3 KHÁM PHÁ CỦA COLUMBUS KHIẾN NHÂN LOẠI PHẢI TRẢ GIÁ ĐẮT

by admin

Phạm Bá Thủy

Vào ngày 6/11/1492, lần đầu tiên đặt chân lên hòn đảo ngày nay là Cuba, Christopher Columbus không ngờ rằng ông không chỉ mở ra một châu lục mới, mà còn mang về cho Lục địa già một thói quen độc hại, một căn bệnh nguy hiểm chết người và một loài côn trùng gây hại…

1: THUỐC LÁ

Columbus thực sự là người châu Âu đầu tiên thử thuốc lá, nhưng ông không trở thành người nghiện hút. Nói cách khác, Columbus không tự thân du nhập chứng nghiện thuốc lá từ Thế giới Mới sang Thế giới Cũ. Theo lời kể của những người chứng kiến, sau khi hút thử một điếu xì gà làm từ những chiếc lá khô xoắn chặt của một loài cây vô danh, được đốt lửa ở một đầu, nhà hải hành vĩ đại không thấy có mùi vị gì hấp dẫn.

Người hút thuốc lá thực sự đầu tiên làm gương xấu cho của Cựu thế giới là một trong những thành viên thủy thủ đoàn của Columbus, Rodrigo de Jerez, người đã lan truyền “căn bệnh độc hại” mà từ đó, theo WHO, ngày nay trên thế giới mỗi năm có hơn 5 triệu người chết vì thuốc lá. Trớ trêu thay, chính de Jerez trở thành nạn nhân đầu tiên của việc hút thuốc lá, mà lại là nạn nhân về mặt chính trị. Giáo hội Công giáo cáo buộc de Jerez thở ra khói quỷ Satan và ngay lập tức phát động chiến dịch chống hút thuốc đầu tiên trên thế giới.

Nhưng thuốc lá đã không bị khuất phục. Giáo hội, dẫu với sức mạnh vô song bao trùm thiên hạ, vẫn thất bại thảm hại trong chiến dịch chống thuốc lá. Người châu Âu rất mê hút thuốc. Tòa án Dị giáo đã phải nhượng bộ một phần, chỉ giới hạn ở việc cấm hút thuốc trong nhà thờ và trong thời gian cầu nguyện. Còn de Jerez, người phải nhận một bản án nặng nề “vì mối liên hệ với quỷ Satan” đã được trả tự do sau 7 năm ngồi ngục tối.

Từ một “công cụ của ma quỷ”, thuốc lá đã biến thành “thần dược” trong tâm thức đại chúng thời ấy. Chẳng hạn, hoàng hậu Catherine de Medici, vị vương mẫu nổi tiếng của nước Pháp, đã sử dụng nó để điều trị chứng đau nửa đầu. Người bình dân cũng đã cố gắng chữa đau răng, đau dạ dày và đau nhức xương bằng thuốc lá.

Một thế kỷ sau ngày Columbus phát hiện ra châu Mỹ, thuốc lá đã chinh phục toàn bộ châu Âu: loài cây này được trồng đại trà ở Bỉ, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Sĩ và Anh. Ở Pháp, Tây Ban Nha và sau đó là Anh, nhà nước nắm giữ độc quyền thị trường thuốc lá. Như vậy, thói quen độc hại của người dân đã trở thành con gà đẻ trứng vàng cho ngân khố quốc gia (!).

2: BỆNH GIANG MAI

Sự trao đổi, lưu thông “hàng hóa” vật chất cũng như phi vật chất giữa Thế giới Cũ và Thế giới Mới diễn ra không ngừng. Những kẻ chinh phạt đã “ban thưởng” cho người da đỏ bệnh đậu mùa, dịch hạch, cúm, dịch tả… và về phần mình, người Tây Ban Nha cũng được “lại quả” căn bệnh hoa liễu quái ác – bệnh giang mai. Một số nguồn cho rằng chính Columbus là người châu Âu đầu tiên có “vinh dự” được “tặng” căn bệnh này. Những nguồn khác thì đổ hết lên đầu các thủy thủ. Vào năm 1494, lực lượng thủy thủ hoạt động như một phần của quân đội vua Tây Ban Nha Charles VIII, người đã phát động chiến tranh với nhà nước Neapolitan. Quân đội di chuyển rất chậm chạp, do đó, một căn bệnh chưa từng có đã bùng phát cả trong chính quân đội và cư dân của các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Nhà sử học thời đó, Pietro Bembo, đã mô tả tình trạng này như sau: “Chẳng bao lâu, trong các thành phố bị chiếm đóng bắt đầu lây lan một căn bệnh nghiêm trọng, được đặt tên là “bệnh dịch xứ Gallia”, về sau được gọi là “bệnh từ nước Pháp” và thậm chí là “bệnh từ Bỉ”.

