Người Do Thái có liên quan gì tới mafia Ý không?

by admin

Chúng ta không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của các Băng đảng Do Thái lên La Cosa Nostra (tức mafia Ý) và các thủ lĩnh của chúng. Người Do Thái là một bộ phận có ảnh hưởng sớm tới La Cosa Nostra và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nên nhận thức của công chúng về Mafia. Rất khó để bao quát toàn bộ các cá nhân và sự kiện, vì vậy tôi sẽ cố gắng điểm ra một số nét nổi bật chính về những gì đã xảy ra và tác động của chúng.

Đối thủ: tiền đề tạo nên La Cosa Nostra

Thời điểm đầu thế kỷ 20, một môi trường dành cho tội phạm có tổ chức bắt đầu hình thành tại New York. Nhân vật quan trọng trong thời điểm sơ khai đó là một người Mỹ gốc Ý tên Paul Kelly (tên thật: Paulo Vaccarelli) cùng băng đảng Five Points khét tiếng; nơi đã sản sinh ra những nhân vật chủ chốt cho La Cosa Nostra sau này như Lucky Luciano, Al Capone hay Johnny Torrio.

Nếu như tên tuổi của Five Points đã quá nổi danh trong lịch sử, chúng ta thường quên đối thủ chính của Kelly khi đó là băng Eastman, một băng đảng Do Thái do Monk Eastman cầm đầu. Cuộc chiến giữa hai băng đảng diễn ra một cách ác liệt không ngừng, cho tới khi Tammany Hall (trụ sở của đảng Dân Chủ tại New York, nơi kiểm soát chính trị New York) chuyển sự ủng hộ từ Eastman sang Kelly thì băng Five Points mới giành chiến thắng. Nếu không có sự can thiệp chính trị vào lúc đó, lịch sử tội phạm có tổ chức tại Hoa Kỳ sẽ rất khác.

Một số người coi Kelly là ông trùm thế giới ngầm hiện đại đầu tiên. Nhưng cũng giống như nhiều người trước đây và sau này, dấu ấn của ông ta đã bị phai nhạt. Tương tự trường hợp của Eastman, chính trị lại một lần nữa can thiệp. Trước áp lực của dư luận, các chính trị gia của Tammany Hall quyết định tiêu diệt băng đảng Five Points.

Cố vấn: Arnold Rothstein

Arnold Rothstein là một trường hợp hiếm thấy của thế giới ngầm New York đầu thế kỷ 20: ông ta xuất thân trong một gia đình khá giả và đáng ra sẽ có một sự nghiệp rất thành công nếu muốn. Nhưng Arnold lại lựa chọn khác, vì cảm thấy ghen tị trước sự ưu tiên của người cha dành cho anh trai (người sau này trở thành một giáo sĩ), Arnold từ chối con đường tươi sáng và lao vào niềm đam mê của mình: cờ bạc.

Dù rất ghét trường học, Rothstein lại là một thiên tài toán học, ông có thể tính toán xác suất trong cờ bạc. Anh ta kiểm soát được cơ hội thắng bại trước khi đặt cược, đặc biệt là scandal cá độ nổi tiếng khi ông ta hối lộ các thành viên của đội Chicago White Sox tại Giải vô địch thế giới năm 1919. Rothstein đã tích lũy được một khối lượng tài sản đáng kể khi vẫn còn trẻ, đủ để ông ta mở sòng bạc đầu tiên cho mình vào năm 1910, khi ông mới 28 tuổi.

Bước ngoặt đưa Rothstein trở thành huyền thoại thế giới ngầm khi Lệnh cấm rượu được ban hành năm 1920. Nhìn ra cơ hội ngàn năm có một, Rothstein đi tiên phong trong việc biến tội phạm có tổ chức trở thành một tập đoàn thực sự. Ông nhận ra giá trị của mô hình kinh doanh “liên kết dọc”, kiểm soát mọi thứ từ nhập khẩu, sản xuất rượu bất hợp pháp cho tới phân phối và bán hàng (thông qua kiểm soát phương tiện vận chuyển và quán bar bí mật – speakeasy), đồng thời tạo dựng mối quan hệ với giới chính trị và các băng đảng bạo lực để bảo kê cho các hoạt động. Bằng cách cung cấp vốn cho các băng đảng thành lập doanh nghiệp riêng cho họ, ông ta trở thành ngân hàng trong thế giới ngầm tại New York.

