Fiore Furlano de’i Liberi de Cividale d’Austria

by admin

Fiore Furlano de’i Liberi de Cividale d’Austria (fl. 1381 – 1409), thường được biết đến với tên gọi Fiore de’i Liberi là một bậc thầy kiếm thuật người Ý sống ở cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Ông sinh ra ở Cividale del Friuli, một thị trấn thuộc Lãnh địa Thượng phụ Aquileia (thuộc vùng Friuli của nước Ý ngày nay) và là một thành viên của Nhà Liberi xứ Premariacco. Từ cái họ “Liberi”, các nhà nghiên cứu suy đoán rằng Fiore rất có thể là hậu duệ của một Eques Imperii – Imperial Free Knight, những hiệp sĩ có chủ nhân là Hoàng đế La Mã Thần thánh.
Ngay từ khi còn nhỏ, Fiore đã thể hiện niềm đam mê mãnh liệt với võ thuật và luyện tập với vô số võ sư đến từ hai nền võ thuật lớn mạnh của Châu Âu là Đức và Ý. Ông cũng đã thực hiện những chuyến du hành đến các thành bang nước Ý nằm ở biên giới Đế quốc để học hỏi nhiều hơn. Trên chuyến hành trình, Fiore đã có cơ số cuộc chạm trán với những tay mạo xưng cao thủ, những kẻ mà ông đánh giá là thiếu những kỹ năng cơ bản nhất của một kiếm sĩ giỏi. Không những vậy, đã có năm lần khác nhau mà những kẻ này xúc phạm Fiore vì ông không chịu chỉ dạy cho chúng, buộc ông phải rút kiếm để bảo vệ danh dự của mình. Cả năm trận đấu diễn ra với hai bên sử dụng kiếm sắc, chỉ mặc gambeson và đeo găng tay da và cả năm lần Fiore đều giành chiến thắng mà không phải chịu bất cứ thương tổn gì.

Thay vì viết nhiều về sự nghiệp làm lính đánh thuê, Fiore giới thiệu bản thân đến người đọc bằng danh tiếng của các vị sư phụ cũng như đệ tử của ông. Fiore tuyên bố một trong số những người thầy của mình là Johane dicto Suueno, học trò của Nicholai de Toblem. Không may, cả hai cái tên đều được viết bằng tiếng Latin nên chúng ta khó có thể đưa ra kết luận gì ngoại trừ hai ông là người Đức hoặc Ý và đều rất nổi tiếng ở thời của Fiore. Ông cũng đưa ra một danh sách những “condottieri” (chỉ huy lính đánh thuê) danh tiếng vốn là học trò của ông, bao gồm: Piero Paolo del Verde, Niccolo Unricilino, Galeazzo Gonzaga da Mantova, Giovannino da Baggio di Milano, Azzone di Castelbarco,… cùng những chiến tích của họ.

Hoạt động quân sự nổi bật nhất của Fiore là cuộc Chiến tranh Kế vị Aquileia nổ ra vào năm 1381 giữa liên minh các quý tộc thế tục vùng Udine và Thượng phụ (hoàng tử – giám mục) mới được chi định của Aquileia là Philippe Ⅱ Cardinal d’Alençon. Năm 1383, Fiore đến Udine gia nhập phe liên minh quý tộc và được cấp quyền cư trú trong thành phố vào ngày 3/8. Đến ngày 30/09, hội đồng tối cao giao cho Fiore nhiệm vụ bảo trì vũ khí (bao gồm cả các khí tài phòng thủ thành phố như nỏ lớn và máy bắn đá). Tháng 02/1384, ông nhận nhiệm vụ tuyển mộ lính đánh thuê. Fiore hoàn thành công việc trong khoảng ba tháng và đến tháng 5, ông được bổ nhiệm làm pháp quan giữ gìn an ninh của một quận trong thành. Sau sự kiện này, cái tên Fiore gần như biến mất khỏi các tài liệu lịch sử liên quan đến cuộc chiến.

Trong những sau đó, Fiore chu du khắp miền bắc nước Ý để dạy kiếm thuật và huấn luyện đấu sĩ cho các trận đấu tay đôi.
Năm 1395, Fiore đến Padua để huấn luyện chỉ huy quân đánh thuê Galeazzo Gonzaga xứ Mantua trước khi bước vào trận quyết đấu với vị thống chế người Pháp Jean Ⅱ le Maingre (hay còn được biết đến với tên gọi Boucicaut, người sau này chỉ huy quân tiên phong Pháp trong trận Agincourt nổi tiếng). Nguyên nhân là do Galeazzo đã thách đấu Boucicaut khi ông này bày tỏ nghi ngờ về lòng dũng cảm của người Ý ngay tại triều đình hoàng gia Pháp. Trận đấu tay đôi được đồng tổ chức bởi Francesco Novello da Carrara, Lãnh chúa Padua và Francesco Gonzaga, Lãnh chúa Mantua vào ngày 15/08. Đáng lẽ ra trận đấu sẽ bắt đầu bằng cưỡi ngựa đấu thương nhưng Boucicaut vì quá nôn nóng nên đã nhảy khỏi ngựa và lao đến tấn công Galeazzo lúc này vẫn còn đang đứng trên mặt đất. Galeazzo giáng một đòn mạnh vào mũ giáp của Boucicaut nhưng rồi lại bị đối thủ xoay xở tước mất vũ khí. Galeazzo sau đó gọi người lấy cho cây poleaxe nhưng đúng lúc này các lãnh chúa đã kịp thời can thiệp để kết thúc trận đấu.

Năm 1399, Fiore đến Pavia để huấn luyện Giovannino da Baggio, chuẩn bị cho cuộc đấu tay đôi với một hầu cận hiệp sĩ người Đức tên là Sirano. Trận đấu diễn ra vào ngày 24/06 và được tổ chức bởi Gian Galeazzo Visconti, Công tước Milan. Theo trình tự, hai bên sẽ đấu ba hiệp thương ngựa, ba hiệp poleaxe, ba hiệp estoc và ba hiệp dao. Thế nhưng sau khi kết thúc ba hiệp thương ngựa đầu, hai đấu sĩ quyết định sẽ thêm hai hiệp nữa. Trong hiệp thương ngựa thứ năm, Baggio đã đâm xuyên ngực con ngựa của Sirano, giết chết nó ngay lập tức nhưng cũng đồng thời làm mất cây thương của mình. Hai bên đấu tiếp tục chín hiệp còn lại và kết quả là không ai bị thương nhờ vào chất lượng của những bộ giáp (và các vũ khí đều đã được làm cùn).

Vào những năm cuối đời, Fiore nhận lời làm thầy dạy kiếm trong hội đồng của Niccolò Ⅲ d’Este, Hầu tước của Ferrara, Modena và Parma. Dưới sự bảo trợ của vị Hầu tước, Fiore đã hoàn thành tác phẩm để đời của ông là Fior di Battaglia (tiếng Latin: Flos Duellatorum – The Flower of Battle), với nội dung bao gồm chiến đấu tay không, kiếm thuật, dao, thương, rìu, chiến đấu khi mặc giáp và chiến đấu khi cưỡi ngựa.

Fiore có thể nói là một một trong những master có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đối với HEMA hiện đại. Giáo trình Fior di Battaglia của ông là một trong những văn kiện thuộc hàng quan trọng và phổ biển bậc nhất. Bản thân Fiore cũng là một hình tượng kiếm khách thường xuyên được mang ra so sánh với Miyamoto Musashi.

You may also like

Leave a Comment