NHƯ THẾ NÀO MỚI GỌI LÀ “HƯỞNG THỤ CUỘC SỐNG”?

by admin

Tháng 7 năm ngoái, tôi và vợ vừa kết hôn xong. Theo tục lệ thì cả hai phải về nhà vợ vài ngày. Ai mà ngờ, chân trước vừa bước vào cửa nhà thì chân sau đã nghe tin cả trấn bị phong tỏa phòng dịch. Cũng may, hai vợ chồng còn phép cưới, hết thì dùng tiếp phép năm, không có gì phải lo.
Ngày xưa bố vợ làm hậu cần trong quân đội, chuyên về chuyện bếp núc. Sau này nghỉ hưu rồi, bố vợ vẫn đứng ra lo liệu chuyện đám tiệc trong trấn. Tài nấu ăn của bố không chỉ truyền lưu nội bộ mà còn vang danh tận mười thôn tám xã quanh đấy.
Sau đó, một đứa đèn sách trăm điều không biết một như tôi bỏ qua cái gọi là “quân tử xa nhà bếp”, ngày ngày theo bố vợ học nấu ăn, từ lý thuyết đơn giản như đâu là cỏ đâu là rau xanh đến thực tiễn cầm dao c h ặ t gà m ổ cá và thành thợ lành nghề khi dám lắc lắc con dao thái trước khi xắt củ tròn thành sợi mảnh. Thậm chí, bố vợ còn truyền bí kíp dầu đỏ tiêu cay cho thằng con rể kiêm đệ tử bất đắc dĩ mùa dịch là tôi luôn.
Vợ tôi nghỉ học từ sớm nên có thời gian theo bố học lỏm, đến nay cũng nhặt được 7 – 8 phần tài nghệ của ông rồi. Dù sao vợ cũng ở nhà nên chuyện nội trợ đều do cô ấy đảm nhiệm là chính. Cách dăm ba hôm, cô ấy lại về nhà lục tung tủ lạnh gói ghém ít “sơn hào hải vị” mang đi, nào là châu chấu, bào ngư, hải sâm, cá khoai…Bố vợ rít điếu thuốc rồi trợn mắt lườm con gái mình: “Đúng là gái lớn không giữ được, chả bao giờ thấy nó hiếu thảo làm món này món kia cho bố nó ăn” Vợ tôi lúc nào cũng cười khúc khích làm mặt xấu với bố mẹ rồi thật thà nhặt rau thái thịt để hai ông bà không phải cằn nhằn nữa.
Sau nhà vợ có một con suối nhỏ, buổi chiều rảnh rỗi, bố vợ thường xách một ấm trà lài với bộ cần câu của mình ra đó ngồi, không có việc gì làm, tôi cũng xách hạt dưa theo cắn, đi theo còn có hai con chó vàng cùng con mèo già trong nhà.
Phương bắc tháng 10 trời trong gió nhẹ, hai bố con ngồi dưới gốc cây lớn, vừa cắn hạt dưa vừa ngắm cảnh sau nhà, lại nghe tiếng chim hót, nói vài chuyện lặt vặt trong nhà. Bố bỏ thuốc vào điếu rồi rít một hơi, xong thì kể tôi nghe chuyện ngày xưa, chuyện vợ tôi lúc nhỏ nghịch ngợm như thế nào. Tiếp đến ông lại kể về cuộc đời thăng trầm của mình, còn tôi thì kể bố nghe về nhấp nhô trong công việc, về những thành phố tôi đến công tác…thỉnh thoảng nghe tiếng động, bố lại giật cần câu lên rồi vứt mấy con cá nhỏ cho hai chó một mèo đang nằm phát chán ở đằng kia.
Đến khi mặt trời xuống núi, vợ tôi sẽ đeo tạp dề tung tăng chạy lại bảo hai bố con về ăn cơm.
