“Đây thôn Vĩ Dạ”: Huế đẹp buồn trong mối tình khắc khoải

by admin

“Đây thôn Vĩ Dạ” có thể coi là kiệt tác của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ không chỉ là bức tranh đẹp về cảnh sắc, con người xứ Huế mà còn khiến người đọc thổn thức vì mối tình lãng mạn, day dứt.

Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ được Hàn Mặc Tử (tên thật là Nguyễn Trọng Trí) sáng tác vào khoảng năm 1938, khi ông 26 tuổi. Ở tuổi đẹp nhất của một đời người, thật không may mắn khi chàng thanh niên tài hoa lại mắc căn bệnh hiểm nghèo đó là bệnh phong. Thời đó, bệnh phong có thể coi là căn bệnh vô phương cứu chữa. 

Mắc căn bệnh gây đau đớn dữ dội nhưng Hàn Mặc Tử vẫn không ngừng làm thơ. Những vần thơ của ông khi đó giống như giúp ông trút bỏ ưu phiền của thực tại, quên đi những nỗi đau thể xác bằng việc nhớ tới những quá khứ đẹp đẽ, êm đềm hoặc thậm chí, ông mượn thơ để chuyển tải cảm giác đau đớn, u hoài, khắc khoải của mình.

Đây thôn Vĩ Dạ được giới thiệu lần đầu trong tập Thơ Điên (về sau đổi tên là Đau thương). Tập thơ ra mắt chỉ hai năm trước khi Hàn Mặc Tử qua đời do trọng bệnh ở tuổi 28. Đây thôn Vĩ Dạ không chỉ là tác phẩm nổi tiếng nhất của thi nhân tài hoa bạc mệnh mà còn là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của thơ Việt Nam hiện đại.

Đây thôn Vĩ Dạ được giới thiệu trong sách ngữ văn lớp 11 và được coi là một trong những tác phẩm kinh điển miêu tả cảnh đẹp nên thơ của xứ Huế. Như cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt Thanh, cựu giáo viên văn trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ thì: “Lứa sinh viên đại học sư phạm văn chúng tôi đều mong ước được đến Huế sau khi đọc bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Bài thơ đẹp như một bức tranh và thắm đượm tình người khiến bao thế hệ thổn thức. Bản thân tôi, nhiều năm đứng trên bục giảng nhưng vẫn luôn rất xúc động mỗi khi phân tích về Đây thôn Vĩ Dạ với các học sinh của mình”.

Hàn Mặc Tử sinh ở Quảng Bình và từng có quãng thời gian sống ở Huế, theo học trường Pellevin. Chính vì thế, cảnh sắc và con người xứ Huế chắc chắn đã để lại trong tâm trí nhà thơ ấn tượng khó phai. Nhiều năm qua, Đây thôn Vĩ Dạ luôn được cho là bài thơ gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái có tên là Kim Cúc, quê ở thôn Vĩ Dạ, ngôi làng xinh đẹp nằm bên bờ sông Hương.  

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Mở đầu bài thơ là một câu hỏi rất ngọt ngào và dường như cũng là lời trách móc nhẹ nhàng của một nhân vật trữ tình có thể là một cô gái Huế hỏi một chàng trai tại sao không về chơi thôn Vĩ. Đó cũng có thể là lời tự hỏi của Hàn Mặc Tử, một người đã từng có khoảng thời gian gắn bó với xứ Huế đẹp như thơ.

Thời điểm viết bài thơ này, Hàn Mặc Tử đã mắc bệnh nặng và nỗi nhớ Huế hẳn đã khiến ông day dứt khôn nguôi. Huế trong thơ Hàn Mặc Tử hiện lên dung dị và hiền hòa với khung cảnh hàng cau đón nắng sớm lung linh như bức tranh, những khu vườn xanh mát trải dài màu ngọc bích. Chỉ là ánh nắng buổi ban mai mà bừng sáng cả một bài thơ đẹp khiến người đọc có thể dễ dàng hình dung về khung cảnh một ngôi làng như tranh vẽ. Giữa “bức tranh” ấy, hình ảnh “lá trúc che ngang mặt chữ điền” là một điểm nhấn rất đẹp. Gương mặt chữ điền thể hiện vẻ đẹp đôn hậu và hiền hòa của những con người nơi đây.

