Có bao nhiêu quốc gia đã từng bị Trung Quốc xâm lược trong lịch sử?

by admin

Có bao nhiêu quốc gia đã từng bị Trung Quốc xâm lược trong lịch sử? Tôi từng đọc một bài báo nói rằng Trung Quốc chưa bao giờ xâm lược nước khác. Nếu có, bạn có thể liệt kê những quốc gia đã bị Trung Quốc xâm lược được không?

Trả lời: Derek Harkness

Trung Quốc không thể có diện tích lớn như ngày nay mà chưa từng trải qua cuộc xâm lược nào. Tôi liệt kê một danh sách chưa đầy đủ về các cuộc xâm lược của Trung Quốc khá dễ tìm thấy trên Wikipedia. Có thể tôi sẽ bị sót một số triều đại hoặc một vài cuộc xâm lược điển hình.

1. Nhà Tần

Chiến tranh Tần – Bách Việt: Vào năm 214 TCN, nhà Tần tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm sáp nhập một vùng lãnh thổ khổng lồ tương ứng với miền nam Trung Quốc và phía bắc Việt Nam ngày nay. Tần Thủy Hoàng cử một đội quân khoảng 30 vạn người lên phía bắc và 50 vạn xuống phía nam.

Miền nam Trung Quốc khi đó được biết đến là một vùng đất đai màu mỡ, sở hữu nhiều sản vật quý như ngà voi hay ngọc trai. Trước khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc, họ đã giành quyền kiểm soát hầu hết tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam.

Quân Tần không quen địa hình rừng rậm nên gặp nhiều khó khăn bởi chiến thuật du kích từ các bộ lạc dẫn tới tổn thất khoảng 10 vạn người. Tuy nhiên nhà Tần đã thành công trong việc xây dựng một con kênh ở phía nam để cung cấp hậu cần và chi viện quân sự cho cuộc xâm lược kế tiếp.

Kết quả, quân đội nhà Tần chinh phục tới tận vùng đất ven biển Quảng Châu và một số tỉnh như Phúc Châu hay Quế Lâm, họ thậm chí còn đánh tới tận Hà Nội ngày nay. Sau những thắng lợi ở phía nam, Tần Thủy Hoàng di chuyển 10 vạn tù binh tới những khu vực mới chinh phục.

2. Nhà Hán

Chiến tranh Hán – Nam Việt: Một cuộc xung đột quân sự xảy ra giữa nhà Hán với vương quốc Nam Việt. Dưới thời Hán Vũ Đế, quân Hán phát động chiến dịch quân sự và chính thức chinh phục được Nam Việt vào năm 111 TCN.

Bắc thuộc lần 1: Vào năm 111 TCN, quân đội Trung Hoa tái chiếm Việt Nam và sáp nhập vào lãnh thổ của đế chế Đại Hán rộng lớn. Người Việt sau đó phải đối chọi với sự đồng hóa từ Trung Quốc trên mọi lĩnh vực như văn học, nghệ thuật hay nông nghiệp. Họ không chỉ bảo vệ bản sắc dân tộc mà còn không ngừng đấu tranh để giành độc lập.

Vào năm 39 SCN, một cuộc khởi nghĩa nổi tiếng đã diễn ra tại Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, cả hai người phụ nữ đều là quý tộc địa phương. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, người chị Trưng Trắc đã trở thành vua cai trị nước Việt độc lập trong ba năm.

Chiến tranh Hán – Cổ Triều Tiên: Là một chiến dịch do nhà Hán phát động nhằm vào vua Vệ Mãn của nhà nước Cổ Triều Tiên trong giai đoạn 109 – 108 TCN. Cuộc chiến dẫn đến sự sụp đổ của Cổ Triều Tiên.

