ thấy rõ ràng rằng việc vi phạm phẩm giá – của một ai đó, thậm chí chính mình – là cách làm rẻ mạt nhưng được sử dụng rộng rãi. Điều này không chỉ đúng với một số chủ đề thông thường, kích động tính đảng phái và sự cuồng nhiệt, như trong thể thao hoặc chính trị, mà còn cho hầu hết mọi thứ.

Mục đích chính của các các cuộc tấn công nhằm vào cá nhân là chỉ trích nhân cách của một ai đấy nhằm phá hủy sự liêm chính của họ. Chorost cho rằng lý do mà Internet như chúng ta biết ngày nay không thúc đẩy kiểu đồng cảm mà ông thấy sẽ xuất hiện trong Web của tương lai, khi mọi người sẽ “cảm thấy cuộc sống nội tâm của người khác bằng điện tử,” là bởi vì nó vẫn chưa là một phần gắn chặt với cơ thể của chúng ta, nhưng những lời giải thích của Lanier thuyết phục hơn nhiều. “Tư duy tổ ong” được tạo ra qua các kết nối điện tử nhất định sẽ loại trừ tính cá nhân và biến nó thành ý thức tập thể. Sự nặc danh, thứ sẽ phát triển mạnh khi không có trách nhiệm cá nhân, là một trong những đặc điểm then chốt của nó, và đằng sau nó là sự ích kỉ, ác cảm, và tàn bạo cũng đi kèm. Như nhà xã hội học Sherry Turkle quan sát:

Khi liên kết trên mạng xã hội, chúng ta ở cùng nhau, nhưng những kì vọng của chúng ta về người khác cũng giảm xuống tới mức chúng ta có thể cảm thầy hoàn toàn cô độc. Và có nguy cơ là chúng ta sẽ nhìn những người khác như những đối tượng để tiếp cận – và chỉ cần những phần nào mà chúng ta thấy hữu ích, an ủi hay giải trí.

Ở đây, Chorost miêu tả những sự kì diệu của một tình bạn được kết nối qua thần kinh:

Có những chiếc máy tính giống như bộ não sẽ đơn giản hóa rất nhiều quá trình tách thông tin từ bộ não và gửi nó cho người khác. Giả sử bạn có một chiếc máy tính và bạn kết nối với một người khác thông qua mạng Tâm trí toàn cầu… Bạn nhìn thấy một con mèo trên vỉa hè trước mặt bạn. Thiết bị của bạn…nhìn thấy sự hoạt động của phần lớn các neuron cấu thành sự đại diện không đổi của một con mèo. Để cho bạn của bạn biết rằng bạn đang nhìn một con mèo, nó sẽ gửi ba chữ cái chứa thông tin – CAT – tới thiết bị được cấy trong não của người kia. Thiết bị đó kích hoạt sự đại diện không đổi về con meo trong não cô ấy, và cô ấy nhìn thấy nó. Hay chính xác hơn, cô ấy nhìn thấy trí nhớ của một con mèo được lấy từ chính mạng lưới thần kinh của cô ta…

Tuy vậy, rất nhiều các chi tiết quan trọng vẫn còn thiếu. Giống mèo, màu lông, tư thế, nó đang làm gì, và vân vân…Nhưng nó sẽ truyền tải một mẩu thông tin quan trọng: bạn của bạn sẽ biết rằng bạn đang nhìn thấy một con mèo.

Tất nhiều, nếu bạn gọi, nhắn tin hoặc email cho bạn của bạn, cô ấy cũng sẽ biết bạn đang nhìn thấy một con mèo, và cô ấy cũng biết nó trông như thế nào, nó đang làm vì, và đó là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời bạn tới mức bạn đang kể cho cô ấy. Liệu chúng ta có muốn biết mọi lúc khi người chúng ta quen nhìn thấy một con mèo?

