PHẠM BÁ THỦY
Đế chế du mục xuất hiện là kết quả của sự kết hợp nhiều hoàn cảnh. Tuy nhiên, yếu tố chính giúp quân Mông Cổ bách chiến bách thắng suốt một thời gian dài là việc họ đã phát minh ra một cây cung đặc biệt, hiệu quả của nó tương đương với một khẩu súng.
Sau khi thống nhất các bộ lạc du mục vào năm 1206, Thiết Mộc Chân lên ngôi hoàng đế ở Mông Cổ, lấy đế hiệu là Thành Cát Tư Hãn. Đến năm 1215, người Mông Cổ đã chinh phục hầu hết Đế quốc Đại Kim (một lãnh thổ rộng lớn thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc ngày nay) và đến năm 1234 thì xóa sổ hẳn triều đại nhà Kim. Từ năm 1237 đến năm 1241, hầu hết các công quốc thuộc nước Nga đều bị đánh bại. Năm 1241, quân Mông Cổ xâm chiếm châu Âu, năm 1243 họ chinh phục bán đảo Tiểu Á (vùngAnatolia của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Thành Baghdad (thuộc Iraq ngày nay) thất thủ năm 1258, và trước đó, thành trì nổi tiếng của người Arập – pháo đài Alamut – đã đầu hàng vào năm 1256.
Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, tất cả các Đại Hãn Mông Cổ kế tục đều không tài giỏi như ông, và quân đội của họ không phải là đông đảo nhất. Tuy nhiên, vài thập kỷ sau cái chết của Thành Cát Tư Hãn việc mở rộng nhanh chóng các phần lãnh thổ mới của dân du mục đã không dừng lại, bất kể là do ai cầm quân. Yếu tố nào đã giúp người Mông Cổ có thể thay đổi tiến trình lịch sử nhanh chóng đến như vậy?
Kỹ thuật tác chiến mới mẻ
Những người đương thời thường để lại những ký ức về những chiến thắng thần tốc của các chiến binh Mông Cổ. Trong các nguồn sử liệu, một phương pháp tác chiến khác thường của quân Mông Cổ được ghi nhận như sau: những kỵ binh cưỡi ngựa nhanh chóng di chuyển xung quanh trận địa, thay đổi hướng di chuyển, khiến đối phương không biết đâu mà lần. Thường thì chiến thuật này được họ áp dụng khi đã đánh mất lợi thế chiến trường, buộc phải lui binh. Tuy nhiên, ngay cả trong khi rút lui, các chiến binh cưỡi ngựa hoàn hảo đã không ngừng bắn cung vào kẻ thù đang truy đuổi đã mất sức và mất sự tập trung. Khi nhận thấy lợi thế đã nghiêng về phía mình, quân Mông Cổ ngay lập tức thay đổi hướng di chuyển và chuyển sang phản công.
Một kịch bản khác được quân Mông Cổ áp dụng là tìm cách dàn mỏng lực lượng của kẻ thù thành nhiều bộ phận và tổ chức phục kích. Kẻ thù, đã kiệt sức và đang chú tâm vào việc truy đuổi lực lượng chính của Mông Cổ, sẽ bất ngờ bị tập kích từ hai bên sườn bởi quân mai phục dù chỉ với số lượng ít.
Hiệu quả chiến đấu của kỵ binh Mông Cổ trong cuộc rút lui cao hơn so với hầu hết các chiến binh thời đó khi họ chiến đấu trực diện. Các biên niên sử đặc biệt chú ý đến khả năng của người Mông Cổ trong việc bắn cung. Nhiều trường hợp bắn trúng đích ở cách xa hàng trăm mét đã được ghi nhận. Nạn nhân của những mũi tên sát thủ không chỉ là người, mà còn cả ngựa. Sức mạnh của loại vũ khí này có thể giết chết con vật ngay lập tức, điều này ảnh hưởng rất mạnh đến trận chiến với kỵ binh địch: bắn trúng ngựa dễ hơn trúng người, và một khi ngựa bị giết, kỵ sĩ cũng bị vô hiệu hóa. Các yếu tố sau đây đã trở thành át chủ bài của quân Mông Cổ: tính cơ động, khả năng giữ khoảng cách và sử dụng thành thạo vũ khí cung tên.