Sau khi ăn tối, hai vợ chồng sẽ khoác tay nhau đi dạo trong thôn, cô ấy sẽ bảo nhà cửa trong thôn cũ quá, nên sửa sang lại. Cô ấy còn bảo, ước gì hai vợ chồng được đi du lịch một hai năm liên tục thì tốt biết mấy, rồi sau này có con sẽ đặt tên con là…Đang phấn khởi, chân vợ bỗng đá phải cái cục gì mềm mềm, lấy đèn điện thoại soi mới biết, hóa ra là một chú nhím gai. Tôi không nhịn được cảm thán, trong thôn ít người nên hệ sinh thái mới phát triển tốt vậy. Thấy vợ có vẻ thích, chúng tôi thay nhau chọc nhím gai, dụ nó lăn về hướng gần nhà. Nhím gai chưa kịp chào hỏi đã bị hai chó một mèo nhà này ra oai phủ đầu khẳng định chủ quyền. Sau khi bị chúng tôi dạy dỗ, ba con mới ngoan ngoãn cuộn sang một bên ấm ức, cả nhà lại được trận cười phì.
Theo tục thì lần hồi môn này tôi và vợ không được ngủ chung phòng. Buổi tối vợ về phòng mẹ ngủ, còn tôi ngủ ở phòng của vợ. Tôi còn lén hỏi cô ấy có được “đào vàng” trong phòng không, cô ấy cười haha bảo tôi cứ tự nhiên, dù dì cũng không có gì.
Tôi cũng chỉ xem trên bàn học của cô ấy có gì không thôi. Học cấp 2 xong là vợ ở nhà phụ bán đồ ăn sáng với bố mẹ nên vật dụng thời đi học của vợ cũng dễ thương như cái lứa tuổi ấy vậy, nào là kéo cắt nhỏ, hay những tấm hình chu mỏ làm nũng cùng những cuốn tiểu thuyết mì ăn liền như Tiểu thời đại của Quách Kính Minh vậy…À, tôi còn thấy vài cuốn ghi lại lời bài hát thịnh hành lúc bấy giờ, trộn lẫn trong xấp tập vở đó có cả nhật ký hằng ngày của vợ. Chủ yếu là mắng thầy chủ nhiệm bắt làm bài này bài kia, thêm nữa là khen ai đó đẹp trai, mơ tưởng được ngồi cùng bàn với người ta, lâu lâu có một hai trang dán hình ảnh thẻ của cô ấy với bạn học. Tôi nằm trên giường vợ, ngửi mùi chăn nồng hương ráng chiều rồi ôm gấu bông thỏ trắng của cô ấy chìm vào giấc ngủ.
Bởi vì tôi là kỹ sư điện tử nên trong xe lúc nào cũng có một hộp đồ nghề dự phòng, còn có dây điện ba lõi chôm được một ít từ công ty, vừa hay chứng thực danh con rể quý ở nhà bố vợ. Không chỉ sửa xe điều khiển từ xa đã hỏng hai năm cho cháu trai của vợ, tôi còn dẫn mấy đứa nhỏ đi lắp dây đèn bảy màu trên chiếc xe chở hàng của bố vợ, tiện thể gắn thêm chiếc đèn điều khiển bằng giọng nói trước cửa nhà…chung là chỉ có cái tôi không làm được thì không làm, còn cái nào tôi làm được là làm tất, nhìn ánh mắt sùng bái của vợ với đàn cháu vây quanh tôi còn thấy thành tựu hơn cả lúc được sếp khen cho thăng chức nữa kìa.
Dưới sự cầm đầu của thằng cháu, tôi chặt cành đào trước thôn về đẽo thành cây đào hoa kiếm cho đứa nhóc này. Tôi còn lấy giấy nhám mài cho lưỡi kiếm mượt mà phẳng phiu rồi khắc tên thằng bé lên. Chỗ chuôi kiếm thì khoét một lỗ tròn để vợ thắt dây buộc lại như tua kiếm. Phần còn lại của cành đào, tôi gọt thành một cây trâm hoa khiến cô ấy vui vẻ cả ngày dài.
Thời gian rảnh rất nhiều, bố vợ cũng có không ít trò tiêu khiển giải sầu, nào là đấu địa chủ, đánh mạt chược, chơi cờ tướng, cờ vây, có đủ cả. Không thì ông cũng phụ mẹ vợ làm tương đậu, tương dưa hấu đậu, giã cốm…dù sao cũng không sợ buồn chán.