Chiến tranh Hán – Đại Uyên (Thiên Mã Chi Chiến): Vào năm 102 TCN, vua Hán Vũ Đế nhận được thông tin về những con “thiên mã” có tốc độ và sức bền vượt trội từ nước Đại Uyên, thứ mà nhà Hán đang rất cần cho việc đối đầu với quân du mục Hung Nô. Đại Uyên không chịu cung cấp đủ ngựa và thể hiện sự thiếu tôn trọng khi sát hại các sứ giả Trung Quốc, tịch thu số vàng nhà Hán dùng để mua ngựa.

Nhà Hán cử tướng quân Lí Quảng Lợi, quốc cữu của nhà vua dẫn 6000 kị binh và 2 vạn bộ binh vượt qua sa mạc Taklamakan, nhưng hậu cần cung cấp cho quân đội của Lí Quảng Lợi nhanh chóng cạn kiệt. Sau cuộc hành quân 1000 dặm, ông ta cuối cùng cũng hành quân được tới Đại Uyên, nhưng đội quân của ông nhanh chóng kiệt quệ và đói khát. Sau một trận đánh thất bại nặng nề, Lí Quảng Lợi nhận ra mình không thể chiếm đóng kinh đô của kẻ thù, nên phải dẫn quân quay trở lại Đôn Hoàng.

Hán Vũ Đế quyết định tăng viện cho Lí Quảng Lợi một đội quân lớn hơn nhiều cùng số lượng khổng lồ bò, lừa và lạc đà để tiếp tế. Dù thiệt hại khoảng một nửa quân số, nhưng sau 40 ngày bao vây, quân Trung Quốc cuối cùng cũng phá vỡ được tường thành bên ngoài và cắt đứt nguồn nước. Các quý tộc trong thành Nhị Sư đã giết chết vua của họ rồi gửi đầu của ông ta tới Lí Quảng Lợi để chuyển tới thông điệp đầu hàng, đồng thời cam kết sẽ cung cấp đủ ngựa cho Trung Quốc. Lí Quảng Lợi chấp nhận đề nghị cầu hòa, chỉ định một trong những quý tộc làm vua mới và rút lui sau khi nhận cống nạp 3000 chiến mã vào năm 100 TCN.

Bắc thuộc lần 2: Sau 3 năm giành được độc lập, Việt Nam lại trở lại nằm dưới quyền của Trung Quốc lần thứ hai từ 43 – 544 SCN. Nhà Hán củng cố quyền lực bằng cách cử thêm nhiều quan lại Trung Quốc tới cai trị khu vực này. Kể cả sau khi nhà Đông Hán sụp đổ vào năm 220 SCN, sự kiểm soát vẫn được tiếp tục dưới thời Tam Quốc. Một người phụ nữ tên Triệu Thị Trinh đã nổi dậy trong một thời gian ngắn để đầy lùi sự cai trị của Trung quốc, nhưng bà nhanh chóng bị đánh bại. Việt Nam tiếp tục nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc dưới thời nhà Tấn và Nam – Bắc triều. Sự thống trị chỉ kết thúc vào năm 544 khi vua Lý Nam Đế lên nắm quyền.

3. Nhà Tùy

Chiến tranh Tùy – Cao Câu Ly: Là một loạt chiến dịch quân sự do nhà Tùy của Trung Quốc phát động nhằm vào Cao Câu Ly trong giai đoạn 598 – 614. Sự thất bại của nhà Tùy trong cuộc chiến này đã góp phần vào sự sụp đổ của vương triều trong năm 618.

Bắc thuộc lần 3: Là thời kỳ đô hộ lần thứ 3 của Trung Quốc lên Việt Nam kể từ cuối nhà Tiền Lý năm 602 tới khi Khúc Thừa Dụ nổi dậy nắm quyền vào năm 905, hoặc khi Ngô Quyền đánh bại quân xâm lược Nam Hán vào năm 938. Thời kỳ này chứng kiến sự cai trị của 2 triều đại Trung Quốc lên miền bắc Việt Nam, từ 602 – 618 thời nhà Tùy và từ 618 – 905 thời nhà Đường.

