HỌC GÌ Ở VỞ KỊCH “HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT”

by admin

Ghi dấu trên văn đàn bởi những bài thơ mang đậm hồn thơ với cái tôi tha thiết yêu thương cùng những vở kịch chứa đựng nhiều triết lí nhân sinh sâu sắc; nhà viết kịch hiện đại Lưu Quang Vũ đã để lại những dấu ấn đẹp trong lòng bao thế hệ người yêu văn thơ. Đó là sự ngưỡng mộ về một tài năng với tấm lòng rộng mở, luôn trăn trở về cuộc đời. Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” cũng là một trong nhiều những tác phẩm thúc đẩy cho tình yêu, sự ngưỡng mộ ấy của bạn đọc đến nhà thơ, và viết kịch.

Bài viết hôm nay là đôi nét khơi gợi những nội dung căn bản của tác phẩm, hi vọng, qua đây, bạn có thêm một chút động lực để học văn và yêu thêm những con chữ đang thổn thức trên từng trang sách.

  1. Xác anh hàng thịt, có thật sự đáng xấu, đáng trách, đáng gạt bỏ?

Trong tiểu thuyết Giông Tố của nhà văn Vũ Trọng Phụng, qua những nhân vật như cô Mịch, anh long hay cậu chủ Việt Anh và cả ông đồ Uẩn; chúng ta dường như nhận ra rằng cuộc sống này không ai tốt, cũng chẳng ai xấu. Đứng trước mọi biến chuyển luân phiên của cuộc đời, sẽ có những lúc buộc ta phải yếu lòng, sa ngã; như cách mà cô Mịch thôn quê chấp nhận vượt qua rào cản đạo đức thông thường để ngoại tình với Long; hay ở Long, không ít lần dẫu đang yêu Mịch, anh vẫn động lòng với Tuyết. Con người luôn phải đặt mình vào trong trạng thái giằn co dữ dội giữa những đam mê dục vọng bên ngoài và bản chất thiện lương bên trong. Nó cũng như cuộc đấu tranh giữa xác anh hàng thịt và hồn Trương Ba trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Đó là cuộc đấu tranh giữa những bản ngã trong tâm hồn con người. Xác hàng thịt- đó là sự phù phiếm, sa ngã, ham muốn, đam mê, dục vọng,… tất cả những thứ có thể khiến ta trở nên yếu đuối. Trái lại với đó là hồn anh Trương Ba, đây là tiếng nói thức tỉnh lương tâm, là sự lên tiếng của lòng ham sống cao đẹp. Chúng ta buộc phải chấp nhận sự tồn tại song song giữa cái tốt, cái xấu. Chấp nhận không phải là sự đồng thuận, chấp nhận để đối diện, dũng cảm và vượt qua.

  1. Những phút yếu lòng của anh Trương Ba

Có lẽ, yếu đuối là bản chất của con người. Và phải chăng sự mãnh mẽ bên ngoài chính là những lúc chúng ta đang cố gắng chạy trốn bãn ngã bên trong của bản thân. Như cách vị phó linh mục Claude Frollo trong bộ phim cùng tên được chuyển thể từ tác phẩm “Nhà thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo. Những giây phút đầu tiên nhìn thấy nàng Esmenralda, ông ta quyền rủa nàng rằng “Đồ ma thuật” rồi quay đầu bỏ đi. Nó trái ngược hoàn toàn với sự đau khổ, khao khát đến mãnh liệt của ông về nàng khi trở về căn phòng tối của chính mình. Căn phòng là không gian để ông trở về, gặm nhắm những đam mê không được thõa đầy trong bóng tối. Cũng như chúng ta, sự hào nhoáng bên ngoài có đôi lúc, nó mong manh như một tấm áo mỏng đang cố che đậy những cái tôi mang khát vọng vượt thoát bên trong. Phải có lúc, chúng ta thừa nhận, bản thân yếu đuối trước những cám giỗ. Như anh Trương Ba, bây giờ, anh ăn bằng miệng của xác hàng thịt; ham muốn những món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi và đủ thứ thú vị khác theo khẩu vị của xác hàng thịt; tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại… khi đứng cạnh vợ hàng thịt. Từ người làm vườn khéo léo, nhẹ nhàng ngày xưa, nay trở nên vụng về, thô lỗ, khi ông chiết cây cam, bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm nát cả cây sâm quí mới ươm… Và đứng trước những sự ấy, ông chọn cái chết để gìn giữ chính mình trước sức tha hóa mạnh mẽ của xác hàng thịt. Chúng ta, cũng như Trương Ba, trong mọi cuộc chiến đấu trước bản ngã, đều có quyền lựa chọn cho mình một con đường để đi. Và con đường nào, nó phụ thuộc vào sức mạnh của lí trí, và cả sự dũng cảm của nội tâm.

(Phần 1)

You may also like

Leave a Comment