Ở thời đỉnh cao của mình, Rothstein được cho là “người điều hành Tammany Hall” tức ông ta có quyền lực chính trị vô song, thậm chí có thể quyết định ai sẽ được bầu và nhận công việc gì trong chính quyền địa phương. Ông ta cũng là một tuyển trạch viên tuyệt vời. Cùng với sự sụp đổ của băng Five Points, Rothstein đã nhận ra tiềm năng của những nhân tài trẻ tuổi như Luciano, Lansky, Siegel, và thu nhận họ dưới trướng của mình.

Trong vài năm tiếp theo, Rothstein cố vấn cho những người Thổ trẻ tuổi phương pháp điều hành tổ chức tội phạm một cách kỷ luật và chuyên nghiệp, cũng như con đường lọt vào tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Ông nhấn mạnh về sự vô nghĩa của bạo lực, ăn miếng trả miếng giữ các băng đảng, đề cao việc bắt tay hợp tác sẽ giúp họ kiếm hàng tấn tiền. Chính những ý tưởng này đã được Luciano vận dụng để đưa ông ta vươn lên đỉnh cao của La Cosa Nostra sau này.

Sự nghiệp tội phạm lẫy lừng của Rothstein chấm dứt ở tuổi 46, khi ông vẫn ở đỉnh cao quyền lực. Vào tháng 11 năm 1928, ông ta bị bắn vào bụng và tử vong ngay sau đó, nguyên nhân được cho là do một khoản nợ cờ bạc chưa trả.

Nếu không chết khi còn quá trẻ, Rothstein có lẽ đã vươn lên đứng đầu thế giới ngầm New York, trở thành “trùm của các trùm” với những người như Luciano ở bên cạnh, và thế giới tội phạm có tổ chức của Mỹ sẽ trở nên rất khác. Dẫu vậy, vẫn không thể phủ nhận rằng Arnold Rothstein đã cung cấp kiến thức và nguyên tắc hoạt động để Luciano kế tục tạo nên cấu trúc nên mafia Mỹ hiện đại.

Kế toán: Meyer Lansky

Sinh ra ở Belarus, Lansky cùng gia đình di cư đến Lower East Side, Manhattan, New York vào năm 1909, và tiếp xúc với bạo lực từ khi còn trẻ. Lansky đã gặp người bạn lâu năm của mình, Ben ‘Bugsy’ Siegel khi còn là những đứa trẻ ở khu phố địa phương. Lansky cùng Siegel sau này thành lập tổ chức Bugs and Meyer, một băng đảng bạo lực cực đoan nổi tiếng, với nhiều thành phần chủ lực cho Tập đoàn Sát thủ trong tương lai tương lai.

Trong những người được Rothstein bảo trợ, Lansky được cho là người gần gũi nhất về trí tuệ và tính cách. Lansky cũng là một thiên tài kinh doanh và cờ bạc. Giống như Rothstein, ông ta tiếp tục xây dựng nên một đế chế cờ bạc thậm chí còn lớn hơn người thầy của mình gấp nhiều lần.

Bước ngoặt trong sự nghiệp của Meyer tới khi ông liên kết với Luciano trong cuộc chiến tranh băng đảng Castallammerese năm 1930 – 1931. Thời điểm đó hai đối thủ nặng ký cho ngôi vị thống trị thế giới ngầm New York là Joe ‘the Boss’ Maseria (đương nhiệm) và Salvatore Maranzano (kẻ thách thức). Khi chiến tranh nổ ra, những lời dạy của Rothstein in hằn trong tâm trí họ đã giúp họ nhanh chóng nhận ra chiến tranh không đem đến điều gì khác ngoài cái chết và ngăn cản cơ hội kiếm tiền.

Luciano lúc đó đang là một thành viên của Maseria, đã quyết định liên hệ với Maranzano và phản bội Maseria. Trong bữa tối, Luciano cáo lỗi và 4 tay súng, trong đó có cánh tay phải của Lansky là Bugsy Siegel, chạy vào và xả đạn giết chết Maseria. 6 tháng sau, khi phát hiện Maranzano định khử mình, Luciano ra tay trước, khiến Maranzano bị bắn chết ở Manhattan bởi ba tay súng do đích thân Lansky tuyển dụng, trong đó có cả Siegel.