Một phát minh đã thay đổi cả tiến trình lịch sử
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử (trong đó nổi bật nhất là một chuyên gia nổi tiếng người Nga, tiến sĩ sử học Serge Nefedov) đã khẳng định rằng việc phát minh ra một thiết kế cung mới đóng vai trò quyết định trong chiến thắng của quân Mông Cổ. Các chiến binh của thảo nguyên Á-Âu từ lâu đã sử dụng một cây cung với thiết kế tổng hợp (đa thành phần). Thân gỗ của cung được gia cố bằng các thanh xương sườn của ngựa, nhờ đó cây cung trở nên dẻo dai, bền chắc hơn nhiều và sức bật của dây cung cũng tăng lên gấp bội. Phát minh mang tính cách mạng của người Mông Cổ đã giúp họ có được năng lực tác xạ vượt trội so với quân đối phương.
Ngoài việc tăng sức bật, sự đổi mới còn giúp giảm đáng kể kích thước của cây cung và tăng tối đa khả năng sử dụng vũ khí này khi cưỡi trên lưng ngựa. Với một số lượng mũi tên đầy đủ, các kỵ sĩ có thể bắn dữ dội khi di chuyển, điều này có hiệu quả tương đương với việc sử dụng súng máy. Đồng thời, sức mạnh của mũi tên bắn ra từ loại vũ khí mới này là rất lớn, đến nỗi nó được đánh giá không thua kém sức mạnh của những khẩu súng thuộc đời đầu tiên.
Sự trùng hợp
Các tính năng đặc biệt của cung tên Mông Cổ nằm ở sự phức tạp của chế tác và sử dụng, điều này làm nên năng lực vượt trội so với cung tên của các dân tộc khác. Việc chế tạo cung tên của người Mông Cổ có thể được so sánh với việc rèn kiếm samurai. Các lớp gỗ và xương trong cung Mông Cổ, cũng như các lớp kim loại trong kiếm Nhật, được kết nối với nhau bằng một công nghệ đặc biệt. Việc sản xuất vũ khí đòi hỏi những nỗ lực đáng kể, đồng thời cũng cần đến một số bí quyết được giữ kín tuyệt đối, vì thế, đối với các dân tộc khác, việc chế tạo một loại cung giống cung Mông Cổ không phải lúc nào cũng khả thi. Trong một khí hậu ẩm, chẳng hạn, không thể đạt được độ bền cấu trúc cần thiết, vì không thể làm khô các phần được dán.
Một lợi thế trong việc phát triển một loại vũ khí mới cũng được đưa ra bởi cách sống đặc biệt của những người du mục. Để có thể thường xuyên kéo dây cung đến mức tối đa (kỵ sĩ nhiều khi phải thực hiện động tác này hàng trăm lần trong 1 trận chiến đấu), cần có sự rèn luyện đặc biệt. Người du mục học bắn cung và cưỡi ngựa từ thời thơ ấu. Kết quả của nhiều năm luyện tập chăm chỉ, một kỹ năng phản xạ đã được phát triển để có thể bắn cung chính xác, bách phát bách trúng từ trên lưng con ngựa đang phi. Cả người châu Âu và người Ả Rập đều không thể sử dụng vũ khí này ở cùng cấp độ.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến sự thành công của việc sử dụng cung của người Mông Cổ – đó là việc hầu hết những người du mục không muốn (và không thể) tiếp cận vũ khí hạng nặng như thương, đao, giáo mác vì rất khó xoay trở với chúng khi ngồi trên lưng ngựa. Áo giáp và thương đao kim loại chỉ dành cho những nhân vật thuộc hàng chiến tướng. Do đó, chiến thuật chiến đấu đặc biệt đã được xác định trước. Quân đội, phần lớn bao gồm các cung thủ vũ trang hạng nhẹ, có thể liên tục né tránh một cuộc va chạm mặt đối mặt với kẻ thù, chỉ tấn công từ xa bằng cách bắn tên.
Chiến thuật chiến đấu mới, cùng với vũ khí cung tên đặc biệt hiệu quả, đã giúp cho người du mục Mông Cổ có thể tạo ra bước nhảy vọt về nghệ thuật quân sự và tạo ra một đế chế có quy mô chưa từng thấy.
Cho đến ngày nay, người Mông Cổ vẫn thường xuyên tập luyện bắn cung, ngay từ tuổi nhi đồng
Nhà báo Phạm Bá Thủy