Nếu như ở khổ đầu tiên của bài thơ, bức tranh xứ Huế hiện lên tươi sáng và tràn đầy nhựa sống thì ở khổ thơ thứ hai, khung cảnh đã chùng xuống giống như nỗi lòng của thi nhân:

Gió theo lối gió, mây đường mây,

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?

Gió và mây, hình ảnh thường tượng trưng cho đôi lứa gắn bó, song hành nhưng trong câu thơ của Hàn Mặc Tử, đó lại là cảm xúc chia lìa. Gió mây đã không chung đường nên bến sông cũng “buồn thiu” chỉ còn những bông hoa ngô ủ dột lay động nhẹ nhàng theo cơn gió.

Tiếp theo đó, bài thơ xuất hiện hai “nhân vật” rất trữ tình đó là thuyền và trăng.  Câu hỏi: Thuyền có kịp chở trăng về? giống như một câu hỏi mà tác giả dành riêng cho mình. Thời điểm đó, Hàn Mặc Tử ốm nặng và có lẽ, ông đã dự cảm được là mơ ước giản dị quay về xứ Huế cũng không kịp thành hiện thực. 

Nhớ về xứ Huế, thi sĩ Hàn Mặc Tử tiếp tục chìm trong những mộng tưởng giữa mơ và thực của mình. Ông viết:

Mơ khách đường xa, khách đường xa,

Áo em trắng quá nhìn không ra…

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,

Ai biết tình ai có đậm đà?

Hai lần nhấn mạnh cụm từ “khách đường xa” cho thấy thi nhân không chỉ nhớ da diết tới “người trong mộng” mà còn khao khát được sống cuộc sống hạnh phúc và ấm êm bên những người mà ông yêu thương. Từ khát vọng và tình yêu với cuộc sống, Hàn Mặc Tử lại nhớ tới hình ảnh một cô gái mặc áo dài trắng tinh khôi, có lẽ chính là người con gái mà ông đã thầm yêu trộm nhớ trong những ngày còn ở Huế.

Sau những nhớ thương day dứt về xứ Huế và người con gái “trong mơ”, Hàn Mặc Tử đau xót khi nhận ra hiện thực cô đơn và buồn bã của mình. Ông viết: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Ai biết tình ai có đậm đà?” Trong hiện thực cô độc, nhà thơ đã hỏi người và cũng tự hỏi mình, liệu tình cảm có còn tha thiết như xưa, lòng người có còn cảm xúc hay tất cả chỉ là hư ảo như màu áo trắng hòa vào sương khói.

Đây thôn Vĩ Dạ được coi là một trong những “bức tranh” mô tả tuyệt vời nhất hình ảnh của “Huế đẹp, Huế thơ”. Dưới ngòi bút của Hàn Mặc tử, cảnh Huế hiện lên bình dị, thơ mộng, dịu dàng và đầy nhung nhớ. Bài thơ cũng là “tiếng lòng” của tác giả dành cho một người con gái xứ Huế. Dù biết rằng tình yêu giữa hai người là vô vọng, suốt đời họ chỉ là “hai đường thẳng song song” nhưng tác giả vẫn không nguôi nỗi nhớ thương, vương vấn khiến người đọc phải day dứt.

Vượt lên tất cả, Đây thôn Vĩ Dạ khiến người đọc cảm phục bởi ” tình yêu đời, yêu người” của một thi nhân trẻ tài hoa. Dù những ngày cuối đời bị bệnh tật và đau đớn hành hạ về thể xác nhưng Hàn Mặc Tử vẫn thể hiện được sự đắm say, rung động với cuộc sống.

Theo Dân Trí

You may also like

Leave a Comment