Chỉ vài năm sau khi Charles VIII chiếm được Naples, một nửa châu Âu đã bị nhiễm “căn bệnh Pháp”.

Trận dịch bệnh giang mai đầu tiên, bùng phát vào năm 1495, đã khiến dân số châu Âu giảm 5 triệu. Bệnh giang mai không tha bất cứ ai – cả bình dân lẫn quý tộc. Đến năm 1500, bệnh giang mai vượt qua biên giới châu Âu, đến Thổ Nhĩ Kỳ và châu Á. Sự tàn phá mà căn bệnh này mang lại cho các dân tộc châu Âu có thể so sánh với hậu quả của các vụ dịch bệnh đậu mùa, sởi và dịch hạch.

Nhân loại chiến thắng bệnh giang mai chỉ nhờ việc phát minh ra penicillin vào giữa thế kỷ 20, cho đến thời điểm đó, thế giới đã chật vật chống chọi căn bệnh này với sự trợ giúp của asen và thủy ngân.

3: BỌ CÁNH CỨNG KHOAI TÂY COLORADO

Loài côn trùng đã làm khốn đốn nhà nông ở các quốc gia khác nhau trong hơn 1 thế kỷ nay, lây lan khắp thế giới cũng do lỗi gián tiếp của nhà hàng hải vĩ đại Columbus.

Trong nhiều nghìn năm, một loài côn trùng vô hại sống ở vùng Trung Mỹ, kiếm ăn về đêm những thức ăn hoang dã không có giá trị thương mại…

Những người thực dân châu Âu, đã vô tình thay đổi không chỉ môi trường sống, mà còn cả sở thích ăn uống của loài Leptinotarsa ​​Decemlineata (bọ khoai tây Colorado).

Số là Columbus đã mang khoai tây hoang dã từ châu Mỹ về châu Âu. Củ nhỏ, nhăn nheo, chẳng có gì hấp dẫn và không giống như khoai tây chúng ta ăn ngày nay. Lúc đầu, người châu Âu coi khoai tây là loài độc hại và chỉ trồng làm cảnh. Sau nhiều thế kỷ chọn lọc tự nhiên và nhân tạo, củ khoai tây trở nên ngon, ăn được và đã được đưa trở về bản quán là châu Mỹ. Ở đó, khoai tây trở thành nguồn lương thực không chỉ cho những người thực dân châu Âu, mà còn cho một loài bọ cánh cứng.

Với nguồn thức ăn dồi dào “hạp khẩu vị”, loài côn trùng vô hại này sinh sôi mạnh mẽ và sớm trở thành một nạn vấn lớn. Năm1859, bọ khoai tây gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đầu tiên cho nông dân bang Colorado (Mỹ), do đó được đặt tên là bọ khoai tây Colorado. Không gặp chướng ngại vật trên đường hành tiến của mình, chúng di chuyển về phía đông với tốc độ khoảng 185 km mỗi năm.

Bao phủ hàng nghìn km vuông, đội quân bọ rùa này đã “bò” được đến bờ biển Đại Tây Dương. Người dân châu Âu đã nghe “đại danh” loài bọ này nên vô cùng thận trọng với những sản vật nhập về từ châu Mỹ.

Pháp và Đức đã cấm nhập khẩu khoai tây từ nước ngoài. Tất cả hàng hóa từ Hoa Kỳ đều phải được khám xét kỹ lưỡng, tiêu hủy tức khắc những con bọ được phát hiện. Nhưng điều đó cũng không giúp được gì. Đến cuối thập niên 1930, loài bọ khoai tây Colorado đã “thống trị” vững chắc trên các cánh đồng khoai tây ở châu Âu, Liên Xô và một phần châu Á. Ngày nay, con người đang phải chống chọi loài bọ khoai tây Colorado với sự hỗ trợ của thuốc trừ sâu và việc lai tạo các giống khoai tây mới. Nhưng chiến thắng cuối cùng trước loài côn trùng nham hiểm này xem ra vẫn còn rất xa.

PHẠM BÁ THỦY

Theo Vokrugsveta

Ảnh:

Columbus đặt chân lên châu Mỹ

Một xưởng chế biến thuốc lá ở Pháp cuối thế kỷ 19

Một nhà thổ ở châu Âu đầu thế kỷ 16, ổ lan truyền bệnh giang mai

Bọ khoai tây Colorado

You may also like

Leave a Comment