Điều này giúp Luciano được dọn đường trở thành người đứng đầu mafia nói riêng và tội phạm có tổ chức ở Hoa Kỳ nói chung. Gần như ngay khi ngồi vào ngai vàng, Luciano đã quyết định:

  • Loại bỏ vai trò “trùm của các trùm”, thay thế bằng một Hội đồng điều hành toàn bộ La Cosa Nostra, với những ông trùm được chọn từ khắp cả nước. Lansky là một thành viên danh dự của Hội đồng, người duy nhất không có gốc gác Italy.
  • Cùng với Lansky, Luciano thành lập Tập đoàn Tội phạm Quốc gia – National Crime Syndicate, một liên minh giữa các băng đảng La Cosa Nostra, các băng đảng người Do Thái, và một mức độ ít hơn có cả các băng đảng người Ai len.

Trong nhiều thập kỷ, Lansky ổn định với vai trò “kế toán của băng đảng”, đi đầu trong việc đưa La Cosa Nostra cùng các băng đảng Do Thái đầu tư vào cờ bạc. Chúng ta đều đã biết việc mafia đã biến Las Vegas từ một thị trấn sa mạc nhỏ trở thành gã khổng lồ trong giới cờ bạc ngày nay. Hầu hết chúng ta cũng biết về sự thịnh vượng của các sòng bạc tại Cuba dưới chế độ Batista, cho tới khi cuộc Cách mạng Cuba do Fidel Castro lãnh đạo thắng lợi.

Trung tâm của cả hai đều là Lansky. Từ việc chỉ định Siegel thay mặt La Cosa Nostra và băng đảng Do Thái xây dựng nên sòng bạc Flamingo, sòng bạc đầu tiên của họ, cho tới tham gia đàm phán với Tổng thống Batista để mở ra một loạt sòng bạc đẳng cấp thế giới, tất cả đều dưới bàn tay đạo diễn của Lansky.

Lansky còn được biết đến với một câu chuyện nổi tiếng khác: khi Luciano bị cầm tù trong Thế chiến thứ 2, Lansky đã giúp kết nối Luciano với Văn phòng Tình báo Hải quân Hoa Kỳ (ONI). Vì sao? Luciano đề nghị giúp ngăn chặn sự phá hoại của Đức Quốc xã đối với bờ sông New York để đối lấy việc anh ta được thả tự do. Một tin đồn khác, Lansky bị cáo buộc là chủ mưu đằng sau việc J. Edgar Hoover phải thỏa hiệp để chuộc lại những bức ảnh đồng tính nam của ông ta, đổi lại ông ta sẽ không để tin tức về sự tồn tại của La Cosa Nostra và tội phạm có tổ chức trở nên lan rộng hơn.

Thế rồi tương tự Paul Kelly, nhân vật chính đầu tiên của chúng ta, những ngày tháng tốt đẹp cũng phải kết thúc. Đối với Lansky, cuộc cách mạng Cuba đã hủy hoại sự nghiệp của ông. Phần lớn tài sản của ông ràng buộc với Cuba, và ông đã mất tất cả sau cuộc cách mạng. Kết cục, ông ta đành dành nốt phần đời của mình để tận hưởng sự tự do, nghỉ hưu ở một bãi biển tại Miami trước khi chết vì ung thư phổi ở tuổi 80 vào năm 1983, cho tới lúc đó FBI vẫn chưa bao giờ thực sự kết án được ông.

Lansky một lần nữa đòng vai trò then chốt tỏng việc thành lập La Cosa Nostra, từ một công thần đưa Luciano lên đỉnh cao quyền lực, giúp ông ta thành lập Hội đồng cũng như Tập đoàn Tội phạm Quốc gia, đi đầu trong việc đầu tư các sòng bạc trong nước và thế giới, ông ta là một nhân vật chủ chốt trong việc giúp La Cosa Nostra đạt được sự giàu có vượt trội trong thế giới ngầm.