Một buổi chiều nọ, vợ dẫn tôi đến xưởng gỗ trong thôn, năn nỉ bác thợ mộc cho xin ít gỗ vụn mang về nhà làm một cái nhà nhỏ cho hai chó một mèo, vậy thì ba đứa không cần ngủ trong phòng chứa củi nữa rồi. Bố vợ lại có thú vui mới, ông dán giấy đỏ may mắn lên, còn tôi thì bảo thằng cháu viết mấy chữ cát tường mừng nhà mới lên. Trái phải một hồi, nhóc con này cũng viết được 6 chữ, Hỷ, Phúc, Tài, An, Ấm, Nhạc. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ tiếng cười rộn ràng của cả nhà cùng với chiếc đuôi vẫy không ngừng của hai chó một mèo.
Nhà bố vợ rất rộng, phía đông trồng rau, từng hàng từng lối thẳng tăm tắp xanh mơn mởn, từ cây gia vị như rau mùi, ớt xanh đến dưa leo, đậu đũa, có đủ hết. Bố vợ lúc nào cũng đắc ý chống nạnh đứng ngoài bìa vườn nhìn ngắm tuyệt tác của mình. Đôi lúc, tôi cứ nghĩ ông là tướng đang duyệt binh, nhưng sự thật là ông chỉ đang băn khoăn nên nhổ cây nào nấu cơm để không phá hỏng sự hoàn mỹ này.
Phía tây nhà thì trồng một gốc Ngọc Lan thật to, cành lá xum xuê, tươi tốt. Mẹ vợ nói lúc vợ tôi sinh ra thì ông nội mới gieo hạt, tính ra, cây Ngọc Lan này cũng ngót nghét 20 tuổi rồi. Trên cây treo một cái lồng chim, bên trong là con vẹt Yến Phụng quý giá của bố vợ. Tuy nó không biết nói chuyện, nhưng sáng nào cũng tranh hót ò ó o với con gà trống trong sân, cũng không biết tranh làm cái gì nữa.
Dưới gốc cây có một vại nước thường được dùng ở nông thôn miền Bắc. Mà cái vại này có lịch sử hẳn hoi đấy. Lúc bố vợ kết hôn, cha của ông thuê hẳn xe kéo mua chiếc vại này từ thành phố về làm quà cưới cho con trai, đến nay cũng phải hơn 30 năm rồi. Trong vại còn nuôi thêm cá nhỏ đủ loại màu sắc, vàng, đen, hồng, trắng, có đủ cả. Nhìn chúng bơi qua bơi lại cũng vui mắt lắm.
Bên cạnh vại nước có một chiếc ghế lắc, tôi rất thích nằm trên đó đung đưa rồi nhìn ngắm cảnh vật xung quanh không biết chán. Tôi loáng thoáng thấy cây mồng gà đỏ đậm trước cửa nhà với con mèo lười nằm phơi nắng giữa sân, cùng cái đuôi vẫy vẫy của hai con chó vàng và bé nhím gai cuộn tròn ở một góc mát bên vách tường…
Ngày trôi bình đạm như suối trong, người thân bên cạnh, người thương trong lòng. Đối với tôi, đó là hưởng thụ cuộc sống.

Đọc mà cảm thấy như đọc điền văn hưởng thụ cuộc sống, chill thật đấy. Các hạ đi qua cho xin ít truyện đọc healing như này vớiii

P/s: đọc topic này lại nhớ đến những ngày dịch covid phải ở nhà mấy tháng trời ý, mình cũng lên đồi ngắm vườn rau của mẹ, chơi với mèo hàng xóm, nhà cửa vui vẻ, bình lặng mà hạnh phúc kinh.

Mỗi người có một kiểu hưởng thụ cuộc sống. Đơn giản chỉ là tận hưởng những điều mình thích trong cuộc đời dù có bận rộn, lắm thứ áp lực đến thế nào. 

Bản thân mình do khá nuông chiều bản thân nên việc hưởng thụ cuộc sống tự tin là không có gì phải nuối tiếc.

You may also like

Leave a Comment