Thật dễ để mỉa mai chuyện này, cũng như thật dễ để bác bỏ Sự hợp nhất như là một ảo tưởng khoa học ngớ ngẩn, nhưng làm thế còn ngớ ngẩn hơn. Tất nhiên, một trong một số nhóm người bị thu hút nhất bởi khoa học giả tưởng là những kĩ sư viết code lập trình và tạo nên các con robot và chính họ đã thay đổi, trong ít hơn một thế hệ, cách chúng ta làm nghiên cứu, y tế, cách chúng ta đọc sách, giao tiếp với người khác, hay trả tiền và vân vân. (Trong bài phỏng vấn 2004, Larry Page tưởng tượng một tương lai khi não của một người được “mở rộng” bởi Google, để khi bạn nghĩ về thứ gì đó, “chiếc điện của bạn sẽ thì thầm câu trả lời vào tai bạn.”) Như Lanier chỉ ra:

Chúng tôi [những kĩ sư] làm ra những phần mở rộng ngoài cơ thể, như chiếc mắt và tai từ xa (chính là webcam và điện thoại di động) và mở rộng trí nhớ (thế giới của thông tin mà bạn có thể tìm kiếm trên mạng). Những thứ này đã trở thành các cấu trúc mà bạn có thể kết nối thế giới và những người khác…Chúng tôi toáy máy với triết lý của bạn bằng việc thao túng trực tiếp trải nghiệm nhận thức của bạn…Chỉ cần một nhóm nhỏ các kỹ sư để tạo ra công nghệ có thể định hướng toàn bộ trải nghiệm tương lai của con người với tốc độ cực nhanh. 

Định luật của Moore được dự đoán hết hiệu lực vào năm 2015, khi mà việc ép nhiều mạch hơn trên một chip silicon mà không làm nó quá nóng là điều không thể. Mặc dù vậy, tới lúc đó các máy tính có thể chuyển sang bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên từ tính, các con chip hoạt động với mạch hạ nguyên tử. Một trong những người sáng tạo chính của MRAM, Stuart Wolf, phát triển nó ở DARPA, cơ quan đã phát minh ra ARPANET, tiền thân của Internet như chúng ta đã biết. Một vài năm trước, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Fortune, Wolf, hình dung tương lai của máy tính, tưởng tượng rằng chúng ta sẽ sớm được đeo một chiếc vòng trên đầu đưa thông tin trực tiếp vào não và cho phép chúng ta, trong số những việc khác, nói chuyện mà không phát âm, nhìn 360 độ, và lái xe bằng cách suy nghĩ.

hhhhhh

Một nhánh khác của DARPA đang đổ hàng triệu USD vào việc phát triển các “mũ bảo hiểm biết suy nghĩ” trên chiến trường, thứ sẽ cho phép binh sĩ ngoài mặt trận giao tiếp không lời bằng cách dịch các sóng não, thứ sẽ được “đọc” thông qua các cảm biến nhúng trong mũ bảo hiểm và dàn trải quanh da đầu, thành các thông điệp phát thanh. Vào đầu năm 2000, Sony đã bắt đầu làm việc với một phương pháp đã được cấp bằng sáng chế để truyền các trò chơi video trực tiếp vào não bộ, sử dụng các xung siêu âm để sửa đổi và tạo ra hình ảnh cảm giác để có một trải nghiệm chơi game chìm đắm, không thể thoát ra nổi.

Xa hơn nữa, một nhóm tại Đại học Southampton ở Anh đã phát triển một một giao diện não-máy tính (BCI) cho phép con người giao tiếp với não của những người khác mà không cần suy nghĩ, hay như các nhà phát triển gọi nó, B2B, một lần nữa với một loại mũ EEG cho phép một người nghĩ về “bên trái” (như được đại diện bởi số không) hay “bên phải” (đại diện bởi số một), gửi một trong hai con số này cho một người thứ hai, cũng được gắn với các điện cực được kết nối tới một máy tính nhận được các chữ số, và một khi nó được đọc, cho phép người thứ hai flash chữ số lại cho người gửi bằng một diode phát sáng (LED), được “đọc” bởi vỏ não thị giác của người đó. Nó không hoàn toàn vô thanh, không lời, và gần như chỉ là sự tích hợp các suy nghĩ của chúng ta mà không cần suy nghĩ, nhưng nó là những bước số 4, số 5 tới một tương lai mà ngày càng có khả năng hiện hữu.

Jaron Lanier đã đúng: bạn không phải là một thiết bị điện tử – vẫn chưa thôi.

 Theo Nybooks

Artwork: Josan Gonzalez

Trạm Đọc

You may also like

Leave a Comment