4. Nhà Đường

Chiến tranh Đường – Đông Đột Quyết: Đầu thời vua Đường Thái Tông, ông đã thực hiện chính sách hòa dịu với Hiệt Lợi Khả Hãn A Sử Na Đốt Bật (Jiali Khan Ashina Duobi) của Đông Đột Quyết. Tuy nhiên chỉ vài năm sau đó ông đã phát động cuộc tấn công lớn nhắm vào Đông Đột Quyết (bao gồm cả thành lập một liên minh với nước Tiết Diên Đà đang nằm dưới sự cai trị của Đông Đột Quyết). Cuộc tấn công được phát động vào mùa đông năm 629 với sự chỉ huy của tướng Lí Tĩnh và tới năm 630, Đông Đột Quyết bị diệt vong.

Chiến tranh Đường – Thổ Dục Hồn: Trong suốt triều đại hoàng đế Đường Thái Tông, biên giới phía tây nhà Đường liên tục phải đối mặt với nhiều nguy hiểm từ nước Thổ Dục Hồn, lúc này đang được cai trị bởi Bồ Tát Bát Khả Hãn Mộ Dung Phục Doãn (Busabo Khan Murong Fuyun). Vào năm 634, Đường Thái Tông phát động một cuộc tấn công lớn do tướng Lí Tĩnh chỉ huy chống lại Thổ Dục Hồn, khiến Thổ Dục Hồn chịu thất bại nặng nề và các thuộc hạ của Mộ Dung Phục Doãn đã ám sát ông vào năm 635.

Thổ Dục Hồn sau đó suy yếu tới mức không thể uy hiếp nhà Đường nữa. Trớ trêu thay, nhà Đường sau này lại đóng vai kẻ bảo vệ cho Thổ Dục Hồn dưới thời con và cháu của Mộ Dung Phục Doãn là Cam Đậu Khả Hãn Mộ Dung Thuận (Gandou Khan Murong Shun) và Lặc Đậu Khả Hãn Mộ Dung Nặc Hạt Bát (Ledou Khan Murong Nuohebo), khi nước láng giềng phía tây nam là Thổ Phồn tấn công họ. Đến năm 672 dưới triều vua Đường Cao Tông, nhà Đường sáp nhập nốt tàn dư của Thổ Dục Hồn vào lãnh thổ của mình.

Chiến tranh Đường – Tây Vực: Vào năm 640, vua Đường Thái Tông cử tướng Hầu Quân Tập đánh bại và sáp nhập nước Cao Xương nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc trong việc thiết lập sự hiện diện lâu dài tại khu vực này kể từ thời Phù Kiên ở thế kỷ thứ 4.

Chiến tranh Đường – Tiết Diên Đà: viên tướng nhà Đường Lý Thế Tích được giao nhiệm vụ bảo vệ vùng lãnh thổ Đông Đột Quyết, đã đánh bại Tiết Diên Đà vào năm 641.

Chiến tranh Đường – Cao Câu Ly: Xảy ra trong giai đoạn 645 – 668, ban đầu chỉ là cuộc chiến giữa hai nước, về sau cả 2 bên đều liên minh với quốc gia khác. Cuối cùng liên minh Cao Câu Ly – Bách Tế đã thất bại trong cuộc tấn công lần 2 từ phía liên minh Đường – Tân La.

Chiến tranh Đường – Tân La: Sau sự sụp đổ của Cao Câu Ly năm 668, nhà Đường thành lập An Đông Đô Hộ Phủ để cai trị và bình định nốt phần còn lại của bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả nước đồng minh của họ trong cuộc chiến trước đó là Tân La. Tân La đã chống lại những ý đồ xâm lăng bán đảo Triều Tiên của nhà Đường.

5. Nhà Minh

Chiến tranh Minh – Thổ Lỗ Phiên: Nhà Minh đã sáp nhập Cáp Mật (Hami) vào năm 1404. Tới năm 1406, họ đánh bại và cai trị Thổ Lỗ Phiên.

