Những đứa con của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra đã “xuất đầu lộ diện”. Trong nhà kho gần như hoang phế của viện bảo tàng, các nhà Ai Cập học phát hiện ra bức tượng miêu tả những đứa con của Mark Antony và Cleopatra. Hiện vật được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1918 gần ngôi đền ở Dendera, trên bờ tây sông Nile. Bức tượng bằng đá sa thạch cao 10m được Bảo tàng Ai Cập ở Cairo mua lại, nhưng từ đó đến nay đã bị chìm trong quên lãng.
Đôi vầng nhật nguyệt
Một tác phẩm điêu khắc mang ký hiệu JE 46.278 trong danh mục viện bảo tàng, ở mặt sau có khắc một vài ngôi sao, đã thu hút sự chú ý của các nhà Ai Cập học. Có lẽ lúc đầu, tảng đá này là một phần của trần nhà. Phần còn lại của bức tượng cũng có những chi tiết khá bất thường. Trước hết, xin trích dẫn một đoạn trong tác phẩm “Cleopatra. Đằng sau huyền thoại” của nhà Ai Cập học người Anh Joann Fletcher. “Không thể hình dung được rằng Cleopatra bằng cách này hay cách khác không đề cập đến sự kiện quan trọng này (lần sinh đôi với Antony). Bảo tàng Cairo hiện lưu giữ một nhóm tác phẩm điêu khắc bằng đá sa thạch ít được biết đến, được tìm thấy ở Dendera, mô tả 2 vị thần (nhị nguyên). Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi “những vị thần này là ai?”, nhưng có khả năng đây là con của Cleopatra, được thể hiện dưới hình thức một bé trai và một bé gái ôm nhau. Ở trên đầu bé trai có một chiếc đĩa, có thể đoán là Mặt trời, còn trên tóc của bé gái có vật trang trí hình trăng lưỡi liềm. Trên vương miện có khắc con mắt của thần Horus (hay còn gọi thần Ra – thần Mặt trời), như là lá bùa hộ mạng. Hai đứa bé được hai con rắn lớn quấn quanh chân – đó là Isis và Serapis, các vị thần bảo vệ Alexandria và tất cả các thành viên hoàng tộc. Mặt sau của tác phẩm có khắc rải rác các ngôi sao”.
Giờ đây, các chuyên gia từ Trung tâm Khảo cổ học Địa Trung Hải của trường Đại học Warsaw, Ba Lan, đã xem xét kỹ món đồ tạo tác này và xác định chắc chắn rằng đây chính là tác phẩm điêu khắc thể hiện cặp song sinh con của Mark Antony và Cleopatra. Một bé trai và một bé gái có cùng chiều cao, ôm tay nhau đứng trên một bệ lớn, với hai con rắn cuộn tròn quanh chân. Hai đứa trẻ chính là Alexander Helios và Cleopatra Selene.
Các chuyên gia rất lưu ý đến việc đặt tên theo tiếng Hy Lạp: con trai của Cleopatra được đặt tên Helios, có nghĩa Mặt trời, còn con gái là Selena – Mặt trăng. Cái tên Alexander đứng trước Helios là để tưởng nhớ nhà chinh phục nổi tiếng (Alexander Đại đế) người Macedonia (vương triều Ptolemy mà Cleopatra là thành viên vốn có gốc gác từ Macedonia) và cái tên Cleopatra đứng trước Selene, tuy trùng với tên mẹ nhưng là để tưởng nhớ người em gái song sinh nổi tiếng của Alexander Đại đế. Ngoài ra, Cleopatra trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “vinh quang của vua cha”. Helios và Selene là hai thiên thể được người Hy Lạp coi là một cặp song sinh, cũng liên quan với hình ảnh của người mẹ – nữ thần Isis, được cho là đã sinh ra Mặt trời. Rắn Cobra là biểu tượng của hai thiên thể này. Con mắt của Horus tượng trưng cho sự bất tử. Tử thư Ai Cập viết: “Con mắt của Horus ban cho tôi sự sống đời đời và là bùa hộ mạng của tôi, ngay cả khi nó nhắm lại”.
Joan Fletcher viết: “Những cái tên nhật nguyệt và biểu tượng con mắt Horus trực tiếp liên quan đến các lời tiên tri trong sách sấm truyền Sibylline, trong đó nói rằng La Mã sẽ bị chinh phục bởi một nữ hoàng của phương Đông, người mang lại thời kỳ hoàng kim của tình yêu và sự hòa hợp. Đế chế Đông Tây hợp nhất này sẽ được cai trị bởi một người trẻ tuổi được các thánh thần phù trợ, việc lên ngôi của người này sẽ được sao trời báo trước. Theo một lời tiên tri khác, được gọi là “trận chiến giữa các ngôi sao”, cung Kim Ngưu, chiếu mệnh Antony, vượt qua cung Ma Kết hay còn gọi cung Nam Dương, chiếu mệnh Octavius, sau đó cung Xử Nữ sẽ thay đổi số phận cung Song Tử trong chòm sao Bạch Dương, mà có thể được coi là ám chỉ Cleopatra và người anh em sinh đôi của nàng là Alexander. Hình ảnh bầu trời với dấu hiệu của các cung hoàng đạo trên trần đền thờ ở Dendera cho thấy rằng nữ hoàng Cleopatra và các nhà chiêm tinh của bà đã dựa vào những lời tiên tri để diễn tả hiện tại và dự đoán tương lai”.