Sát thủ: Lepke Buchalter và Tập đoàn Sát thủ

Băng đảng Do Thái không chỉ đóng góp trí tuệ và tiền bạc, họ còn cung cấp hỏa lực lớn cho sự phát triển dẫn đầu của La Cosa Nostra.

Louis ‘Lepke’ Buchalter sinh ra tại New York năm 1987. Vốn là một học sinh giỏi, thế giới quan của Lepke trở nên tồi tệ hơn sau khi người cha qua đời lúc ông mới 12 tuổi. Lepke bước chân vào con đường đen tối, bị bắt lần đầu ở tuổi 17 vì tội trộm cắp và hành hung.

Vào năm 1922, Lepke gặp đối tác đầu tiên Jacob ‘Gurrah’ Shapiro, cả hai cùng nhau sử dụng bạo lực để tiếp quản một số công đoàn may mặc. Họ cũng tiến hành những vụ giết người đầu tiên và đều thoát tội.

Tới những năm 1930, Lepke đã biến việc giết người trở thành nghề nghiệp của mình. Được sự hỗ trợ từ nhóm sát thủ người Do Thái và người Ý, Buchalter thành lập một nhóm và sau này được biết đến với cái tên Tập đoàn Sát thủ, bàn tay sắt của Hội đồng do Luciano cầm đầu.

Thông qua ông trùm mafia tương lai Albert Anastasia, đối tác mới của mình, Buchalter nhận các hợp đồng giết người từ Hội đồng và giao chúng cho các sát thủ. Sự ẩn danh của Hội đồng và các sát thủ tạo nên một vỏ bọc an toàn giúp Luciano khó phải chịu trách nhiệm cho những vụ giết người xảy ra.

Trong quá trình tồn tại (1929 – 1941), Tập đoàn Sát thủ được ghi nhận đã thực hiện từ 100 đến 500 vụ, mỗi sát thủ kiếm được từ 1000 đến 5000 đô la mỗi vụ. Nếu sát thủ nào bị bắt, Hội đồng sẽ thuê những luật sư giỏi nhất để bảo vệ họ.

Một lần nữa, thời kỳ tốt đẹp cuối cùng cũng phải kết thúc. Do áp lực từ cảnh sát và một công tố viên quận thông minh, một số sát thủ ở ngoại vi của Tập đoàn Sát thủ bị lật tẩy, và kéo theo chuỗi domino sụp đổ cho cả tổ chức.

Bản thân Lepke cũng bị bắt vì tội giết Joe Rosen vào năm 1936 và bị kết án tử hình vào năm 1941. Sau nhiều nỗ lực kháng cáo bất thành, kể cả đề nghị cung cấp thông tin hoặc làm chứng chống lại các nhân vật chủ chốt La Cosa Nostra, hi vọng của Buchalter chấm dứt và ông bị hành hình tại nhà tù Sing Sing vào tháng 3 năm 1944.

Khi chúng ta nhìn lại Lepke và Tập đoàn Sát thủ người Mỹ gốc Ý – Do Thái do ông ta lãnh đạo, không nghi ngờ gì nữa, họ đã cung cấp bạo lực và gieo rắc nỗi sợ hãi để bảo vệ vị trí đỉnh cao của La Cosa Nostra trong giới tội phạm có tổ chức của Mỹ. Nếu không có họ, con đường tương lai sẽ không còn chắc chắn nữa.

Tổng kết

Ngay từ những ngày đầu tiên của tội phạm có tổ chức người Mỹ gốc Ý, các băng đảng người Do Thái từ những đối thủ xứng tầm, và sau đó đã đóng góp trí tuệ, bạo lực cũng như tiền bạc cho các băng đảng người Ý có cùng chí hướng như Luciano, giúp các băng đảng người Ý từ chỗ quy mô vừa và nhỏ vươn lên trở thành thế lực tội phạm số một tại Mỹ.

Một cách đơn giản, nếu không có băng đảng Do Thái, chúng ta có thể vẫn sẽ có mafia Mỹ, nhưng nó chắn chắn sẽ không giống với lịch sử tội phạm có tổ chức trong thế kỷ 20 cho tới ngày nay.

Theo: Đàm Quang Trường

You may also like

Leave a Comment