Chiến tranh Minh – Đại Ngu: Chiến dịch quân sự do nhà Minh của Trung Quốc tiến hành để xâm lược Việt Nam, khi đó có tên gọi là Đại Ngu do nhà Hồ cai trị. Vài năm trước đó, Hồ Quý Ly đã cướp ngôi nhà Trần một cách thô bạo, dẫn tới việc nhà Minh can thiệp để tái lập nhà Trần. Lực lượng phía nhà Hồ tấn công đoàn hộ tống của nhà Minh chở một người đóng giá quý tộc nhà Trần trở về và giết hại người đó.

Hoàng đế Vĩnh Lạc đã chỉ định hai tướng Trương Phụ và Mộc Thạnh chỉ đạo cuộc xâm lược Đại Ngu. Cuộc chiến kéo dài từ 1406 – 1407 dẫn đến việc nhà Minh chinh phục Đại Ngu và bắt giữ toàn bộ các thành viên của gia đình nhà Hồ.

Bắc thuộc lần 4: Một giai đoạn lịch sử của Việt Nam từ 1407 – 1427 khi đất nước này bị cai trị bởi nhà Minh. Đó là kết quả của cuộc xâm lược từ phía nhà Minh năm 1406 – 1407.

Chiến tranh Minh – Khoa Đề: Được thực hiện bởi 2000 lính Trung Hoa dưới sự chỉ huy của tướng quân Trịnh Hòa, nhắm thằng vào kinh đô Khoa Đề (Kotte) và bắt giữ vua Duy Cổ Nhã Ba (Alakesvara) cùng hoàng hậu và nhiều quý tộc đưa về Trung Quốc. Trung Quốc trao trả độc lập cho quốc gia này vào năm 1414 và để một người Hoa bù nhìn lên cai trị, nhưng ông ta nhanh chóng bị lật đổ sau đó.

6. Nhà Thanh

Chiến tranh Thanh – Miến: Trung Quốc dưới thời vua Càn Long đã phát động 4 cuộc xâm lược Miến Điện từ 1765 đến 1769, đây được coi là 1 trong 10 chiến công vĩ đại của Càn Long. Cuộc chiến kết thúc với thắng lợi và nền độc lập cho Miến Điện.

7. Thời hiện đại

Chiến tranh Triều Tiên: sau khi bí mật vượt sông Áp Lục vào ngày 19 tháng 10, Tập đoàn quân số 13 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã phát động giai đoạn 1 của cuộc tấn công vào ngày 25 tháng 10 nhắm vào lực lượng Liên Hợp Quốc ở giữa biên giới Trung – Triều. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố các lực lượng Liên Hợp Quốc đã vượt biên giới đánh vào Trung Quốc, thực tế Hoa Kỳ luôn phủ nhận điều này.

Chiến tranh Trung – Ấn: Không thể đàm phán về lãnh thổ tranh chấp dọc biên giưới dãy Himalaya dài 3225 km, Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công vào Ladakh và vượt qua phòng tuyến McMahon vào ngày 20 tháng 10 năm 1962, trùng thời điểm với cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba.

Quân Trung Quốc tấn công Ấn Độ trên cả 2 hướng, chiếm được Rezang Ia ở Chushul phía tây cũng như Tawang ở phía đông. Chiến tranh kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố ngừng bắn vào ngày 20 tháng 11 năm 1962, đồng thời tuyên bố rút quân khỏi khu vực tranh chấp.

Xung đột biên giới Trung – Xô: Ngày 2 tháng 3 năm 1969, một toán lính Trung Quốc đã phục kích biên phòng Liên Xô trên đảo Trân Bảo.

Theo: Đàm Quang Trường

Ảnh: 9 cửa ải lớn định hình nên biên giới Trung Quốc xưa, 8 trong số đó đã bị người Trung Quốc vượt qua hàng ngàn cây số.

You may also like

Leave a Comment