Số phận không may mắn
Khuôn mặt của hai đứa trẻ trên bức tượng đã bị hư hỏng nặng, tuy nhiên, mái tóc xoăn của bé trai với bím tóc tết về phía bên phải cũng cho thấy đó là kiểu tóc điển hình của trẻ con Ai Cập. Tóc của bé gái được búi trong một cái rọ nhỏ hình nửa quả dưa hấu, đặc trưng của triều đại Ptolemy nói chung và nữ hoàng Cleopatra nói riêng.
So sánh bức tượng này với một tác phẩm điêu khắc khác thuộc thời kỳ Ptolemy, mô tả tiểu vương Dendera là Pachomius, được trưng bày ở Đại học Mỹ thuật Detroit (Mỹ), có thể thấy cả hai đều có chung những đặc điểm về phong cách, chẳng hạn, khuôn mặt tròn, cằm nhỏ và đôi mắt lớn. Vì bức tượng Pachomius có niên đại 50-30 năm trước Công nguyên, tác phẩm điêu khắc mô tả cặp song sinh nọ cũng được coi là sản phẩm thuộc thời kỳ cuối cùng của thời đại Ptolemy.
Một chuyên gia nhận định, như một sự hòa trộn giữa thần thoại Ai Cập và nền văn hóa Hy Lạp, tác phẩm điêu khắc này cho chúng ta một bức tranh hoàn chỉnh về thời đại của Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra.
Ngoài hai đứa trẻ song sinh này, Nữ hoàng Cleopatra còn có những đứa con khác. Năm 47 trước Công nguyên, bà đã sinh đứa con đầu tiên của mình – Caesarion – là con trai của Julius Caesar, và đứa trẻ được tôn vinh là “con trai của Isis – thần của các vì vua”. Nếu ở Ai Cập, bà được tôn thờ như Isis thì tại Rome, bà lại được tôn vinh như thần Vệ Nữ (Venus).
Sau khi Caesar bị giết, Cleopatra rời khỏi La Mã, trở về cai trị Ai Cập một mình. Con trai của bà với Caesar – Caesarion, có vương hiệu Ptolemy XV – là người đồng cai trị trên danh nghĩa. Ở La Mã, Viện nguyên lão cử Octavius, cháu ruột và là con nuôi của Caesar, Mark Antony và Marcus Aemilius Lepidus cùng cai trị đế quốc, gọi là Tam đầu chế. Năm 42 trước Công nguyên, Antony đến Ai Cập để thị sát tình hình và đắm say sắc đẹp của nữ hoàng Cleopatra nên đã ở lại đây suốt hai năm sau đó. Cặp song sinh Alexander Helios và Cleopatra Selene sinh năm 40 trước Công nguyên, một vài tháng sau khi Mark Antony rời Ai Cập trở về La Mã để chuẩn bị tiến hành cuộc chiến chống Parthia. Cuộc chiến xảy ra khi Antony đã trở thành “cha đẻ của Mặt Trời và Mặt Trăng” (tức Alexander Helios và Cleopatra Selene), còn vua Parthia thì vốn vẫn được tôn vinh là người anh em của Mặt trời và Mặt trăng, như vậy, theo quan niệm thông thường, Antony có mọi cơ hội chiến thắng. Nhưng sau khi chiến thắng, Antony không về La Mã mà quyết định ăn mừng thắng lợi ở… Ai Cập. Năm 37 trước Công nguyên, Antony trở lại Ai Cập, chính thức kết hôn với Cleopatra và bà đã sinh thêm cho ông một con trai là Ptolemy Philadelphus (có nghĩa là người anh em yêu quý). Sự kiện này khiến Octavius vô cùng tức giận, vì lúc đó, Antony vẫn đang là chồng chính thức của Octavia Minor, em gái của Octavius. Octavius thuyết phục Viện nguyên lão tiến hành cuộc chiến tranh chống Ai Cập. Trong trận hải chiến Actium vào năm 30 trước Công nguyên, quân La Mã đánh bại quân của Antony và Cleopatra khiến hai người phải tự vẫn. Cleopatra tự tử bằng cách cho rắn độc cắn.
Octavius ra lệnh giết chết Caesarion (con của Caesar và Cleopatra) vì lo sợ bị tranh giành quyền lực về sau. Ba đứa trẻ mà Cleopatra sinh ra với Antony, Octavius đưa về La Mã giao cho Octavia (vợ trước của Antony) nuôi dạy. Về sau, Cleopatra Selene được gả cho Iobas của xứ Numidian, được người La Mã đưa lên ngai vàng xứ Moorish, và cùng chồng cai trị xứ này.
PHẠM BÁ THỦY
(Theo Pravda.ru)
Ảnh:
Cái chết của nữ hoàng Cleopatra
Trận hải chiến Actium kết thúc chế độ Cộng hòa ở La Mã
Tượng cặp song sinh Alexander Helios và Cleopatra Selene
CON CỦA NỮ HOÀNG CLEOPATRA
98